Bỏ túi ngay cách làm bún đậu mắm tôm thơm ngon, tròn vị

CẬP NHẬT 15/09/2024 | Bài viết bởi: Dương Ly
Ưu đãi tháng 12 tại Vua Nệm: Sale bùng nổ - Giá hủy diệt 

Bún đậu mắm tôm là món ăn bình dân nhưng lại khiến nhiều người “bị ghiền”. Chính mùi hương mắm tôm nồng nàn và vị béo của những miếng thịt heo thái mỏng đã giúp thực khách nhớ mãi không thôi về nó. Vậy bạn có từng nghe nói về nguồn gốc thật sự của món bún đậu hay cách chế biến nó ngay tại nhà? Hãy cùng nhau theo dõi bài viết sau cùng Vua Nệm để có thêm một công thức ẩm thực độc đáo nhé!

1. Nguồn gốc cách làm bún đậu mắm tôm

Ít người biết rằng, những mẹt bún đậu mắm tôm thơm ngon hấp dẫn là món ăn đại diện cho văn hóa ẩm thực Hà Thành. Theo lời kể lại của bậc cao niên, thuở ban đầu, món bún đậu đích thị là “món ăn nhà nghèo”. Chỉ cần đậu phụ, một ít rau mùi và chén mắm tôm cũng đủ để gia đình no ấm một bữa.

Thế rồi dần dần, người ta cảm thấy món ăn này rất ngon, độc đáo nhưng không quá phức tạp nên bắt đầu quảy gánh hàng rong khắp phố phường. Cứ đến chỗ nào thực khách có nhu cầu, thì các cô các dì lại ghé vào và chế biến ngay một mẹt bún đậu mắm tôm vừa nhanh gọn vừa nóng hổi.

Lúc đầu, bún đậu mắm tôm chỉ đơn giản là có bún, đậu phụ chiên ăn kèm mắm tôm và ít rau sống. Nhưng sau đó, món ăn được đưa đến nơi đô thị phồn hoa, có nhiều người “sành ăn” hơn nên cũng biến tấu thành nhiều phiên bản. Ngày nay, một mẹt bún đậu thập cẩm gồm có bún, đậu chiên, chân giò luộc, lòng luộc, dồi chiên, chả cốm, dưa leo, rau tía tô, kinh giới.

Bàn về nước chấm, đúng như tên gọi, món này sẽ được ăn kèm với chén nước mắm tôm có mùi hương đặc trưng. Tuy nhiên, cũng chính vì lẽ đó mà nhiều người không ăn được sẽ chọn nước mắm hay nước tương để thay thế. Thường nghĩ, nếu cứ kết hợp tất cả vào như thế thì còn gì là tinh hoa. Nhưng phải một lần thưởng thức bạn mới có thể cảm nhận được độ đậm đà và độc đáo của nó.

Ngày nay, ở Hà Nội, con ngõ Hàng Khay tọa lạc xung quanh bờ Hồ Tây chính là “thiên đường” bún đậu mắm tôm. Món ăn này còn được du nhập vào Sài Gòn với những cửa hàng nổi tiếng trên nhiều cung đường chính của thành phố nhộn nhịp. 

Bún đậu mắm tôm có nguồn gốc từ miền Bắc
Bún đậu mắm tôm là món ăn có nguồn gốc từ miền Bắc

2. Hướng dẫn cách chọn nguyên liệu

Để có một mẹt bún đậu mắm tôm chuẩn hương vị, khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng. Sau đây là một vài mẹo nhỏ cần lưu ý:

2.1. Cách chọn đậu phụ

Đậu phụ là một nguyên liệu chính của món bún đậu mắm tôm. Đây là thành phần dễ dàng mua được tại các chợ hoặc siêu thị. Không có quá nhiều sự khắt khe trong quá trình chọn lựa đậu nhưng sẽ thật tốt nếu bạn mua được đậu Mơ.

