Nhà hay

Lễ nhập trạch là gì? Cách cúng nhập trạch về nhà mới giúp gia chủ bình an

CẬP NHẬT 23/07/2022 | BỞI Tôn Vân

Mỗi khi dọn tới một căn nhà mới, gia chủ sẽ cần phải thực hiện các bước để làm lễ nhập trạch. Điều này sẽ giúp cho gia chủ bình an và gặp nhiều may mắn hơn khi chuyển đến nơi ở mới. Đây được xem là một nghi lễ cực kì quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thực hiện nghi lễ này theo một cách bài bản. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu xem lễ nhập trạch là gì? Cách cúng nhập trạch về nhà mới như thế nào nhé. 

1.  Lễ nhập trạch là gì? 

“Nhập trạch là gì?” là câu hỏi của khá nhiều bạn trẻ khi vừa mới chuyển đến nơi ở mới, chưa hiểu rõ hết về những nghi lễ truyền thống có từ rất lâu của người dân Việt Nam. Nhập trạch là một từ hán việt. Nó có thể được dịch ra nôm na như sau: “nhập” có nghĩa là vào, và “trạch” nghĩa là nhà. Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì nhập trạch là dọn vào nhà ở mới. Lễ nhập trạch được xem như việc đăng kí hộ khẩu với thần linh, hay thổ địa đang cai quản ngôi nhà. 

Lễ nhập trạch
Lễ nhập trạch diễn ra khi chuyển đến nơi ở mới

2. Ý nghĩa của lễ nhập trạch

Theo quan điểm của cha ông ta thời xưa cho rằng “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Nghĩa là mỗi vùng đất hay mỗi ngôi nhà đều có một vị thần cai quản. Khi dọn về nhà mới, gia chủ sẽ phải thực hiện các nghi lễ để xin phép là điều hoàn toàn cần thiết. Thực hiện nghi lễ nhập trạch còn thể hiện được lòng thành kính của gia chủ với các vị thần linh cai quản. 

Lễ nhập trạch không chỉ là một phong tục quan trọng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, mà nó còn là bước đánh dấu cho sự khởi đầu mới với niềm tin thuận lợi ở mọi bề. Gia chủ sẽ cầu mong các vị thần che chở và phù hộ để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công việc làm ăn suôn sẻ khi chuyển đến một ngôi nhà mới này. 

3. Cần chuẩn bị gì trước khi cúng nhập trạch

Để lễ nhập trạch có thể diễn ra một cách suôn sẻ, bạn sẽ cần phải chuẩn bị kĩ lưỡng tất cả các bước để không xảy ra những điều đáng tiếc trong buổi lễ. Dưới đây sẽ là một số lưu ý mà bạn cần chuẩn bị trước buổi lễ nhập trạch quan trọng. 

3.1. Hoàn thiện không gian sống

Trước khi chuyển đến nơi ở mới, gia chủ cần phải đảm bảo đã hoàn thiện việc xây sửa bếp, đặt bàn thờ, bài vị và có những đồ dùng trong nhà cơ bản như bàn ghế. Gia chủ cũng nên tự tay mang những vật dụng này đến nơi nở để tránh những vía không tốt đi theo đồ đac của chủ nhà đến không gian mới. 

Việc có nên chuyển đồ trước khi nhập trạch hay không thì là tuỳ ở mỗi người. Có người chuyển vào ở luôn thì sẽ cần vận chuyển đầy đủ đồ. Còn những người chưa ở mà chỉ cúng nhập trạch trước thì chỉ cần chuyển những đồ quan trọng như bàn thờ, bài vị,…những đồ cần thiết cho nghi lễ cúng nhập trạch. 

Xem thêm: Những lưu ý cho các gia đình khi đón tân gia

3.2. Xem ngày cúng

Ông bà ta từ thời xưa đã có thói quen xem ngày, lựa chọn ngày tốt trước khi làm một việc gì đó quan trọng. ĐIều này được tin rằng sẽ đem lại may mắn, tránh những điều xấu xảy ra. Với lễ nhập trạch cũng vậy, việc lựa chọn ngày tốt là bước đầu tiên trong qúa trình thực hiện nghi lễ. 

Cần chọn ngày hoàng đạo
Cần chọn ngày hoàng đạo để làm lễ nhập trạch

Bạn nên kiêng kị nhập trạch vào tháng 7 âm lịch lẫn dương lịch vì chúng có liên quan trực tiếp tới người âm và tháng 7 âm còn được gọi là tháng cô hồn. Trong tháng này có lễ tiết thanh minh cũng như lễ vu lan báo hiếu cha mẹ. Ngoài ra, hãy tránh những ngày xấu như ngày Dương Công Kỵ, Thọ Tử, Tam Nương, sau đó mới tính đến việc lựa chọn ngày hoàng đạo. 

  • Ngày Dương Công Kỵ sẽ là những ngày: 13 tháng giêng, 11 tháng 2, mùng 9 tháng 3, mùng 7 tháng 4, mùng 5 tháng 5, mùng 3 tháng 6, 27 tháng 8, 25 tháng 9,…
  • Ngày Thọ Tử là những ngày 5, 14, 23 âm lịch hàng tháng
  • Ngày Tam Nương là những ngày 3,7,13,18,22,27 âm lịch hàng tháng. 

Hãy lựa chọn những ngày thuộc về hành Thuỷ, Kim, Hoả. Vì theo quan điểm ngày xưa, những ngày hành thuỷ, hành kim rất tốt, giúp quản tài lộc. Còn ngày hành Kim là ngày mang tài lộc tới. Tránh những ngày Hoả. 

3.3. Chuẩn bị mâm cỗ cúng

Mâm cúng nhập trạch đơn giản, tuỳ thuộc vào từng gia chủ. Có gia đình sẽ cúng mâm cúng hoa quả, có nhà sẽ chuẩn bị mâm cúng chay hoặc mặn. Gia chủ có thể tham khảo một số cách chuẩn bị mâm cỗ cúng như sau: 

3.3.1. Mâm cúng hoa quả

Mâm cúng hoa quả không đòi hỏi các bước chuẩn bị quá cầu kì. Bạn chỉ cần chuẩn bị đủ 5 loại hoa quả gồm các quả to, căng bóng với màu sắc bắt mắt, không bị dập hay thối nát. Hoa quả mua về cần rửa sạch sau đó xếp lên mâm. Bạn không cần yêu cầu quá cao khi lựa chọn quả, chỉ cần lựa chọn một cách thành tâm và sắp xếp một cách phù hợp là được. 

Mâm cúng hoa quả với 5 loại quả
Mâm cúng hoa quả với 5 loại quả

3.3.2. Mâm cúng hương hoa

Với mâm cúng này, bạn sẽ cần chuẩn bị một số loại lễ vật như sau: 

  • Hoa tươi: Có thể chọn hoa cúc, hoa hồng và tránh lựa chọn các loại hoa dại, không được sạch sẽ
  • 1 bó hương, 1 cặp nến
  • Trầu cau đã được têm sẵn
  • Vàng mã cúng nhập trạch
  • Muối, gạo và nước đựng trong ba hũ nhỏ

3.3.3. Mâm cơm cúng

Mỗi gia đình sẽ có những quan điểm riêng trong cúng nhập trạch cùng với đó sẽ là việc lựa chọn cúng chay hay cúng mặn. Với một mâm cúng mặn, bạn sẽ cần phải có: 

  • Bộ tam sên bao gồm 1 miếng thịt luộc, 1 con tôm luộc và 1 quả trứng vịt luộc
  • Xôi, gà luộc
  • 3 ly trà, 3 ly rượu và 3 điếu thuốc lá. 

Mâm cúng mặn có sự thay đổi linh động theo nghi lễ của từng vùng miền. Bạn cũng không cần quá câu nệ mà chỉ cần chuẩn bị thật thành tâm. 

Mâm cơm mặn
Mâm cơm mặn cúng nhập trạch

Với mâm cúng chay, sẽ có 4 món trở lên, tuỳ thuộc vào từng gia đình. Thông thường, mâm cúng chay sẽ bao gồm một số món cơ bản như rau củ xào, canh nấm, xôi chè và nem chay. 

3.4. Chuẩn bị văn khấn

Văn khấn lễ nhập trạch thông thường sẽ gồm 2 phần chính là văn khấn thần linh và văn khấn gia tiên. Gia chủ khi đọc văn khấn cần đọc to, rõ ràng, rành mạch và đọc một cách chân thành. Vì đây đều là những mong muốn của gia chủ với thần linh khi chuyển đến nơi ở mới. Cần đọc văn khấn thần linh trước, sau đó là văn khấn gia tiên. 

3.5. Một số vật phẩm khác

Ngoài các vật phẩm cần chuẩn bị ở trên, bạn sẽ cần một số vật phẩm cần thiết khác bao gồm: 

  • Bếp than được đặt ở chính giữa cửa
  • Chiếu hoặc nệm đang sử dụng
  • Mỗi thành viên trong gia đình cầm theo 1 vài vật phẩm như: gạo, muối, vàng, tiền bạc, bếp than, bếp gas chứ không được đi tay không tới.

Xem thêm: 9 loại nệm thông dụng nhất trên thị trường hiện nay

4. Cách cúng nhập trạch 

Dưới đây sẽ là các bước để bạn có thể thực hiện lễ nhập trạch một cách đầy đủ và hoàn hảo nhất. 

  • Việc đầu tiên bạn cần làm đó là đốt lò than được đặt ở chính giữa cửa chính của nhà. 
  • Khi các đồ dùng trong nhà cần thiết cho lễ nhập trạch được chuyển tới thì bạn hãy bày mâm cỗ cúng thật ngay ngắn và chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm để sẵn sàng làm lễ
  • Chủ nhà khi vào nhà cần bước qua lò than đầu tiên, tay cầm bát hương cùng với bài vị của gia tiên. Chủ nhà sẽ là những thành viên nam trụ cột trong gia đình. Khi bước qua lò than cần bước chân trái trước, chân phải sau. 
  • Các thành viên còn lại trong gia đình sẽ lần lượt theo sau chủ nhà và bước qua lò than, trên tay cầm các vật phẩm đã chuẩn bị sẵn. Lưu ý không được đi tay không
  • Khi các thành viên đã vào hết nhà mới, bạn cần mở hết công tắc bóng điện và mở hết các cánh cửa trong nhà. Việc này được xem là việc khai thông khí, đánh thức cho ngôi nhà
  • Các thành viên sắp xếp, bài trí mâm cúng đặt giữa nhà, cũng như sắp xếp lại bàn thờ tổ tiên, bàn thờ ông địa sao cho ngay ngắn
  • Chủ nhà sẽ đại diện thắp nhang và đọc văn khấn. Các thành viên còn lại đứng chắp tay, nghiêm trang và thật thành tâm trước mâm cúng
  • Sau khi tiến hành đọc văn khấn xong cũng như chờ hương tàn, chủ nhà hãy nấu nước, pha trà, nên để nước sôi từ 5-7 phút. Đây được xem là có ý nghĩa khai hoả, tạo nên nguồn sức sống mới cho căn nhà. 
  • Tiến hành hoá vàng khi hương tàn, đợi vàng mã cháy hết thì lấy rượu rưới lên tro
  • Dâng lên bàn thờ 3 hũ đựng gạo, muối, nước
  • Hoàn tất nghi lễ nhập trạch. 
Nấu nước
Nấu nước mang ý nghĩa khai hoả cho gia đình

5. Một số lưu ý khi cúng nhập trạch 

Để lễ nhập trạch được diễn ra suôn sẻ, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây: 

  • Cần làm lễ nhập trạch trước sau đó mới dọn đồ vào ở. Nếu đã dọn đồ vào thì cần để gọn 1 chỗ chứ không nên sắp xếp, bày trí kỹ lưỡng trong nhà
  • Cần làm lễ bái tạ sau khi thu dọn đồ lễ xong
  • Chọn hướng bàn thờ theo phong thuỷ để mang lại may mắn cho gia đình
  • Không nên ngủ trưa tại nhà mới trong ngày nhập trạch
  • Khi bạn chưa thể chuyển vào ở luôn được thì cần ngủ lại một đêm sau lễ nhập trạch
  • Trong gia đình có người tuổi dần thì không nên để họ dọn nhà, có thể thuê người làm. Hoặc trong trường hợp bất đắc dĩ, hãy mua một chiếc chổi mới, chưa dùng tới, quét sạch các đồ vật trong nhà trước khi chuyển tới nhà mới
  • Nên treo chuông gió trước nhà để tránh tà ma, bệnh tật
  • Thực hiện xông nhà mới để đuổi những âm phí trước đây sau đó dùng trầm hương, nhang để xông nhà. 

6. Kết luận

Trên đây là những giải đáp cho thắc mắc” lễ nhập trạch là gì? cách cúng nhập trạch về nhà mới như thế nào để tốt cho gia chủ”. Với những bước thực hiện đơn giản trên, bạn có thể tự làm hoặc nếu có điều kiện hơn thì có thể mời thầy về làm. Các nghi lễ và phong tục ở mỗi nơi sẽ có sự khác nhau, các bước thực hiện ở trên chỉ mang tính tham khảo, bạn hoàn toàn có thể linh động theo phong tục nơi mình đang sống. 

Bài viết liên quan:

Tôn Vân
Tôn Vân