Nho là loại quả vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa mang giá trị thẩm mỹ nên thời gian gần đây nhiều người mang nho về trồng tại vườn nhà. Cách trồng nho không quá khó tuy nhiên lại đòi hỏi khá nhiều công chăm sóc của người trồng và bài viết này sẽ cung cấp những thông tin quan trọng cho những ai đang có ý định trồng nho.
NỘI DUNG CHÍNH:
1. Đặc tính của nho
Nho là giống cây trồng đã xuất hiện từ khoảng 6.000-8.000 năm trước. Nho có nhiều giống khác nhau với số quả dao động từ 15 đến gần 300 quả. Màu sắc của quả cũng đa dạng không kém từ: đen, xanh, vàng, lục, cam, tím.
Nho là loại cây ưa sáng thích hợp trồng nơi nhiều nắng, hậu khô, độ ẩm không khí thấp và ít mưa. Trồng nho nơi mưa nhiều sẽ khiến hoa và quả dễ rụng, các loại nấm, sâu bệnh phát triển dễ dàng làm hại cây. Nho có thể trồng quanh năm nhưng thích hợp nhất là từ tháng 12 đến tháng 1. Với các đặc tính trên, nho có thể trồng ở rất nhiều nơi tại Việt Nam tuy nhiên miền Nam là khu vực cho ra chất lượng quả nho cao nhất.
Khu vực trồng nho rất cần ánh sáng nhưng phải được chắn gió kỹ. Gió to có thể làm dập lá, quả và đôi khi là sập giàn trồng nho.
Độ pH thích hợp để trồng nho là 6.5-7
2. Chuẩn bị vật tư trồng nho
Để bắt tay vào công việc trồng nho, người trồng cần chuẩn bị những vật tư cơ bản như sau:
- Thùng trồng nho có thể tích khoảng 100-200 lít.
- Một góc vườn với diện tích phù hợp vì mỗi gốc nho cần diện tích khoảng 2×2,5m.
- Giàn trồng nho. Giàn nho thường có độ cao từ 1,2-2m tùy từng vùng. Giàn cao sẽ đảm bảo độ thoáng tuy nhiên sẽ dễ đổ do gió và sức nặng của cây leo giàn đặc biệt khi cây ra quả.
- Đất trồng, các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
- Tất nhiên không thể nào thiếu cây giống.
3. Hướng dẫn cách trồng nho đúng kỹ thuật
Chọn giống: Nên chọn nho được ghép trên thân nho dại vì cây sẽ khỏe hơn. Không chọn những gốc nho quá già vì năng suất kém và tuổi thọ cây thấp.
Chuẩn bị đất trồng: Đất trồng gồm 3 thành phần chính là thành phần đất dinh dưỡng, phân bón hữu cơ và giá thể làm tăng độ xốp, thoáng khí cho đất.
- Đất dinh dưỡng: Có thể dùng đất tại vườn nhà và xử lý các mầm bệnh bằng vôi.
- Giá thể: Tro trấu, lá khô, xơ dừa… Lưu ý các chất này phải đảm bảo đã được xử lý.
- Phân hữu cơ có thể dùng phân trùn quế hoặc chất hữu cơ sinh hoạt đã ủ hoai mục.
Nên trộn các thành phần trên với tỉ lệ 2:1:1 và ủ từ 10-15 ngày trước khi trồng. Hoặc bạn có thể tìm mua các loại đất chuyên dụng đã được phối trộn, xử lý về trồng.
Giai đoạn cây nho ra hoa, người trồng cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng, trong đó quan trọng là thành phần canxi và kali.
Sau khi đất trồng được xử lý xong, trồng nho vào chậu sao cho đất trong bầu ngang mặt với đất nơi trồng. Dùng cọc cố định thân và ngọn để cây được vững. Sau đó, hãy phủ thêm ít rơm rạ để giữ độ ẩm cho đất trồng.
Tưới nước: Tưới nước là một trong những yếu tố quan trọng cho việc tạo quả khi trồng nho. Thông thường, mỗi lần tưới sẽ cách nhau 10-15 ngày/lần. Tuy nhiên vào thời điểm tạo quả, thời gian mỗi lần tưới rút ngắn còn 7-10 ngày/lần. Khi trồng với đất cát sẽ nho cần được tưới nhiều lần hơn, lượng nước mỗi lần tưới sẽ giảm lại. Ngoài ra nho cũng cần nhiều nước hơn khi phát triển lá, tạo quả.
Bón phân: Sau khi cây ra thêm lá mới thì bón phân bổ sung cách nhau 10-15 ngày một lần. Lượng phân điều chỉnh theo từng giai đoạn cho phù hợp.
4. Cách cho nho leo giàn và kỹ thuật tỉa cành
Cho nho leo cành và cắt tỉa: Dùng cọc có đường kính khoảng 2cm cắm gần gốc nho. Cọc cắm theo chiều thẳng đứng. Chọn ra ngọn nho khỏe nhất cho leo giàn, cắt hết cành phụ, ngọn phụ đến sát mép lá để nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi thân to nhất. Ngọn của thân chính sau khi leo tới giàn thì cắt đi. Bên cạnh cành chính sẽ để lại 2 đến 4 tay (cành mọc ra từ thân chính) tùy vào giống nho và mật độ trồng nho.
Khi các tay mọc dài khoảng 1-1,2m người trồng tiến hành cắt ngọn để lấy tiếp một số cành từ tay. Cành này gọi là cành quả. Khi cho leo giàn cần lưu ý tránh để cành chồng lên nhau.
Sau khoảng 1 năm chăm sóc, cành và tay sẽ hóa gỗ, lúc này có thể tiến hành cắt bỏ cành lá chỉ để lại những phần sau của cây:
- Cành quả
- Mầm ở phần cành quả vì đây sẽ là cành thay thế cho các vụ sau
- Nếu gốc nho đã già cần để lại vài mầm trên thân chính để tạo tay mới cho vụ sau.
Thời gian nho chín từ khoảng 90-120 ngày tùy theo giống. Sau khi thu hoạch cần cho cây nghỉ khoảng 30-40 ngày sau đó mới tiến hành cắt mần trở lại cho mùa mới. Như vậy trong một năm, trung bình bạn sẽ thu hoạch được 3 vụ.
Ở các nước có mùa đông lạnh, nho sẽ có đủ thời gian nghỉ ngơi cho vụ sau. Trong khi đó ở vùng nhiệt đới không có mùa đông rét nên cắt cành được xem là biện pháp quan trọng để nho có thể ra quả nhiều vụ trong năm. Cách làm này nhằm hạn chế rút ngắn tuổi thọ của cây. Bạn cũng cần có kinh nghiệm để chọn đúng cánh tay, cành quả và thời điểm cắt mầm phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.
5. Các loại sâu bệnh phổ biến trên cây nho
Để có thể trồng được một vườn nho khỏe mạnh, năng suất, người trồng cần nhận biết một số loại sâu bệnh phổ biến nhằm có biện pháp hiệu quả, kịp thời bảo vệ vườn nho của mình. Sau đây là thông tin về một số loại sâu, bệnh phổ biến trên cây nho:
- Sâu: Nhìn chung, sâu không quá nguy hiểm với cây nho nếu phát hiện sớm và có biện pháp loại trừ thích hợp.
- Rầy, rệp sáp: So với sâu thì rầy và rệp lại gây ra nhiều tác động xấu đến cây như: Héo ngọn, quăn lá, trái nhỏ vì chúng hút nhựa cây. Với loại này, người trồng nho sẽ cần sử dụng một số thuốc hóa học chuyên dụng.
- Nhện đỏ: Loài này có kích thước rất nhỏ, thường bám dưới mặt lá để hút nhựa. Khi bị tấn công lá có thể bị rụng nên sẽ có thể gây thiệt hại lớn nếu cây nho bị nhện đỏ phá hoại vào thời điểm lên các mầm. Để trừ nhện đỏ cũng cần đến một số chất hóa học chuyên dụng.
Bệnh phổ biến: Bệnh phổ biến trên cây nho thường xuất hiện và gây hại lớn vào mùa mưa khi trời mát, độ ẩm cao.
- Bệnh mốc sương do nấm Plasmopara viticola gây ra. Bệnh phát triển khi thời tiết ẩm, mát, ít gió. Bệnh xuất hiện trên lá sau đó lây sang đọt, hoa, quả của cây. Dấu hiệu nhận biết của bệnh trên lá như sau: Mặt trên của lá sẽ xuất hiện các vệt xanh-vàng và các vệt này sẽ chuyển dần sang nâu. Mặt dưới của lá cũng đồng thời xuất hiện các mảng trắng mỏng như lông tơ. Bệnh có thể trị bằng sulfat đồng – vôi.
- Bệnh phấn trắng do nấm Uncinula necator. Bệnh tấn công vào các đọt non. Trên các đọt non, cành non sẽ xuất hiện lớp bột như phấn trắng phủ lên. Khi xuất hiện trên cành, ban đầu bệnh cũng biểu hiện có bột phấn trắng sau đó chuyển dần thành màu nâu đen. Bệnh thường được điều trị bằng lưu huỳnh, vôi và Zineb.
- Bệnh rỉ sắt do nấm Pysopella vitis. Bệnh chủ yếu gây hại trên lá. Dưới những lá già sẽ xuất hiện các nốt nhỏ màu như rỉ sắt. Tuy nhiên bệnh sẽ không đáng ngại khi nho đã được phun các loại thuốc phòng trừ bệnh mốc sương và phấn trắng.
6. Thu hoạch nho
- Khác với nhiều loại cây trồng, sau khi được thu hoạch quả nho sẽ không chín thêm. Chính vì vậy, với những người trồng nho vì mục đích kinh tế cần lựa chọn giống có thịt cứng, vỏ dày nhằm thuận lợi cho việc bảo quản, vận chuyển nho sau thu hoạch.
- Khoảng 2 tháng sau khi đậu quả nho sẽ chín. Lúc này cũng cần bổ sung dinh dưỡng để trái thêm ngọt.
- Điều chỉnh lượng nước ít lại tránh làm nứt quả.
>>>Đọc thêm:
- Cách trồng hành lá tại nhà
- Cách trồng măng tây
- Cách trồng rau muống
- Cách Trồng Hoa Đậu Biếc
- Cách trồng ớt đúng kỹ thuật
Trên đây là những hướng dẫn về cách trồng nho mà Vua Nệm muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng rằng bài viết này sẽ cung cấp đến bạn những kiến thức bổ ích. Chúc bạn có một vườn nho như mong muốn!