Trò chơi dân gian là hoạt động rất quen thuộc với trẻ em thế hệ trước. Ngày nay, khi công nghệ phát triển nhanh chóng, các bé thường không có nhiều cơ hội để tham gia các trò chơi dân gian, mà thay vào đó là các trò chơi online, các loại game trên internet hoặc các món đồ chơi hiện đại.
Để giúp con trẻ có một tuổi thơ nhiều kỷ niệm với các hoạt động lành mạnh, giúp phát triển cả thể chất và tinh thần, ba mẹ nên tổ chức các trò chơi dân gian cho bé. Đây cũng là cơ hội ôn lại kỷ niệm tuổi thơ của mỗi người. Cùng Vua Nệm tìm hiểu top 7 trò chơi dân gian cho trẻ mầm non bổ ích và vô cùng phổ biến hiện nay nhé!
Nội Dung Chính
1. Trò chơi chi chi chành chành
Đây là trò chơi quen thuộc với hầu hết các thế hệ trẻ em. Chi chi chành chành là trò chơi giúp rèn luyện phản xạ nhanh cho bé. Ngoài ra, trò chơi này khá đơn giản, với bài vè dễ thương, gần gũi cũng giúp trẻ thích thú và tạo nhiều niềm vui, tiếng cười cho trẻ.
Cách chơi chi chi chành chành như sau:
- Người chơi: 2 người trở lên
- Chọn một người đứng xòe tay ra, những người khác đặt ngón trỏ của mình vào lòng bàn tay của người xòe tay.
- Người xòe tay hát bài đồng dao:
“Chi chi chành chành.
Cái đanh thổi lửa.
Con ngựa đứt cương.
Ba vương ngũ đế.
Chấp chế đi tìm.
Ù à ù ập”
Khi đọc đến chữ cuối cùng, người xòe tay lập tức nắm lòng bàn tay lại. Những người chơi còn lại phải cố gắng rút tay thật nhanh để không bị bắt trúng.
Người rút tay không kịp là người thua, phải chịu xòe tay ở lượt chơi tiếp theo hoặc phải chịu hình phạt theo thỏa thuận trước khi chơi.
Là trò chơi dân gian cho trẻ mầm non, chi chi chành chành khá gần gũi và dễ chơi, đem lại nhiều tiếng cười cho con trẻ.
2. Trò chơi mèo bắt chuột
Đây là trò chơi giúp trẻ vận động thể chất, kích thích phản ứng nhanh giữa não bộ và các bộ phận cơ thể.
Cách chơi trò chơi dân gian mèo bắt chuột:
- Phụ huynh hoặc giáo viên xếp cho các bé đứng thành 2 vòng tròn: 1 vòng tròn nhỏ bên trong và 1 vòng tròn lớn bên ngoài. Một bé sẽ làm mèo và một bé làm chuột, đứng quay lưng vào nhau trong vòng tròn nhỏ.
Với hai vòng tròn, trẻ ở vòng ngoài đứng đối diện và nắm tay bạn ở vòng tròn còn lại, giơ cao để làm hành lang.
Khi nghe hiệu lệnh của người quản trò, trẻ làm chuột sẽ chạy trước, trẻ làm mèo chạy sau và đuổi theo chuột. Chuột vào hành lang nào thì mèo cũng chạy vào hành lang đó. Các bé làm hành lang sẽ hát như sau:
“Đã là Mèo
Phải bắt Chuột
Bắt được Chuột
Là chén liền
Đã là chuột
Trông thấy Mèo
Phải chạy ngay”.
- Nếu mèo bắt được chuột ở hang nào thì trẻ làm hành lang đó phải đóng vai mèo và chuột. Hai trẻ đã làm mèo và chuột sẽ tiếp tục làm hành lang.
Mèo và chuột là trò chơi dân gian cho trẻ mầm non rất phổ biến và được rất nhiều trẻ con yêu thích.
3. Oẳn tù tì (kéo – búa – bao)
Oẳn tù tì không chỉ là trò chơi dân gian cho trẻ mầm non mà còn là trò chơi, một phương pháp phân định vui của người lớn.
Oẳn tù tì giúp bé rèn luyện khả năng tính toán, phản xạ nhanh và tính phán đoán chính xác. Trò chơi dân gian này có thể được áp dụng với trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Cách chơi trò oẳn tù tì:
- Trò chơi oẳn tù tì cần ít nhất 2 người chơi
- Trẻ chỉ cần đung đưa tay theo nhịp câu hát:
“Oẳn tù tì.
Ra cái gì?
Ra cái này!”
Khi kết thúc câu vè, tất cả các bé phải xòe tay ra một trong ba hình dạng: kéo (hai ngón tay trỏ và giữa), búa (nắm tay) hoặc bao (xòe tay).
- Thắng và thua được xác định theo quy tắc sau: kéo thua búa nhưng thắng bao, búa thua bao.
4. Trò chơi bịt mắt bắt dê
Không chỉ giúp trẻ vận động cơ thể, trò chơi bịt mắt bắt dê còn tăng khả năng phán đoán, rèn luyện thính giác và tính kiên nhẫn của trẻ.
Cách chơi bịt mắt bắt dê:
- Trò chơi cần ít nhất 3 trẻ tham gia.
- Trước khi bắt đầu trò chơi, các bé sẽ chơi trò tay trắng tay đen để loại ra 1 hoặc 2 bé.
Các bé thua trong tay trắng tay đen sẽ bị bịt mắt để tìm dê. Trẻ thắng trong trò chơi nhỏ trên sẽ được làm dê.
- Các bé đóng vai dê phải liên tục kêu “be be” và tuyệt đối né người bị bịt mắt để không bị bắt. Tuy nhiên, phải lưu ý với trẻ rằng bé không được chạy khỏi vòng tròn đã vẽ sẵn.
- Phân định thắng thua: trẻ bị bịt mắt bắt được dê thì sẽ thắng và đổi vai thành dê. Trẻ bị bắt sẽ bị bịt mắt ở lượt tiếp theo.
5. Trò chơi rồng rắn lên mây
Rồng rắn lên mây là trò chơi đậm tính dân gian, mang đến rất nhiều niềm vui cho các bé mầm non.
Cách chơi trò rồng rắn lên mây:
- Trò chơi cần ít nhất 4 trẻ tham gia
- 1 bé sẽ đóng vai ông chủ và ngồi một chỗ, các bé còn lại sẽ nối đuôi thành hàng dài,
Các bé nối đuôi nhau đi lòng vòng trong sân. Vừa đi vừa hát:
“Rồng rắn lên mây
Có cái cây lúc lắc
Có cái nhà điểm binh
Có ông chủ ở nhà không?”
Khi vừa dứt câu, trẻ xếp hàng dừng lại trước mặt ông chủ. Ông chủ sẽ trả lời “Có” hoặc “Không”. Nếu câu trả lời là không, trẻ trong hàng sẽ tiếp tục đi. Nếu ông chủ trả lời có, cả nhóm trẻ trong hàng sẽ tiếp tục trả lời những câu hỏi của ông chủ:
“Ông chủ: Cho xin khúc đầu?
Cả nhóm: Những xương cùng xẩu
Ông chủ: Cho xin khúc giữa?
Cả nhóm: Chả có gì ngon
Ông chủ: Cho xin khúc đuôi?
Cả nhóm: Tha hồ mà đuổi.”
Sau câu cuối, trẻ đóng vai ông chủ sẽ đuổi bắt “khúc đầu” “khúc đuôi” hoặc “khúc giữa”, tùy theo câu vè. Trẻ bị bắt sẽ đổi vai và chơi lượt tiếp theo.
Trò chơi rồng rắn lên mây là trò chơi dân gian cho trẻ mầm non. Không chỉ tạo nhiều niềm vui, trò chơi này còn gắn kết trẻ với ba mẹ, anh chị em, hoặc bạn bè.
6. Trò chơi tập tầm vông
Là trò chơi dân gian cho trẻ mầm non vô cùng thú vị, tập tầm vông giúp trẻ tăng cường cũng như rèn luyện khả năng phán đoán của bản thân.
Cách chơi trò tập tầm vông:
- Đồ vật cần chuẩn bị: đồ vật nhỏ sao cho để vừa lòng bàn tay trẻ, như: viên bi, viên đá hoặc sỏi.
- Luật chơi: Trò chơi này cần ít nhất 2 trẻ
Trẻ phải đoán đúng đồ vật được nắm giữ trong lòng bàn tay nào. Trẻ đoán đúng sẽ thắng, đoán sai sẽ bị hình phạt, tùy theo thỏa thuận lúc đầu.
- Cách chơi: Ba mẹ hoặc thầy cô sẽ giấu vật vào lòng bàn tay. Sau đó, đưa hai tay ra phía trước, thực hiện xoay vòng và hát bài đồng dao:
“Tập tầm vông tay không tay có
Tập tầm vó tay có tay không
Tay không tay có, tay có tay không…”
Sau đó đưa tay ra sau lưng thực hiện hoán đổi vị trí đồ vật và hát câu cuối cùng: “Đố ai đoán được đang ở trong tay nào?”. Sau đó hai tay ra phía trước để trẻ đoán. Trẻ đoán trúng sẽ có thưởng.
7. Trò chơi trốn tìm
Trốn tìm được xem là trò chơi dân gian cho trẻ mầm non vô cùng phổ biến và quen thuộc. Trò chơi này giúp rèn luyện sự tập trung cho trẻ. Ngoài ra, nó còn có tác dụng thúc đẩy khả năng nhạy bén về thính giác cũng như sự phán đoán của bé.
Cách chơi trò trốn tìm:
- Trò chơi này cần ít nhất 2 trẻ tham gia
- Trẻ sẽ chơi oẳn tù tì trước để tìm ra người thắng và thua cuộc. Người thắng cuộc sẽ đóng vai đi trốn, người thua cuộc sẽ là người nhắm mắt và đi tìm.
- Cách chơi: 1 trẻ úp mặt vào tường và đếm: “5-10-15-20-25-30…”. Sau khi phán đoán các bạn đã trốn xong, trẻ có thể ra khỏi vị trí và bắt đầu tìm bạn. Trẻ tìm được bạn nào thì bạn đó thua và sẽ đổi vai thành người đi tìm.
XEM THÊM:
- Giường bạt cho trẻ mầm non là gì? Có nên dùng giường bạt cho trẻ mầm non hay không?
- Tổng hợp 12 trò chơi thông minh cho bé thú vị nhất
Trên đây là các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non đem đến nhiều niềm vui cũng như rèn luyện tính tập thể, khả năng phán đoán và độ nhạy bén của trẻ. Các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non sẽ đem đến cho các bé tuổi thơ nhiều màu sắc và niềm vui.
Tiếp tục theo dõi Vua Nệm để đón đọc những bài viết thú vị sắp tới nhé!