Chả lụa là một món ăn ngon, rất quen thuộc với người Việt. Món ăn này không chỉ xuất hiện trong mâm cơm hàng ngày mà ngay cả tiệc hay lễ, Tết chả giò cũng đều có mặt. Chả giò thường được làm thành từng cây dài, hình trụ tròn. Mỗi lần ăn chỉ cần cắt một khúc. Còn lại có thể đem bảo quản để ăn dần.
Tuy nhiên cách bảo quản chả lụa như thế nào để ăn được lâu mà không lo có mùi lạ hay bị hư hỏng thì không phải ai cũng biết. Nếu bạn cũng vậy thì có thể theo dõi bài viết sau!
Nội Dung Chính
- 1. Lý do tại sao cần bảo quản chả lụa đúng cách?
- 2. Hướng dẫn cách bảo quản chả lụa
- 3. Cách sử dụng chả lụa sau khi bảo quản lạnh
- 4. Chả lụa sau khi ăn thừa thì làm sao?
- 5. Cách bảo quản chả lụa khi không có tủ lạnh
- 6. Những lưu ý khi bảo quản chả lụa trong tủ lạnh
- 7. Chả lụa bị nhớt có thể ăn được không?
1. Lý do tại sao cần bảo quản chả lụa đúng cách?
Món chả lụa có thể được chia làm rất nhiều loại do làm từ những nguyên liệu khác nhau. Ví dụ như chả lụa làm từ thịt bò, chả lụa làm từ thịt heo, chả lụa chay,… Nguyên liệu khác nhau sẽ mang tới cho món ăn hương vị riêng.
Tuy nhiên, điểm chung của các món chả lụa này đó chính là được làm từ nguyên liệu tươi, không chứa chất bảo quản. Vì vậy mà thời gian sử dụng ngắn, cần bảo quản cẩn thận nếu không rất dễ bị ôi thiu, hư hỏng.
Chỉ cần để chả lụa trong nhiệt độ thường tới ngày hôm sau là có thể hương vị của món ăn đã bị thay đổi, thậm chí là xuất hiện nấm mốc,… Do đó, nếu không thể ăn hết chả lụa trong một lần thì bạn cần phải biết cách bảo quản chả lụa để tránh lãng phí.
2. Hướng dẫn cách bảo quản chả lụa
Trong trường hợp bạn mua chả lụa về nhưng chưa ăn hoặc ăn chưa hết thì có thể cất trữ trong ngăn mát của tủ lạnh. Nên điều chỉnh nhiệt độ ngăn mát tủ lạnh ở mức 10 – 15 độ C. Như vậy thì có thể bảo quản được chả lụa trong khoảng 4 – 6 ngày. Hoặc muốn bảo quản lâu hơn, có thể cất trữ trong ngăn đá, thời gian bảo quản có thể lên tới 10 – 20 ngày.
Tuy nhiên, nếu bạn bảo quản chả lụa trong ngăn đá tủ lạnh thì trước khi ăn sẽ cần phải rã đông. Cách rã đông khá đơn giản. Bạn có thể để ở nhiệt độ phòng trong vòng 4 tiếng. Hoặc cũng có thể cho chả lụa xuống ngăn mát tủ lạnh để trong 8 tiếng. Vậy là có thể mang ra thì ăn sống hoặc chế biến theo ý muốn rồi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể để chả lụa ở nơi thoáng mát, có mức nhiệt từ 10 – 15 độ C, không bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Nhiệt độ này thường là vào các tháng mùa đông. Như vậy, chả lụa có thể bảo quản được khoảng 2 – 3 ngày.
Nhưng dù bạn áp dụng cách bảo quản chả lụa thì cũng cần lưu ý tránh cho chả lụa bị nhiễm khuẩn. Cụ thể, trước mỗi lần cắt chả lụa thì bạn nên sử dụng dao sạch, đã khô ráo. Sau khi cắt xong thì lấy chính lớp lá hoặc giấy bóng bọc bên ngoài chả lụa để bọc kín lại.
Sau đó bọc thêm một lớp màng bọc thực phẩm quanh phần vừa cắt. Như vậy có thể hạn chế chả lụa tiếp xúc với không khí, bị vi sinh vật xâm nhập, ngăn ngừa tình trạng ôi thiu, hư hỏng.
3. Cách sử dụng chả lụa sau khi bảo quản lạnh
Sau quá trình bảo quản lạnh, nếu bạn muốn lấy ra ăn thì tốt nhất nên lấy ra trước 1 tiếng nếu như chả lụa được để trong ngăn mát tủ lạnh. Còn nếu để ở ngăn đá thì như đã nói, cần lấy ra trước 4 tiếng hoặc cho xuống ngăn mát tủ lạnh trước 8 tiếng để giã đông. Như vậy thì chả lụa sẽ không bị lạnh lại vẫn giữ được vị dai và giòn.
Bạn có thể ăn chả lụa trực tiếp mà không cần chế biến hoặc cũng có thể đem chiên, xào hay cuốn nem,… đều được.
4. Chả lụa sau khi ăn thừa thì làm sao?
Nếu bạn ăn không hết chả lụa thì có thể cất chả lụa còn thừa vào trong một hộp nhựa đậy kín nắp. Hoặc cũng có thể để trong đĩa rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại và để trong ngăn mát tủ lạnh để bữa sau lấy ra ăn. Trường hợp thời tiết lạnh thì cũng không nhất thiết phải cất trong tủ lạnh mà có thể để ở ngoài cũng sẽ không bị hư hỏng.
