Tình yêu - Gia đình

Cách nấu cháo cá chép cho bà bầu – Vị thuốc an thai không thể bỏ qua

CẬP NHẬT 30/07/2022 | BỞI Tiến Kiều

Trong kinh nghiệm dân gian được truyền lại, cháo cá chép là món ăn không thể thiếu được khuyên dùng cho những người đang mang thai. Với những tác dụng như thông sữa, cung cấp dinh dưỡng, chữa ho… cháo cá chép cho bà bầu còn được biết đến với tác dụng an thai. 

Vậy nấu cháo cá chép như thế nào? Mẹ bầu hãy lưu lại các cách nấu cháo cá chép ngon và chuẩn vị nhất dưới đây nhé. 

1. Lợi ích dinh dưỡng của cháo cá chép cho bà bầu

Cá chép là một trong những thực phẩm hàng đầu trong danh sách những thực phẩm giúp an thai. Cá chép có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như: Canxi, Protein, Kali, sắt, chất béo, photpho và rất giàu vitamin, omega-3, enzim. Các dưỡng chất có trong cá chép sẽ giúp bé trong bụng mẹ phát triển trí não tốt hơn. Trong dân gian từ xa xưa người ta tin rằng khi mang thai nếu mẹ ăn cháo cá chép thì thai sẽ gọn và sạch, trẻ sinh ra sẽ thông minh. 

Hơn nữa, cháo cá chép cho bà bầu còn giúp tiêu phù, lợi tiểu, chữa ho, thông sữa và tăng cường chất dinh dưỡng. Loại cháo này có vị ngọt thanh của thịt cá, tùy từng nguyên liệu kết hợp với cháo sẽ có những món cháo cá chép khác nhau, mang lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu. Khi nấu cháo cá chép, các mẹ nên chọn loại cá tươi ngon nhất và nấu luôn trong ngày nhé. 

lợi ích của cháo cá chép
Các dưỡng chất có trong cá chép sẽ giúp bé trong bụng mẹ phát triển trí não tốt hơn

2. Cháo cá chép nên ăn vào lúc nào khi mang thai

Mỗi món ăn được khuyên dùng cho mẹ bầu đều có thời gian phù hợp với thai kỳ cụ thể. Với cháo cá chép, mẹ bầu nên ăn món này trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Đây là thời gian thai nhi đang dần hình thành các cấu trúc cơ thể nên cần bổ sung nhiều dưỡng chất cho giai đoạn phát triển này. 

Cháo cá chép cho bà bầu nên được ăn vào mỗi buổi sáng để hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất. Mỗi bát cháo vào buổi sáng và buổi trưa (hoặc các bữa chính) sẽ giúp mẹ bầu có đủ năng lượng cho một ngày, đồng thời giúp dưỡng thai, an thai tốt hơn. Cháo cá chép có thể được kết hợp với các nguyên liệu khác nhau để đảm bảo đủ dinh dưỡng cũng như thay đổi khẩu vị mỗi bữa cho mẹ bầu. 

3. Các cách chế biến cháo cá chép cho bà bầu

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ mẹ vẫn có thể ăn những loại thực phẩm khác. Tuy nhiên để thực đơn món cháo cá chép được phong phú hơn, mẹ bầu hãy lưu lại những cách chế biến dưới đây nhé. 

3.1 Cháo đậu xanh cá chép

Nguyên liệu cho phần cháo đậu xanh nấu với cá chép

  • Cá chép tươi
  • Đậu xanh đã sơ chế bóc vỏ (có thể mua sẵn tại siêu thị, đại lý) 
  • Gạo nếp, tẻ để nấu cháo
  • Nguyên liệu khử mùi tanh: Hành, gừng, tỏi, thì là
  • Gia vị: Nước mắm, gia vị, hạt tiêu, dầu ăn … 

Cách nấu:

  • Bước 1: Đun sôi nước, luộc cá với gừng thái lát và thì là để khử tanh. Khi cá chín vớt ra và lọc thịt cá, bỏ xương.
  • Bước 2: Dùng nước cốt ninh cá để nấu cháo. Gạo và đỗ xanh vo sạch, thả vào nồi nước cốt. Đậy nắp và ninh nhỏ lửa khoảng 1 tiếng để cháo được nhừ. Nêm nếm gia vị vừa ăn
  • Bước 3: Ướp phần cá đã lọc xương với nước mắm, gia vị, đường, tiêu. Ướp khoảng 10 phút trước khi nấu để cá ngấm gia vị 
  • Bước 4: Dùng chảo với lửa lớn phi hành tỏi với thịt cá và đảo đều đến khi dậy mùi thơm. Cá được cho vào nồi cháo khuấy đều. 
  • Bước 5: Xong phần cháo cá chép cho bà bầu, đổ cháo ra tô với hành lá, thìa là và thưởng thức
cháo các chép đậu xanh
Hướng dẫn nấu cháo cá chép đậu xanh

