‘Đọc vị’ nhóm tính cách Người trung thành (The Loyalist) trong Enneagram

CẬP NHẬT 19/08/2024 | Bài viết bởi: Dương Dương

Bạn có bao giờ cảm thấy mình là một người ưa thích sự an toàn, có trách nhiệm và thường được nhận xét là tận tình, tâm huyết? Nếu may mắn sở hữu những đặc điểm tính cách như trên thì khả năng cao là bạn sẽ được xếp vào nhóm tính cách Người trung thành (The Loyalist) đã được đề cập trong Enneagram. Mời bạn cùng Vua Nệm tìm hiểu kỹ hơn về The Loyalist thông qua bài viết sau đây.

1. Sơ lược về Enneagram

Trong thời buổi hiện nay, ngày càng có nhiều mô hình trắc nghiệm tính cách ra đời và dần trở nên phổ biến, bao gồm Enneagram. Sự xuất hiện của chúng đã phần nào đáp ứng nhu cầu bức thiết của con người về việc tìm hiểu tâm lý nội tại phức tạp, đồng thời trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả giúp bạn xác định ưu – nhược điểm cũng như định hướng các công việc phù hợp,… 

1.1 Định nghĩa Enneagram

Enneagram là một bài trắc nghiệm khá nổi tiếng liên quan đến tính cách và tâm lý con người. Tuy chưa thể dự đoán chính xác song nhiều nguồn tin cho rằng Enneagram sơ khai vốn đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại.

Bên cạnh đó, một vài ý kiến khác lại đề cập đến khái niệm này như sự tổng hòa giữa các tôn giáo có tư tưởng và quan điểm tâm linh khác nhau. Tiêu biểu nhất phải kể đến Phật giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Cơ đốc giáo,… Sau nhiều biến động lịch sử, Enneagram đã được nhà Tâm thần học Claudio Naranjo ứng dụng vào phân ngành tâm lý và tiếp tục chứng tỏ sự ảnh hưởng đến tận ngày nay.

sơ lược về enneagram là gì
Enneagram là trắc nghiệm tâm lý và tính cách nổi tiếng

1.2 Cơ chế phân loại của Enneagram

Theo trắc nghiệm Enneagram, mỗi người sẽ được sinh ra với một kiểu tính cách nền tảng nhất định. Tuy nhiên những đặc điểm này không bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian – chủ yếu định hình bởi môi trường sống cũng như trải nghiệm cá nhân.

Mô hình Enneagram chia tính cách con người thành 9 loại cụ thể, trong đó mỗi loại lại được cấu thành từ những khuôn mẫu gắn liền với động cơ, hành vi và nỗi sợ hãi. Mục đích của trắc nghiệm là xác định kiểu tính cách chi phối ở mỗi cá thể, từ đó giúp bạn nhìn nhận rõ hơn về kiểu người mình vốn là.

Một ứng dụng quan trọng khác mà thang đo này mang lại nằm ở việc chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu kèm phương hướng phát huy/ khắc phục để bạn có thể phát huy trọn vẹn tiềm năng của mình

Mô hình Enneagram phân loại con người theo 9 kiểu tính cách khác nhau
Mô hình Enneagram phân loại con người theo 9 kiểu tính cách khác nhau

1.3 9 loại tính cách phân loại theo Enneagram

9 kiểu người xuất hiện trong trắc nghiệm tâm lý Enneagram sẽ được xếp vào: 

  • Nhóm tính cách Người cầu toàn (Reformer/ Perfectionist), 
  • Nhóm tính cách Người giúp đỡ (Helper/ Giver), 
  • Nhóm tính cách Người tham vọng (Achiever/ Performer), 
  • Nhóm tính cách Người cá tính (Individualist/ Romantic), 
  • Nhóm tính cách Người lý trí (Investigator/ Observer), 
  • Nhóm tính cách Người trung thành (Loyalist/ Loyal Skeptic), 
  • Nhóm tính cách Người nhiệt tình (Enthusiast/ Epicure), 
  • Nhóm tính cách Người thách thức (Challenger/ Protector) 
  • Nhóm tính cách Người ôn hòa (Peacemaker/ Mediator).

2. Đặc điểm của nhóm tính cách Người trung thành

Hiểu một cách đơn giản, The Loyalist – nhóm tính cách Người trung thành – chính là những người có tinh thần trách nhiệm cao. Họ luôn ưu tiên việc thực hiện các cam kết và lời hứa, do đó rất đáng tin cậy. Không chỉ nhận được sự tín nhiệm từ người xung quanh, Người trung thành còn ghi điểm bởi thiên hướng chắc chắn, an toàn. Bản thân họ luôn cố gắng làm việc với quyết tâm, nỗ lực cao nhất nhằm đạt được những thành quả xứng đáng nhất.

đặc điểm nhóm tính cách người trung thành trong enneagram
Nhóm tính cách Người trung thành có tinh thần trách nhiệm rất cao

Một khía cạnh khác cũng rất đáng chú ý đại diện cho nhóm tính cách này chính là khả năng tìm kiếm, phát hiện và xử lý vấn đề. Điều này đã phần nào chứng tỏ sự nhạy bén bẩm sinh ở các The Loyalist.

