Ớt là loại gia vị phổ biến được rất nhiều người yêu thích và có mặt trong hầu hết mọi bữa ăn. Chính vì vậy, nhiều người muốn tự trồng ớt tại nhà để vừa tiện lợi vừa đảm bảo vệ sinh. Dưới đây là những hướng dẫn chi tiết về cách trồng ớt đúng kỹ thuật, năng suất cao.
Nội Dung Chính
1. Khâu chuẩn bị trong cách trồng ớt
Ớt là loài cây rất dễ trồng dễ sống. Thực tế cho thấy nhiều giống ớt có thể tự mọc hoang và vẫn có thể phát triển sinh trưởng như bình thường. Dù vậy, để cây có điều kiện sống tốt nhất, bạn vẫn cần phải có những khâu chuẩn bị kỹ càng trong cách trồng ớt dưới đây:
- Thời vụ trồng thích hợp: thời điểm thích hợp nhất để gieo hạt ớt là tháng 8 và tháng 9, thời điểm trồng cây phù hợp là tháng 9 và tháng 10. Trông vào khoảng thời gian này cây có điều kiện khí hậu phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh. Theo đó, vụ thu hoạch ớt có thể kéo dài đến tháng 4, tháng 5 của năm sau.
- Điều kiện nhiệt độ thích hợp: nhiệt độ thích hợp để cây ớt phát triển là từ 18 – 30 độ C. Trong điều kiện nhiệt độ dưới 15 độ C và cao trên 32 độ C, cây sẽ khó phát triển, còi cọc và họ dễ rụng.
- Chuẩn bị đất: lựa chọn loại đất có khả năng thoát nước tốt, cơ cấu đất thoáng và xốp như đất cát pha, đất thịt pha sét, đất canh tác lúa, đất phù sa ven sông. Bên cạnh đó, còn phải đảm bảo độ pH của đất từ 5.5 – 6.5 và không trồng ớt trên đất bị nhiễm phèn mặn.
- Lựa chọn giống ớt: giống như nhiều loài cây khác, ớt có rất nhiều loại khác nhau như ớt sừng, ớt chỉ thiên, ớt chuông, ớt biếm, ớt hiểm,… Việc của bạn là hãy lựa chọn giống ớt phù hợp với các món ăn hàng ngày và cả gia đình đều yêu thích.
2. Cách trồng ớt đúng kỹ thuật, năng suất cao
Để bắt tay vào trồng ớt, trước hết bạn cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ sau:
- Hạt giống
- Đất trồng
- Khay ươm
- Phân bón hữu cơ
Sau khi đã chuẩn bị những nguyên vật liệu trên, chúng ta sẽ bắt tay vào trồng ớt theo các bước làm như sau.
2.1. Cách trồng ớt từ hạt
Bước 1: Ngâm hạt giống
Để hạt ớt nảy mầm bạn cần phải ngâm chúng trong nước ấm khoảng 50 độ C. Thời gian ngâm kéo dài 4 – 8 tiếng. Để có nước ấm khoảng 50 độ C bạn hãy pha nước nóng với lạnh theo tỷ lệ 2:3 là được.
Bước 2: Gieo hạt
Nếu không có khay ươm, bạn có thể tận dụng khay làm đá trong nhà để gieo hạt. Tuy nhiên, cần đục một vài lỗ phía dưới đáy của mỗi ô để nước có thể thoát.
Sau khi đã có dụng cụ ươm, bạn cho đất đã chuẩn bị vào từng khay và tiến hành gieo hạt. Sau khi đã gieo hạt xong, bạn phủ một lớp đất mỏng và tưới ướt đẫm nước
Bước 3: Chăm sóc cây
Tưới cây 1 – 2 lần/ ngày bằng bình xịt chuyên dụng. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý điều kiện thời tiết để tưới với liều lượng phù hợp.
Sau khoảng 7 – 9 ngày, hạt ớt sẽ nảy mầm và phát triển thành cây. Sau khoảng 20 – 30 ngày bạn có thể chuyển cây sang chậu lớn hoặc bãi đất trống để cây có diện tích phát triển tốt hơn.
2.2. Cách trồng ớt từ cây con
Bước 1: Trồng cây con
Phương pháp này giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức ở giai đoạn gieo hạt. Bạn có thể chọn mua giống cây ở các vườn ươm với những cây phát triển xanh tốt, khoẻ mạnh.
Sau khi đã có cây giống, bạn cần chuẩn bị chậu hoặc bài đất có đất tốt,
giàu dinh dưỡng và đảm bảo các điều kiện kể trên để trồng cây.
Bước 2: Tưới nước
Sau khi đã cố định cây vào đất trồng, bạn dùng bình xịt để tưới nước cho cây giúp cho cây có thể giữ được xanh tốt trong thời gian cây liền rễ.
3. Chăm sóc cây ớt sau khi trồng
3.1. Tưới nước cho cây
Dưới điều kiện thời tiết khô hạn, bạn cần tưới nước 1 – 2 lần ngày, tuy nhiên đất trồng phải đảm bảo có độ thoát nước tốt. Trong trường hợp đất ẩm bạn chỉ nên tưới cây với tần suất 2 ngày 1 lần.
Cùng với đó, bạn cần thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của cây để thể điều chỉnh tần suất cũng như liều lượng tưới cho phù hợp. Đồng thời, để giữ độ ẩm cho đất và hạn chế tình trạng đất bị mất nước, bạn nên phủ một lớp rơm rạ hoặc cỏ khô ở gốc cây.
3.2. Làm cỏ cho cây
Cỏ mọc xung quanh gốc cây chính là nguyên nhân khiến cây còi cọc, kém phát triển. Cỏ sẽ nhanh chóng hút hết chất dinh dưỡng từ phân, đất và cây sẽ không thể phát triển khoẻ mạnh.
Đây cũng là lý do làm cho cây dễ bị nhiễm sâu bệnh. Để loại bỏ tình trạng này, bạn cần làm cỏ thường xuyên nhất là khu vực ở gốc cây.
Trong trường hợp nếu phát hiện cây bị sâu bệnh, bạn có thể tham khảo mẹo diệt sâu bọ hiệu quả từ tỏi – ớt – gừng.
3.3. Bón phân cho cây
Tần suất bón phân là mỗi tháng một lần, bạn có thể dùng phân chuồng hoặc các loại phân hữu cơ tan chậm với tỷ lệ pha với đất là 1:1. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung thêm tro trấu hoặc xơ dừa.
Sau khi thu hoạch lần đầu tiên, bạn cần bón phân cho cây ngay lập tức để đảm bảo cho cây ra trái đều đẹp vào lứa tiếp theo và đảm bảo an toàn vệ sinh. Các loại phân bón có thể dùng giai đoạn này là phân dê, phân bò ủ hoai,…
3.4. Tỉa nhánh cây
Khi cây ớt cao khoảng 20cm, bạn tiến hành tỉa nhánh cho cây. Phương pháp tỉa nhánh tốt nhất là tỉa những cành ở dưới điểm phân nhánh để gốc cây có độ thông thoáng. Sau đó, tưới nước và theo dõi độ ẩm của đất cũng như điều kiện phát triển của cây.
Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý luôn đảm bảo khoảng cách giữa các cây từ 20 – 30cm. Khoảng cách này sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển trong điều kiện bình thường.
3.5. Thu hoạch ớt
Thời điểm thu hoạch lý tưởng nhất là khi trái ớt bắt đầu chuyển màu. Việc này có tác động kích thích cây tiếp tục ra hoa và đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng cho lần thu hoạch sau.
Trong khi thu hoạch, bạn nên dùng kéo cắt cả cành cây xuống, tránh làm gãy nhánh cây. thông thường, sau 35 – 40 ngày kể từ ngày nở hoa, ớt sẽ có thể thu hoạch được. Nếu có các phương pháp chăm sóc tốt, bạn có thể thu hoạch mỗi ngày một lần hoặc 2 ngày một lần cho đến khi hết quả già.
4. Hướng dẫn bảo quản ớt dùng được lâu
Hạt ớt vừa là bộ phận chính làm tăng độ cay của ớt nhưng cũng chính là nguyên nhân khiến ớt nhanh bị hỏng. Vì vậy, nếu muốn bảo quản ớt được lâu, khi thu hoạch xong bạn nên tách bỏ hạt ớt, sau đó, cho ớt vào túi zip hoặc túi nilon rồi để trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bảo quản ớt bằng cách ngắt bỏ cuống ớt sau đó rửa sạch, đợi ráo nước và bỏ vào túi nilon để trong tủ lạnh. Đến khi dùng bạn có thể lấy ớt ra và sử dụng trực tiếp.
Ngâm ớt với nước đường giấm cũng là một trong những cách bảo quản ớt được ưa chuộng và phổ biến. Cách bảo quản này không chỉ giúp ớt dùng được lâu mà còn làm tăng độ cay, giòn của ớt.
XEM THÊM:
- Cách trồng hoa hồng leo và kỹ thuật chăm sóc giúp hoa nở đẹp
- Cách Trồng Sả Đơn Giản Tại Nhà Thu Hoạch Quanh Năm
- Hướng Dẫn Cách Trồng Hoa Đậu Biếc Tại Nhà
Trên đây là cách trồng ớt tại nhà đúng kỹ thuật, đơn giản, cho năng suất cao. Hy vọng bạn sẽ có thể áp dụng thành công những bước làm trên và tự tay trồng được những cây ớt sai trĩu quả.