3.2 Cháo đậu đỏ cá chép

Cháo cá chép đậu đỏ có tác dụng bổ máu, làm dịu căng thẳng mệt mỏi, là món ăn không chỉ tốt cho mẹ bầu mà còn cho các thành viên trong gia đình.

Nguyên liệu cho phần cháo đậu đỏ nấu với cá chép

  • Cá chép tươi
  • Đậu đỏ (Cần ngâm nước 6-8 tiếng để đậu nở mềm)
  • Gạo nếp để nấu cháo
  • Táo đỏ, trần bì
  • Hành tím, hành lá, gừng, mùi
  • Gia vị nêm nếm

Cách nấu:

  • Bước 1: Đun sôi nước, luộc cá với gừng thái lát và thì là để khử tanh. Khi cá chín vớt ra và lọc thịt cá, bỏ xương.
  • Bước 2: Dùng nước luộc cá để hầm chung đậu đỏ, trần bì, táo đỏ
  • Bước 3: Nấu riêng một phần cháo trắng với gạo nếp, để riêng
  • Bước 4: Khi nấu xong cháo trắng, trút phần cháo trắng vào nồi nước cốt vừa hầm và nêm gia vị vừa miệng. Cho phần thịt cá đã lọc xương vào nồi khuấy đều
  • Bước 5: Xong phần cháo cá chép cho bà bầu, đổ cháo ra tô với hành lá, thìa là và thưởng thức
cháo đậu đỏ cá chép
Hướng dẫn nấu cháo các chép đậu đỏ

3.3 Cháo nấm với cá chép

Cháo cá chép với nấm và nghệ không những cung cấp dưỡng chất cho mẹ bầu mà còn tăng sức đề kháng, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.

Nguyên liệu cho phần cháo nấm nấu với cá chép

  • Cá chép tươi
  • Nấm tươi (Nấm rơm, nấm đùi gà hoặc nấm hương tươi)
  • Gạo nếp, tẻ
  • Nghệ
  • Hành lá, thì là và các loại gia vị

Cách nấu:

  • Bước 1: Đun sôi nước, luộc cá với gừng thái lát và thì là để khử tanh. Khi cá chín vớt ra và lọc thịt cá, bỏ xương.
  • Bước 2: Sơ chế nguyên liệu. Nghệ rửa sạch, giã nát, ướp với thịt cá đã lọc (có thể dùng bột nghệ). Nấm rửa sạch và thái miếng nhỏ vừa ăn
  • Bước 3: Vo gạo và nấu cháo, ninh cháo thật mềm 
  • Bước 4: Khi cháo chín, cho nấm và thịt cá đã ướp nghệ vào nồi cháo ninh nhừ, nêm gia vị vừa ăn
  • Bước 5: Xong phần cháo cá chép cho bà bầu, đổ cháo ra tô với hành lá, thìa là và thưởng thức
cháo cá chép hấp
Hướng dẫn nấu cháo các chép nấm

3.4 Cá chép hấp

Không chỉ mỗi cháo, mẹ bầu hoàn toàn có thể ăn cá chép như một món ăn bình thường. Trong đó món cá chép hấp là món khá phổ biến và dễ thực hiện. Cá chép khi hấp sẽ giữ được tối đa chất dinh dưỡng, mềm và ngọt của thịt cá. Nếu ăn quá nhiều cháo cá chép cho bà bầu khiến mẹ bị ngán, hãy thử cách này nhé. 

Món cá chép hấp là món khá phổ biến và dễ thực hiện

Nguyên liệu:

  • 1 con cá chép tươi
  • Cần tây, rau thìa là, gừng, sả
  • Gia vị: tỏi, hành khô, ớt, gia vị, chanh tươi

Cách nấu

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

Cá chép khi mua ngoài chợ mẹ hoàn toàn có thể nhờ người bán sơ chế qua. Với cá to thì cắt khúc, với cá bé có thể để nguyên con và khía vài đường trên thân. 

