Bạn đã biết gì về lễ lại mặt, liệu đó có phải là đám hỏi?

CẬP NHẬT 16/09/2024 | Bài viết bởi: Vua Nệm Team

Bên cạnh nghi lễ thành hôn được trông đợi nhất, những thủ tục cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam còn có lễ lại mặt. Không giống như đám hỏi, lễ lại mặt sẽ là nghi thức quan trọng cuối cùng để một đám cưới được cho là trọn vẹn. 

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ chưa thật sự hiểu rõ về nghi thức này, bài viết sau đây sẽ là những giải đáp cặn kẽ về lễ lại mặt, mời bạn cùng đón đọc.

1. Lễ lại mặt là gì, có phải là đám hỏi?

Có rất nhiều bạn trẻ thường nhầm lẫn lễ lại mặt chính là đám hỏi. Tuy nhiên, đây là nhận định hoàn toàn sai lầm. Đám hỏi được cử hành trước đám cưới, trong khi lễ lại mặt là nghi lễ cuối cùng của một lễ thành hôn hoàn chỉnh.

Lễ lại mặt còn có tên gọi khác là lễ nhị hỷ, một phong tục cưới hỏi không thể thiếu trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam từ xưa đến nay.

Để cho dễ nhớ, bạn trẻ chỉ cần phân tích từ “lại” trong lại mặt, có nghĩa là gặp gỡ ai đó một lần nữa. Ở đây, chính là cảnh cô dâu sau khi được gả về nhà chồng sẽ quay trở lại nhà mẹ đẻ và hỏi thăm đấng sinh thành.

Lúc này, mẹ chồng sẽ chuẩn bị một mâm lễ vật để nàng dâu và chàng rể mang về phía ngoại, đây được coi là lời cảm ơn chân thành vì đã chấp nhận gả con gái. Về phần nhà gái, ông bà thông gia sẽ chuẩn bị một bữa cơm thân mật để thết đãi rể quý. 

lễ lại mặt là gì
Lễ lại mặt được cử hành sau đám cưới với sự có mặt của đầy đủ hai vợ chồng ở nhà gái

2. Ý nghĩa lễ lại mặt

Bất cứ nghi thức nào trong lễ cưới của người Việt đều mang một ý nghĩa riêng. Có những nghi thức được cho là rườm rà và đã lược bỏ, nhưng lễ lại mặt vẫn được giữ nguyên vì các lý do quan trọng sau:

  • Lễ lại mặt chính là lúc để câu dâu chính thức bày tỏ với cha mẹ ruột lời cảm ơn chân thành, báo đáp công sinh thành dưỡng dục suốt bao năm qua.
  • Nghi thức này cũng là dịp để cô dâu có thể tâm sự và nhận được lời khuyên của cha mẹ cho những bỡ ngỡ cũng như khó khăn của thời gian đầu tại nhà chồng.
  • Hơn nữa, đây cũng là buổi lễ để cô dâu có dịp ngắm nhìn lại không gian mà bao năm đã gắn bó vì tiếp sau đây, cô sẽ chỉ dành nhiều thời gian hơn để vun vén cho gia đình chồng.
  • Quan trọng hơn cả là lễ lại mặt giống như một lời nhắc nhở rằng đôi vợ chồng phải luôn luôn hoàn thành trách nhiệm cũng như nghĩa vụ với cả hai bên nội ngoại, không được bên trọng bên khinh.

3. Thời gian cử hành lễ lại mặt

Lễ lại mặt ở những vùng địa lý và văn hóa khác nhau cũng được cử hành theo những thời gian khác nhau, nhưng thường sẽ diễn ra trong vòng tối đa 5 ngày sau đám cưới. Nhiều gia đình cũng xem ngày rồi mới chọn thời gian làm lễ lại mặt cho phù hợp nên sẽ có sự chênh lệch 1 đến 2 ngày.

Một số trường hợp nhà gái và nhà trai ở cùng thành phố hoặc hai nhà chẳng cách xa nhau là mấy, cô dâu chú rể có thể về nhà ngoại vào ngay sáng ngày hôm sau lễ thành hôn. Ngược lại, nếu khoảng cách hai nhà quá xa nhau, cách giải quyết là lễ lại mặt được dời lại vài ngày để đôi uyên ương có thời gian nghỉ ngơi.

thời gian lễ lại mặt
Thời gian cử hành lễ lại mặt thường không giống nhau giữa các gia đình

Cũng có những gia đình khá cầu kỳ, nhà gái sẽ đi xem thầy để chọn lấy ngày lành tháng tốt mới cho phép cô dâu chú rể quay trở về làm lễ lại mặt. 

Ví dụ nếu đám cưới diễn ra vào ngày mùng 4 âm lịch, theo lẽ thường ngày mùng 5 sẽ lại mặt, tuy nhiên ngày mùng 5 lại phạm vào điều kỵ của nhiều gia đình nên có thể chuyển lại vào buổi tối mùng 4 hoặc ngày mùng 6.

Ngày nay, do công việc bận bịu và càng ngày càng có nhiều cặp đôi khác biệt về vùng miền mà nên duyên vợ chồng, nên thời gian diễn ra lễ lại mặt cũng rất linh hoạt chứ không quá cứng nhắc hay phải đi xem ngày xem giờ rườm rà nữa.

4. Lễ vật trong lễ lại mặt gồm những gì?

Nếu là lễ đính hôn hay quen gọi là đám hỏi, lễ vật cần chuẩn bị rất hoành tráng và có giá trị cao, nhưng trong lễ lại mặt thì đơn giản hơn. Theo đó, nhà chuẩn phải chuẩn bị cho cô dâu mâm lễ bao gồm trầu cau, rượu, xôi, thịt gà hoặc thịt lợn để thắp hương bàn thờ nhà gái. 

Thời gian trôi qua, một số món lễ có thể được đơn giản hóa để thuận tiện di chuyển và không mất quá nhiều thời gian chuẩn bị. Ngày nay, chỉ cần hoa quả hay một ít bánh kẹo là đã đủ chuẩn lễ vật trong ngày lại mặt. Ngoài ra, nếu tân lang tân nương có điều kiện hơn thì chuẩn bị thêm phong bì nhỏ để dâng lên bàn thờ tổ tiên là được.

Nhà trai có qua thì nhà gái cũng phải đáp lễ, nhưng lễ vật nhà gái sẽ không quá cầu kỳ, chỉ là một mâm cơm nhỏ thân mật trong phạm vi gia đình chứ không cần mời hàng xóm hay bà con họ hàng.

quà lễ lại mặt
Lễ vật trong ngày lễ lại mặt ngày nay không còn quá cầu kỳ

5. Lễ lại mặt và những điều cần lưu ý

Tuy nghe có vẻ lễ lại mặt là nghi thức đơn giản nhưng nếu không cẩn thận và để ý những điều sau đây, có thể vợ chồng son sẽ bị đánh giá là không lễ phép, chàng rể sẽ bị mất điểm trong mắt bố mẹ chồng:

  • Khi về nhà ngoại để lại mặt, bắt buộc cả hai vợ chồng đều phải có mặt đầy đủ để bày tỏ thành ý và lòng hiếu kính.
  • Thời gian lại mặt sẽ là thời điểm sáng sớm thay vì lúc tối muộn, trừ những gia đình coi giờ hoàng đạo hay trường hợp bất khả kháng phải lại mặt vào buổi tối.
  • Lễ vật trong ngày lại mặt có cao cấp hay giản đơn cũng đều tùy thuộc vào nếp sống và truyền thống của từng gia đình, miễn mọi người đều dành tình cảm chân thành cho nhau là được.

6. Lễ lại mặt của một số dân tộc khác tại Việt Nam

Những thông tin phía trên mang tính phổ thông và thường gặp ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên nước ta có tới 54 dân tộc anh em sinh sống nên không tránh được sự khác biệt.

Sau đây là cách cử hành lễ lại mặt của một số dân tộc thiểu số trên dải đất hình chữ S:

  • Dân tộc Dao

Người Dao Thanh Phán gọi lễ lại mặt là hùi miền, được tổ chức sau đám cưới 3 ngày, cô dâu sẽ được ở lại nhà mẹ ruột một khoảng thời gian, có thể là 3 đến 5 ngày, có thể là cả tháng. Gia đình nào không có điều kiện cưới dâu có thể cho con trai qua ở rể, làm công đền ơn bố mẹ vợ cho đến khi có con thì đón vợ con về nhà mình.

  • Dân tộc Tày

Đối với người Tày gốc Đình Lập, họ gọi ngày lại mặt là tèo lòi, cô dâu ở lại nhà bố mẹ đẻ ngay trong ngày cưới và ngủ lại một đêm, hôm sau nhà chồng sẽ cử một người đại diện mang theo sính lễ (thường là em chồng, chị chồng, chị dâu) đến đón cô dâu về. Sau 12 ngày sẽ có lại mặt lần nữa, lần này có đầy đủ cả hai vợ chồng.

phong tục lễ lại mặt
Mỗi dân tộc đều có riêng cho mình những phong tục riêng trong ngày lễ lại mặt
  • Dân tộc Sán Chay

Tăp lăt là tên gọi mà người Sán Chay dùng để chỉ về tục lại mặt sau đám cưới. Sau khi kết thúc hôn lễ, cô dâu ở lại nhà chồng 1 ngày 1 đêm, sáng hôm sau cùng chú rể trở về nhà mẹ ruột, mang theo lễ vật rồi ở lại nhà cô dâu từ 1 đến 2 ngày. 

Những năm tháng sau đó cô dâu chú rể có thể đi về thoải mái giữa hai bên nội ngoại, nhưng lúc có con thì hạn chế về nhà ngoại hơn.

7. Kết luận

Lễ lại mặt chính là một trong những nghi thức để cho vợ chồng son thể hiện lòng biết ơn đến những bậc sinh thành. Mong rằng bài viết này đã giúp ích được cho nhiều bạn trẻ đang có ý định tổ chức đám cưới.

Đánh giá post

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM