Bánh tráng trộn là món ăn vặt siêu ngon được nhiều bạn trẻ yêu thích, dù vậy việc mua ở ngoài đường phố sẽ khiến bạn lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó trong bài viết này, Vua Nệm sẽ hướng dẫn đến bạn cách làm bánh tráng trộn tại nhà đơn giản, dễ thực hiện, đặc biệt thơm ngon và nước chấm đậm vị. Cùng theo dõi ngay!
Nội Dung Chính
1. Bánh tráng trộn – Món ăn vặt đường phố trứ danh khắp các tỉnh phía Nam
Sẽ không quá lời khi nói rằng bánh tráng trộn là món ăn vặt trứ danh khắp các tỉnh phía Nam nước ta, đặc biệt là TP. HCM. Đặc biệt, vào những năm gần đây, món ăn đã lan tỏa đến các bạn trẻ ở khắp mọi vùng miền khác. Hơn nữa, ngay cả những du khách từ nước ngoài cũng bị “hấp dẫn” bởi món ăn này bởi vị dai dai của bánh tráng, vị chua ngọt từ xoài, chút giòn giòn của các loại khô… đây thực sự là món ăn mà bạn có thể ăn hoài mà không cảm thấy chán.
Dù vậy, ít ai biết được, bánh tráng trộn lại là món ăn có nguồn gốc từ Tây Ninh. Mới đầy, người dân nơi đây chỉ tận dụng những mẩu vụn được cắt ra từ các lò bánh tráng máy rồi trộn đều với chút dầu, thêm hành phi, muối ớt và bột tôm để ăn ở trong gia đình. Dần dà, món ăn trở nên rất đỗi quen thuộc với người dân địa phương và cũng chẳng mấy chốc mà phổ biến ở nhiều nơi. Hiện nay, những gánh hàng bánh tráng trộn được bánh rong ở khắp vỉa hè và trở thành món quà ăn vặt không thể thiếu cho học sinh, sinh viên nơi đây.
Bánh tráng trộn có nhiều “phiên bản” khác nhau nhưng được yêu thích nhất vẫn là bánh tráng trộn truyền thống, bánh tráng trộn mỡ hành, bánh tráng sốt me…
2. Cách làm bánh tráng trộn truyền thống chuẩn vị đường phố Sài thành
Tuy món ăn vặt này có nguồn gốc từ Tây Ninh, song lại được biết đến là “đặc sản” của đất Sài thành. Hãy cùng tìm hiểu cách làm bánh tráng trộn thơm ngon và hấp dẫn chuẩn vị ngay dưới đây.
2.1. Nguyên liệu gồm có
- Bánh tráng khô: 1 xấp
- Xoài xanh: 1 trái
- Trứng cút: 10 trái
- Tắc tươi: 3 trái
- Ruốc thịt heo: 5g xé sợi
- Thịt bò khô xé sợi: 50g
- Hành lá và hành tím: 100g
- Rau răm: 50g cắt nhỏ
- Đậu phộng: 50g đã rang và lột vỏ
- Sa tế: Ưu tiên loại ngon và có nước
- Muối tôm Tây Ninh
- Dụng cụ làm bánh bánh tráng trộn: Dao, kéo, dao bào, một dĩa sạch, một tô lớn lòng sâu và găng tay nilon.
2.2. Hướng dẫn cách làm bánh tráng trộn
- Bước 1: Đầu tiên, xé bánh tráng trộn thành từng miếng hình chữ nhật có kích thước vừa ăn, lưu ý là đừng xé quá nhỏ bởi miếng khi trộn bánh tráng trở nên ngấm nước và bị vụn.
- Bước 2: Xoài gọt vỏ, bào thành sợi dài và để riêng
- Bước 3: Cho hành tím bỏ vỏ, cắt lát mỏng, sau đó bắc chảo lên bếp rồi cho vào một chút dầu ăn. Khi dầu nóng thì cho hành vào phi cho thơm, khi hành chuyển sang màu vàng cam thì tắt bếp, rồi cho 1 muỗng sa tế vào trộn đều để nguội.
- Bước 4: Hành lá cắt nhỏ, sau đó bắc chảo lên bếp rồi cho một chút dầu ăn vào để làm mỡ hành. Khi dầu sôi, đổ ngay vào bát hành lá nhỏ.
- Bước 5: Trứng cút luộc chín rồi bóc vỏ
- Bước 6: Trộn bánh tráng: Cho bánh tráng, xoài, mỡ hành, tôm, nước tắc, đậu phộng, rau răm, hành tím đã phi cùng “nước sốt thần thánh” vào tô lớn rồi đeo bao tay nilon lại và trộn đều tất cả các nguyên liệu.
- Bước 7: Cho tất cả dĩa, thêm ruốc, khô bò, xoài và đậu phộng và chỗ trứng cút còn lại lên trên rồi dọn ra thưởng thức.
2.3. Bí quyết làm nước sốt bánh tráng trộn “thần thánh” như ở ngoài hàng
Để món bánh tráng trộn thơm ngon thì bí quyết chính là nằm ở chén nước sốt thần thánh, đừng bỏ lỡ cách làm nước sốt thần thánh ngay dưới đây!