Rửa sạch cá, để ráo sau đó ướp cá với chút mắm, tiêu. Để cá ngấm gia vị trong khoảng 20-30 phút.

Với các nguyên liệu còn lại, mẹ rửa sạch rau thìa là, sả và thái nhỏ. Cà chua cắt múi. Băm nhỏ hành tím và tỏi còn gừng thì thái chỉ. 

Bước 2: Hấp cá

Nếu không có vỉ hấp cá, bạn có thể lót đáy nồi với sả, gừng sau đó xếp cá lên trên. Đổ chút nước vào, đậy vung và hấp cá. Khi cá gần chín bạn cho thêm thìa là, hành lá và cà chua lên trên rồi tiếp tục đậy vung hấp đến khi cá chín hoàn toàn. 

Các loại cây gia vị tự nhiên đều có tính chất kháng viêm, tăng đề kháng và khử mùi tanh của cá vô cùng hiệu quả. Càng nhiều sả, thìa là, gừng thì cá hấp càng thơm. 

cá chép hấp
Món cá chép hấp thơm ngon

Bước 3: Pha nước chấm 

Sau khi cá chín. Bạn cho cá ra đĩa và thưởng thức cùng với nước chấm.  

4. Tip nấu cháo cá chép cho bà bầu không tanh

Nếu trong thời gian thai nghén mẹ bầu cảm thấy không thích mùi của cá chép thì có thể tham khảo những cách khử tanh dưới đây nhé. 

Đầu tiên để nấu được món cháo cá chép cho bà bầu đúng chuẩn bạn phải chọn cá chép loại tươi, to và thơm thịt. Các hàng bán cá đều có nhận sơ chế đánh vảy, nên bạn có thể nhờ họ xử lý cá luôn, thông thường họ sẽ xử lý phần ruột cá, chỉ giữ lại những phần nội tạng ăn được. 

Với các bà bầu thì nên bỏ phần nội tạng của cá để tránh bớt mùi tanh. Sau khi mua cá về, bạn cần rửa sạch lại, xát muối và gừng để sạch nhớt và khử mùi tanh

Khi luộc thịt cá, bạn chuẩn bị gừng thái lát mỏng hòa với nước. Bạn đun sôi nước gừng trước rồi mới thả cá vào luộc. Càng nhiều gừng thì cá sẽ càng bớt tanh, tuy nhiên nếu gừng quá nhiều có thể sẽ lấn át vị cá và khiến nước có vị cay của gừng. Vì vậy khi luộc bạn có thể thêm rau thìa là sẽ át mùi tanh của cá chép đi nhiều hơn. 

cách nấu cháo cá chép
Với các bà bầu thì nên bỏ phần nội tạng của cá để tránh bớt mùi tanh.

Khi cá chín, bạn vớt cá ra cho nguội bớt, gỡ lấy phần thịt cá. Phần thịt này nếu vẫn sợ tanh bạn có thể ướp với nghệ, gừng, nêm gia vị để toàn bộ phần thịt cá được khử mùi tanh hoàn toàn. Phần đầu cá sẽ dễ gây mùi tanh nếu không được xử lý tốt, vì vậy phần đầu bạn nên để riêng để ninh nước cốt cháo.

Phần nhân cá là phần quan trọng nhất quyết định độ ngon cũng như mùi thơm của cháo cá chép cho bà bầu. Với phần thịt đã ướp khử tanh ở trên, bạn hãy cho phần thịt vào xào với hành tím để thịt cá săn lại và dạy thêm mùi thơm của hành tím. 

Với cách này, phần thịt đã được khử tanh hoàn toàn rồi đó. Phần cháo để bớt mùi tanh bạn có thể cho thêm nhiều rau thìa là lúc ninh nước cốt, hoặc nấu với nghệ và đậu xanh nhé. 

Xem thêm: 5 bí quyết giúp mẹ bầu ngủ thật êm ái trong thời kỳ mang thai

Với những hướng dẫn ở trên, hi vọng bạn sẽ có được kinh nghiệm nấu cháo cá chép cho bà bầu chuẩn thơm ngon và đầy đủ dinh dưỡng nhất, giúp mẹ và bé yêu phát triển thật tốt những ngày tháng đầu đời.

Bài viết liên quan:

Tiến Kiều
Tiến Kiều