Trong đám cưới hiện đại, ngày cưới chính thức thường được tổ chức theo hơi hướng phương Tây. Tuy nhiên, những nét văn hoá quan trọng trong thủ tục cưới hỏi của người Việt vẫn được gìn giữ qua năm tháng, được thể hiện tinh tế ở những mâm quả ngày cưới.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu về mâm quả đám cưới, lễ vật đám cưới ở 3 miền Bắc, Trung, Nam và hướng dẫn chuẩn bị mâm quả cho lễ cưới chi tiết nhất.
Nội Dung Chính
1/ Về mâm quả đám cưới
Mâm quả đám cưới là lễ vật quan trọng trong phong tục cưới hỏi của mọi vùng miền. Mỗi mâm quả đều gửi gắm những mong muốn tốt đẹp, những lời cầu chúc viên mãn cho cô dâu chú rể trong ngày trọng đại nhất cuộc đời.
Tùy thuộc vào từng vùng miền mà lễ vật ở mỗi mâm quả sẽ khác nhau. Thông thường số lượng mâm quả đám cưới tại miền Bắc (hay còn gọi là số tráp) luôn là số lẻ, có thể từ 5,7,9 hoặc đến 11 tráp. Tuy nhiên số lễ vật trên mỗi mâm lại được bày trí với số chẵn mang hàm ý có đôi có cặp, vợ chồng đồng lòng có nhau. Ngược lại, theo phong tục cưới hỏi miền Nam thì số lượng mâm quả đám cưới là số chẵn. Các gia đình thường đặt 6 hoặc 8 mâm.
2/ Nét đặc trưng của mâm quả đám cưới 3 miền
2.1/ Mâm quả đám cưới miền Bắc
Với mâm quả đám cưới miền Bắc thì số lễ vật trong mỗi tráp là chẵn, số lượng tráp là lẻ. Số lượng tráp trong lễ ăn hỏi miền Bắc thường là 5,7,9 tráp hoặc 11 tráp với những gia đình có điều kiện.
Tráp ăn hỏi sơn son thếp vàng được những người thợ khéo léo tạo hình rất công phu và cầu kỳ, bày biện theo hình tháp, buộc ruy băng nơ và phủ khăn rồng phụng đỏ thắm. Số lượng mâm quả đám cưới càng lớn thì sẽ càng nhiều lễ vật được thêm vào nhưng bắt buộc lúc nào cũng phải có trầu cau và chè sen.
- Lễ vật 5 tráp gồm: Chè thơm, trầu cau, hạt sen, bánh cốm, rượu và thuốc lá.
- Lễ vật 7 tráp gồm: Chè thơm, trầu cau, hạt sen, bánh cốm, rượu và thuốc lá, bánh phu thê, bánh đậu xanh.
- Lễ vật 9 tráp gồm: Chè thơm, trầu cau, hạt sen, bánh cốm, rượu và thuốc lá, bánh phu thê, bánh đậu xanh, trái cây và hoa tươi tạo hình rồng phượng, lợn sữa quay.
2.2/ Mâm quả đám cưới miền Trung
Ở miền Trung, mâm quả đám cưới lại không quá đặt nặng về hình thức mà phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình 2 bên. Tuy vậy, 4 lễ vật truyền thống vẫn được giữ nguyên khá giống với miền Bắc đó là: mâm trầu cau, mâm bánh phu thê, mâm chè rượu và nến tơ hồng. Mỗi lễ vật đều mang ý nghĩa tốt đẹp, tượng trưng cho cuộc sống hạnh phúc
Mâm quả cưới trầu cau thể hiện tình nghĩa vợ chồng bền chặt. Bánh phu thê tượng trưng cho cuộc sống gia đình hòa thuận yên ấm. Mâm chè rượu để bày tỏ lòng thành kính của cô dâu, chú rể dâng lên tổ tiên.
Đặc biệt, theo phong tục cưới hỏi ở miền Trung, cặp nến tơ hồng sẽ được một người lớn tuổi có gia đình hạnh phúc thổi tắt sau khi hành lễ. Điều này hàm ý cuộc sống hôn nhân của vợ chồng trẻ về sau cũng viên mãn như người được ‘’xin vía’’
Một số mâm quả đặc trưng trong đám hỏi miền Trung:
- 5 mâm quả đám cưới bao gồm: Trầu cau, trà rượu và nến tơ hồng; bánh phu thê, gà luộc và xôi gấc; hoa quả.
- 6 mâm quả đám cưới bao gồm: Trầu cau, trà rượu và nến tơ hồng; bánh phu thê, gà luộc và xôi gấc; hoa quả, chả hoặc nem
2.3/ Mâm quả đám cưới ở miền Nam
Khác với miền Bắc sử dụng mâm quả số lẻ, mâm quả miền Nam lại là số chẵn với ít nhất 4 mâm, nhiều là 10 mâm. Thông thường, số 6 và số 8 sẽ được các gia đình lựa chọn vì đây là 2 số tượng trưng cho tài lộc và vận khí may mắn. Tùy thuộc điều kiện của mỗi nhà mà các lễ vật trong mâm quả có thể thêm bớt ít nhiều
Điểm khác biệt cơ bản nhất là mẹ chồng sẽ chuẩn bị riêng một tráp quần áo gồm bộ áo dài truyền thống và đôi bông tai, thể hiện sự chăm sóc, quan tâm đối với con dâu mới trong nhà.
Nếu như ở miền Bắc có đặc sản bánh cốm không thể thiếu trong đám hỏi thì ở miền Nam, người ta sẽ dùng bánh su sê (khác với bánh phu thê). Đây là loại bánh hình vuông, được gói bằng lá dứa và trang trí đẹp mắt, mang ý nghĩa sự gắn kết bền chặt trong hôn nhân.
- Mâm 6 quả gồm: Mâm trầu cau, mâm trà rượu và nến khắc long phụng, bánh su sê, xôi gấc tạo hình trái tim; trái cây và hoa tươi, heo quay.
- Mâm 8 quả gồm: Mâm trầu cau, mâm trà rượu và nến khắc long phụng, bánh su sê, xôi gấc tạo hình trái tim; trái cây và hoa tươi, heo quay, bánh kem, áo dài và nhẫn cưới (thêm kiềng vàng với gia đình có điều kiện)
3/ Hướng dẫn chuẩn bị mâm quả đám cưới theo tục lệ riêng 2 miền Nam Bắc
3.1/ Tục lệ riêng mâm quả đám hỏi miền Bắc
Thông thường khi đặt các dịch vụ cưới hỏi, bên dịch vụ sẽ sắp xếp, bày trí sẵn cho các gia đình các mâm quả. Tuy nhiên, vẫn có một số tục lệ diễn ra trong ngày ăn hỏi mà bạn cần hết sức chú ý để không xảy ra sơ sót.
Trên một trong số các mâm quả đám cưới sẽ có một mâm bạn cần chuẩn bị một phong bì tiền mặt. Đây gọi là tiền gia đình chú rể gửi cô dâu để sắm đồ cưới cũng như trang trí tiệc cưới. Mẹ chú rể sẽ là người cầm khay chứa tiền mặt này trao tận tay cho mẹ cô dâu rồi mới trao các mâm lễ khác.
Các lễ vật đựng trong mâm quả sơn son thếp vàng, bày theo hình tháp và phủ khăn rồng phượng. Khi trao đến nhà cô dâu, từng tráp khi trao sẽ được bỏ khăn ra, bên trong là các lễ vật được bày biện và trang trí vô cùng cầu kỳ và đẹp mắt.
3.2/ Tục lệ riêng mâm quả đám hỏi miền Nam
Người miền Nam rất tinh tế, điển hình là việc quy định mâm trầu cau có 105 quả, ý nghĩa chúc cho đôi uyên ương mới trăm năm hạnh phúc. Bên cạnh đó số lá trầu cũng cần gấp đôi số quả cau có trong mâm. Vậy nên buồng cau có 105 quả thì lá trầu phải có tương ứng 210 lá.
Khi chuẩn bị các mâm lễ vật, người miền Nam thường suy ra ý nghĩa từ tên gọi. Chẳng hạn như quả sung là sung túc, quả đu đủ là đủ đầy… Ngoài ra, những loại trái cây có vị chát, vị cay… cũng được liệt vào danh sách cấm trong mâm quả đám cưới của người miền Nam. Màu sắc chủ đạo trong mâm quả đám cưới là những màu mang lại ý nghĩa may mắn, thịnh vượng như đỏ, hồng phấn, ánh kim.
Xem thêm: Mâm ngũ quả đám cưới cần có những gì?
4/ 10 mẫu mâm quả đám cưới truyền thống của người Việt
4.1/ Mâm quả trầu cau
“Miếng trầu là đầu câu chuyện” đã ăn sâu vào văn hóa phong tục của người Việt Nam. Chính vì thế nên trong thủ tục cưới hỏi từ xưa đến nay đều không thể thiếu trầu cau dù là mâm quả ngày cưới của miền Bắc, Trung hay Nam. Số lượng trầu cau cũng thể hiện một ý nghĩa hoặc lời chúc tốt đẹp đến cô dâu chú rể mới.
4.2/ Mâm quả trái cây rồng phượng
Trong phong thủy của người Á Đông, rồng và phượng là 2 trong 4 loài tứ linh tượng trưng cho may mắn, thành công và thịnh vượng. Thông qua mâm quả đám cưới Rồng Phượng, họ hàng hai bên gia đình muốn gửi lời chúc tới hôn nhân của vợ chồng trẻ sớm phát tài phát lộc và có nhiều con cái, sinh quý tử.
Những loại trái cây thường được dùng bày biện trong mâm quả đám cưới gồm táo đỏ, đu đủ, xoài to,… hàm ý mong muốn tân lang tân nương có hôn nhân ngọt ngào, đầy đủ về vật chất.
4.3/ Mâm quả cưới bánh phu thê
Mâm quả bánh phu thê của người miền Bắc hoặc bánh su sê của người miền Nam là thứ bánh không thể thiếu trong đám hỏi. Mâm quả này thể hiện lời hứa chung thủy đầu bạc răng long của cặp vợ chồng son. Đây cũng chính là lời chúc phúc của gia đình nhà trai dành cho gia đình nhà gái.
Xem thêm: “Tất tần tật” trình tự đám hỏi chuẩn nàng dâu mới cần phải biết
4.4/ Mâm quả đám cưới rượu – thuốc
Mâm quả rượu và thuốc lá là mâm quả thể hiện lòng hiếu kính của con cháu. Mâm quả này là mâm quả được dành để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Rượu cũng được cho là tăng cảm xúc cho mọi cuộc vui thêm trọn vẹn.
4.5/ Mâm quả đám cưới xôi gà
Với truyền thống văn minh lúa nước, xôi gà là biểu tượng cho sự ấm no sung túc. Xôi được chọn trong mâm quả phải là xôi gấc màu đỏ, hạt xôi bóng bẩy mỡ màng, ép khuôn hình hoa đẹp mắt. Gà ta được luộc chín, tạo hình xếp cánh ngay ngắn, da gà vàng đều và mỡ màng.
4.6/ Mâm quả đám cưới bánh cốm
Bánh cốm là lễ vật truyền thống trong mâm quả cưới của người miền Bắc. Quan niệm rằng bánh cốm là loại bánh thơm ngon, mang được sự tinh túy của cốm non cùng đậu xanh và dừa tươi. Chính sự kết hợp tinh tế đó đã thể hiện cho sự hài hòa của đất trời, sự đồng thuận của vợ chồng trẻ trong cuộc sống hôn nhân sau này.
4.7/ Mâm quả đám cưới chè thơm
Văn hóa tiếp khách trong đám hỏi, cô dâu sẽ là người rót từng cốc nước chè để mời gia đình nhà trai và khách khứa 2 bên. Ấm chè thơm sẽ giúp mọi người thư giãn, cởi mở và gần gũi hơn khi nói chuyện. Cũng như mâm rượu và thuốc, mâm quả cưới này cũng được dâng lên bàn thờ gia tiên trong nghi thức cưới hỏi, thể hiện lòng thành kính với ông bà tổ tiên.
4.8/ Mâm quả đám cưới bánh kem
Khác với miền Bắc và miền Trung có đặc sản bánh cốm, người miền Nam thường có niêm yêu thích với các loại bánh bông lan. Không khó hiểu khi phong tục cưới hỏi tại đây lại có mâm quả cưới là bánh kem. Bánh kem vừa có hương vị ngọt ngào phù hợp với đám cưới, vừa được trang trí vô cùng bắt mắt. Các cặp đôi cũng được tự do lựa chọn phong cách trang trí bánh riêng phù hợp với sở thích của mình.
4.9/ Mâm quả đám cưới tiền vàng
Tiền vàng là mâm quả cưới đặc trưng theo tục lệ của người miền Nam. Lúc nào nhà trai cũng sẽ chuẩn bị một mâm tiền vàng, áo dài, trang sức do mẹ chồng chuẩn bị cho cô dâu mới.
Tại miền Bắc thì phong bì tiền sẽ được để ở 1 trong các mâm quả đám cưới và được mẹ chú rể trao cho mẹ cô dâu.
Nhìn chung, tiền vàng trong mâm quả đám cưới được hiểu là sự đóng góp của nhà trai trong việc tổ chức lễ cưới. Một phần thể hiện sự biết ơn công lao dưỡng dục của bố mẹ cô dâu trước khi rước cô dâu về nhà trai.
4.10/ Mâm quả cưới heo quay
Thông thường trong sính lễ ăn hỏi 8 hoặc 9 tráp sẽ có thêm mâm heo sữa quay. Mâm quả heo quay tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc, thóc gạo đầy kho.
Có thể thấy theo nét đẹp văn hóa của người Việt, mâm quả đám cưới không chỉ là lễ vật đến xin dâu mà nó còn thể hiện sự chân thành của gia đình nhà trai.
>> Xem thêm các mẫu chăn ga cưới đẹp tại Vua Nệm
Sự chu đáo, cẩn thận trong quá trình chuẩn bị đám cưới cũng thể hiện được sự chăm lo, gánh vác gia đình của chú rể sau này. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho các bạn những kiến thức hữu ích để chuẩn bị mâm quả cưới tốt nhất cho ngày trọng đại của mình.