Ý nghĩa của mâm lễ ăn hỏi và bí quyết chọn mâm lễ ăn hỏi đẹp

CẬP NHẬT 16/09/2024 | Bài viết bởi: Vua Nệm Team

Đám hỏi là một phần lễ nghi trong phong tục hôn nhân của người Việt. Đồng thời là một sự thông báo chính thức cho quan viên hai họ về hôn sự của cặp uyên ương. Vào ngày lễ này, nhà trai sẽ mang mâm lễ ăn hỏi đến nhà gái, chính thức xin được tìm hiểu cô dâu. Sau khi kết thúc lễ ăn hỏi cặp đôi coi như đã đính hôn. Cô dâu chú rể sẽ chuẩn bị cho ngày cưới chính thức để công bố với hai họ và bạn bè.

1. Mâm lễ ăn hỏi là gì

Những lễ vật có trong đám hỏi đều mang ý nghĩa gửi gắm hạnh phúc, sự đầy đủ và thể hiện lòng biết ơn của chú rể với bố mẹ cô dâu. Vào thời xưa, các lễ vật đều là những thức quà quý, chỉ được sử dụng trong ngày trọng đại. 

Ngày nay tuy các thức quà đó không còn là thứ xa xỉ nhưng người ta vẫn sử dụng chúng (bánh cốm, chè sen, bánh phu thê …) làm lễ vật trong mâm lễ ăn hỏi để lưu giữ nét đẹp truyền thống ngàn đời. Tùy vào điều kiện kinh tế, số mâm lễ vật có thể thêm bớt nhưng lúc nào cũng được đảm bảo từ chất lượng cho tới hình thức. 

Mâm lễ ăn hỏi với đầy đủ lễ vật truyền thống, bày trí sang trọng biểu trưng cho sự chu đáo của họ nhà trai. Đồng thời cũng là tấm chân thành, sự tôn trọng, của nhà trai đối với nhà gái. Biết ơn cha mẹ cô dâu đã có công sinh thành dưỡng dục con gái để sau này trở thành con dâu tương lai của họ. Thể hiện tấm lòng và sự yêu thương của nhà chồng dành cho con dâu tương lai. 

Ở một khía cạnh khác, các lễ vật trong mâm lễ ăn hỏi sẽ được dùng để dẫn lời, mời cưới họ hàng, người thân, bạn bè. 

mâm lễ ăn hỏi là gì
Số lượng lễ vật được hai bên gia đình cùng thống nhất

Ý nghĩa của mâm lễ ăn hỏi còn là quà ra mắt dâng lên tổ tiên bên nhà gái với ước mong cầu xin sự phù hộ cho hạnh phúc của con cháu. Là sự chứng giám của tổ tiên về hỷ sự trọng đại trong gia đình. Vì vậy các mâm lễ ăn hỏi cần được trang trí, sắp xếp đẹp nhất có thể. 

Số lượng lễ vật được hai bên gia đình cùng thống nhất với sự đồng tình, vui vẻ. Ở miền Bắc, số lượng tráp là số lẻ, tuy nhiên số lượng lễ vật trên một mâm lễ phải là một số chẵn. 

Ví dụ: tháp bánh sẽ là 60 – 0 hoặc 100 chiếc. Số lẻ tượng trưng cho sự dư thừa, còn số chẵn tượng trưng cho hai vợ chồng có đôi có cặp. Thông thường các dịch vụ cho mâm lễ ăn hỏi sẽ phục vụ đầy đủ nhu cầu từ ít tới nhiều, từ 3 lễ cho đến 11 lễ tùy theo yêu cầu dịch vụ. Phổ biến nhất vẫn là mâm 7 lễ. 

2. Bí quyết chọn mâm lễ ăn hỏi đẹp và ý nghĩa của từng mâm lễ

chọn mâm lễ ăn hỏi
Một mâm lễ ăn hỏi mang màu sắc hiện đại

Lễ ăn hỏi được làm theo phong cách truyền thống nên những gì có mặt trong nghi lễ cũng được sử dụng theo phong cách này. Lễ vật trong mâm lễ ăn hỏi được đặt trong tráp sơn son thếp vàng (tráp là một loại hộp gỗ hình tròn, có kích thước khá lớn và phần nắp đậy hình nón, thường được người xưa dùng để đựng quà cáp, lễ vật). Khi chuẩn bị cho đám hỏi, khâu quan trọng nhất là tạo hình mâm lễ ăn hỏi thành hình tháp sao cho vừa đẹp vừa chắc chắn.

Cùng xem ý nghĩa và cách sắp xếp của từng mâm lễ để chọn được mâm lễ ăn hỏi đẹp nhất, chuẩn chỉnh nhất cho ngày vui của mình nhé. 

2.1  Ý nghĩa và cách xếp mâm lễ trầu cau

Trong truyện dân gian Sự tích trầu cau, trầu khi được hòa quyện cùng vôi sẽ tạo ra màu đỏ rực rỡ – tượng trưng cho sự sắt son, chung thủy của vợ chồng. Lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian này, trầu cau trong đám hỏi cũng mang ham ý cầu chúc cho sự bền chặt, gắn bó trăm năm của cặp vợ chồng son. Quả cau cùng với lá trầu màu xanh mơn mởn còn có ý nghĩa mang lại nhiều điều may mắn, tươi tốt đến cho đám cưới. 

mâm trầu cau
Mâm lễ trầu cau không thể thiếu với mỗi lễ cưới ở nước ta

Cách xếp và chọn mâm lễ ăn hỏi trầu cau đẹp: Chọn buồng cau to, quả tròn mẩy và lá trầu tươi. Buồng cau được đặt vào giữa giỏ, xếp lá trầu không xung quanh, xòe lá sao cho tròn và đều. Sau cùng có thể trang trí thêm lá vạn tuế vào tráp. Trên mỗi quả cau dán một chữ hỷ, phần cuống cau buộc ruy băng đỏ hoặc hồng. Như vậy tráp trầu cau tuy đơn giản nhưng vừa có màu xanh, vừa có màu đỏ vô cùng đẹp mắt.

2.2 Ý nghĩa và cách xếp mâm rượu, trà và thuốc lá

Xuất phát từ chế độ phụ hệ từ bao đời nay của người Việt, trong các mâm lễ ăn hỏi không thể thiếu những lễ vật mang tính chất kính biếu các bậc vai vế (ông, cha) như rượu, trà và thuốc lá.  Mâm lễ ăn hỏi này có ý nghĩa dâng lên gia tiên, cầu mong sự chứng giám của ông bà cho lòng thành kính của người cháu rể mới. 

Vị cay nồng của rượu, vị đắng của trà tượng trưng cho sự trưởng thành, gánh vác của chàng trai trong cuộc sống gia đình sau này. Cũng là những hương vị góp thêm cho cuộc sống hôn nhân mới của đôi bạn trẻ cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.

Cách bày trí mâm lễ ăn hỏi rượu thuốc: Những chai rượu có trọng lượng nặng và dễ vỡ nên cần được đặt ở vị trí trung tâm. Xếp các chai rượu thẳng đứng sao cho đẹp. Các bao thuốc lá nhẹ hơn sẽ được xếp đằng sau hoặc xen kẽ giữa các chai rượu. Khoảng trống sẽ được lấp đầy bằng hoa tươi, chữ hỷ và ruy băng nơ. 

tráp rượu thuốc
Tráp rượu thuốc có ý nghĩa quan trọng trong đám cưới

2.3 Ý nghĩa và cách xếp mâm bánh ăn hỏi

Mâm lễ bánh truyền thống là những loại bánh đặc trưng của từng vùng miền. Ở miền Bắc là bánh cốm, bánh su sê, ở miền Trung miền Nam là bánh pía, bánh phu thê, bánh kem … Từ thời xa xưa, các loại bánh là thức quà đắt tiền, xa xỉ, chỉ những dịp trọng đại mới được sử dụng. 

Ngày nay, tuy vật chất đã không còn khan hiếm, các loại bánh này không còn phổ biến trong cuộc sống hàng ngày nhưng chúng vẫn được người ta sử dụng như một cách gìn giữ nét văn hóa cưới hỏi. 

Bánh cốm ở miền Bắc là thức quà quý đặc trưng xuất phát từ thủ đô Hà Nội, mang trọn nét tinh túy của đất trời, đây là loại bánh bắt buộc phải có trong mâm lễ ăn hỏi của người miền Bắc. Tại miền Trung và miền Nam, bánh phu thê lại là loại bánh phổ biến hơn cả. 

Bánh phu thê được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, nhân bánh khá giống với bánh cốm của miền Bắc. Bánh được gói bằng loại lá truyền thống rất khéo léo và đẹp mắt. Mang đậm ý nghĩa về tình cảm vợ chồng cùng tạo hình đầy cầu kỳ và tinh tế, bánh phu thê là loại bánh luôn có mặt trong mâm lễ ăn hỏi của người miền Nam. 

Bên cạnh hai loại bánh đặc trưng thì còn một số loại bánh khác như bánh pía, bánh kem … cũng được sử dụng trong mâm lễ ăn hỏi. Dù là bánh cốm hay bánh phu thê, mâm bánh đều thể hiện cho sự hài hòa của đất trời, là lễ vật quý trong ngày vui của cặp vợ chồng trẻ. 

Cách xếp và chọn mâm lễ ăn hỏi các loại bánh đẹp:

mâm bánh kẹo
Trang trí càng công phu thì tháp bánh càng đẹp mắt

Bánh cốm được đặt trong vỏ hộp màu xanh vuông vức. Các loại bánh có hộp vuông như bánh cốm sẽ được xếp thành hình tháp để tăng sự sang trọng. Để tránh bánh bị rơi hoặc xô lệch người ta thường dán băng keo trong để cố định nhưng không ảnh hưởng đến thẩm mỹ của tháp bánh. 

Sau khi dựng xong tháp bánh, người ta sẽ trang trí tháp bánh với ruy băng, chữ hỷ và hoa tươi. Trang trí càng công phu thì tháp bánh càng đẹp mắt. 

Khác với những hộp bánh cưới khác, bánh phu thê lại được gói bằng lá theo phong cách truyền thống vô cùng khéo léo và công phu. Mâm lễ ăn hỏi bánh phu thê có thể được xếp thành hình tháp hoặc đặt trong tráp, trang trí với chữ hỷ đỏ nổi bật trên nền bánh màu xanh.  

2.4 Ý nghĩa và cách xếp mâm hoa quả

Với đặc trưng miền khí hậu nhiệt đới cùng các loại trái cây trù phú trải dài từ Bắc vào Nam, mâm lễ ăn hỏi hoa quả thể hiện được sự sung túc trong cuộc sống của người Việt. 

Những loại trái cây có trong mâm lễ này cũng vô cùng phong phú, tùy thuộc vào mùa, vùng miền … Người ta thường chọn các loại hoa thơm trái ngọt như xoài, táo, thơm, nho … để gửi lời chúc phúc tới đôi bạn trẻ. Tráp trái cây cũng là ‘’biểu tượng’’ của mâm lễ ăn hỏi bởi đây là mâm lễ sang trọng nhất, trang trí cầu kỳ nhất.  

Cách xếp và lựa chọn mâm tráp trái cây đẹp

Có hai cách sắp xếp tráp ngũ quả đó là xếp tráp hoa hoặc xếp rồng phượng. Tùy theo sở thích cô dâu chú rể có thể lựa chọn tạo hình mình yêu thích. Thông thường tạo hình mâm lễ ăn hỏi rồng phượng được nhiều đám cưới lựa chọn nhất bởi sự tinh tế và trang trọng của nó. 

mâm hoa quả
Cách xếp mâm hoa quả như thế nào?

Tráp cưới rồng phượng có rất nhiều cách xếp khác nhau tùy thuộc vào bàn tay tài hoa của người thợ và số lượng hoa quả có trong mâm lễ ăn hỏi. Ngoài tạo hình rồng phượng thì mâm lễ ăn hỏi hoa quả còn có những tạo hình tráp khác rất đẹp. Hoa quả được bày biện và trang trí với hoa, lá, giấy nhún xung quanh giống như một giỏ hoa lớn rực rỡ. Các loại quả cứng thường được đặt bên dưới, các loại quả mềm thì được đặt ở bên trên. 

Mâm lễ ngũ quả ngoài ý nghĩa chúc phúc cho đôi tân hôn còn thể hiện được sự khéo léo của người Việt Nam trong từng chi tiết nhỏ giúp làm nên đám cưới trọn vẹn. 

2.5 Ý nghĩa và cách xếp mâm trà, mứt sen

Thông thường lễ vật trà được xếp ở mâm rượu và thuốc lá. Tuy nhiên theo phong tục thưởng trà truyền thống, mứt sen thường được dùng để nhâm nhi cùng với trà, nên cũng có một số nơi xếp trà cùng với mứt sen trong mâm lễ ăn hỏi. Đám hỏi của miền Bắc thường có mâm lễ này. 

Trà mang vị chát, đắng nên cần mứt sen ngọt ngào để cân bằng hương vị. Mâm lễ ăn hỏi này thể hiện mong ước đôi vợ chồng son có thể cùng nhau hòa hợp, vượt qua mọi sóng gió để giữ gìn cuộc sống hôn nhân ấm êm, hạnh phúc.

2.6 Ý nghĩa và cách xếp mâm xôi gấc

Xôi gấc trong văn hóa truyền thống đại diện cho nền văn minh lúa nước cũng như là món ăn truyền thống độc đáo của người Việt. Màu đỏ của xôi gấc mang ý nghĩa chúc phúc trong đám cưới, thể hiện sự ấm no, đầy đủ. Xôi gấc được dùng nhiều trong các ngày lễ và tất nhiên mâm lễ ăn hỏi cũng không thể thiếu được loại lễ vật này.

Mâm xôi gấc có vô vàn cách xếp khác nhau vô cùng đẹp mắt. Xôi gấc đỏ được xếp cùng với đỗ màu vàng, được ép vào khuôn hình hoa cùng chữ hỷ in nổi, xếp ngay ngắn trong tráp, trang trí thêm một số loại hoa tươi khác. 

mâm xôi gấc
Mâm xôi gấc trong lễ ăn hỏi

2.7 Ý nghĩa và cách xếp mâm xôi gấc mâm heo quay

Thông thường với những gia đình đặt tráp với số lượng 9 lễ trở lên sẽ có mâm heo quay. Trong quan niệm ngày xưa, mâm heo quay thể hiện sự khá giả, giàu có của gia đình nhà trai. 

Ngày nay mâm heo quay thường được dùng loại heo bé, quay nguyên con. Cách xếp và bày trí mâm lễ ăn hỏi này cũng khá đơn giản. Heo quay được đặt trong tráp, bọc giấy bóng kính, dán chữ hỷ lên trên. 

Kết luận

Vào ngày đại hỷ, mâm lễ ăn hỏi dù có giá trị lớn hay nhỏ cũng cần trang trí cẩn thận, tỉ mỉ. Điều này thể hiện tấm lòng chân thành, sự trân trọng của gia đình với ngày lễ trọng đại của đôi trẻ. 

 

Đánh giá post

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM