Chuyện quanh ta

Ý nghĩa sâu xa của các phong tục tập quán ngày Tết

CẬP NHẬT 08/06/2022 | BỞI Vua Nệm Team

Nhắc đến Tết, biết bao hình ảnh quen thuộc lại ùa về trong tâm trí ta. Nào mâm ngũ quả, nào bánh chưng xanh, nào lì xì đỏ, nào đón giao thừa…tất cả hòa quyện lại và cùng nhau tạo nên một cái Tết rất Việt Nam.

Ta biết Tết từ thuở lọt lòng. Ta thấy ông bà ta giữ gìn Tết trong từng phong tục tập quán. Trải qua biết bao thế hệ, dù vạn vật đổi thay, những phong tục tốt đẹp ấy vẫn còn được tiếp diễn. Bạn có thắc mắc các phong tục tập ngày Tết ấy là gì? Ý nghĩa sâu xa ẩn sau các phong tục tập quán này? Mời bạn đọc theo dõi ngay bài viết sau để có câu trả lời

1. Mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là một trong những thứ quan trọng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết

Mâm ngũ quả là một trong những thứ quan trọng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết của gia đình Việt. Theo niềm tin của ông bà ta ngày xưa, tất cả mọi vật chất đều tạo nên từ 5 yếu tố ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Và niềm tin này đã ăn sâu vào trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, ngay cả trong chuyện cúng kiếng đêm giao thừa

Trong quan niệm dân gian, “ngũ quả” chỉ sự tập trung đầy đủ của các loại trái cây trong đất trời. Con số 5 – “ngũ hành” là một con số rất tốt trong quan niệm phong thủy. Nó thể hiện sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, bền vững. 

Vào đêm giao thừa, ông cha ta sẽ chọn lựa 5 loại trái cây để cúng đất trời với ngụ ý: Những lễ vật này được đúc kết từ biết bao mồ hôi và công sức của người lao động, nay kính dâng lên đất trời và thần thánh trong giờ phút linh thiêng, cầu mong cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới

Tùy theo vùng miền mà các loại trái cây trên mâm ngũ quả sẽ khác nhau. Ở miền Bắc, 5 loại trái cây thường được chọn để đem lên mâm ngũ quả là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Với miền Trung, mọi người thường không đặt nặng việc sẽ đặt gì trên mâm ngũ quả, chỉ cần là trái cây tươi tốt đã đủ lòng thành.

Các loại quả thường được người dân nơi đây lựa chọn là thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt…Với miền Nam, mọi người thường cúng các loại trái cây Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.

2. Cúng ông Táo

cúng ông táo
Vào ngày 23 tháng chạp hàng năm, ông bà ta sẽ cúng tiễn ông Táo về trời để tỏ lòng thành kính và biết ơn 3 vị thần đã bảo vệ mình

Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt chuyển hóa thành sự tích “hai ông một bà” – tức thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc. Người dân vẫn quen gọi chung là ông Táo hoặc thần Tháo.

Cả ba vị thần này đều được Ngọc Hoàng giao cho việc canh giữ nhà cửa, bếp núc, chợ búa cho con người chúng ta. Không chỉ vậy, Táo quân còn canh đuổi quỷ dữ không cho vào nhà và giúp giữ cho gia đình êm ấm trong suốt cả năm. 

Vào ngày 23 tháng chạp hàng năm, ông Táo sẽ bay về trời và báo cáo tình hình cho Ngọc Hoàng. Vào ngày này, ông bà ta sẽ cúng tiễn ông Táo về trời để tỏ lòng thành kính và biết ơn 3 vị thần đã bảo vệ mình suốt cả năm qua, đồng thời cầu mong cho các Táo sẽ báo cáo cho Ngọc Hoàng những điều tốt nhất về gia đình. Vào ngày 30 tháng chạp, chúng ta lại đón ông Táo trở về nên gia đình để chuẩn bị đón chào năm mới.

Lễ vật cúng ông Táo gồm: mũ ông Công (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà), hương, đèn nến, lọ hoa, tiền vàng, đĩa ngũ quả tươi. Ngoài ra, người Việt còn cúng theo các phương tiện để các Táo có thể bay về trời. Ở miền Bắc, người ta thường thả cá chép ra sông với ngụ ý “cá chép hóa rồng” sẽ mang ông Táo về trời.

Ở miền Trung, người ta thường cúng một con ngựa giấy với yên, cương đầy. Ở miền Nam, mọi người sẽ cúng một bộ “cò bay, ngựa chạy” – hình con cò và con ngựa làm bằng giấy. 

3. Tảo mộ

tảo mộ
Bắt đầu từ 23 đến 30 tháng chạp, con cháu trong gia đình thường sẽ đi thăm và quét dọn mồ mả tổ tiên.

Bắt đầu từ 23 đến 30 tháng chạp, con cháu trong gia đình thường sẽ đi thăm và quét dọn mồ mả tổ tiên. Họ thường mang hương, hoa, đèn đến mộ cúng và mời linh hương tổ tiên về nhà vui Tết cùng con cháu. Đây là một trong số các phong tục ngày Tết tốt đẹp thể hiện tinh thần hiếu đạo và sự thành kính của người còn sống đối với tổ tiên đã khuất của mình

4. Cúng Tất Niên

cúng tất niên
Hàng năm, để kết thúc một năm mới đã qua và đón chào một năm mới, người Việt ta thường có tục lệ cúng Tất Niên.

Hàng năm, để kết thúc một năm mới đã qua và đón chào một năm mới, người Việt ta thường có tục lệ cúng Tất Niên. Trong tiếng Hán, Tất có nghĩa là xong, niên có nghĩa là năm. Cúng Tất Niên nghĩa là cúng kết thúc một năm. Đây là một phong tục tập quán Tết thể hiện sự tri ân của gia chủ với đất trời, tổ tiên đã phù hộ, giúp đỡ mình trong suốt một năm qua. Chính vì vậy, mọi người luôn chú trọng mâm cúng Tất Niên của mình.

Trong lễ Tất Niên, người ta thường chia làm 2 mâm cỗ. Mâm thứ nhất để cúng gia tiên trên bàn thờ trong nhà. Mâm còn lại cúng đất, trời sẽ để ở ngoài sân. Mỗi một vùng miền sẽ có những tập tục riêng. Vì vậy, lễ cúng Tất Niên ở mỗi vùng lại có sự khác nhau.

Tuy nhiên, theo phong tục chung của người Việt thì mâm ngũ quả cần có: Bánh chưng, hoa tươi, vàng mã, trầu cau…, kèm theo đó là những món ngon tùy theo sở thích của từng vùng miền trên Tổ Quốc.  

Hầu hết lễ Tất Niên ở miền Bắc luôn có hai món quen thuộc đó là giò thủ và gà guộc. Còn đối với các gia đình miền Nam lại có thịt kho để ăn kèm với dưa giá, củ kiệu và tôm khô

Bên cạnh việc thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, phong tục cúng tất niên còn là dịp để các thành viên gia đình quây quần lại bên nhau và cùng nhìn lại một năm đã qua

5. Gói bánh chưng bánh giầy

Gói bánh chưng và bánh giầy
Gói bánh chưng và bánh giầy

Khi nước ta bước vào đời Hùng Vương thứ 6, Lang Liêu đã dùng những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong để làm nên bánh chưng và bánh giầy. Hai loại bánh tưởng chừng như đơn giản nhưng chứa đựng trong đó rất nhiều ý nghĩa.  

Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất mẹ bao la. Bánh giầy hình tròn tượng trưng cho bầu trời rộng lớn. Bánh chưng, bánh giầy được xuất hiện vào dịp Tết để thể hiện sự biết ơn đất trời đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. đời sống con người ấm no hạnh phúc.

6. Đón giao thừa

Giao thừa
Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới

Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đây còn được coi là thời khắc thiêng liêng lúc đất trời giao hòa. Chính vì thế, các thành viên trong gia đình thường quây quần bên nhau để đón chào giây phút đặc biệt này. Hoạt động này góp phần gắn kết tình cảm giữa mọi người với nhau hơn, đồng thời còn mang ý nghĩa vứt bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón chào năm mới tốt đẹp hơn.

7. Xông đất

xông đất
Vào ngày đầu năm, người ta thường mời một vị khách hợp tuổi với gia chủ để vào nhà xông đất.

Vào ngày đầu năm, người ta thường mời một vị khách hợp tuổi với gia chủ để vào nhà xông đất. Ngoài việc xem xét tuổi tác, chủ nhà còn dựa vào sức khỏe, đức tính, sự thành đạt, hạnh phúc của người khác để chọn làm người người xông đất.

Phong tục xông đất được hình thành dựa trên quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt”. Nếu người đầu tiên bước vào nhà là người tốt tính, cởi mở, vui vẻ, làm ăn phát đạt thì cả năm gia chủ sẽ được hưởng nhiều điều tốt đẹp, làm ăn thuận lợi.

Xem thêm: Phong thủy phòng ngủ giúp gia chủ phát tài phát lộc

8. Lì xì

Phong tục lì xì
Phong tục lì xì đầu năm mới có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Phong tục lì xì đầu năm mới có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Người xưa tuyên truyền rằng, vào đêm Giao thừa, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào ban đêm và làm các đứa trẻ đang ngủ say bị sốt cao. Vì thế, những gia đình có con nhỏ phải thức canh cả đêm để yêu quái không thể làm hại con mình. Có một gia đình nọ vợ chồng già mới sinh được một mụn con trai.

Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà biết rằng chú bé này sẽ gặp phải yêu quái nên hóa thành 8 đồng tiền gói trong tờ giấy đỏ đặt bên cạnh gối đứa bé. Khi con quái vật ấy đến, những đồng tiền sẽ lóe lên và làm con quái vật hoảng sợ bỏ chạy.

Câu chuyện lì xì cũng từ đó mà lan truyền khắp nơi. Những phong lì xì đỏ có tiền bên trong mang ý nghĩa như một tặng vật để bảo vệ con trẻ khỏi bệnh tật, tai họa cũng như chúc mừng các bé thêm tuổi 

9. Xuất hành

xuất hành
Xuất hành là đi ra khỏi cổng, khỏi đất làng mình ở, bất cứ đi đâu, đi vì việc gì.

Xuất hành là đi ra khỏi cổng, khỏi đất làng mình ở, bất cứ đi đâu, đi vì việc gì. Theo quan niệm dân gian, nếu xuất hành đúng giờ tốt, đi hướng tốt thì cả năm sẽ gặp may mắn trong công việc và tiền tài, thậm chí còn có cơ hội tìm được “một nửa”.

Ngoài ra, người Việt còn có tục lệ trong ba ngày Tết, dù có đi đâu làm gì thì đến chiều tối cũng phải về. Nếu đi mà không trở về trong 3 ngày đầu năm thì gia đình năm đó sẽ không gặp nhiều may mắn. 

Không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa cầu may, các phong tục ngày Tết còn thể hiện phần nào nét đẹp văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn ý nghĩa phong tục ngày Tết của đất nước ta. Chúc bạn năm mới có nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Xem thêm: Top 11 món đồ cần sắm trong dịp Tết

Bài viết liên quan:

Vua Nệm Team
Vua Nệm Team