Trên thực tế, rất ít đứa trẻ nào có thể đắp chăn ngay ngắn và ngủ ngoan suốt cả đêm. Việc lo lắng con sẽ bị lạnh và ảnh hưởng đến sức khoẻ khiến cho các bậc phụ huynh thường xuyên phải dậy để chỉnh lại chăn cho con. Vậy tại sao bé đạp chăn khi ngủ? Dưới đây là những câu trả lời dành cho bạn.
Nội Dung Chính
- 1. Tại sao bé đạp chăn khi ngủ?
- 2. 8 mẹo giúp bé chịu đắp chăn và ngủ ngon
- 2.1. Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp
- 2.2. Mặc đồ thoải mái cho con
- 2.3. Đắp cho bé một chiếc chăn rộng
- 2.4. Tạo cho bé khoảng không rộng rãi
- 2.5. Sử dụng đèn sưởi, quạt sưởi
- 2.6. Hạn chế cho bé vận động nhiều trước khi ngủ
- 2.7. Sử dụng vỏ chăn có khóa hoặc túi ngủ
- 2.8. Lựa chọn cho con một chiếc chăn mỏng
1. Tại sao bé đạp chăn khi ngủ?
Có nhiều lý do khiến bé thường xuyên đạp chăn trong lúc ngủ. Phần lớn, cha mẹ thường cho rằng do các bé cảm thấy nóng nên mới như vậy. Tuy nhiên, đó chỉ là một nguyên nhân cơ bản và một số lý do khác có liên quan đến sức khỏe, tinh thần của con mà cha mẹ cần phải biết.
1.1. Nhiệt độ cơ thể
Lý do đầu tiên, cơ bản nhất và cũng dễ nhận thấy nhất đó là nhiệt độ cơ thể nóng khiến bé không cảm thấy thoải mái khi phải đắp chăn.
Tuy nhiên, tại sao bé lại cảm thấy nóng trong khi chỉ nằm ngủ mà không phải vận động, chơi đùa gì? Đây cũng là thắc mắc của không ít các ông bố bà mẹ.
Ở trẻ, nhu cầu trao đổi chất trường diễn ra mạnh mẽ bên trong cơ thể, chính vì vậy nhiệt độ cơ thể của bé luôn nóng hơn người lớn . Nếu bạn đang cảm thấy thời tiết mát mẻ thì với bé lại không cảm thấy dễ chịu như vậy.
Điều này dẫn đến việc trong khi các ông bố bà mẹ lo lắng con của họ sẽ bị cảm lạnh nếu không chịu đắp chăn thì các bé có thể đang cảm thấy rất thoải mái với hành động đạp chăn ra khỏi cơ thể của mình.
1.2. Bé ngủ không sâu giấc
Cha mẹ không cần quá lo lắng về việc bé ngủ không sâu giấc và điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của con. Bởi đặc trưng giấc ngủ của bé là chưa thể ngủ sâu như chúng ta, điều này xảy ra ở hầu hết các bé và trong một độ tuổi nhất định thường là 2 tuổi trở xuống.
Do bộ não của bé chưa phát triển hết nên chưa thể kiểm soát được hành động trong lúc ngủ như khua tay, múa chân và kể cả đạp chăn ra ngoài. Thuận theo tự nhiên, khi có gì vướng vào người, các bé sẽ cảm thấy không thoải mái và có xu hướng đạp nó ra.
1.3. Bé hoạt động nhiều trước khi ngủ
Mặc dù chất lượng giấc ngủ của bé chưa hoàn thiện như người lớn nhưng chu kỳ giấc ngủ đã xuất hiện trong giấc ngủ của con. Một trong số đó phải kể đến giấc ngủ REM – một trong những nguyên nhân chính khiến con đạp chăn trong lúc ngủ.
Cụ thể, giấc ngủ REM thường gắn liền với những giấc mơ sống động, kích thích hoạt động của não bộ. Nếu trước khi đi ngủ, bé vận động nhiều như chạy nhảy, xem tivi, xem hoạt hình có nội dung kích thích mạnh thì rất có thể trong giấc ngủ REM bé sẽ có xu hướng đạp bỏ chăn.
Bên cạnh đó, còn có thể xuất hiện những triệu chứng như: mộng du, nói mơ, ngồi bật dậy, thậm chí con có thể gặp ác mộng.
2. 8 mẹo giúp bé chịu đắp chăn và ngủ ngon
Để có thể tìm được phương pháp khắc phục hiệu quả nhất, cha mẹ cần phải biết được nguyên nhân tại sao bé lại không chịu đắp chăn khi ngủ. Dưới đây là một số cách giúp cha mẹ đoán được cảm nhận của con và mang đến cho con giấc ngủ trọn vẹn nhất.
2.1. Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp
Như đã đề cập ở trên, thân nhiệt của bé thường cao hơn người lớn. Vì vậy, mẹ có thể nghĩ bé sẽ bị lạnh nhưng thực ra bé có thể sẽ đổ mồ hôi trộm nếu như cứ phải đắp chăn khi ngủ.
Trong trường hợp bé đạp chăn ra thì mẹ không cần phải đắp lại ngay ngắn cho con mà có thể điều chỉnh nhiệt độ phòng ấm lên một chút để tạo độ ẩm cho phòng và bảo vệ con không bị lạnh.
2.2. Mặc đồ thoải mái cho con
Cha mẹ nên chọn những bộ đồ phù hợp với thời tiết và nhiệt độ để bảo vệ con không bị quá nóng hay quá lạnh. Bên cạnh đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý trong việc lựa chọn chất liệu của bộ đồ.
Lời khuyên của các chuyên gia dành cho các bậc phụ huynh là nên lựa chọn các loại vải có độ mềm mại, chất liệu tự nhiên, thân thiện với làn da và sức khỏe của bé. Tuyệt đối phải tìm hiểu kỹ trước để tránh chọn những chất liệu có thể gây dị ứng với bé và khiến bé ngủ không ngon giấc, hay cựa quậy.
2.3. Đắp cho bé một chiếc chăn rộng
Một chiếc chăn rộng sẽ giúp cha mẹ không còn phải thức giấc nhiều lần trong đêm để đắp chăn cho bé. Cách làm ở đây là cha mẹ hãy dùng một tấm chăn đủ lớn để có thể ghép vào các mép giường. Như vậy, dù bé có trở mình, hay giãy đạp mạnh thì chăn vẫn được cố định và đắp ngay ngắn trên người con.
2.4. Tạo cho bé khoảng không rộng rãi
Cha mẹ luôn muốn nằm gần con để có thể vỗ về con bất cứ khi nào con cần. Tuy nhiên, điều này phần nào sẽ khiến bé cảm thấy nóng nực và khó chịu. Vì vậy, khi nằm ngủ với cả bố và mẹ thì không nên để bé nằm ở giữa, thay vào đó hãy cho bé nằm ở phía ngoài với một khoảng không rộng rãi.
Bên cạnh đó, mẹ hãy kiểm tra lưng của bé thường xuyên nếu bé có đổ mồ hôi trộm thì phải dùng khăn lau ngay cho bé để bé không bị nhiễm lạnh.
2.5. Sử dụng đèn sưởi, quạt sưởi
Trong mùa đông hay những ngày nhiệt độ thấp, cha mẹ nên sử dụng đèn sưởi, quạt sưởi để khi bé có đạp chăn thì vẫn đảm bảo cơ thể con luôn được giữ ấm. Tuy nhiên, với cách này, mẹ nên chú ý điều chỉnh mức nhiệt độ phù hợp, không nên dựa vào cảm nhận của mình mà hãy quan sát cơ thể của con để cài đặt mức nhiệt khiến con thoải mái nhất.
2.6. Hạn chế cho bé vận động nhiều trước khi ngủ
Bộ não của bé còn non nớt và chưa phát triển toàn diện, vì vậy việc vận động quá nhiều trước khi ngủ sẽ khiến con có những hành động lạ trong khi ngủ. Thay vào đó, cha mẹ có thể cùng con chơi những trò chơi học tập, xem những bộ phim hoạt hình nhẹ nhàng.
2.7. Sử dụng vỏ chăn có khóa hoặc túi ngủ
Đây là cách khắc phục khá hiệu quả dành cho các bậc cha mẹ có con nhỏ thường xuyên đạp chăn khi ngủ. Cách sử dụng vỏ chăn có khóa hoặc túi ngủ cũng rất dễ dàng và cực kỳ an toàn. Mẹ chỉ cần cho bé nằm trong chăn sau đó kéo khóa đến bụng của bé là có thể yên tâm con sẽ không bị lạnh.
Tuy nhiên, mẹ cần chú ý đến nhiệt độ phòng và thân nhiệt của con. Bởi nếu cảm thấy quá nóng mà con lại không thể đạp chăn sẽ khiến con cảm thấy khó chịu, bực tức và không thể ngủ ngon, thậm chí con sẽ dậy và quấy khóc cả đêm.
2.8. Lựa chọn cho con một chiếc chăn mỏng
Nếu việc đắp chăn dày khiến bé liên tục đạp ra thì mẹ có thể lựa chọn một chiếc chăn mỏng hơn cho con. Chăn mỏng sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái và ngủ ngon giấc hơn.
>> Xem thêm: Có nên đắp chăn cho trẻ sơ sinh không? Các loại chăn an toàn, ấm áp cho bé yêu
Trên đây là những chia sẻ về nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả khi bé đạp chăn khi ngủ. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp cha mẹ tìm được mẹo phù hợp để bảo vệ sức khoẻ của con.