5. Cách bảo quản chả lụa khi không có tủ lạnh
Như đã chia sẻ, ngoài cách bảo quản chả lụa trong tủ lạnh thì nếu như tủ lạnh bị hỏng, quá tải hay không có tủ lạnh bạn cũng có thể bảo quản bằng cách để ở ngoài, nơi có nhiệt độ mát mẻ. Cụ thể, cách thực hiện bảo quản như sau:
- Cách 1: Cho chả lụa vào trong nồi, xoong bằng inox hoặc nhôm sạch, khô ráo sau đó đậy nắp kín. Tiếp đó đặt cả nồi, xoong vào trong một chậu nước lạnh, đảm bảo rằng miệng nồi cách mặt nước từ 5 – 10cm để tránh nước tràn vào bên trong.
Nhưng lưu ý, chỉ nên bảo quản theo cách này vào những ngày trời mát mẻ. Còn nếu thời tiết oi nóng bạn cần phải mua thêm đá cho vào chậu nước để giảm nhiệt.
- Cách 2: Một cách nữa cũng đã được ông cha ta áp dụng từ xa xưa đó là ngâm chả lụa trong nước giếng. Cụ thể, chả lụa đem đi luộc. Luộc xong thì tráng lại với nước lã và để ráo nước. Nếu có nhiều cây chả lụa thì cần xếp thành các lớp.
Tiếp đến là dùng vật nặng đè lên cây chả lụa để nước còn sót trong cây chả lụa bị ép ra ngoài. Sau đó lại treo lên nơi khô ráo để bảo quản nếu nhiệt độ mát mẻ. Còn nếu vào ngày hè nóng bức thì sẽ cho xuống giếng ngâm. Nhiệt độ nước trong giếng thấp, rất thích hợp để bảo quản thực phẩm, trái cây.
6. Những lưu ý khi bảo quản chả lụa trong tủ lạnh
Khi thực hiện cách bảo quản chả lụa trong ngăn mát tủ lạnh bạn cần bọc chả lụa thật kỹ. Nếu có thể thì nên cho cả chả lụa sau khi bọc vào một hộp đựng riêng. Như vậy vừa giúp chả lụa không bị vi khuẩn bên ngoài môi trường xâm nhập lại tránh bị mùi của các thực phẩm khác bám và ngược lại. Bên cạnh đó, còn có thể kéo dài thời gian bảo quản chả lụa lâu hơn bình thường.
Còn trường hợp bảo quản chả lụa trong ngăn đá tủ lạnh thì tốt nhất, trước khi bảo quản bạn nên cắt cây chả lụa thành từng khoanh vừa ăn. Sau đó cho từng khoanh vào túi bóng kín và buộc chặt lại. Mỗi lần ăn thì lấy một khoanh ra để ra đông.
Như vậy sẽ thuận tiện hơn rất nhiều, tránh đem cả cây giò đi bảo quản. Như vậy mỗi lần ăn bạn lại phải rã đông cả cây rồi ăn không hết lại đem đi cất lại vào ngăn đá. Như vậy vừa mất việc mà còn ảnh hưởng tới hương vị, chất lượng và hiệu quả bảo quản chả lụa.
Tuy nhiên, theo như nhiều chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ thì bạn không nên cất trữ thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu, kể cả chả lụa. Nguyên nhân là bởi khi thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm làm từ thịt cất trữ trong tủ lạnh thời gian dài sẽ sản sinh ra nitrit – một chất có hại cho sức khỏe, là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, bao gồm cả bệnh ung thư.
Mặt khác, thực phẩm lâu không được chế biến cũng sẽ giảm đi độ tươi, hương vị thơm ngon và thành phần dinh dưỡng. Thế nên, tốt nhất bạn chỉ nên mua lượng chả lụa vừa đủ ăn mà thôi.
7. Chả lụa bị nhớt có thể ăn được không?
Có rất nhiều người vì tiếc của mà khi thấy chả lụa bị nhớt sẽ “cứu chữa” bằng cách rửa lại bằng nước nóng để loại bỏ lớp nhớt đi. Sau đó thì ăn trực tiếp hoặc chiên, xào cho thơm. Thế nhưng, trong trường hợp này chúng tôi khuyên bạn tốt nhất là nên bỏ đi để đảm bảo sức khỏe.
Xuất hiện lớp nhớt chứng tỏ chả lụa của bạn đã bị hư hỏng, thành phần trong chả lụa biến chất. Vì vậy, nếu cố tình ăn thì không những không thể ngon miệng mà còn có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng như: Ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa,… Việc ăn thực phẩm hư hỏng thường xuyên, lâu dài có thể dẫn tới ung thư,…
>> XEM THÊM:
- Cách bảo quản sữa mẹ đúng giúp đảm bảo an toàn cho con bú
- Bảo quản mỹ phẩm trong tủ lạnh và những lưu ý cần biết
Trên đây là hướng dẫn chi tiết về cách bảo quản chả lụa mà chúng tôi muốn chia sẻ. Hãy bảo quản chả lụa đúng cách để tránh lãng phí mà lại không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mình.