Cách làm dầu dừa tại nhà đơn giản, dễ làm để làm đẹp hiệu quả

CẬP NHẬT 15/09/2024 | Bài viết bởi: Dương Ly
Banner Black Friday

Dừa các sản phẩm từ dừa luôn được mọi người ưa chuộng sử dụng. Nó không chỉ được sử dụng trong nấu ăn như một loại thực phẩm bổ dưỡng, dừa còn được dùng để làm dầu dừa có nhiều tác dụng trong làm đẹp.

Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu và đơn vị cung cấp dầu dừa. Thế nhưng không phải tất cả đều là dầu chất lượng và nguyên chất. Chính vì vậy, nhiều người lựa chọn tự làm dầu tại nhà, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn.

Nếu bạn đang muốn tự chiết xuất dầu tại nhà nhưng chưa biết cách làm thì đừng bỏ lỡ bài viết này của Vua Nệm. Chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách tự làm tinh chất dừa rất đơn giản, dễ làm ngay sau đây.

Dầu dừa
Dầu dừa được sử dụng nhiều trong làm đẹp

1. Cách làm dầu dừa tại nhà đơn giản, dễ làm

Từ lâu, người xưa đã biết sử dụng dừa và các chế phẩm từ dừa để làm đẹp. Nhưng dầu chiết xuất từ dừa mua bên ngoài thường pha thêm tạp chất, làm cho tác dụng của nó bị giảm sút, thậm chí không đảm bảo sự an toàn cho con người. Vì vậy, hãy tự làm dầu tại nhà bằng những cách dưới đây để có được dầu nguyên chất và an toàn nhất.

Trước khi tiến hành làm dầu, chúng ta cần chuẩn bị nguyên liệu và các dụng cụ cần thiết, bao gồm:

  • Dừa già, chọn dừa càng già càng tốt. Dừa già thường có vỏ nâu, cứng.
  • Dao chặt dừa
  • Nước lạnh hoặc nước sôi
  • Đồ nạo dừa
  • Rây lọc dừa hoặc khăn xô để lọc nước dừa
  • Máy xay sinh tố
  • Hũ đựng dầu dừa
Làm dầu dừa tại nhà
Làm dầu dừa tại nhà đơn giản bằng nhiều cách dễ làm

1.1. Cách làm dầu dừa nóng tại nhà

Ở phương pháp làm dầu dừa nóng, chúng ta sẽ thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Sơ chế dừa

Tách dừa làm các phần, sử dụng dụng cụ chuyên dụng như nạo, dao…để tách lấy cùi dừa hoặc nạo thành sợi. Hoặc có thể tách cùi khỏi vỏ rồi cắt cùi thành miếng nhỏ.

Bước 2: Xay cùi dừa đã được nạo/cắt nhỏ

Cho cùi dừa vừa thu được vào máy xay, cho một ít nước sôi vào để xay cùng. Sau khi xay nhuyễn ta được hỗn hợp cơm dừa có độ sệt và nhuyễn.

Bước 3: Đun sôi hỗn hợp cơm dừa

Đem hỗn hợp cơm dừa đun sôi cùng nước sôi. Lưu ý đổ nước vừa phải vào hỗn hợp. Sau đó đun với lửa nhỏ khoảng 15 phút thì tắt bếp.

Bước 4: Xay và vắt nước cốt dừa vừa đun

Ở bước này ta cho phần cơm dừa vừa đun xong vào máy xay để xay nhuyễn lần nữa. Sau khi xay mịn thì tiến hành vắt nước cốt dừa.

Dùng rây lọc hoặc khăn xô để lọc lấy nước cốt dừa. Nén thật chặt để nước cốt dừa được chảy hết ra ngoài.

Cách làm dầu dừa nóng tại nhà
Cách làm dầu dừa nóng tại nhà

Bước 5: Nấu nước cốt dừa để lấy dầu dừa nguyên chất

Nước cốt dừa sau khi được lọc sạch sẽ thì mang đi đun với lửa nhỏ. Thời gian đun cần từ 1 giờ đồng hồ trở lên, tùy vào lượng nước cốt dừa và số quả dừa được dùng. Thông thường với 2 quả dừa thì lượng nước cốt dừa không quá nhiều, chỉ cần đun trong 1 tiếng.

Trong khi đun thì không đóng vung nồi, để hơi nước dừa bay ra ngoài hết. Thi thoảng cần phải khuấy đều để nước cốt không lắng xuống bên dưới gây cháy khét.

Sau thời gian đun nước cốt dừa từ 1h đồng hồ, lớp dầu dừa sẽ dần xuất hiện, có màu vàng nhạt hoặc vàng đậm. Nấu cho nước cốt trong suốt thì thu được dầu dừa.

Bước 6: Lọc dầu dừa để sử dụng

Đem phần nước cốt đã nấu thành dầu sánh, mịn và trong suốt đi lọc sạch. Chỉ lấy phần nước dầu, bỏ đi phần bã. Đựng dầu dừa trong hũ và bảo quản đúng cách để sử dụng lâu dài.

1.2. Làm dầu dừa phương pháp lạnh

Ở phương pháp làm dầu dừa lạnh thì chúng ta không cần trải qua các công đoạn đun nấu cơm dừa và nước cốt dừa. Dưới đây là các bước thực hiện.

Bước 1: Sơ chế dừa

Trong bước sơ chế dừa chúng ta cũng tiến hành tương tự như ở phương pháp chiết dầu dừa theo phương pháp nóng. Đó là tách cùi dừa cắt nhỏ hoặc nạo cùi dừa thành sợi để dễ dàng xay nhuyễn ở bước tiếp theo.

Bước 2: Xay cùi dừa đã sơ chế

Cho cùi dừa và một ít nước lạnh vào máy xay sinh tố. Xay nhuyễn cùi dừa thành hỗn hợp thật mịn, nhuyễn.

Cách làm dầu dừa phương pháp lạnh
Cách làm dầu dừa phương pháp lạnh

Bước 3: Vắt và lọc lấy nước cốt dừa tươi

Đem hỗn hợp cơm dừa đã xay đi lọc lấy nước. Có thể sử dụng khăn xô, bọc lấy phần cơm dừa để vắt lấy nước dầu. Vắt mạnh tay để lấy hết toàn bộ nước cốt bên trong cơm dừa. Sau đó ta thu được nước cốt dừa tươi.

Bước 4: Để lắng nước cốt dừa và thu dầu dừa

Để hũ nước cốt dừa đã lọc sạch trong vòng 1 ngày, lưu ý để nơi khô ráo, sạch sẽ. Lấy tấm khăn mỏng che hũ nước cốt lại để ngăn bụi bẩn, côn trùng.

Sau khi nước cốt để lắng trong 1 ngày sẽ chia thành 2 phần. Phần trên là lớp váng đông lại, hãy lấy thìa vớt sạch phần váng này đi, ta thu được nước dầu dừa ở bên dưới.

Lọc dầu dừa qua một lớp khăn xô để loại bỏ hết lớp váng, cặn dừa còn sót lại. Sau đó cho dầu vào trong hũ để sử dụng dần. Có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc để bên ngoài nhiệt độ bình thường đều được.

1.3. Làm dầu dừa bằng phương pháp ép lạnh

Ngoài hai cách chiết xuất dầu từ dừa truyền thống như trên, hiện nay nhiều người còn sử dụng phương pháp ép lạnh. Cách thực hiện như sau:

Dầu dừa làm bằng phương pháp lạnh
Dầu dừa làm bằng phương pháp lạnh có thời gian sử dụng ngắn hơn dầu dừa làm bằng phương pháp nóng

Bước 1: Sơ chế dừa: Đem quả dừa tách lấy cùi dừa sạch sẽ, đem cùi cắt thành miếng nhỏ.

Bước 2: Sấy khô cùi dừa: Cho cùi dừa đã cắt nhỏ vào lò vi sóng sấy khô ở nhiệt độ thấp.

Bước 3: Ép nước cốt dừa: Sử dụng máy ép hoa quả để ép phần cùi dừa đã sấy khô. Sau khi ép ta được dung dịch nước cốt dừa đậm đặc.

Bước 4: Để lắng và thu dầu dừa: Đem nước cốt dừa đã thu được để lắng trong vòng một ngày. Sau đó vớt lấy phần váng nổi phía trên bỏ đi và thu lấy phần dầu ở dưới.

Bước 5: Lọc dầu và bảo quản: Lọc lại dầu dừa lần nữa bằng khăn xô để đảm bảo không còn lẫn váng và cặn bã. Cho dầu vào hũ để bảo quản và sử dụng dần.

Như vậy, với 3 cách trên chúng ta dễ dàng làm được chiết xuất dầu từ dừa nguyên chất, đảm bảo an toàn nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, với phương pháp làm dầu dừa lạnh và ép lạnh thì hương thơm dầu không thơm bằng loại dầu thu được từ phương pháp nóng. Hơn nữa, thời gian bảo quản cũng ngắn hơn. Hãy cân nhắc và xem xét khi lựa chọn phương pháp làm dầu phù hợp với nhu cầu sử dụng.

2. Một số mẹo làm đẹp từ dầu dừa mang tới hiệu quả cao

Làm mềm mịn da, cung cấp và dưỡng ẩm da: Sử dụng dầu dừa thoa đều lên vùng da bị khô, tay sần sùi, khô ráp hoặc toàn bộ cơ thể để làm mềm mịn da, cung cấp độ ẩm cho da.

Bổ sung dưỡng chất cho tóc và da đầu: Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nếu ủ tóc bằng dầu dừa sẽ làm mềm tóc. Do lượng protein trong dừa rất cao nên sẽ giúp nuôi dưỡng da đầu và tóc hiệu quả. Sau khi gội đầu xong, sử dụng dầu dừa xoa lên tóc, vuốt đều từ ngọn đến gốc một cách nhẹ nhàng để dầu thấm sâu vào sợi và tóc. Sau đó búi tóc lại và ủ từ 10 – 15 phút thì gội lại với nước sạch.

Làm sạch miệng, trắng răng: Trong nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định trong dầu dừa có chứa một loại axit béo có tác dụng làm trắng răng, sạch miệng, tạo hơi thở thơm tho, thậm chí là ngăn ngừa sâu răng. Bạn chỉ cần dùng ngậm hoặc súc miệng với một chút dầu làm từ dừa vào mỗi sáng sẽ giúp răng miệng trở nên trắng sáng và không vương mùi hôi, mùi thức ăn.

Tẩy da chết: Sử dụng muối trắng kèm dầu dừa với tỉ lệ bằng nhau, khuấy đều thành hỗn hợp dung dịch, xoa lên mặt nhẹ nhàng để làm sạch làn da. Sau đó rửa sạch lại với nước ấm. Như vậy sẽ giúp tẩy tế bào chết và làm mờ vết thâm trên mặt.

Dầu dừa làm đẹp
Dầu dừa được sử dụng nhiều trong làm đẹp rất hiệu quả

Dưỡng môi, mi mắt và dưỡng mắt: Dùng dầu chiết xuất từ dừa xoa đều lên môi sẽ giúp làm hồng môi, dưỡng môi luôn căng mọng, tái tạo làn môi, chống nứt nẻ môi, nhất là vào mùa đông. Để làm giảm vết thâm vùng mắt thì xoa dầu lên vùng quanh mắt trước khi đi ngủ để dưỡng da vùng mắt. Dùng tăm bông chấm ít dầu dừa chải đều lên mi, sau thời gian mi mắt sẽ dài, dày hơn.

Ngăn ngừa nếp nhăn, trị mụn: Sử dụng dầu dừa, xoa đều lên các vùng da dễ xuất hiện nếp nhăn, massage nhẹ nhàng để dầu thấm sâu vào da. Thực hiện thường xuyên sẽ giúp làm mờ và ngăn ngừa nếp nhăn hiệu quả, chống lão hóa làn da. Người ta cũng dùng loại dầu này để trị mụn rất tốt. Xoa dầu lên vùng da bị mụn để tẩy sạch bã nhờn, tế bào chết, kháng khuẩn để làm giảm mụn, ngăn mụn trứng cá.

Triệt lông chân, cạo râu: Dầu dừa có thể làm mềm lông chân, râu cằm. Nếu các chị em muốn triệt lông chân có thể bôi ít dầu lên vùng chân và cạo lông chân như bình thường. Cảm giác sẽ dễ chịu, thoải mái và không bị kích ứng da chân khi triệt lông. Các anh chàng hết kem cạo râu có thể dùng ngay dầu dừa của vợ, xoa lên cằm và cạo râu như bình thường.

Sử dụng dầu dừa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và làm đẹp hiệu quả. Thế nhưng cần chú ý dầu mà bạn dùng có thực sự an toàn, sạch sẽ và nguyên chất hay không. Tốt nhất, nếu có thời gian hãy tự chiết xuất dầu tại nhà để đảm bảo có được dầu tốt nhất. Thử ngay những cách làm đơn giản mà chúng tôi đã hướng dẫn ở trên, bạn sẽ có ngay những hũ dầu từ dừa chất lượng nhất.

Nguồn tham khảo:

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Dương Ly

Xin chào! Mình là Dương Ly, chuyên viên Digital Marketing tại Vua Nệm. Với niềm đam mê viết lách, sự trải nghiệm cùng 3 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển nội dung đa lĩnh vực. Mình hy vọng có thể đem đến cho quý độc giả những bài viết hay ho, đầy hữu ích về mọi lĩnh vực trong đời sống.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM