Khi còn đang trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh dành nhiều thời gian để ngủ. Tuy nhiên, cũng có nhiều thời điểm thai nhi thức dậy và tương tác với mẹ. Nhưng làm sao để biết thai nhi đang thức – ngủ trong bụng mẹ để mẹ có thể giao tiếp với con tốt hơn? Hãy để Vua Nệm chia sẻ với các mẹ cách để nhận biết khi nào thai nhi thức và khi nào con đang ngủ để có thể bầu bạn cùng con, tăng sự gắn kết giữa hai mẹ con nhé.
Nội Dung Chính
1. Làm sao để biết thai nhi đang thức – ngủ trong bụng mẹ?
1.1. Làm sao để biết thai nhi đang thức trong bụng mẹ?
Khi nào thai nhi thức và khi nào ngủ trong bụng mẹ là vấn đề được nhiều thai phụ quan tâm. Vì khi nhận biết được thời điểm con ngủ và thức sẽ giúp các mẹ có thể dành thời gian tương tác nhiều hơn với con, cũng như biết được liệu con có khỏe mạnh hay không. Theo các bác sĩ, để nhận biết thai nhi đang thức hay ngủ trong bụng mẹ có thể dựa vào sự cử động và tần suất vận động của con.
Vào khoảng tuần thứ chín của thai kỳ, em bé bắt đầu thực hiện những chuyển động đầu tiên. Những chuyển động đó có thể được nhìn thấy bằng siêu âm, nhưng mẹ vẫn chưa cảm nhận được những chuyển động nhỏ này. Khi được 13 tuần, em bé trong bụng mẹ có thể đã biết cho ngón tay cái vào miệng, tuy nhiên cơ mút vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh.
Những chuyển động cơ đầu tiên của con trong tử cung là không tự chủ, nhưng những chuyển động cơ tự nhiên đầu tiên xảy ra vào khoảng tuần thứ 16. Nhìn chung, chuyển động của em bé trong tử cung lần đầu tiên vào khoảng tuần 16 đến 20 của thai kỳ, tùy vào từng em bé hiếu động hay ít hiếu động. Đến tuần thứ 29, mẹ sẽ cảm nhận được em bé cử động ít nhất 10 lần một giờ. Các chuyển động có thể sẽ mạnh mẽ hơn theo thời gian khi em bé của bạn lớn lên. Các mẹ thậm chí có thể cảm thấy em bé nhào lộn, đá hoặc nấc trong tử cung.
Gần tới những tuần cuối, dù thức hay ngủ, mỗi giờ bé có thể cử động 50 lần hoặc nhiều hơn. Một số cử động như uốn cong và duỗi cơ thể, cử động đầu, mặt và tứ chi… Bé có thể chạm vào mặt, chạm tay này vào tay kia, ôm chân, chạm chân vào chân hoặc chạm tay vào dây rốn. Đến tuần thứ 37, em bé đã phát triển đủ khả năng phối hợp để có thể cầm nắm bằng ngón tay.
Cùng với những cử động thông thường này, trẻ còn thực hiện một số hành vi kỳ lạ, bao gồm liếm thành tử cung và “đi” quanh bụng mẹ bằng cách dùng chân đẩy ra. Thai nhi cũng phản ứng bằng chuyển động trước hành động của cha mẹ. Ví dụ, siêu âm cho thấy thai nhi nảy lên nảy xuống khi cha mẹ cười nói.
Con thứ hai hoặc thứ ba có thể có nhiều chỗ giãn trong tử cung hơn con đầu lòng vì tử cung lớn hơn và dây rốn dài hơn sau lần mang thai đầu tiên. Những đứa trẻ này thường có nhiều kinh nghiệm vận động hơn trong tử cung và có xu hướng năng động hơn. Vì vậy, cử động của con cũng sẽ nhiều hơn, mạnh hơn.
Trường hợp thai nhi không cử động trong vòng 12h liên tiếp hoặc ít hơn 10 lần trong 2h thì các mẹ cần thăm khám ngay để biết được tình trạng sức khỏe của con
1.2. Làm sao để biết thai nhi có đang ngủ hay không?
Cha mẹ thường thắc mắc làm sao để biết thai nhi đang thức – ngủ trong bụng mẹ? Nếu như qua chuyển động có thể nhận ra con đang thức thì liệu khi con không cử động có phải là thời gian con ngủ hay không?
Cũng giống như trẻ sơ sinh, thai nhi trong bụng mẹ dành phần lớn thời gian để ngủ. Trên thực tế, trong phần lớn thời gian mang thai, bé ngủ 90% đến 95% thời gian trong ngày. Một số nhà khoa học thậm chí còn tin rằng thai nhi có thể mơ trong khi ngủ. Cũng giống như những đứa trẻ sau khi sinh ra, thai nhi có thể thể mơ về những gì chúng biết, đó là những cảm giác mà chúng cảm nhận được khi ở trong bụng mẹ.
Có một điều thú vị là kiểu ngủ của mẹ đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến giấc ngủ của em bé trong bụng. Tác động này kéo dài từ thời điểm mang thai đến thời thơ ấu của con. Do đó, phụ nữ có cần cần chú ý tới việc nghỉ ngơi đầy đủ, vì nó sẽ ảnh hưởng tới thói quen ngủ của con.
Thai nhi trong bụng mẹ có thể cử động nhiều hơn vào những thời điểm nhất định trong ngày. Thông thường, trẻ có thể hoạt động nhiều hơn khi mẹ ngủ và ngủ khi mẹ đang thức. Theo nghiên cứu, thai nhi ngủ theo chu kỳ 20 – 40 phút (đôi khi lên đến 90 phút) và chúng không cử động khi ngủ.
Tóm lại, việc làm sao để biết thai nhi đang thức – ngủ trong bụng mẹ cần phải theo dõi chuyển động của con. Khi thức chúng thường cử động và khi ngủ thì không.
2. Cách đếm chuyển động của thai nhi trong bụng mẹ
2.1. Tại sao cần phải đếm chuyển động của thai nhi
Đếm chuyển động của thai nhi là một cách để kiểm tra sức khỏe thai nhi trong bụng mẹ khi không siêu âm. Nó thường được gọi là đếm cú đá và được thực hiện bằng cách đếm số cú đá mà mẹ cảm nhận được từ em bé trong tử cung vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Việc đếm chuyển động của thai nhi có thể giúp phát hiện sự giảm chuyển động của thai nhi và giúp ngăn ngừa các vấn đề cho em bé.
Khi thai được 20 tuần, hầu hết các bà bầu đều có thể cảm nhận được chuyển động của con mình. Các chuyển động có cường độ và tần suất khác nhau. Có nhiều mô hình chuyển động khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi của em bé. Hầu hết các bé có xu hướng năng động hơn vào buổi tối, bắt đầu ngay từ tam cá nguyệt thứ hai. Bé có thể hoạt động nhiều hơn khoảng một giờ sau khi mẹ ăn. Điều này là do lượng đường trong máu của người mẹ tăng lên.
Chuyển động của thai nhi là một trong những biểu hiện sức khỏe của em bé trong bụng mẹ. Sự thay đổi trong cách cử động hoặc số lượng chuyển động của thai nhi có thể có nghĩa là em bé đang bị căng thẳng hoặc gặp bất thường. Và việc em bé ngừng cử động khi bắt đầu chuyển dạ là điều không bình thường.
Sự sụt giảm đáng kể trong chuyển động của thai nhi có thể là dấu hiệu của một vấn đề nào đó, có thể là ở nhau thai hoặc dây rốn. Vì vậy, các mẹ cần phải chú ý tới chuyển động của con và học cách đếm cú đá của thai nhi để kịp thời phát hiện ra sự bất thường, nhằm ngăn chặn những sự cố đáng tiếc.
2.2. Cách đếm chuyển động của thai nhi trong bụng mẹ
Có một số cách để đếm đếm cú đá của thai nhi trong bụng mẹ. Ví dụ, viết ra số lần mà mẹ cảm thấy em bé đạp hoặc cử động trong một giờ. Sau vài ngày, các mẹ có thể nhận thấy em bé thường cử động với số lần như nhau trong mỗi giờ. Đây sẽ trở thành số cơ sở để xác định chuyển động bình thường của con. Dưới đây là hướng dẫn cách đếm cú đá của thai nhi:
- Chọn thời điểm thích hợp trong ngày: Để bắt đầu đếm cú đá của thai nhi, hãy cố gắng chọn thời điểm bé có thể hoạt động, tức là khi bé không ngủ. Sau bữa ăn thường là lúc trẻ hoạt động nhiều hơn nên đó thường là thời điểm thích hợp để đếm số lần đạp.
- Thư giãn: Trước khi đếm cú đá thì hãy làm dịu tâm trí, thư giãn cơ thể để có thể tập trung vào việc đếm chuyển động. Hãy ngồi xuống, uống một ít nước và hít thở sâu để thả lỏng tinh thần và cơ thể tốt nhất.
- Nằm nghiêng về bên trái của bạn: Sau khi đã chuẩn bị xong, hãy nằm xuống và nghiêng về bên trái, bằng cách này các mẹ sẽ cảm nhận được chuyển động của con dễ dàng hơn.
- Đặt hẹn giờ: Khi đếm số lần bé đạp, các mẹ có thể sử dụng đồng hồ bấm giờ hoặc kiểm tra đồng hồ và ghi lại thời gian bạn bắt đầu và kết thúc, thường là trong vòng 2h hoặc ít nhất 1h. Xác định thời gian cụ thể để đếm số lần đạp của con sẽ giúp các mẹ có được căn cứ để biết tình trạng của thai nhi.
- Bắt đầu đếm: Các mẹ bắt đầu theo dõi những chuyển động của thai nhi và đếm những cú đá mà mình cảm nhận được. Thông thường, các mẹ sẽ theo dõi chuyển động mỗi ngày. Nếu phải mất 2 giờ hoặc ít hơn 2h để đếm được 10 chuyển động thì đó là một dấu hiệu tốt. Nếu trong 24h liên tục mà không có chuyển động hoặc chuyển động ít hơn 10 lần trong 2h thì cần phải thăm khám bác sĩ nếu cảm thấy lo lắng.
3. Làm cách nào để kích thích chuyển động của thai nhi?
Cảm nhận được sự chuyển động của em bé là một phần thú vị của thai kỳ. Những chuyển động này thường bắt đầu bằng những cú rung nhẹ và cuối cùng tiến triển thành những cú đá mạnh mẽ khi con lớn hơn. Khi bước vào tam cá nguyệt thứ ba, mẹ sẽ thường xuyên cảm nhận được những cảm giác này, thậm chí bạn có thể khuyến khích em bé cử động trong bụng mẹ nhiều hơn. Dưới đây là những cách để kích thích chuyển động của thai nhi:
3.1. Ăn nhẹ hoặc uống đồ ngọt
Trẻ sơ sinh thường phản ứng với lượng đường trong máu tăng lên của mẹ. Nếu mẹ muốn muốn đếm cú đá của thai nhi hoặc muốn đảm bảo rằng con vẫn khỏe mạnh, hay chỉ đơn giản là muốn kích thích con chuyển động nhiều hơn thì, hãy thử ăn một bữa ăn nhẹ hoặc uống gì đó ngọt để tăng lượng đường trong máu.
3.2. Nhẹ nhàng chọc hoặc lắc nhẹ bụng
Đây là một chiến thuật khác mà nhiều bậc cha mẹ áp dụng khi siêu âm giúp bác sĩ theo dõi chuyển động của thai nhi và đo lường em bé. Bác sĩ thực hiện siêu âm thường lắc nhẹ đầu dò của thiết bị trên bụng mẹ để bé tỉnh táo. Và rất nhiều bà mẹ đã cảm nhận được con mình cử động nhiều hơn. Các mẹ cũng có thể sờ hay xoa bụng nhẹ nhàng để khuyến khích bé di chuyển nhiều hơn.
3.3. Chiếu đèn pin vào bụng mẹ
Vào tuần thứ 22 của thai kỳ, thai nhi có thể nhận biết được ánh sáng và bóng tối, vì vậy mẹ có thể cảm nhận được phản ứng của em bé nếu chiếu đèn pin vào bụng. Thai nhi có thể quay người về phía có ánh sáng.
3.4. Di chuyển để khuyến khích con chuyển động
Đây là một mẹo mà các bác sĩ thường gợi ý cho các mẹ khi đi siêu âm ở tuần thứ 20. Mẹ có thể di chuyển, đi đi lại lại và ngồi xuống, đứng dậy. Ngay sau đó mẹ có thể cảm nhận được con có những phản ứng chuyển động nhiều hơn.
3.5. Nói chuyện với bé
Thính giác của thai nhi bắt đầu phát triển vào khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ và đến tuần thứ 22, con bạn có thể nghe thấy giọng nói của bố mẹ, tiếng nước chảy róc rách, tiếng động lớn trong nhà và các âm thanh khác bên ngoài. Bé thậm chí có thể phản ứng bằng cách quay đầu, lắc đầu, vặn vẹo hoặc nhảy lên khi phản xạ giật mình xuất hiện. Vì vậy, hãy nói chuyện với bé thường xuyên để khiến bé đáp lại bạn bằng những cú đá và những chuyển động.
3.6. Hát một bài hát ru hoặc bật nhạc
Nếu cuộc trò chuyện thông thường không khiến bé cử động nhiều hơn thì hãy thử hát một bài hát ru hoặc bật nhạc để con nghe. Thai nhi có thể đáp lại bằng những cử động rõ rệt. Đảm bảo không bật nhạc quá to vì điều đó không tốt cho đôi tai đang phát triển của bé.
>> Xem thêm:
- Mẹ bầu thức khuya 3 tháng đầu có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
- Mẹ bầu ngủ muộn có ảnh hưởng đến sức khoẻ thai nhi như thế nào?
Chúng ta vừa tìm hiểu làm sao để biết thai khi đang thức – ngủ trong bụng mẹ, cũng như cách đếm chuyển động của thai nhi khi chúng thức. Bằng cách nhận biết thời điểm con thức – ngủ để đếm cú đạp có thể giúp mẹ xác định được tình trạng sức khỏe của con khi còn trong bụng. Nếu con ít chuyển động mẹ có thể áp dụng một số cách mà Vua Nệm gợi ý ở trên để kích thích con di chuyển nhiều hơn, làm tăng sự gắn kết giữa mẹ và bé nhé.