Khi không khí xuân bắt đầu ngập tràn nhộn nhịp khắp mọi miền đất nước, mọi người mọi nhà lại nô nức sắm sửa đầy đủ để chào đón tết cổ truyền đang đến gần. Hằng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, người Việt lại tất bật làm mâm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời báo cáo Ngọc Hoàng. Đây được xem là nét đẹp văn hoá của người Việt bao đời nay. Vậy tết Ông Công Ông Táo có nguồn gốc từ đâu và ý nghĩa như thế nào trong đời sống người Việt? Cùng Vua Nệm tìm hiểu về ngày tết Ông Công Ông Táo trong bài viết dưới đây nhé.
Nội Dung Chính
1. Tết ông Công ông Táo là ngày nào?
Theo phong tục lễ tết truyền thống của người Việt Nam, ngày đưa Ông Công Ông Táo về trời trầu Ngọc Hoàng là ngày 23.12 âm lịch tức ngày 23 tháng Chạp hàng năm.
2. Sự tích về nguồn gốc tết Ông Công Ông Táo
Tết Ông Công Ông Táo được xem là một trong những ngày tết quan trọng diễn ra trước Tết Nguyên Đán. Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, thần Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần gồm Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ trong Lão giáo của người Trung Quốc. Sau khi du nhập vào Việt Nam đã được người Việt cổ chuyển hoá thành sự tích “Hai ông một bà” với 3 vị thần: Thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc. Và dần dần được gọi chung lại với cái tên Táo Quân hoặc Ông Công Ông Táo.
Theo như sự tích xưa của người Việt kể rằng, Thị Nhi và chồng là Trọng Cao tuy ăn ở tình cảm mặn nồng thắm thiết với nhau nhưng mãi không có con. Do vậy, lâu dần Trọng Cao kiếm chuyện, dằn vặt vợ mình.
Một lần chỉ vì một chuyện nhỏ mà Trọng Cao đã gây thành chuyện lớn, đánh và đuổi vợ mình ra khỏi nhà. Thị Nhị sau khi bị chồng đuổi, lang thang khắp nơi và đến một xứ khác gặp được Phạm Lang. Hai người tình nồng, ý hợp phải lòng nhau nên kết duyên vợ chồng. Trọng cao sau khi nguôi giận thì ân hận với hành động vũ phu của mình nên đã đi tìm kiếm tung tích Thị Nhị.
Suốt nhiều ngày tìm kiếm, tiền và gạo cũng hết, Trọng Cao trở thành kẻ ăn xin nay đây mai đó. Một lần tình cờ, Trọng Cao ăn xin đúng vào nhà Thị Nhi lúc người chồng vắng nhà. Thị Nhi nhận ra người trước mặt là chồng cũ nên nấu cơm thết đãi. Lúc này, Phạm Lang đi làm trở về, vì sợ chồng nghi ngờ nên Thị Nhi bèn dấu Trọng Cao dưới đống rạ sau vườn.
Đêm đến, Phạm Lang đem lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy lớn, Thị Nhi hoảng hốt lao vào để cứu người chồng cũ. Phạm Lang thấy vợ nhảy vào đống lửa, vì quá thương vợ nên nhảy theo khiến cả ba người đều chết cháy.
Ngọc Hoàng khi biết được nguyên nhân cái chết và cảm động trước tình nghĩa của ba người bèn phong cho cai quản việc trong nhà. Người chồng Phạm Lang là thổ công trông coi việc trong bếp, người chồng Trọng Cao là thổ Địa trông coi việc trong nhà, Thị Nhi là Thổ kỳ phụ trách việc mua sắm, chợ búa..
Theo như sự tích này, hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, ba vị thần này sẽ cưỡi cá chép vàng về trời để báo cáo mọi chuyện trong nhà của gia chủ lên Ngọc Hoàng. Chính vì vậy, gia đình người Việt sẽ làm mâm cơm cúng để đưa tiễn Ông Công Ông Táo về trời.
3. Ý nghĩa của tết Ông Công Ông Táo
Ba vị thần Táo Quân này không chỉ trông coi những việc trong nhà mà còn định đoạt may, rủi, phúc hoạ của gia chủ. Ông Công Ông Táo còn xua đuổi điều xấu, ngăn cản sự xâm phạm ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho các thành viên trong gia đình.
Mỗi năm, đúng vào ngày 23.12 âm lịch là ngày các vị Táo Quân sẽ cưỡi cá chép hoá rồng về trời báo cáo cho Ngọc Hoàng. Nội dung báo cáo sẽ là tất cả các việc làm tốt, chưa tốt của con người dưới hạ giới trong một năm. Từ đó Thiên đình sẽ đưa ra quyết định về thưởng, phạt phân minh cho tất cả mọi người. Sau khi báo cáo xong vào đêm giao thừa, các vị Táo Quân sẽ trở lại nhân gian để thực hiện các công việc của mình trong năm mới.
Trong quan điểm của người Việt, Ông Công Ông Táo là người định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Phước đức này sẽ phụ thuộc vào việc gia chủ và các thành viên trong nhà có làm đúng với đạo lý không. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên trong gia đình.
Từ lâu, tết Ông Công Ông Táo đã hình thành trong tiềm thức của người Việt. Những mâm cơm được chuẩn bị tươm tất dâng lên các vị thần tỏ lòng thành kính, biết ơn những vất vả của các vị trong năm qua. Không chỉ vậy, đây là dịp để các thành viên trở về sum họp quây quần bên mâm cơm gia đình sau một năm lao động.
4. Nghi thức và lễ vật cúng tết Ông Công Ông Táo
Những lễ vật để cúng Ông Công Ông Táo thường gồm một bộ mã cho Ông Công và ba bộ mã Ông Táo. Ngoài còn có hương, hoa quả cùng một mâm cơm cúng được chuẩn bị thường sẽ gồm xôi, thịt gà, giò, nem, canh… Mâm cơm đưa tiễn Ông Công Ông Táo còn tùy thuộc và điều kiện tài chính của từng gia đình và phong tục cơm cúng của từng vùng miền. Một số nơi thường cúng thêm cá chép giấy hoá vàng hoặc cá chép sống sau đó đem đi phóng sinh tại ao hồ.
Mâm cơm cúng Ông Công Ông Táo nên được diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp theo Âm lịch. Các gia đình nên chuẩn bị mâm cơm cúng sớm có thể tối ngày 22 hoặc vào sáng ngày 23. Bởi theo quan điểm cho rằng 12 giờ là thời gian các vị Táo Quân sẽ lên chầu trời. Gia chủ cúng cơm và các lễ vật sau giờ này Ông Công Ông Táo sẽ không nhận được đồ cúng hoặc nhiều nơi cho rằng ông táo sẽ không có phương tiện để về trời báo cáo công việc cho Ngọc Hoàng.
>>>Đừng bỏ lỡ: Hướng dẫn cúng rước ông Táo về nhà ngày 30 Tết đúng cách
5. Ý nghĩa phóng sinh cá chép tết Ông Công Ông Táo
Theo như truyền thuyết, cá chép được coi là phương tiện đưa đón Táo Quân về trời. Chính vì thế, ngày tết Ông Công Ông Táo không thể nào thiếu cá chép. Một số gia đình có thể chuẩn bị cá chép giấy hoặc thường sẽ mua 3 con cá chép thả vào chậu nước và đặt cạnh mâm cơm cúng. Với cá chép giấy sau khi cúng xong sẽ được mang đi hóa vàng theo phong tục dân gian. Đối với cá chép sống sẽ được đem thả xuống ao hồ, sông gần nhà. Với ngụ ý cá chép hoá rồng, cá chép vượt Vũ môn đưa ông Táo về chầu trời.
Trong quan điểm của người Việt, biểu tượng cá chép hoá rồng hay cá vượt Vũ môn mang ý nghĩa cho tinh thần không ngại thử thách, sự kiên trì, quyết tâm, có ý chí chinh phục mọi khó khăn để đến với thành công. Hình ảnh cá chép hoá rồng còn biểu tượng cho nhân cách trong sạch, thanh cao hướng đến những điều tốt đẹp. Phóng sinh cá chép trong tết Ông Công Ông Táo không chỉ là hành động mang đậm giá trị văn hoá mà còn thể hiện lòng từ bi dành cho các loài vật.
Ngày tết Ông Công Ông Táo được xem là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống dịp Tết Cổ truyền của người Việt. Không chỉ ngày tết này còn mang những nét đẹp tâm linh, lòng thành kính và ghi nhớ công ơn, mong ước sự bình yêu trong năm mới. Chắc hẳn sau khi đọc bài viết nói trên đã giúp bạn có những hiểu biết hơn về tết Ông Công Ông Táo. Hy vọng sau khi hiểu được ngày tết này, bạn sẽ cố gắng để duy trì nét đẹp văn hoá này nhé.
>>Đọc thêm:
- Ngày ông Công ông Táo kiêng gì? Những điều đại kỵ cần tránh
- Bài cúng ông công ông táo hằng năm
- Đặt bàn thờ ông Táo hướng nào tốt, chuẩn phong thủy, thu hút sức khỏe và tài lộc?