Time anxiety đang là một biểu hiện tâm lý khá phổ biến hiện nay. Đôi khi chúng ta đặt ra những cột mốc thời gian và ép bản thân vào một áp lực vô hình nào đó. Điều này dẫn đến sự lo âu, bỏ lỡ và cảm giác mất mát. Hãy cùng tìm hiểu về khái niệm time anxiety là gì và cách khắc phục tình trạng này nhé.
Nội Dung Chính
1. Giải thích time anxiety là gì?
“Time anxiety” gọi nôm na là nỗi lo âu thời gian. Cảm giác lo lắng, bồn chồn thường xuất hiện khi bạn có dư dả hoặc thiếu thốn thời gian, đặc biệt là những lúc làm việc kém hiệu quả. Cảm giác này được bắt nguồn từ suy nghĩ không có đủ thời gian để làm việc gì đó hoặc không đủ việc để lấp đầy thời gian trống. Khi vấn đề thời gian được não nhận thức là mối nguy hiểm, ví dụ như gần tới deadline.
Bắt đầu từ vùng hạch hạnh nhân não, chúng gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi, tại đây tiếp tục gửi thông điệp đến tuyến thượng thận cho phép giải phóng adrenaline.
Lúc này cơ thể sẽ có phản ứng fight-or-flight mode hay còn được gọi là chiến hay chạy. Một số biểu hiện thường thấy là tim đập nhanh, huyết áp tăng cao hơn bình thường.
Nhà thần kinh học Anne-Laure Le Cunff chia time anxiety thành 3 dạng khác nhau:
- Nỗi lo về thời gian hiện tại: Bạn sẽ luôn cảm giác bị ngộp thở, hối hả trong những công việc hằng ngày. Câu thường nói của những đối tượng này đó chính là “ước gì 1 ngày có nhiều hơn 24 tiếng”.
- Nỗi lo về thời gian tương lai: Bạn luôn tưởng tượng về những viễn cảnh tồi tệ có thể xảy ra trong tương lai, điều này khiến bạn rơi vào trạng thái sợ hãi và lo lắng. Suy diễn ra nhiều kết quả khác nhau và tự đặt ra câu hỏi “lỡ như” cho từng trường hợp.
- Nỗi lo về thời gian hiện sinh: Nỗi lo này thường xuất hiện ở những đối tượng có phần đặc biệt như người già yếu, tù nhân, bệnh nhân,… Họ lo lắng thời gian trôi qua và không bao giờ quay lại vì họ đang phải chịu áp lực về khoảng thời gian hiện hữu, tồn tại. Nhưng khi đại dịch Covid bùng nổ và bắt đầu giãn cách xã hội thì nhiều người trong chúng ta cũng mắc phải tình trạng này. Chúng ta lo sợ và nhìn thời gian trôi qua trong bất lực, vô vọng.
2. Một số biểu hiện của time anxiety
2.1. Chạy nước rút, bận rộn 24/7
“Nước đến chân mới chạy” là kết quả của phản ứng “chiến hay chạy” nhưng điều đáng nói ở đây là sự ngụy biện cho việc tính toán sai kế hoạch. Một khi tính sai thời gian hoàn thành công việc bạn sẽ phải đánh đổi bằng sự rượt đuổi liên hồi của những đầu việc kế tiếp.
Theo như bạn tính toán thì cần 1 tiếng để chuẩn bị và di chuyển đến chỗ làm vì thế bạn thức dậy lúc 8h. Sau đó do tắc đường nên bạn đến công ty trễ hơn dự tính vào lúc 9h30.
Buổi họp bắt đầu lúc 10h nên bạn chỉ còn lại 30p để ăn sáng và chuẩn bị tài liệu. Các đầu việc tiếp theo cứ liên tục dồn dập, bạn luôn trong tình trạng hối hả, gấp rút, không đủ thời gian hoàn thành. Nếu không có cách khắc phục thì điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến nhịp sinh hoạt của bạn.
2.2. Không thể ngừng xem đồng hồ
Xem đồng hồ thường xuyên cũng là một biểu hiện của time anxiety. Tâm trạng muốn kiểm soát thời gian nên sinh ra hành động cứ vài phút là xem đồng hồ một lần.
Nếu bạn quá cứng nhắc trong việc sắp xếp mọi thứ để tương thích với thời gian một cách tuyệt đối thì chính bạn sẽ rơi vào trạng thái luôn bị đuổi. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng ép buộc người khác làm theo thời gian biểu của bản thân.
2.3. Lo lắng, căng thẳng khi không đúng kế hoạch
Có thể bạn không phải là người linh hoạt, thích làm theo kế hoạch nên khi mọi chuyện đi chệch hướng thì bạn bắt đầu hoảng loạn. Bạn cảm thấy kế hoạch của mình bị tiêu tan, tốn rất nhiều thời gian để chờ đợi. Lúc này não cũng mất thời gian để xử lý thông tin và vạch ra phương án khác.
Ví dụ khi bị delay chuyến bay và có chuyến bay khác thay thế hoặc một phương án khác thì bạn dễ lo sợ, hoảng loạn. Tâm trạng hoảng loạn khiến bạn không còn tỉnh táo 100% để đưa ra quyết định chính xác.
2.4. Hiệu ứng đường hầm (tunnel vision)
Hiệu ứng đường hầm được hiểu theo 2 khía cạnh khác nhau, trong y học thì đây là tình trạng mất thị lực ngoại vi khiến tầm nhìn bị thu hẹp. Tuy nhiên, trong tâm lý học thì tunnel vision chỉ sự miễn cưỡng, không muốn nhìn nhận những lựa chọn khác thay cho quyết định ban đầu.
Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng này, đó chính là thiên kiến và áp lực về mặt thời gian. Cả hai sẽ khiến tầm nhìn của bạn bị thu hẹp giống như tên gọi – hiệu ứng đường hầm.
Tunnel vision sẽ trở nên nguy hiểm trong vài trường hợp, đại loại như một bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư giai đoạn muộn sau đó từ bỏ hy vọng và không chấp nhận điều trị vì mang tầm nhìn đường hầm.
Nhưng nếu một người không mắc chứng hiệu ứng đường hầm thì họ sẽ tìm đến nhiều phương án tiếp theo như là xin ý kiến một bác sĩ khác chưa từng nghe đến chẩn đoán ban đầu. Vì chưa nghe qua chẩn đoán nên bác sĩ sẽ có những cái nhìn mới, không bị thiên kiến ảnh hưởng, từ đó đưa ra cách điều trị phù hợp.
2.5. Thích liệt kê các công việc cần làm
To do list là các gạch đầu dòng liệt kê công việc cần thực hiện, mỗi khi một đầu dòng đã hoàn thành bạn cảm thấy thỏa mãn và thành công do não tiết ra dopamine. Bạn có cảm giác chinh phục thời gian khi thực hiện to do list.
Lập quá nhiều to do list gây ra sự khó khăn, khiến bạn liên tục phải nhảy việc này việc kia, cuối cùng là chẳng hoàn thành việc nào cả.
2.6. Không xác định rõ được sự khẩn cấp của công việc
Hiện ứng này xảy ra khi công việc cũ chưa hoàn thành nhưng bạn lại ưu tiên công việc mới gấp hơn, tuy nhiên đầu việc cũ lại mang đến lợi ích lâu dài.
Ví dụ điển hình hơn, nhiều người có thói quen phải check mail liên tục khi có thư mới dù công việc hiện tại đang thực hiện vẫn chưa hoàn thành. Chúng làm ta mất tập trung và mất thời gian cả ngày khi công việc cũ vẫn đang dang dở.
2.7. Sợ bỏ lỡ (FOMO)
Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) cũng là một biểu hiện điển hình của chứng time anxiety – lo âu thời gian. Biểu hiện này thường xuyên xuất hiện ở người trẻ tuổi, khi nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa đã lập gia đình, thành công trong sự nghiệp.
Từ đó sinh ra cảm giác bị bỏ lỡ, bỏ lỡ thời gian vàng để bạn có thể đạt được những thành tựu giống như vậy. Bạn sẽ dần mất đi tầm nhìn khi luôn suy nghĩ về thời gian và ám ảnh vì những thành công ngoài kia. Điều này dẫn đến những suy nghĩ của bạn không được thấu đáo, không có cách nào tìm ra được lối đi riêng.
3. Làm sao để hạn chế triệu chứng anxiety
3.1. Không lên kế hoạch quá chi tiết
Thời gian biểu, một kế hoạch được lên trước giúp bạn tận dụng tối đa thời gian và sắp xếp công việc một cách hiệu quả. Tuy nhiên nó có thể có phản ứng ngược, nếu một trong số đó không theo đúng kế hoạch ban đầu thì kéo theo những thứ khác bị mất kiểm soát.
Chính vì thế bạn cần có “kế hoạch B” hoặc những khoảng thời gian trống để có thể linh hoạt hơn.
3.2. Sử dụng tip hack thời gian
Để khắc phục tình trạng time anxiety bạn có thể áp dụng những cách hack thời gian sau:
- Ma trận Eisenhower: Phân loại các đầu công việc theo thứ tự ưu tiên.
- Batching & blocking: Gộp các công việc có thể hoàn thành cùng lúc, sau đó dành ra khoảng thời gian trống để thực hiện chúng.
- Thuyết 4 lò lửa: 4 lò lửa đại diện cho 4 khía cạnh, bạn bè, gia đình, công việc, sức khỏe. Trong từng giai đoạn của cuộc sống bạn sẽ có những ưu tiên và phải tắt đi 1 hoặc 2 trong 4 lò lửa đó.
3.3. Nhìn nhận giá trị bản thân
Có một mẹo để bạn tránh hiện tượng FOMO đó chính là nhìn nhận lại giá trị bản thân. Bạn hãy xác định những thứ mà mình muốn đạt được trong cuộc sống này từ đó bạn sẽ biết được các giá trị mình cần theo đuổi.
Nếu bạn nhìn thấy những người xung quanh đạt được thành tựu mơ ước thì hãy nhìn nhận lại đó có phải là giá trị mình theo đuổi không. Câu trả lời là có thì hãy bắt đầu nỗ lực và cố gắng nhưng nếu là không thì đừng lấy việc đó ra so sánh với bản thân.
Cuộc sống mỗi người đều được vận hành theo những quỹ đạo riêng nên chúng ta cần thời gian để đạt được mong muốn của bản thân. Hiểu được điều này bạn sẽ ngừng tiếc nuối khoảng thời gian đã qua.
3.4. Thực hành chánh niệm
Các suy nghĩ về hàng chục cái viễn cảnh tồi tệ sẽ khiến bạn lo lắng bất an về quãng thời gian tương lai. Thế nên thực hành chánh niệm sẽ giúp bạn tập trung vào quãng thời gian hiện tại hơn.
Bản chất của những nỗi lo sẽ được bạn nhìn thấu khi có khoảng lặng từ đó bạn có thể tìm ra được giải pháp về mặt lâu dài. Hãy đến tư vấn tâm lý để được hỗ trợ và thực hành các liệu pháp chánh niệm phù hợp với bản thân.
XEM THÊM:
- Trauma dumping là gì? Có phải là một loại chia sẻ cảm xúc tiêu cực độc hại?
- Hiệu ứng pratfall là gì và những ứng dụng bất ngờ từ chúng
- Overthinking là gì? Làm thế nào để bản thân có thể suy nghĩ tích cực hơn?
Time anxiety là gì? Là một dạng nhìn nhận sai về mặt thời gian khiến chúng ta trở nên hoang mang, lo lắng. Hiện trạng này rất phổ biến chúng diễn ra hằng ngày và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nhưng bạn yên tâm, chỉ cần thực hiện các mẹo trên bạn sẽ tránh được hiện trạng này.
Nguồn: https://vietcetera.com/vn/time-anxiety-thoi-gian-la-bao-nhieu-cho-du