Có câu “Đậu Mơ chấm với mắm tôm; Ăn xong buổi sáng, đến hôm lại thèm”. Những ai ở Hà Nội đã không quá xa lạ với làng Mơ – nay thuộc làng Mai Động, quận Hoàng Mai. Nơi đây nổi tiếng với những mẻ đậu phụ sở hữu hương vị vô cùng riêng biệt, béo thơm, khi chiên lên phần vỏ vàng và giòn tan nhưng bên trong vẫn mềm mịn và không hề bị khô.

Đậu phụ
Đậu phụ nên được cắt thành khối hình vuông

2.2. Cách chọn bún

Một trong những đặc trưng của món bún đậu mắm tôm là sử dụng nguyên liệu bún lá thay cho bún rối chúng ta vẫn thường ăn. Loại bún này làm từ tinh bột gạo tẻ, dạng dẹt, chuyên được dùng cho những món ăn liên quan đến mắm.

Nếu bạn là người dân Hà Thành, hãy tìm đến làng bún Tứ Kỳ thuộc tổ dân phố 14,15 phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai để mua bún lá. Bởi lẽ nơi đây từ lâu đã nổi tiếng là nơi cung cấp bún lá cho hàng trăm quán bún đậu mắm tôm thủ đô.

2.3. Cách chọn thịt heo 

Để có thể chế biến món bún đậu ngon xuất sắc, bạn nên chọn thịt ba chỉ hoặc chân giò. Những phần này sẽ vừa có nạc, vừa có mỡ tạo nên độ béo vừa phải cho món ăn. Nhưng phải lưu ý chỉ mua những miếng thịt màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm. Thêm vào đó, khi ấn vào thì bề mặt thịt phải có tính đàn hồi, không chảy nhớt hoặc nhũn.

2.4. Cách chọn chả cốm 

Chả cốm tuy chỉ là một nguyên liệu phụ nhưng nếu thiếu đi sẽ khiến món bún đậu mắm tôm kém phần hấp dẫn. Người Hà Nội thường dùng chả cốm làng Vòng, còn những thực khách ở nơi khác có thể tìm mua loại chả này ở các siêu thị.

Chả cốm ăn kèm với bún đậu
Chả cốm ăn kèm với bún đậu là sự kết hợp hoàn hảo

2.5. Cách chọn mắm tôm

“Tinh túy” nhất của món ăn này đó chính là chén mắm tôm thần thánh. Mắm tôm có nguồn gốc từ vùng Hậu Lộc – Thanh Hóa là ngon nhất. Khi chọn mua loại mắm này tại chợ hoặc siêu thị, bạn hãy chọn mắm có màu hơi hồng và càng đậm mùi càng ngon.

3. Cách làm bún đậu mắm tôm chuẩn nhất

3.1. Chuẩn bị nguyên liệu

Nguyên liệu làm bún đậu mắm tôm chi tiết bao gồm:

  • 500g bún lá/ Bún tươi
  • 3 bìa đậu (hoặc nhiều hơn tùy sở thích)
  • 300g thịt chân giò 
  • 200g chả cốm (có thể chuẩn bị thêm dồi, lòng heo)
  • Mắm tôm 
  • Các loại rau như tía tô, kinh giới 
  • Gia vị: ớt, dầu ăn, đường trắng
  • Tắt/quất

3.2. Các bước làm bún đậu mắm tôm

  • Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đầu tiên, cắt đậu hũ thành từng miếng có hình vuông vừa ăn. Sau đó rửa sạch chân giò với nước muối pha loãng rồi để ráo và mang đi luộc chín. Tiếp theo, vớt thịt ra thau nước đá rồi thái lát mỏng và xếp lên dĩa.

Dùng chảo chiên đều 2 mặt chả cốm rồi thấm dầu và cắt sợi, bề dày khoảng nửa lóng tay. Dưa leo rửa sạch, cắt xéo và phải khéo léo canh sao cho bề dày không quá mỏng cũng không quá dày. Đối với những loại rau mùi ăn kèm, nên nhặt kỹ và ngâm nước muối khoảng 10 phút và vớt ra để ráo.

  • Bước 2: Pha mắm tôm 

Thông thường, nước cốt chanh luôn xuất hiện trong khâu làm nước chấm của ẩm thực Việt. Nhưng đối với món bún đậu mắm tôm, những trái tắc nhỏ mới chính là “chân ái”. 

Vì mắm tôm là loại mắm đặc biệt có vị mặn rất đậm đà nên chúng ta cần pha với tỉ lệ: 1 muỗng lớn đường, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 2 trái tắc, 1 trái ớt cắt lát mỏng (có thể cho nhiều hơn nếu thích). Sau cùng, bạn dùng đũa khuấy đều cho đến khi bề mặt mắm nổi bọt trắng thì cho thêm một ít dầu ăn nóng vào là hoàn thành.

chén mắm tôm
Một chén mắm tôm được pha đúng cách mới giúp món bún đậu tròn vị
  • Bước 3: Chiên đậu hũ

Đợi dầu ăn trong chảo đủ độ nóng thì cho từng lát đậu hũ cắt hình vuông vào và chiên vàng đều 2 mặt. Lưu ý nên để lửa nhỏ vì đậu rất nhanh chính. Dùng giấy thấm dầu để thấm bớt lượng dầu trên những mẻ đậu vừa ra lò.

  • Bước 4: Cách làm bún lá (nếu mua không được)

Cách làm bún lá từ bún rối thường ngày cũng không quá phức tạp. Sau khi mua bún tươi về thì chần sơ qua nước nóng rồi bọc lại bằng màng bọc thực phẩm. Để bún lên một cái mâm rồi dùng một tấm thớt bằng gỗ đè mạnh lên và ép bún trong khoảng 2 giờ. Cuối cùng, cắt bún thành khối là đã có thể trưng bày cùng những nguyên liệu khác và thưởng thức.

4. Ăn bún đậu mắm tôm có mập không?

Không phải là một món ăn chơi đơn thuần trong những ngày buồn miệng, mẹt bún đậu mắm tôm giờ đây được xem là bữa ăn chính với nhiều thành phần dinh dưỡng.

  • Đậu phụ có chứa hàm lượng vitamin A, C, magie, canxi… thúc đẩy quá trình tiêu hóa và trao đổi chất.
  • Thịt chân giò, ba chỉ, dồi, lòng, chả cốm,… là nguồn cung cấp chất đạm (protein) dồi dào và tăng sinh collagen tự nhiên.
  • Bún lá làm từ tinh bột gạo nên không dễ gây tăng cân như khi chúng ta ăn cơm. 
  • Cuối cùng những loại rau ăn kèm bổ xung chất xơ và cũng là vị thuốc dân gian tốt cho cơ thể.

Trung bình một mẹt bún đậu thập cẩm có khoảng 700 calo nên cũng khá an toàn đối với những ai đang có nỗi lo về việc bị tăng cân. Tuy nhiên, món ăn này được khuyến cáo là không nên dùng nhiều trong thời kỳ mang thai, đối với bệnh nhân có vấn đề về dạ dày, đại tràng, trẻ em có hệ tiêu hóa kém,…

Bún đậu mắm tôm  thay cho bữa chính
Bún đậu mắm tôm có thể được ăn thay cho bữa chính

Lời kết

Trong tất cả các món ăn dân giã của vùng quê Việt Nam, có lẽ bún đậu mắm tôm là có dư vị đậm đà và khiến người ta quyến luyến nhất. Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp thêm cho bạn cách làm bún đậu đúng chuẩn nhất.

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Dương Ly

Xin chào! Mình là Dương Ly, chuyên viên Digital Marketing tại Vua Nệm. Với niềm đam mê viết lách, sự trải nghiệm cùng 3 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển nội dung đa lĩnh vực. Mình hy vọng có thể đem đến cho quý độc giả những bài viết hay ho, đầy hữu ích về mọi lĩnh vực trong đời sống.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM