Veneer là gì? Những ứng dụng của veneer trong đời sống

CẬP NHẬT 14/09/2024 | Bài viết bởi: Vua Nệm
Banner Black Friday

Nhằm đáp ứng sự phát triển của ngành công nghiệp nội thất và nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, ngày càng có nhiều vật liệu mới được ra đời. Và một trong số đó, chắc chắn không thể không kể tới Veneer. Vậy bạn có biết Veneer là gì? Và những ứng dụng của Veneer trong ngành nội thất? Nếu bạn đang tò mò về vấn đề này, hãy cùng Vua Nệm tham khảo trong bài viết dưới đây nhé!

1. Veneer là gì?

Veneer là chất liệu được làm từ gỗ tự nhiên, lạng mỏng thành các tấm có độ dài từ 0.6 – dưới 3mm. Chúng thường được sử dụng để dán lên bề mặt các đồ nội thất gỗ như: giường, ghế, tủ, bàn,… thậm chí là nội thất xe hơi, đàn ghi-ta.

Trong điều kiện gỗ ngày một khan hiếm như hiện nay thì Veneer chính là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu sử dụng gỗ của con người. Vì những tấm Veneer này sẽ được phủ lên bề mặt các dòng gỗ công nghiệp như gỗ MDF, plywood,… tạo thành những sản phẩm không khác gì được làm 100% từ gỗ tự nhiên, vừa đẹp, bền, lại tiết kiệm chi phí và gỗ tự nhiên.

gỗ veneer là gì
Veneer là gì luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm

Veneer có thể được làm từ rất nhiều loại gỗ tự nhiên khác nhau như: gỗ sồi, xoan đào, óc chó, tần bì, thông,… Và màu sắc, vân gỗ của Veneer cũng rất đa dạng, giống với chính loại gỗ làm ra nó.

2. Phân loại Veneer

Thông thường để phân loại Veneer người ta sẽ dựa vào chất liệu mà phân thành:

  • Veneer xoan đào.
  • Veneer óc chó.
  • Veneer thông. 
  • Veneer gỗ hương.
  • Veneer sồi,….

Ngoài ra, bạn cũng cần phân biệt rõ Veneer và gỗ Veneer. Vì hiện nay đa phần gỗ Veneer sẽ chỉ có phần vỏ làm từ tấm Veneer là gỗ tự nhiên, còn phần lõi sẽ được làm từ gỗ công nghiệp. 

Rất hiếm trường hợp đồ nội thất làm từ 100% gỗ tự nhiên lại sử dụng thêm Veneer dán lên bề mặt. Và tất nhiên, sản phẩm được làm từ gỗ Veneer sẽ rẻ hơn nhiều so với sản phẩm được làm từ 100% gỗ thịt tự nhiên.

gỗ veneer
Gỗ Veneer khác so với veneer

Vì vậy, khi lựa chọn đồ nội thất, bạn cần hiểu rõ vấn đề này để lựa chọn chất liệu cho phù hợp và tránh được tình trạng mua sai giá.

3. Ưu – nhược điểm của gỗ Veneer

Sau khi tìm hiểu Veneer là gì, hãy cùng xem những ưu và nhược điểm của gỗ Veneer nhé!

3.1. Ưu điểm của gỗ Veneer

Chất liệu gỗ Veneer sở hữu những ưu điểm nổi bật sau:

  • Tính thẩm mỹ cao: những tấm veneer với bề mặt sáng bóng, đường vân sắc nét, tự nhiên, giúp tăng tính thẩm mỹ, chân thật hơn cho các sản phẩm nội thất được được làm từ gỗ công nghiệp.
  • Giá thành rẻ: so với gỗ tự nhiên thì các sản phẩm sử dụng gỗ Veneer sẽ có giá thành rẻ hơn, là lựa chọn tối ưu cho các gia đình thích nội thất gỗ nhưng điều kiện kinh tế còn hạn hẹp.
  • Chất liệu Veneer ra đời cũng gián tiếp góp phần bảo vệ môi trường. Vì sử dụng Veneer sẽ giúp giảm sản lượng tiêu thụ gỗ tự nhiên, nên hạn chế được tình trạng khai thác gỗ.

3.2. Nhược điểm của gỗ Veneer

Bên cạnh các ưu điểm kể trên, gỗ Veneer cũng có một số nhược điểm nhất định như sau:

  • Độ bền kém hơn gỗ tự nhiên: như bạn đã biết gỗ Veneer chỉ có phần vỏ rất mỏng được làm từ gỗ tự nhiên, còn phần cốt làm từ gỗ công nghiệp. Do đó, độ bền chắc của nó vẫn còn kém, dễ bị trầy xước khi bị các vật sắc nhọn đâm vào. Thậm chí có thể mất luôn mảng Veneer trên bề mặt và để lộ ra phần gỗ công nghiệp phía trong.
  • Gỗ Veneer không chống thấm nước: vì khả năng kháng nước kém nên các sản phẩm được làm từ gỗ Veneer chỉ sử dụng được trong môi trường khô thoáng, không ẩm ướt.
  • Dễ bị sứt mẻ, rạn vỡ: vì tấm Veneer có kích thước rất mỏng nên chỉ cần lực mạnh tác động lên bề mặt gỗ Veneer thì sẽ có nguy cơ làm sản phẩm bị rạn vỡ, sứt mẻ.

4. Quy trình sản xuất veneer

Để sản xuất ra các tấm Veneer, người ta phải trải qua một quá trình bao gồm 7 bước như sau:

go veneer là gì
Quy trình sản xuất Veneer

4.1. Bước 1: Chọn gỗ 

Những cây gỗ được chọn thường là: xoan đào, óc chó, thông, gai, sồi… phải đảm bảo các tiêu chuẩn về năm tuổi và kích thước trước khi khai thác.

4.2. Bước 2: Làm mềm gỗ thịt

Ở bước này, những cây gỗ được chọn phía trên sẽ được đem đi luộc, hấp,… để làm mềm thân gỗ nhằm giúp cho quá trình lạng gỗ sau này trở nên dễ dàng hơn.

4.3. Bước 3: Lạng gỗ

Đây chính là bước tạo ra các tấm Veneer theo nhiều kích thước khác nhau, tùy thuộc vào các lạng gỗ. Lúc này, mỗi tấm Veneer được lạng ra sẽ có kích thước từ 0,6 – dưới 3mm.

Hiện nay, có 3 cách lạng gỗ được sử dụng phổ biến nhất chính là:

  • Lạng tròn: với cách lạng gỗ tròn, bạn có thể tưởng tượng mỗi khúc gỗ giống như một cuộn giấy, người ta sẽ lạng gỗ tương tự như cách bạn lấy giấy để sử dụng. Tức là lạng theo vòng tròn xung quanh từ ngoài vào trong tới khi hết thì dừng.
  • Lạng phẳng: với phương pháp này, khúc gỗ sẽ được xẻ dọc làm đôi. Sau đó, dùng máy lạng gỗ để cắt song song với đường xẻ dọc ban đầu và tạo thành các tấm Veneer. Phương pháp lạng này sẽ cho ra các tấm Veneer có hình vân dạng núi bắt mắt.
  • Lạng phần tư: theo phương pháp này, khúc gỗ sẽ được sẻ dọc từ tâm, chia thành 4 phần bằng nhau. Sau đó tại mỗi phần, người ta tiến hành lạng gỗ theo chiều 1/2 vòng cung. Phương pháp lạng gỗ này sẽ tạo ra các tấm Veneer có hình sọc thẳng. 

4.4. Bước 4: Đem Veneer đi sấy khô

Để làm khô các tấm Veneer, người ta mang những tấm đã được lạng thành công đi sấy bằng máy sấy công nghiệp, không sử dụng nắng tự nhiên. Vì ánh nắng mặt trời có độ nóng gay gắt, không điều chỉnh được nhiệt độ nên có thể làm các tấm Veneer bị giòn, gãy, cong vênh, không sử dụng được.

gỗ ghép dán veneer
Sấy khô tấm veneer

4.5. Bước 5: Phủ keo lên bề mặt lõi gỗ công nghiệp

Như đã nói gỗ Veneer sẽ có phần lõi được làm từ gỗ công nghiệp, nên ở bước này cần phủ keo lên lõi gỗ trước khi dán tấm Veneer lên bề mặt.

Loại keo được sử dụng để dán phần lõi gỗ và Veneer là keo UF. Nó có ưu điểm là: khả năng kết dính tốt, không độc hại, khô nhanh và không thấm nước, rất thích hợp cho chất liệu gỗ.

4.6. Bước 6: Dán tấm Veneer vào phần lõi gỗ

Đây chính là bước phủ tấm Veneer lên bề mặt gỗ, tạo thành những tấm gỗ hoàn chỉnh. Ở bước này, người ta sẽ dùng máy để ép chúng lại với nhau, đồng thời tạo độ phẳng cho mặt gỗ.

4.7. Bước 7: Làm bóng, xử lý bề mặt

Tại bước thứ 7, người ta sẽ dùng máy để chà nhám, xử lý bề mặt giúp các tấm gỗ được bóng mượt, nhẵn mịn, không còn dằm gỗ, không có khả năng gây hại tới người dùng.

Như vậy là hoàn thành một tấm Veneer đạt tiêu chuẩn trước khi đưa vào sản xuất ra các sản phẩm nội thất hiện nay.

5. Ứng dụng của tấm Veneer trong ngành công nghiệp nội thất

Có thể nói, phát minh ra tấm Veneer chính là bước tiến mới trong ngành công nghiệp nội thất hiện nay. Vì nó có thể ứng dụng vào rất nhiều sản phẩm, từ nội thất cho tới nhạc cụ. Cụ thể như sau:

  • Tấm Veneer có thể sử dụng để sản xuất các sản phẩm nội thất thiết yếu như: bàn ghế, giường, tủ sách, tủ bếp, kệ sách, kệ rượu, cửa, sàn gỗ, hoặc một số loại đèn trang trí,…
  • Tấm Veneer cũng được ưa chuộng để sản xuất các sản phẩm nội thất dành cho xe hơi.
  • Đặc biệt, chúng còn được dùng cho nhiều nhạc cụ làm từ gỗ như: đàn ghi-ta, violin, piano,…
ứng dụng gỗ veneer
Nội thất được làm từ gỗ veneer

6. Tổng kết

Trên đây là tất tần tật các thông tin liên quan đến Veneer – chất liệu mới trong ngành công nghiệp nội thất như Veneer là gì, ứng dụng veneer mà Vua Nệm đã tổng hợp và gửi đến bạn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn đồ nội thất.

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Vua Nệm

Mang sứ mệnh "Nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua trải nghiệm giấc ngủ tuyệt vời, được cá nhân hoá cho riêng bạn", Vua Nệm nỗ lực cải thiện sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng có những nhu cầu khác nhau. Chúng tôi mong rằng bạn sẽ được trải nghiệm giấc ngủ không chỉ “ngon” mà còn là cảm giác thư giãn, tràn đầy năng lượng để tận hưởng cuộc sống.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM