Nhà hay

Cách làm chân gà sả tắc thơm giòn đúng điệu

CẬP NHẬT 30/07/2022 | BỞI Tôn Vân

Các món ăn vặt từ chân gà luôn nhận được nhiều sự yêu thích từ người lớn đến trẻ em. Chân gà dễ chế biến, không tốn quá nhiều thời gian và nguyên liệu cũng cực kỳ dễ kiếm. 

Đó là lý do tại sao các món ăn từ chân gà luôn được lựa chọn trong các gia đình hay các quán ăn vặt. Trong số đó phải kể đến chân gà sả tắc với các biến tấu đa dạng. 

Trong bài viết dưới đây, Vua Nệm sẽ hướng dẫn các bạn một số cách làm chân gà sả tắc ngon đúng điệu và đơn giản tại nhà. 

1. Cách chọn chân gà ngon

Một món ăn ngon điều đầu tiên phải kể đến đó là khâu lựa chọn nguyên liệu. Món chân gà sả tắc muốn ngon thì chân gà phải được lựa thật khéo. 

1.1 Quan sát bên ngoài chân gà

Với các loại chân gà bị bơm nước thì khi quan sát bằng mắt thường, bạn sẽ thấy chân gà khá mập và căng phồng. Đồng thời, lớp da gà không bị ngăn, kích thước của các chân rất đồng đều. 

Ngoài ra, nếu ở chân gà có các dị tật, nổi các cục u nần và máu tụ thì rất có thể đây là loại chân từ gà bệnh. Bạn cũng không nên chọn các loại chân gà có dấu hiệu bị dập nát hay da bị trầy xước vì nó là loại đã được bảo quản lâu ngày trong tủ đông. 

 chân gà
Chọn loại chân gà với phần da có độ đàn hồi tốt

1.2 Co dãn ở các khớp chân

Khi lựa chân gà ngon, cần xem xét từng chiếc chân. Chân gà tươi ngon thì thường có 4 ngón hướng vào trong và khi bạn nhấn mạnh vào thì mới căng phồng ra. Các loại chân gà ngâm nước lâu ngày thì giữa các ngón sẽ căng phồng tách xa nhau, xòe rộng và các khớp khi bẻ không còn được linh hoạt. 

Xem thêm: Hướng dẫn 7 cách làm đồ ăn vặt từ bột mì đơn giản ngon khó cưỡng

1.3 Màu sắc của chân gà

Nếu chân gà có màu trắng hồng tự nhiên, phần xương bên trong còn đỏ và không có các đốm màu xanh, đỏ có thể lựa chọn. 

1.4 Sờ vào chân gà

Sờ vào chân gà tươi ngon thì sẽ không bị nhớt hay cảm giác ẩm ướt ở tay mà chân gà sẽ rất chắc tay, lớp da săn chắc có độ đàn hồi tốt. Nhưng chân gà để lâu ngày kém chất lượng khi ấn vào sẽ cảm giác bùng nhùng hoặc lớp da chảy tuột. 

2. Cách làm chân gà sả tắc thơm ngon 

Cách làm hân gà sả tắc rất đa dạng như truyền thống, ngâm cùng cóc non hay ngâm theo kiểu thái,…để phù hợp với sở thích của người sử dụng. 

Món chân gà sả tắc truyền thống
Cách làm chân gà sả tắc truyền thống

2.1. Cách làm chân gà sả tắc truyền thống

2.1.1 Chuẩn bị nguyên liệu

  • 15-20 chân gà
  • 10 cây sả
  • 1 củ gừng
  • 10-15 quả tắc
  • Hành củ, tỏi, ớt, lá chanh
  • Rượu trắng (nếu có) 
  • Nước mắm, giấm, đường, muối, tiêu
  • Dụng cụ: Hũ đựng 

2.1.2 Cách làm chân gà sả tắc

  • Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 

Bước đầu tiên bạn cần làm đó là sơ chế thật kĩ phần chân gà. Bạn cần lột sạch lớp màng ở chân gà, có thể dùng dao hoặc kéo và cắt hết móng chân gà để khi ăn cảm thấy sạch sẽ hơn. 

Rửa sạch chân gà với muối hột nhiều lần đến khi thấy nước rửa trong. Bạn có thể chặt đôi chân gà, khứa dọc chân để ngấm gia vị hơn hoặc để nguyên theo sở thích. 

Chân gà nếu không sơ chế kĩ sẽ có mùi tanh đặc trưng khá khó chịu, lúc này bạn có thể dùng rượu trắng và gừng để chà bóp thật kỹ, đặc biệt ở phần giữa các kẽ ngón chân gà. 

Cách làm chân gà sả tắc
Cách làm chân gà sả tắc rất đơn giản

Để chân gà vào rổ cho thật ráo nước và sơ chế các nguyên liệu còn lại. Với sả, chặt bỏ phần lá già, và chia làm hai phần. Một phần sả bạn cắt khúc và đập dập, phần còn lại thái nhỏ. Gừng, tỏi, ớt rửa sạch băm nhỏ. Với tắc cần cắt đôi, bỏ hạt. Và cuối cùng là thái sợi lá chanh. 

  • Bước 2: Chế biến chân gà

Cho gừng, sả cắt khúc và muối vào nồi nước đun sôi đến khi lăn tăn thì cho chân gà vào và luộc từ 3-5 phút (tùy thuộc vào kích thước chân to hay bé) cho chính vừa. 

Chuẩn bị một tô nước đá lạnh. Khi chân gà chín, vớt chân gà ra và ngâm vào bát nước lạnh khoảng 20 phút để cho phần da của chân gà được săn lại và giòn hơn. 

Sau khi ngâm nước đá, vớt chân gà ra và để ráo. Tiếp theo, bạn cần bỏ chân gà vào hộp có nắp và đậy thật kín, có thể dùng màng bọc thực phẩm để bọc kín hơn và cho vào tủ lạnh tầm 30 phút để chân không bị khô và vẫn giữ được độ giòn. 

Lưu ý: Khi luộc chân gà, bạn có thể thêm một chút nước cốt chanh hoặc ít giấm để chân gà được trắng đẹp hơn. Đồng thời, không được đậy vung khi luộc để tránh việc chân gà bị chín quá sẽ không được giòn nữa. Ngoài ra, nếu muốn có màu đẹp, bạn có thể thêm một chút bột nghệ vào nước luộc. 

  • Bước 3: Pha nước ngâm 

Bạn cần đun sôi khoảng 1 lít nước và thêm vào đó 6 thìa canh đường, 6 thìa canh nước mắm ngon, 1 thìa cà phê muối và 5 thìa canh giấm gạo, khuấy đều cho tan. Khi đường đã tan hết thì đun thêm một lúc và tắt bếp, để nguội. Với bước này sẽ giúp khử độ gắt của nước mắm và giấm, giúp cho nước ngâm có vị thanh dịu hơn. 

Chuẩn bị nguyên liệu làm nước ngâm
Chuẩn bị nguyên liệu làm nước ngâm

Khi nước mắm đã nguội hẳn, bạn cho sả, gừng, tỏi, ớt, tắc đã thái nhỏ và chân gà vào nước mắm và trộn đều. Lưu ý, chỉ làm bước này khi nước mắm đã nguội hẳn, nếu không khi cho tắc vào sẽ khiến nước ngâm bị đắng, đồng thời chân sẽ bị nhớt và nhanh hỏng hơn. 

Sau khi trộn đều, bạn cần xếp chân gà xen kẽ gia vị vào hũ ngâm, đổ nước mắm ngập chân và đậy kín, để tủ lạnh. Bạn có thể sử dụng ngay sau khi ngâm tầm 3-4 tiếng và sẽ ngon hơn nếu ngâm qua đêm. 

Vậy là bạn đã hoàn thành món chân gà sả tắc theo cách truyền thống cực kỳ đơn giản, chỉ với 3 bước. Món ăn này bạn có thể thực hiện tại nhà cho gia đình, để nhắm rượu, bia rất bắt mồi. 

2.2. Cách làm chân gà sả tắc sốt thái

2.2.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 1kg chân gà
  • 4 cây sả
  • Ớt sừng, gừng, tỏi
  • Rượu trắng
  • 20g nước cốt me
  • 30g tương ớt Hàn Quốc
  • 20g ớt bột Hàn Quốc
  • 10 quả tắc
  • Các gia vị: muối, giấm, đường thốt nốt, nước mắm. 

2.2.2 Cách làm chân gà sả tắc

  • Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Các bước sơ chế chân gà bạn có thể thực hiện giống như cách ở trên. Với các nguyên liệu còn lại, sả đập dập cắt khúc hai cây, còn hai cây cắt lát xéo và mỏng. Gừng, ớt sừng cắt lát mỏng. Tỏi phi thơm. Tắc cắt đôi hoặc cắt làm ba và bỏ hạt để tránh bị đắng khi ăn. 

  • Bước 2: Chế biến chân gà

Thực hiện luộc chân gà với các nguyên liệu và ngâm nước lạnh giống như trên. 

Luộc chân gà với gừng
Cách làm chân gà sả tắc là luộc với gừng để khử mùi
  • Bước 3: Làm nước sốt Thái

Với nước sốt Thái, bạn cần phải thực hiện như sau: Bắc chảo lên bếp với 150g đường thốt nốt, 150ml nước mắm, 30g tương ớt Hàn Quốc, 30g bột ớt Hàn Quốc, nước cốt me và đun sôi hỗn hợp. Cho thêm 150ml nước lọc và đun đến khi đường tan, đồng thời hỗn hợp sốt rút lại chỉ còn ½ thì tắt bếp và để nguội. 

  • Bước 4: Trộn chân gà

Cho chân gà đã luộc vào âu lớn cùng với tắc, sả, tỏi phi và rưới nước sốt đã để nguội lên. Trộn đều và bóp nhẹ để chân gà ngấm đều gia vị. Với công thức này, bạn cũng có thể thêm cóc hoặc xoài non vào trộn chung để làm tăng thêm hương vị cho món ăn. 

  • Bước 5: Thưởng thức và bảo quản

Chân gà sốt Thái cần ướp ít nhất từ 4-6 tiếng trong ngăn mát tủ lạnh thì mới có thể thưởng thức được. Ngoài ra, để bảo quản được từ 4-5 ngày, bạn cần ngâm trong hũ thủy tinh, đậy nắp kín và cho vào ngăn mát tủ lạnh. 

Món chân gà sốt thái
Cách làm chân gà sả tắc sốt thái

2.3. Cách làm chân gà sả tắc cóc non 

2.3.1. Chuẩn bị nguyên liệu 

  • 500g chân gà
  • 10g gừng, 50g sả, 50g tắc, 20g ớt
  • 100g cóc non
  • 30g tôm khô
  • 2 thìa canh sả băm, 2 thìa canh hành tím băm, 2 thìa canh dầu ăn, 50ml nước cốt tắc
  • 100g đường nâu
  • 100g sa tế tôm 
  • 50ml nước mắm

Để chọn được cóc ngon, bạn nên chọn những trái có vỏ màu xanh tươi tự nhiên, không bị trầy hay chai sần. Khi ấn vào hơi cứng, cầm chắc tay mà không bị quá mềm. Đồng thời, cần chọn quả có phần cuống còn nguyên, dính vào thân và có thể có một lớp nhựa mỏng xung quanh cuống, có nghĩa là quả cóc đó mới được hái từ cây xuống. 

Bên cạnh đó, cần hạn chế chọn những quả có màu vàng bởi đó là những quả cóc chín, khi trộn cùng chân gà sẽ không được giòn. 

Chân gà sả tắc cùng cóc
Chân gà sả tắc cùng cóc non

2.3.2. Cách làm chân gà sả tắc

  • Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 

Sơ chế chân gà giống với cách chế biến đầu tiên. Các nguyên liệu còn lại 50g tắc cắt đôi hoặc cắt làm 3 bỏ hạt, 100g cóc cắt nhỏ miếng vừa ăn. Ngoài ra, bạn cũng có thể ngâm cóc đã thái vào bát nước đá để cóc được giòn hơn. 

  • Bước 2: Chế biến chân gà 

Luộc chân gà giống với cách đầu tiên. Vớt ra và ngâm vào nước lạnh để chân được giòn.

  • Bước 3: Làm nước sốt

Với nước sốt ngâm chân gà cùng cóc non, bạn có thể thực hiện như sau: Bắc chảo nóng, cho 2 thìa canh dầu ăn, thêm 20g sả băm, 20g hành tính băm vào chảo phi thơm vàng.

Thêm 50ml nước mắm, 50ml nước cốt tắc, 100g đường nâu, 100g sa tế tôm vào chảo và đảo đều đến khi tan hết nguyên liệu thì tắt bếp và để nguội. 

Làm nước sốt
Làm nước sốt
  • Bước 4: Trộn chân gà

Cho chân gà vào tô lớn, thêm 50g tôm khô, 20g ớt thái lát, 50g tắc và 100g cóc nón, sả thái lát và rưới nước sốt vào trộn đều, bóp nhẹ để chân gà thấm đều gia bị. 

  • Bước 5: Hoàn thành

Với chân gà ngâm sả tắc cùng cóc non thì bạn chỉ cần cho vào hũ để ngăn mát tủ lạnh tầm 30 phút là có thể thưởng thức được. 

3. Một số lưu ý với cách làm món chân gà sả tắc

Dưới đây là một số lưu ý để món chân gà sả tắc được thơm ngon và chuẩn vị hơn. 

3.1. Bảo quản

Khi ngâm chân gà sả tắc, bạn nên sử dụng hũ thủy tinh hoặc hộp nhựa kháng khuẩn đã được tráng qua nước sôi trước để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các loại hũ, sành thủy tinh dùng để ngâm chân gà sẽ đảm bảo an toàn hơn so với hũ nhựa. 

Với món chân gà sả tắc, bạn có thể đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh từ 4-5 ngày là ngon nhất. Không nên để quá lâu vì sẽ khiến mùi vị món ăn bị biến đổi. 

3.2. Trình bày món

Khi bày chân gà ra đĩa và thưởng thức thì bạn có thể rắc thêm một ít lá chanh thái chỉ để làm tăng thêm mùi vị của món ăn. Ngoài ra, không nên ngâm lá chanh cùng nước mắm vì sẽ khiến cho chân gà bị đắng. 

Đồng thời, khi lấy chân gà ra khỏi hũ, thì dụng cụ gắp cũng cần được hong khô sạch sẽ, tránh dính nước hay dầu mỡ vì sẽ khiến phần chân gà còn lại trong hũ nhanh hỏng hơn. 

Rắc thêm lá chanh thái
Rắc thêm lá chanh thái chỉ để tăng thêm hương vị

3.3. Làm thêm nước chấm ăn kèm

Để gia tăng thêm hương vị cho món chân gà thì ngoài việc sử dụng nước chấm muối tiêu thì bạn cũng có thể làm thêm nước sốt chấm “thần thánh” theo công thức dưới đây: 

  • Chuẩn bị 4-5 quả tắc, tỏi, ớt băm nhỏ, 1 thìa canh đường, 1 thìa canh sữa đặc, 2 thìa bột nêm, nửa thìa cà phê tiêu (nguyên liệu gia giảm theo khẩu vị) 
  • Tắc rửa sạch, bỏ hạt vắt lấy nước cốt. Thái chỉ vỏ tắc, cho vào bát cùng ớt, tỏi băm. Thêm lần lượt đường, tiêu, bột nêm, nước cốt tắc, sữa đặc vào khuấy đều. Hoặc cho vào máy xay sinh tố để các nguyên liệu được hòa quyện hơn. 

Vậy là bạn đã có ngay được một loại nước chấm chua ngọt để ăn kèm với chân gà rồi. 

Đừng bỏ lỡ: Cách làm dưa món thập cẩm giòn ngon chuẩn vị Tết

4. Kết luận 

Cách làm chân gà sả tắc rất dễ làm, có thể thực hiện tại nhà với các nguyên liệu, cách làm đơn giản. Dù là ngày hè nóng nực hay những ngày đông thì vừa nhâm nhi một đĩa chân gà vừa thưởng thức các món đồ uống và quây quần bên gia đình thì còn gì tuyệt vời hơn. 

Bài viết liên quan:

Tôn Vân
Tôn Vân