Chuyện quanh ta

Khám phá bánh trung thu các nước Châu Á

CẬP NHẬT 11/06/2022 | BỞI Vua Nệm Team

Sự khác biệt trong phong tục đón Tết Trung thu ở các nước châu Á đã tạo nên đặc trưng của từng nền văn hóa. Mỗi quốc gia đều có những loại bánh trung thu truyền thống thể hiện sự sáng tạo và đa dạng trong truyền thống ẩm thực.

Cùng Vua Nệm tìm hiểu và khám phá bánh trung thu ở các nước Châu Á xem chúng có điểm gì độc đáo và khác biệt nhé!

1. Nhật Bản – Bánh Tsukimi Dango (Bánh mặt trăng)

Bánh trung thu ở Nhật Bản là Tsukimi Dango (thường gọi là Dango) – một loại bánh làm từ bột gạo, khá giống bánh gạo mochi, có nhiều hình dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là hình tròn. Cách làm bánh gần giống bánh trôi nước, sau đó chúng được nướng sơ cho nóng giòn, quết một lớp mật ngọt lên trên bề mặt bánh.

Người Nhật thường dùng bánh Tsukimi Dango kèm với trà và bột đậu nành hay đậu đỏ trong ngày rằm tháng Tám âm lịch – Tết Trung thu. 

Trong truyền thuyết của đất nước “mặt trời mọc”, thỏ ngọc sống trên mặt trăng và giã bánh dày. Chính vì vậy, người Nhật tin rằng nếu ăn bánh Tsukimi Dango vào ngày trăng rằm tháng 8 thì có thể nhìn thấy thỏ ngọc.

bánh tsukimi dango
Bánh Tsukimi Dango trên cùng được trang trí hình mặt thỏ

2. Hàn Quốc – Bánh Trung thu Songpyeon (Bánh trăng khuyết)

Ít ai biết rằng, Tết Trung thu hay còn được gọi là Chuseok, là ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Chuseok là lời cảm tạ của người Hàn đến với ưu đãi của thiên nhiên, mùa màng bội thu, và đặc biệt là ơn đức của ông bà tổ tiên đời trước.

Lễ Chuseok kéo dài 3 ngày là khoảng thời gian mọi người nghỉ ngơi và quây quần bên gia đình, dù con cái ở xa cũng phải quay về đoàn tụ cùng cha mẹ.

Người Hàn Quốc có một loại bánh đặc biệt dành cho ngày này là bánh Songpyeon hay còn gọi là bánh gạo hình bán nguyệt. Nếu như người Việt Nam, Trung Quốc xem trăng tròn là biểu trưng cho sự hạnh phúc viên mãn, tròn đầy thì người Hàn Quốc lại xem trăng khuyết mới là hình ảnh lý tưởng.

Bởi trăng phải có lúc tròn, lúc khuyết, như là sự sinh sôi, nảy nở. Điều này giống như cuộc sống sẽ luôn biến đổi để đạt tới sự hoàn mỹ. Và đó là lý do tại sao những chiếc bánh songpyeon được nặn theo hình lưỡi liềm.

bánh trung thu songpyeon
Bánh Trung thu Songpyeon của Hàn Quốc

3. Trung Quốc – Bánh trung thu “đoàn viên”

Chuyện kể rằng trong triều đại nhà Nguyên ở Trung Quốc, Chu Nguyên Chương, vị tướng Quân Minh, tính kế sử dụng bánh Trung thu để gửi thông điệp khởi nghĩa tới người dân nhằm lật đổ ách thống trị của người Mông Cổ.

Vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, ngày mà mặt trăng tròn nhất, người dân nổi dậy khởi nghĩa và lật đổ ách thống trị, lập lên triều đại nhà Minh.

Ngày Tết Trung thu của người Trung Quốc, vì thế mang ý nghĩa “đoàn viên”. Vào ngày này, người Trung Quốc sẽ làm những chiếc bánh nướng hình tròn, bên trong nhân bánh khá phong phú đủ vị như đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn, trà xanh, thịt quay, xá xíu… Trên bề mặt bánh thường in các chữ với ý nghĩa tốt lành.

bánh trung thu trung quốc
Bánh trung thu Trung Quốc mang ý nghĩa “đoàn viên”

4.  Philippines – Bánh trung thu Hopia

Bánh trung thu của người Philippines là những chiếc bánh nướng đơn giản. Bánh nướng của Philippines không có hình dáng bắt mắt như các loại bánh Trung thu khác nhưng lại hấp dẫn ở phần vỏ bánh xếp lớp giòn giòn và nhân bánh đa dạng như đậu đỏ, đậu xanh, thịt lợn.

bánh trung thu hopia
Bánh trung thu Hopia Philippines

5. Singapore – Bánh trung thu lạnh

Singapore là đất nước của sự pha trộn tất cả các nền văn hoá trên thế giới, nhưng với số lượng người Châu Á chiếm đa số nên các nét Á Đông vẫn rõ nét nhất. Hơn nữa, do người Hoa sinh sống ở đất nước sư tử rất khá đông nên văn hoá của họ cũng chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Quốc. 

Bánh Trung thu ở Singapore trước đây cũng chỉ là kiểu bánh nướng nhân ngọt truyền thống, tuy nhiên trong một vài năm gần đây, các loại bánh Trung thu hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều.

Bánh Trung thu ở Singapore không chỉ có các loại nhân sầu riêng, kem, tổ yến, sô cô la, trà xanh, phô mai tươi… mà còn có cả dạng bánh Trung thu lạnh hay còn gọi là bánh dẻo tuyết, bánh dẻo lạnh, snow skin…  

Bánh Trung thu lạnh có lớp vỏ được làm bằng bánh dẻo, cùng phần nhân là viên chocolate có thạch trái cây thơm mát, ngọt nhẹ. Được giữ lạnh, bánh mang đến cảm giác ngọt dịu, dễ chịu.  

bánh trung thu lạnh
Bánh trung thu lạnh của Singapore có rất nhiều loại nhân

6. Thái Lan – Bánh trung thu nhân sầu riêng

Theo truyền thuyết của người Thái, vào lễ hội Trung thu, các bà tiên sẽ bay đến mặt trăng để gửi bánh và quả đào tiên chúc mừng Bồ Tát. Vì vậy mà người dân Thái Lan thường ăn bánh Trung thu và quả đào vào ngày rằm tháng 8.

Bánh trung thu tại Thái Lan cũng giống với Việt Nam nhưng có phần mỏng, dẹt hơn và nhân bánh được yêu thích nhất tại đây là nhân sầu riêng.

bánh trung thu thái lan
Bánh trung thu nhân sầu riêng vô cùng nổi tiếng

Chúc bạn và gia đình một ngày Tết Trung thu thật đầm ấm!

> ĐỌC THÊM:

Bài viết liên quan:

Vua Nệm Team
Vua Nệm Team