Chuyên gia nệm

Gối đinh lăng có tốt không? Cách làm gối đinh lăng cho bé ngủ ngon

CẬP NHẬT 29/12/2021 | BỞI Tiến Kiều

Cây đinh lăng không chỉ là một vị thuốc bổ, nó còn là vật liệu chính để tạo nên những chiếc gối đinh lăng mềm mại. Tuy nhiên có quá nhiều lời đồn đoán về tác dụng diệu kỳ của loại gối này, vậy liệu nó có “thần thánh” đến thế và cách làm gối đinh lăng tại nhà như thế nào? Hãy cùng với Vua Nệm tìm hiểu thực hư ngay sau đây.

1. Gối đinh lăng là gì?

Trước khi muốn biết cách làm gối đinh lăng, ta cần hiểu rõ về sản phẩm này là gì, có cấu tạo ra sao. Gối đinh lăng là sản phẩm có ruột gối làm từ lá đinh lăng đã phơi khô. Một chiếc gối đinh lăng đúng nghĩa bao gồm lá đinh lăng trộn với bông theo tỷ lệ phù hợp. Bên cạnh đó, số lượng lá đinh lăng cũng phải đúng, không nên quá nhiều dễ gây hắc, cũng không nên quá ít sẽ không mang lại hiệu quả tối ưu.

Nhìn từ ngoài, bạn sẽ khó có thể nhận ra được đâu là một chiếc gối bình thường và đâu là gối đinh lăng. Bởi lẽ xét về hình dáng lẫn kích thước thì chúng khá giống nhau. Vậy cho nên điểm khác biệt duy nhất có lẽ đến từ hương thơm của lá đinh lăng trong ruột gối.

gối đinh lăng là gì
Gối đinh lăng hiện nay có rất nhiều mẫu mã và sản phẩm cao cấp

2. Gối đinh lăng có tốt như lời đồn

Từ khi ra đời cho đến nay, có rất nhiều lời đồn truyền miệng lẫn trên mạng xã hội về công dụng diệu kỳ của gối đinh lăng. Từ đó, chị em có con nhỏ kháo nhau chuyện mua hoặc cách làm gối đinh lăng tại nhà để sử dụng nhằm trau dồi sức khỏe cho con em mình.

Theo như lời quảng cáo, sản phẩm gối đinh lăng giúp kích thích não và hệ thần kinh cho bé giấc ngủ ngon và sâu. Ngoài ra loại gối này còn chống giật mình giữa đêm, ra mồ hôi trộm, lưu lại hương thơm “thần tiên” trên người em bé suốt ngày dài.

Tuy nhiên, theo như lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh, hiện là Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình khẳng định rằng: “Những tác dụng giúp ngủ ngon, chống giật mình, ra mồ hôi trộm…của gối đinh lăng hầu như không có tài liệu y học cổ nào ghi chép lại”. Vậy là chưa hề có một cơ sở khoa học nào chứng minh gối đinh lăng có những tác dụng như người ta “thần thánh hóa”.

gối đinh lăng có tốt không
Gối đinh lăng cũng giống như những chiếc gối bình thường nhưng có hương thơm dược liệu

Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao vẫn có rất nhiều người tin dùng sản phẩm gối đinh lăng. Thật ra, những lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe nhằm mục đích để chúng ta hiểu rõ về bản chất của sản phẩm này, không quá tin vào lời quảng cáo vô căn cứ và làm dụng loại gối này mà thôi.

Còn trên thực tế, sản phẩm gối đinh lăng nếu biết cách sử dụng thì vừa cho chúng ta thêm một lựa chọn mua gối cho bé vừa không gây hại cho người sử dụng. Cách làm gối đinh lăng không quá khó, do đó có thể hoàn toàn tự tạo ra ngay tại nhà. Sau đây là hướng dẫn chi tiết mà Vua Nệm tổng hợp được.

3. Hướng dẫn cách làm gối đinh lăng

Bước 1: Chuẩn bị các nguyên liệu làm gối

  • Lá đinh lăng tươi: Chọn lá đinh lăng có loại tươi, đầy đặn, có độ trưởng thành vừa phải, không quá non. Có thể bạn chưa biết, đinh lăng gồm có 7 loại: lá nhỏ, lá to, lá tròn, lá răng cưa, lá đĩa, lá bạc và lá vằn. Loại lá dùng làm gối là lá nhỏ vì chúng có dược tính tốt. Chú ý chỉ chọn lấy phần lá mềm, còn cành và cuốn thì nên loại bỏ để tránh gây đau khi sử dụng.
  • Bông gòn: Theo kinh nghiệm của nhiều mẹ bỉm sữa thì nên chọn loại bông Polyester vì mềm mại và đã qua xử lý nên an toàn cho trẻ nhỏ. Đặc biệt loại này khá thoáng khí không gây nóng.
  • Vỏ gối và áo gối: Đây là những bộ phận có thể tiếp xúc trực tiếp với làn da nhạy cảm của trẻ. Do đó, chúng ta cần chọn những loại vải mềm mại và thấm mồ hôi. Vải cotton 100% là ứng cử viên sáng giá nhất.
  • Các dụng cụ may vá khác: Kim, chỉ, chỉ thêu, kéo
nguyên liệu làm gối đinh lăng
Một số nguyên liệu làm gối đinh lăng là lá đinh lăng, bông, vỏ gối,…

Bước 2: Xử lý lá đinh lăng

Trong cách làm gối đinh lăng thì đây là công đoạn quan trọng nhất. Nếu phơi không kỹ thì chắc chắn khi dùng lá sẽ gây nấm mốc. Còn nếu phơi quá lâu sẽ khiến lá bị giòn, dễ nát và không còn hương thơm.

  • Đầu tiên, xin lưu ý lại lần nữa là lá đinh lăng làm gối nhất định phải loại bỏ phần cuống và cành. Sau đó, ta cần lựa ra và giữ lại những lá đẹp, bỏ phần lá úa, quá già hoặc quá non, phần lá có chứa trứng côn trùng.
  • Mang đi rửa thật sạch, lưu ý là phải làm nhẹ tay để tránh trường hợp lá bị dập và bị úng nước khi chưa kịp phơi khô.
  • Cho lá lên chiếc nia hoặc mâm sạch rồi phơi dưới bóng râm. Tuyệt đối không để lá dưới ánh nắng gắt, trực tiếp, như vậy sẽ không lưu giữ được hương thơm của lá.
  • Mỗi 2 đến 3 tiếng thì đảo lá 1 lần để lá khô đều các mặt. Phơi đến khi nào cảm giác khô thì mang vào.
  • Lá sau khi phơi sẽ được sấy hoặc sao vàng. Thời gian sấy khoảng 10 đến 15 phút và nhiệt độ phải đảm bảo duy trì ở mức 50 đến 60 độ C. Đây là công đoạn khó khăn vì phải làm sao cho lá khô ráo nhưng vẫn còn dẻo.

Bước 3: May gối đinh lăng

Đây là công đoạn cuối cùng trong cách làm gối đinh lăng. Lúc này mẹ bỉm có thể thỏa sức sáng tạo để làm ra chiếc gối có hình dáng và màu sắc theo ý thích của con trẻ.

  • Trước khi làm, cần giặt sạch vỏ gối và áo gối.
  • Tiến hành trộn bông với lá đinh lăng, tỉ lệ 1:1 nhằm tạo mùi hương vừa phải, không bị hắc gây ảnh hưởng tới hô hấp và cảm giác của người sử dụng.
  • May vỏ gối với kích thước phù hợp, nếu là trẻ em thì có các kích thước như 10x45cm, 20x45cm và 35x50cm, nếu là người lớn thì kích thước gối phổ biến là 45x65cm và 50x70cm. 
  • Áo gối bên ngoài chúng ta có thể tự may hoặc mua đều được. Dù mua hay may thì cũng nên chọn chất lượng vải tốt nhất để đảm bảo an toàn cho làn da, đặc biệt là da nhạy cảm.
cách may gối đinh lăng
Bước may gối ta có thể sáng tạo nhiều kiểu dáng đáng yêu phù hợp lứa tuổi

4. Những lưu ý khi dùng gối đinh lăng cho bé

Như đã nhắc đến ở trên, cách làm gối đinh lăng tuy dễ nhưng nếu không biết cách sử dụng thì coi như vô ích. Vậy đâu là những lưu ý khi dùng gối đinh lăng mẹ nên biết?

  • Dân gian hay truyền tai nhau việc dùng gối đinh lăng cho trẻ nhỏ là điều tốt. Tuy nhiên không phải bạn nhỏ nào cũng thích mùi hương của sản phẩm này. Do đó, nếu thấy con không thoải mái, hãy dừng ngay việc cho con nằm gối đinh lăng.
  • Không nên dùng gối đinh lăng cho trẻ sơ sinh, ít nhất là đủ 4 tháng tuổi trở lên mới nằm loại gối này. Khi làm hay mua gối đinh lăng, mẹ bỉm phải chú ý đến kích thước sao cho phù hợp với độ tuổi của con mình.
  • Theo Lương y Bùi Hồng Minh, nếu mẹ muốn làm gối đinh lăng cho con, thì nửa tháng phải mang lá ra sao hoặc phơi lại một lần. Thêm vào đó, 7-8 tháng phải thay gối mới. Tất cả những việc này đều nhằm mục đích tránh nấm mốc và vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong ruột gối.
sử dụng gối đinh lăng
Khi dùng gối đinh lăng phải chú ý vấn đề vệ sinh định kỳ

Kết luận

Cách làm gối đinh lăng tại nhà đều là những thao tác cơ bản mà ai cũng có thể làm được. Điều quan trọng chính là làm sao phải xử lý lá đinh lăng thật khéo léo để khi dùng không gây đau và nấm mốc là được. Vua Nệm mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu được giá trị của gối đinh lăng và cách sử dụng chúng sao cho hiệu quả nhất.

Bài viết liên quan:

Tiến Kiều
Tiến Kiều