Chữ song hỷ: Nguồn gốc và ý nghĩa của chữ song hỷ

CẬP NHẬT 16/09/2024 | Bài viết bởi: Dương Ly
Ưu đãi tháng 12 tại Vua Nệm: Sale bùng nổ - Giá hủy diệt 

Là một nét văn hóa lâu đời của người Việt, ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, chữ song hỷ xuất hiện trong hầu hết các đám cưới tại Việt Nam từ xưa đến nay. Không chỉ có tác dụng trang trí, chữ song hỷ còn mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng cho ngày trọng đại của đời người. Cùng Vua Nệm tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc của chữ song hỷ nhé!

chữ song hỷ đám cưới
Chữ song hỷ: Nguồn gốc và ý nghĩa của chữ song hỷ

1. Song hỷ là gì?

Theo phong tục ngày xưa thời ông ba, cha mẹ của chúng ta, các biểu tượng thường được trang trí trong đám cưới có thể kể đến như: đôi chim bồ câu, trầu câu hay chữ song hỷ… Đối với các đám cưới theo phong cách hiện đại, đơn giản ngày nay, các biểu tượng trang trí này không còn quá phổ biến như xưa. Tuy nhiên, chữ song hỷ vẫn được dùng khá nhiều trong các đám cưới như một biểu tượng cho sự vĩnh cửu của tình yêu.

Vậy song hỷ là gì?

Theo văn hóa Trung Hoa, song hỷ tượng trưng cho hai sự kiện trọng đại, hai niềm vui lớn trong cuộc đời mỗi người là: đại đăng khoa (tức thi đỗ làm quan) và tiểu đăng khoa (tức thành gia lập thất/ cưới vợ).

Ngày nay, cặp chữ song hỷ thể hiện niềm vui trong ngày trọng đại, lời chúc phúc của họ hàng hai bên dành cho cô dâu chú rể. Chữ hỷ (囍) trong song hỷ được ghép lại từ hai chữ hỷ (喜), nên được gọi là song hỷ, mang ý nghĩa nhân đôi niềm vui, niềm hạnh phúc cho đôi uyên ương.

Ngoài ra, trong nhiều đám cưới của người Việt gốc Hoa tại Việt Nam,  nhiều gia đình còn dùng chữ “song hỷ lâm môn” để bày trí, trang hoàng trong các nghi thức đám cưới. Song hỷ lâm môn mang ý nghĩa rằng cuối cùng, niềm vui nhân đôi cũng đã gõ cửa, nhằm mô tả sự hạnh phúc không thể nào hơn của các cặp uyên ương.

chữ song hỷ đẹp
Song hỷ là gì?

2. Nguồn gốc của chữ song hỷ 

Chữ song hỷ có xuất xứ từ một câu chuyện đẹp, mang nhiều yếu tố may mắn, trời định về đường tình duyên của Vương An Thạch – một vị danh sĩ nổi tiếng thời nhà Tống.

Không chỉ nổi tiếng nhờ tài năng lỗi lạc, Vương An Thạch còn được biết đến thông qua câu chuyện liên quan đến nguồn gốc của chữ song hỷ:

Từ nhỏ, Vương An Thạch đã vô cùng thông minh, nhanh nhạy trong việc học. Đến năm 20 tuổi, ông lên kinh thành để tham gia kỳ thi khoa cử. Dọc đường lên kinh ứng thí, ông có đi ngang qua một vùng đất trù phú, giàu có. Tại đây, ông đi ngang nhà Mã Viên Ngoại, nơi đang tổ chức lễ hội mừng thọ với rất đông quan khách đến tham dự. Bên ngoài khuôn viên nhà có treo các loại đèn kết hoa rực rỡ cùng một chiếc đèn kéo quân lớn có dán vế đối:

 “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ”.

Vế đối này được hiểu nôm na là “Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân”.

dán chữ song hỷ
Nguồn gốc của chữ song hỷ

Mặc dù vẫn chưa nghĩ ra vế đối đáp lại, Vương An Thạch vẫn tự tin nói rằng câu này cũng dễ đối thôi. Vừa nói xong thì ông tiếp tục lên đường dự thi khoa cử.

Trong kỳ thi, với vốn hiểu biết uyên thâm, sâu rộng của mình, Vương An Thạch đã nhanh chóng hoàn thành bài thi và nộp bài đầu tiên. Quan chủ khảo đã xem bài thi và tấm tắc khen ngợi tài năng của ông với ý định cho ông đỗ đầu kỳ thi khoa cử. Biết được tài năng của Vương An Thạch, vua đã gọi ông lên để thử tài bằng cách đưa ra cho ông một câu đối:

“Phi kỳ hổ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân”.

Vế đối này có thể được hiểu nôm na là “Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình.”

Vương An Thạch đã nhanh trí nhớ đến vế đối trên chiếc đèn kéo quân của nhà Mã Viên Ngoại, nhận thấy ẩn ý, âm sắc của câu đối này rất hợp với vế đối của nhà vua, ông liền nhanh chóng ứng khẩu. Nhà vua và các viên quan rất hài lòng nên đã cho ông đỗ đầu bảng khoa thi vào năm đó.

Sau khi đỗ đạt, Vương An Thạch quay về nhà vinh quy bái tổ, trên đường về ngang qua Mã Viên Ngoại, người hầu nhận ra ông bèn lập tức mời ông vào gặp Mã Viên Ngoại để đối lại câu đối trên đèn lồng. Vương An Thạch đã dùng chính câu đối mà vua ra đề cho ông để đối lại Mã Viên Ngoại.

Thấy vế đối vô cùng sắc sảo, thâm sâu, Mã Viên Ngoại rất mừng rỡ vì đây là vế đối mà con gái ông thách đối nhằm kén được người chồng tài đức. Sau đó, Vương An Thạch và con gái của Mã Viên Ngoại đã nên duyên vợ chồng với đám cưới linh đình tại Mã gia trang.

Vui mừng vì vừa đỗ đầu khoa thi, vừa cưới được vợ đẹp, Vương An Thạch đã ngâm nga  

“Vận may đối đáp thành song hỷ

Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng”

Sau đó, ông còn viết hai chữ hỷ cạnh nhau để khi đọc tạo ra âm xieng xi thể hiện sự tốt lành, viên mãn nhân đôi. Sự tình cờ này đã tạo ra một chữ mới, lưu truyền đến tận đời sau này khi chữ song hỷ được dùng trong hầu hết các đám cưới của cả người Hoa và người Việt.

3. Cách dán chữ song hỷ khi tổ chức lễ cưới

Là chữ thể hiện niềm vui và điều tốt lành, song hỷ có thể được dán ở bất cứ đâu trong không gian nhà ở của bạn, như: trên xe, trước cửa nhà, các lễ vật bưng quả…

chữ song hỷ trong đám cưới
Song hỷ có thể được dán ở bất cứ đâu trong không gian nhà ở của bạn

Để tăng tính trang trí cũng như gia tăng niềm vui, nhiều gia đình chọn dán chữ song hỷ ở nơi dễ dàng nhìn thấy như: cửa sổ, phòng khách, đằng trước nhà…với ước mong “hỷ càng thêm hỷ”.

Cách dán chữ hỷ cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần dán đúng chiều của chữ là được. Tuy nhiên, chữ Trung Quốc cũng khá khó phân biệt được thế nào là đúng chiều và ngược chiều. Vì thế, bạn nên lưu ý khi dán chữ song hỷ thì phải để bộ thổ, tức là phần chữ có đầu nhọn hướng lên trên. 

Cách dán chữ song hỷ
Cách dán chữ song hỷ khi tổ chức lễ cưới

Nếu chữ song hỷ có thêm các họa tiết khác như: đôi chim câu, long phụng thì cần phải dán ở các vị trí có kiếng như cửa kính, kính xe…hoặc họa tiết hai con chim phượng thì nên dán lên đồ trang sức của cô dâu.

Một số chữ hỷ có hình ảnh như: chữ hỷ hình trái tim, chữ hỷ hình chim câu hay chữ hỷ có hình em bé…thì nên dán ở một số nơi cụ thể như sau:

  • Chữ hỷ hình trái tim thường được dán lên đèn cầy, đèn điện
  • Chữ hỷ có viền nên dán lên tivi
  • Chữ hỷ có hình em bé nên dán ở đầu giường
  • Chữ hỷ có hình đuôi cá thường được dán ở lò vi sóng, tủ lạnh hoặc khu vực bếp

4. Các chất liệu làm nên chữ song hỷ

Hiện nay trên thị trường, chữ song hỷ được làm từ nhiều nguyên vật liệu khác nhau, đem đến sự đa dạng trong lựa chọn cho khách hàng.

4.1 Chất liệu mút xốp và kim tuyến

Chữ song hỷ làm bằng mút xốp và kim tuyến có kích thước khá lớn, khoảng 50-60 cm. Với chất liệu này, chữ song hỷ khá nhẹ, dễ dàng dán lên các vị trí như tường, cửa nhà…Tuy nhiên, khi gỡ ra thì cần phải áp dụng nhiều phương pháp để lớp keo không bị dính hoặc làm vấy bẩn bề mặt tiếp xúc.

Các chất liệu làm chữ song hỷ
Các chất liệu làm chữ song hỷ

4.2 Chất liệu formex cắt CNC

Vài năm trở lại đây, chất liệu nhựa formex ngày càng được ưa chuộng nhờ vào bề ngoài cứng cáp, nhưng khá nhẹ và dễ dàng tháo lắp. Bên cạnh đó, những đường nét của chất liệu nhựa khi được cắt bằng máy CNC cũng rất tinh xảo và bắt mắt.

4.3 Chất liệu decal dán

Với chất liệu decal dán, chữ song hỷ có đa dạng các kích thước cũng như dễ dàng dán vào các đồ vật như: cửa ra vào, xe hoa, mâm quả.

XEM THÊM: 

Trên đây là tất cả các thông tin cũng như những lưu ý khi sử dụng chữ song hỷ. Hy vọng Vua Nệm đã đem đến những thông tin bổ ích cho quý độc giả. Tiếp tục theo dõi chúng tôi để đón đọc các thông tin thú vị sắp tới nhé!

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Dương Ly

Xin chào! Mình là Dương Ly, chuyên viên Digital Marketing tại Vua Nệm. Với niềm đam mê viết lách, sự trải nghiệm cùng 3 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển nội dung đa lĩnh vực. Mình hy vọng có thể đem đến cho quý độc giả những bài viết hay ho, đầy hữu ích về mọi lĩnh vực trong đời sống.

Không có bài viết liên quan.