Nguyên liệu cần có
- Nước tương: 1 muỗng canh
- Giấm ăn: 1 muỗng canh
- Đường kính: 1 muỗng cafe
- Nước sốt me: 1 muỗng canh
- Đậu phộng rang: 1 muỗng canh
- Ớt, tỏi và sa tế.
Cách làm nước sốt bánh tráng trộn ngon
- Bước 1: Đầu tiên, cho nước tương, giấm ăn, đường kính vào một chén nhỏ, cho tất cả những nguyên liệu hoà tan ra.
- Bước 2: Băm nhỏ thêm ớt, tỏi và sả cho vào hỗn hợp rồi trộn đều nguyên liệu lại với nhau.
- Bước 3: Cho nước sốt me, đậu phộng giã nhuyễn rồi cho vào hỗn hợp, nếu bạn thích ăn nhiều cay có thể cho thêm sa tế vào để hương vị cay đậm đà hơn.
Theo đó, bạn có thể cho nước sốt đã chuẩn bị vào bước trộn bánh tráng với những nguyên liệu kể trên hoặc có thể rưới lên khi trình bày món ăn.
3. Cách làm bánh tráng trộn sốt me
Bánh tráng trộn Tây Ninh là sự kết hợp với nước sốt me chua chua ngọt ngọt tạo nên hương vị tổng thể vô cùng hấp dẫn. Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau để làm bánh tráng trộn sốt me thơm ngon và hấp dẫn, đó là bánh tráng Tây Ninh, nước cốt me, khô bò, xoài xanh, đậu phộng, hành phi và gia vị.
- Bước 1: Để làm nước sốt me, bạn cho nước cốt me, xì dầu, giấm, đường vào nồi nhỏ, sau đó đặt lên bếp, để lửa nhỏ rồi khuấy đều, đến khi nước sốt sệt lại thì cho ít lạc rang đập dập, ớt và sa tế vào.
- Bước 2: Sơ chế nguyên liệu, cho bánh tráng Tây Ninh đi cắt sợi, trứng cút luộc chín tách vỏ và cắt đôi, xoài gọt vỏ thái sợi, rau răm rửa sạch và đem cắt nhỏ.
- Bước 3: Trộn bánh tráng, cho bánh tráng, khô bò, xoài, trứng cút, rau răm cùng nước sốt me vào thau lớn rồi trộn đều lên cho ngấm gia vị. Sau khi hoàn thành cho bánh tráng ra đĩa, rắc thêm đậu phộng, hành phi lên mặt và thưởng thức thôi nào.
4. Cách làm bánh tráng trộn sa tế
Để làm bánh tráng trộn sa tế, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau: bánh tráng Tây Ninh, xoài xanh, bò khô, trứng cút, sa tế, đậu phộng rang, rau răm cùng gia vị. Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Bánh tráng Tây Ninh cắt sợi, đậu phộng rang vàng và đập dập, trứng cút luộc chín rồi cắt đôi. Xoài gọt vỏ và bào sợi, rau răm rửa sạch, để ráo nước.
- Bước 2: Làm nước sốt theo công thức có 1 thìa dấm, 1 thìa đường, 1 thìa xì dầu
- Bước 3: Trộn bánh tráng, cho 3 thìa sa tế, nước sốt đã pha sẵn vào thau lớn và trộn đều cho ngấm gia vị, Sau đó cho bò khô, xoài bào sợi, hành phi, rau răm vào thau lớn rồi trộn đều. Sau khi hoàn thành cho ra đĩa, rắc thêm đậu phộng rồi thưởng thức.
5. Hướng dẫn cách bảo quản bánh tráng trộn
Hiện nay có rất nhiều loại bánh tráng trộn được “biến tấu” từ các món truyền thống, có thể chia chúng thành hai loại là bánh tráng trộn chưa qua chế biến và loại đã chế biến. Những loại chưa qua chế biến là bánh tráng me, bánh tráng hành phi, bánh tráng bơ, sa tế, bánh tráng muối tắc. Còn bánh tráng trộn đã chế biến gồm các loại bánh tráng trộn truyền thống, bánh tráng cuốn, bánh tráng tóp mỡ mỡ hành…
Theo đó, những loại bánh tráng trộn chưa qua chế biến có thể được bảo quản lâu hơn bằng cách cất giữ bánh ở nơi sạch sẽ, khô ráo, tránh ẩm ướt, tuyệt đối tránh xa những loại hóa chất ở trong nhà bếp. Đồng thời che đậy kín sản phẩm nếu chưa qua sử dụng. Đồng thời, không bảo quản bánh tráng trộn ở trong tủ lạnh để tránh làm bánh bị khô cứng, ăn không còn ngon.
Trên đây là những hướng dẫn cách làm bánh tráng trộn mà Vua Nệm muốn gửi đến bạn đọc, hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn bỏ túi thêm những công thức “xịn xò” để có thể trổ tài làm mẻ bánh tráng trộn thơm ngon cho mình và những người thân yêu cùng thưởng thức. Chúc bạn thành công!
>>>>Đọc ngay:
- Bánh tráng trộn bao nhiêu calo? Ăn nhiều bánh tráng trộn có béo không?
- Bánh tráng cuốn bao nhiêu calo? Ăn nhiều có mập không?
- Bánh tráng nướng bao nhiêu calo? Loại bánh tráng nướng nào tốt cho giảm cân
- Bánh tráng bao nhiêu calo? Ăn có bị béo và nổi mụn không?