Bụi mịn PM2.5 là gì? Hướng dẫn làm sạch bụi mịn PM2.5 ở trong nhà?

CẬP NHẬT 08/09/2024 | Bài viết bởi: Dương Ly
Banner Black Friday

Những người sống gần khu vực ô nhiễm không khí, thường xuyên hít bụi mịn PM 2.5 sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các loại bệnh nguy hiểm. Trẻ em còi cọc, suy giảm chiều cao, người già thường khó thở, hen suyễn. Hay người trẻ suy giảm sức đề kháng, lâu dần mắc các bệnh hiểm nghèo… Vậy bụi mịn PM 2.5 là gì? Nó nguy hiểm như thế nào? Và có cách nào làm sạch bụi mịn PM2.5? Cùng Vua Nệm tìm hiểu về loại bụi nguy hiểm này trong bài viết dưới đây. 

1. Bụi mịn PM2.5 là gì? 

Bụi mịn hay còn được gọi là PM2.5, là một loại hạt vật chất được tìm thấy được trong không khí với kích thước vô cùng nhỏ. Một hạt bụi đơn chỉ có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet. Điều này có nghĩa rằng bạn có thể dễ dàng xếp vừa 40 hạt bụi mịn này theo chiều rộng một sợi tóc. Chính vì kích thước siêu vi đó nên thực thế không thể thấy được bằng mắt thường. Và chỉ có thể được phát hiện bằng kính hiển vi điện tử.

Bụi mịn PM2.5 có kích thước siêu nhỏ
Bụi mịn PM2.5 có kích thước siêu nhỏ

2. Bụi mịn PM2.5 từ đâu mà có? 

Thật không may, bụi mịn có thể phổ biến hơn nhiều so với những gì chúng ta nhận thấy. Ô nhiễm không khí ngoài trời thường do PM2.5 gây ra. Các hạt này được tạo ra từ khí thải từ ô tô, xe tải, xe buýt, nhà máy điện và các hoạt động khác như đốt nhiên liệu từ gỗ và than. 

Các tình huống trong tự nhiên như cháy rừng cũng có thể góp phần tạo ra bụi mịn trong không khí. Bụi mịn trong không khí ngoài trời có thể dễ dàng di chuyển xa. Vì vậy các hoạt động tạo ra PM2.5 có thể tác động đến khu vực xung quanh cả hàng trăm km.

Một quan niệm sai lầm thường gặp đó là bụi mịn chỉ ảnh hưởng đến chất lượng không khí bên ngoài trời. Nhưng sự thật là, PM2.5 có thể có cả trong nhà của bạn. Các hoạt động thường ngày trong nhà như nấu ăn, đốt nến, hút thuốc, hoặc sử dụng lò sưởi hoặc máy sưởi đốt nhiên liệu có thể thêm bụi mịn vào không khí nhà bạn.

3. Bụi mịn nguy hiểm như thế nào? 

3.1. Những ảnh hưởng đến sức khỏe

Mặc dù nó có kích thước nhỏ, nhưng không nên đánh giá thấp bụi mịn. Trên thực tế, kích thước của nó là điều khiến nó trở nên nguy hiểm hơn. Không giống như các hạt bụi lớn và dễ nhìn thấy hơn, PM2.5 có thể đi qua mũi và cổ họng và được phổi và máu của bạn hấp thụ, dẫn đến nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tiếp xúc với bụi mịn có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, dẫn đến ho, tức ngực, khó thở, kích ứng mắt/mũi/họng và có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng phơi nhiễm bụi mịn có nguy cơ tăng đau tim, đột quỵ, một số bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh.

Bụi mịn gây nên nhiều bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe
Bụi mịn gây nên nhiều bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe

Bụi mịn đặc biệt nguy hiểm đối với những người bị bệnh tim và phổi, người lớn tuổi và trẻ em. Và nó cũng đã được chứng minh là ảnh hưởng đến cả những người khỏe mạnh.

3.2. Ai cần thực hiện các bước phòng tránh để giảm phơi nhiễm khi mức PM2.5? 

Mọi người cần thực hiện các bước để tự bảo vệ mình khi mức độ ô nhiễm ở mức “nguy hiểm” trở lên. Tuy nhiên, cũng có một số người đặc biệt có nguy cơ cao hơn khi tiếp xúc với PM2.5. Đó là những người bị bệnh tim hoặc phổi (bao gồm hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), người lớn tuổi và trẻ em.  

Nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và những người có một số tình trạng sức khỏe ví dụ như béo phì hay tiểu đường, cũng có thể dễ bị phơi nhiễm với PM hơn người bình thường.

Trẻ em có nhiều khả năng tiếp xúc với ô nhiễm không khí hơn. Vì chúng thường dành nhiều thời gian ở ngoài trời cho các hoạt động và vui chơi. Và chúng cũng hít thở nhiều không khí hơn so với người lớn. Do vậy, đây là độ tuổi rất dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm trong không khí. Một phần là do đường hô hấp của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Ngoài ra, trẻ em dễ bị hen suyễn hơn người lớn, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nếu bạn bị bệnh tim hoặc phổi, là người lớn tuổi hoặc nếu bạn có con, hãy nói chuyện trước với bác sĩ của bạn xem liệu bạn nên rời khỏi khu vực này và chuyển đến nơi có chất lượng không khí trong nhà tốt hơn không. Khi nồng độ PM2.5 cao trong một thời gian dài, các hạt bụi mịn có thể tích tụ trong nhà mặc dù bạn có thể không nhìn thấy chúng.

Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ, đừng đợi cho đến khi ô nhiễm đạt mức “nguy hiểm” mới hành động để giảm mức độ phơi nhiễm của bạn. Chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe của bạn khi mức độ ô nhiễm đạt đến mức cao. Vì vậy bạn sẽ cần thực hiện các bước để giảm mức độ phơi nhiễm của mình sớm và thường xuyên hơn.

Nhóm nguy cơ cao là người mắc bệnh về phổi, đường hô hấp, trẻ em, phụ nữ mang thai...
Nhóm nguy cơ cao là người mắc bệnh về phổi, đường hô hấp, trẻ em, phụ nữ mang thai…

4. Các triệu chứng khi tiếp xúc phải bụi mịn PM2.5

4.1. Với người khỏe mạnh

Nếu bạn có sức khỏe hoàn toàn bình thường, thì khi tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 thì bạn vẫn có thể gặp các triệu chứng tạm thời như ngứa mắt, mũi và họng, ho khan, đờm dãi, tức ngực và khó thở. Các triệu chứng này của bạn cũng sẽ biến mất khi chất lượng không khí được cải thiện tốt hơn.

4.2. Với người bị bệnh phổi – bao gồm cả hen suyễn và COPD

Khi tiếp xúc với bụi mịn, nếu bạn bị mắc bệnh về phổi thì bạn có thể không thể thở sâu hoặc mạnh như bình thường. Một số người có thể gặp các triệu chứng như bị ho, tức ngực, thở khò khè, khó thở và mệt mỏi bất thường. 

Hãy đảm bảo rằng bạn tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc và tuân theo kế hoạch kiểm soát bệnh hen suyễn của bạn. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn để được hướng dẫn cụ thể.

4.3. Với người bị bệnh tim mạch 

Việc tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm cả việc làm bệnh của bạn trở nên tồi tệ hơn trong thời gian ngắn. Đừng cho rằng bạn đã an toàn chỉ vì bạn không có triệu chứng.

  • Các triệu chứng có thể cho thấy một vấn đề nghiêm trọng về tim bao gồm: Khó chịu ở ngực, hay ở các vùng khác trên cơ thể, khó thở. Hoặc một số vấn khác có thể là đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn hoặc choáng váng. 
  • Các triệu chứng của đột quỵ bao gồm:  Đột ngột tê hoặc yếu ở mặt, tay hoặc chân, không nói hoặc hiểu được, nhìn kém ở một hoặc cả hai mắt, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp hoặc khó đi lại hoặc đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của một cơn đột quỵ.

5. Có cách nào làm sạch bụi mịn PM2.5? 

Với bụi mịn PM2.5 trong môi trường bên ngoài thì chắc chắn bạn sẽ không thể tự mình làm sạch môi trường. Và cách duy nhất mà bạn có thể làm là làm sạch bụi mịn PM2.5 trong nhà của mình và ở trong đó. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng để làm sạch bụi mịn. 

Sử dụng máy lọc không khí
Sử dụng máy lọc không khí

5.1. Ở nhà, trong khu vực có không khí sạch 

Ô nhiễm hạt có thể xâm nhập vào trong nhà. Hãy cân nhắc lựa chọn các loại máy lọc không khí nếu bạn sống trong khu vực có mức độ ô nhiễm cao. Máy làm sạch không khí giúp loại bỏ các hạt bụi mịn nhờ bộ lọc cơ học hiệu quả cao và bộ lọc không khí điện tử. Không nên sử dụng máy lọc không khí hoạt động bằng cách tạo ra ozone vì nó sẽ chỉ làm tăng mức ô nhiễm trong nhà của bạn.

5.2. Hạn chế các hoạt động

Khi ở ngoài trời hay thậm chí trong nhà, bạn nên hạn chế các hoạt động khiến bạn thở nhanh hoặc sâu hơn. Vì khi đó sẽ khiến bụi mịn trong không khí tăng lên và bạn sẽ hít phải nó nhiều hơn. Hãy chọn các hoạt động nhẹ nhàng, chẳng hạn như đọc sách hoặc xem TV.

5.3. Giữ một căn phòng sạch sẽ để ngủ

Nếu bạn không thể mua bộ lọc cho toàn bộ ngôi nhà của mình, hãy tạo một căn phòng sạch sẽ để ngủ. Một lựa chọn tốt là phòng có càng ít cửa sổ và cửa ra vào càng tốt, chẳng hạn như phòng ngủ.

Nếu phòng có cửa sổ, hãy đóng chúng lại. Và thực hiện các bước sau: 

  • Bật máy điều hòa không khí hoặc hệ thống điều hòa không khí trung tâm nếu bạn chắc chắn rằng thiết bị đó của bạn không lấy không khí từ bên ngoài và có bộ lọc bụi mịn. Luôn đảm bảo rằng bộ lọc của máy đủ sạch để không khí lưu thông tốt trong nhà.
  • Sử dụng bộ lọc không khí. Đặc biệt, không nên lựa chọn và sử dụng loại máy lọc không khí hoạt động bằng cách tạo ra ozone.

5.4. Thực hiện các bước bổ sung để giữ cho ô nhiễm trong nhà của bạn ở mức thấp

Máy làm sạch không khí có thể là không đủ. Bởi vì ô nhiễm hạt từ không khí ngoài trời có thể dễ dàng xâm nhập vào bên trong. Hãy tham khảo các bước dưới đây để tránh làm ô nhiễm thêm trong nhà khi mức PM2.5 ngoài trời cao:

  • Tránh sử dụng bất cứ thứ gì gây cháy, chẳng hạn như lò sưởi bằng gỗ và thậm chí cả nến hoặc hương.
  • Giữ phòng sạch sẽ và không hút bụi trừ khi máy hút của bạn có bộ lọc HEPA (bộ lọc HEPA lọc được 99,95% theo chuẩn Châu Âu các hạt có kích thước lớn hơn hoặc bằng 0,3 micromet). Vì hút bụi sẽ làm khuấy động các hạt bụi đã có trong nhà của bạn. Thay vào đó, lau nhà bằng giẻ hoặc khăn ướt có thể giúp giảm bụi.
  • Không hút thuốc trong nhà.
  • Thận trọng hơn khi ra ngoài vào trời nắng nóng. Nếu trời quá nóng để ở trong nhà và cửa sổ đóng, hoặc nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ, hãy đến nơi khác có không khí được lọc sạch.
  • Khi chất lượng không khí được cải thiện, hãy mở cửa sổ và để không khí ra khỏi nhà.
Lau nhà bằng giẻ ướt thay vì hút bụi để giảm thiểu bụi trong không khí
Vệ sinh nhà cửa để hạn chế bụi mịn

5.5. Đeo khẩu trang khi ra ngoài

Trên thị trường hiện nay có một số loại khẩu trang được thiết kế chuyên dụng để ngăn chặn các loại bụi mịn. Ví dụ loại khẩu trang N95 hoặc P-100  sẽ hữu ích nếu bạn phải ở ngoài trời trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải đeo khẩu trang đúng cách mới có thể ngăn bụi mịn một cách hiệu quả.

6. Kết luận 

Trên đây là những điều bạn cần biết về bụi mịn cũng như cách nào làm sạch bụi mịn PM2.5 hiệu quả. Hy vọng qua đó, sẽ giúp bạn có thêm được nhiều thông tin hữu ích để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. 

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Dương Ly

Xin chào! Mình là Dương Ly, chuyên viên Digital Marketing tại Vua Nệm. Với niềm đam mê viết lách, sự trải nghiệm cùng 3 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển nội dung đa lĩnh vực. Mình hy vọng có thể đem đến cho quý độc giả những bài viết hay ho, đầy hữu ích về mọi lĩnh vực trong đời sống.

Không có bài viết liên quan.