Thế nhưng, đôi khi Người trung thành cũng chủ động rút về thế phòng ngự. Phải đối diện với những phát sinh ngoài dự kiến có thể đẩy họ vào trạng thái lo lắng và có xu hướng lẩn tránh. Họ thường ưu tiên những kiểu hành động ‘chậm mà chắc’, thận trọng nhưng cũng rất biết cách phản kháng. Trong nhiều trường hợp, The Loyalist còn được nhận xét là khá ương ngạnh, thích thách thức, thậm chí là bộc lộ sự chống đối.

3. Ưu điểm của nhóm tính cách Người trung thành

Dựa trên đánh giá của các chuyên gia tâm lý, nhóm tính cách Người trung thành sở hữu rất nhiều ưu điểm nổi trội và được đánh giá cao trong đời sống hiện đại. Tiêu biểu là:

  • Sự trung thành: Loyalist luôn làm mọi thứ với sự tận tụy, chỉ hướng đến một mục tiêu, sứ mệnh hoặc phục vụ cho một cá nhân/ tập thể nhất định. Rất khó để khiến họ lay chuyển vì những thứ sai khác hay không tương đồng với hệ giá trị mà họ theo đuổi
  • Sự quan tâm, chăm sóc: dù có vẻ hơi cứng nhắc song trên thực tế, Người trung thành rất biết để ý đến những người xung quanh. Điều này không chỉ biểu hiện qua lời nói mà còn thông qua các cử chỉ, hành động cụ thể
  • Ấm áp: họ là những người có nội tâm ấm áp, biết suy nghĩ cho những người xung quanh
  • Chăm chỉ: Loyalist luôn được đánh giá cao bởi sự kiên nhẫn và chăm chỉ. Một khi đã xác định được mục tiêu, họ sẽ miệt mài dành hết tâm huyết vào đó cho đến khi hiện thực hóa được mới thôi
the Loyalist
Loyalist luôn được đánh giá cao bởi sự kiên nhẫn và chăm chỉ
  • Dí dỏm: dù thường bị cho là ‘quá nghiêm túc’ nhưng về bản chất, Người trung thành cũng rất hay bộc lộ sự hài hước thông qua những trò đùa hay lời nói chơi duyên dáng
  • Thực tế: lý trí và luôn nhận định tình hình dựa trên những gì đang xảy ra là hai đặc điểm phổ biến ở các Loyalis. Họ cũng thường là người có đầu óc và khả năng tư duy logic đáng nể
  • Hay giúp đỡ: sự tử tế từ bên trong chính là động lực để nhóm Người trung thành thường xuyên có những động thái giúp đỡ người khác trong việc xử lý các vấn đề của mình
  • Tinh thần trách nhiệm cao: đây cũng chính là châm ngôn sống của đa phần The Loyalist. Họ sống và làm việc với toàn bộ nhiệt huyết, luôn sẵn sàng cống hiến hết sức để hoàn thành những nhiệm vụ được giao

4. Nhược điểm của nhóm tính cách Người trung thành

Bên cạnh những lợi thế không thể phủ nhận, việc thuộc về nhóm tính cách Người trung thành cũng tiềm ẩn một số nhược điểm nhất định. Cụ thể:

  • Lòng tự trọng thấp: dù sở hữu những đặc điểm tính cách nổi trội và được nhiều người công nhận song rất nhiều Người trung thành lại có xu hướng ‘xem nhẹ’ giá trị thực tế của bản thân. Lòng tự trọng thấp khiến họ dễ rơi vào trạng thái lo âu, mất động lực hoặc sụp đổ khi mọi việc diễn biến không như mong muốn
  • Hay cảm thấy lo lắng: The Loyalist điển hình thường bị xâm chiếm bởi cảm giác bất an, ngay cả khi họ đã dành hết tâm huyết hoặc chuẩn bị cho điều gì đó một cách kỹ càng
nhược điểm nhóm tính cách người trung thành
Tâm trí của một The Loyalist điển hình thường bị xâm chiếm bởi cảm giác bất an
  • Nhu cầu an toàn quá mức: nhiều Người trung thành cho biết họ hay cảm thấy bất an và có nhu cầu kiểm soát để đạt được trạng thái ái toàn hoàn hảo nhất
  • Hiếu chiến: Người trung thành sẵn sàng làm tất cả – thậm chí là tham gia vào các cuộc tranh luận gay gắt để chứng mình là mình đúng
  • Cứng nhắc: do lối sống thiên về lý trí và hành động nên nhiều khi, nhóm tính cách này có thể cư xử thiếu linh hoạt trong những tình huống cần thiết
  • Sự rụt rè: một số Người trung thành cũng ít nhiều bộc lộ sự rụt rè trong việc bày tỏ ý kiến, trái với vẻ ngoài và đặc điểm tính cách khẳng khái, hiếu chiến luôn gắn liền với họ 

Trong số 9 kiểu tính cách mà Enneagram nhắc đến, nhóm tính cách Người trung thành luôn thu hút được sự chú ý bởi những ưu điểm vượt trội mang dấu ấn đặc trưng. Hi vọng rằng những thông tin được đề cập ở trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các Loyalist, qua đó phần nào phát huy được điểm mạnh, khắc phục điểm yếu và thể hiện năng lực toàn diện, rõ nét hơn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và đón đọc!

>>>Xem thêm: 

Đánh giá post

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM