Nói tới chất tạo màu thực phẩm, hẳn chúng ta sẽ không còn cảm thấy xa lạ. Bởi nó xuất hiện trong nhiều loại đồ ăn, thức uống mà chúng ta thường sử dụng hằng ngày.
Trong khi nhiều người cho rằng nó tương đối an toàn, không gây hại đáng kể cho người dùng, thì nhiều bằng chứng lại cho thấy chất tạo màu thực phẩm có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như tăng động ở trẻ em hay ung thư và dị ứng. Vấn đề màu thực phẩm có lợi hay có hại vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Bài viết này của Vua Nệm sẽ đi sâu làm rõ vấn đề này, cùng theo dõi bài viết để có thông tin chi tiết và chính xác nhé.
Nội Dung Chính
1. Màu thực phẩm là gì?
Màu thực phẩm hay còn gọi là chất tạo màu thực phẩm thường được sử dụng để tạo màu sắc tươi sáng, đẹp mắt cho các thực phẩm, đồ ăn, đồ uống như bánh kẹo, nước ngọt, trong một số thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp… Hiện nay, chất tạo màu thực phẩm đang được sử dụng ngày một phổ biến và trẻ em là đối tượng tiêu thụ nhiều nhất.
Hiểu đơn giản thì màu thực phẩm là những chất được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống để thay đổi màu sắc của nó. Nó đôi khi cũng được sử dụng trong nấu ăn tại các nhà hàng, quán ăn và cả bếp ăn gia đình.
Một số chất tạo màu thực phẩm được chiết xuất từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên, một số khác được tổng hợp nhân tạo. Vì vậy, có thể chia làm chất tạo màu nhân tạo và chất làm màu tự nhiên.
Chất tạo màu cho thực phẩm được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như để tăng cường hoặc che đi màu thực phẩm tự nhiên không đẹp mắt. Hoặc để tạo đặc điểm đặc biệt, sự đặc trưng cho thực phẩm. Chất tạo màu cũng được dùng để trang trí bánh ngọt và món tráng miệng.
Chúng bù đắp sự mất màu tự nhiên khi thực phẩm tiếp xúc với ánh sáng, không khí, nhiệt độ khắc nghiệt và ẩm ướt. Một số chất tạo màu thực phẩm cũng được dùng để bảo vệ hương vị và các chất vitamin có trong thực phẩm khỏi bị hư hại bởi ánh sáng.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng một số chất tạo màu nhân tạo (và chất bảo quản thực phẩm tổng hợp) làm trầm trọng thêm các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Do đó, một số quốc gia đã cấm sử dụng một số chất tạo màu.
2. Các loại chất tạo màu thực phẩm
Như đã đề cập qua, chất tạo màu thực phẩm được chia làm 2 loại: Chất tạo màu tự nhiên và chất tạo màu nhân tạo. Chúng ta cùng tìm hiểu về hai loại này dưới đây.
2.1. Chất tạo màu thực phẩm tự nhiên
Chất tạo màu sắc thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên đến từ thực vật, động vật và các chất hữu cơ khác. Chất tạo màu từ tự nhiên có độ an toàn cao.
Tuy nhiên, đối với chất tạo màu được làm từ thực vật có một hạn chế lớn là chúng thường mờ dần theo thời gian, không bền màu. Điều này đã khiến nhiều nhà sản xuất tìm kiếm các nguồn tự nhiên khác có màu mạnh hơn và bền màu hơn. Một số trong số đó đến từ thế giới côn trùng.
Một số loài côn trùng có vảy như bọ cánh cứng được sử dụng để tạo axit carminic có màu đỏ rực rỡ. Bọ nhiệt đới cũng đã được sử dụng để tạo ra các sắc thái màu tím.
Một số chất nhuộm thực phẩm tự nhiên được sử dụng phổ biến như:
- Màu caramel được tìm thấy trong các sản phẩm cola. Nó được làm từ đường caramen. Nó cũng được sử dụng trong mỹ phẩm.
- Annatto là một loại chất tạo màu đỏ cam được làm từ hạt của cây Achiote.
- Chlorella có màu xanh lục và có nguồn gốc từ tảo.
- Cochineal là một loại chất nhuộm màu đỏ có nguồn gốc từ côn trùng cochineal.
- Nước ép củ cải đường, nghệ, nghệ tây và ớt bột cũng được sử dụng làm chất tạo màu.
2.2. Chất tạo màu nhân tạo hiện đang được sử dụng trong thực phẩm
Việc sản xuất chất tạo màu nhân tạo sẽ ít tốn kém hơn. Màu thực phẩm nhân tạo cũng đậm màu hơn và bền màu hơn so với các hợp chất tạo màu tự nhiên. Chất tạo màu nhân tạo thường có nguồn gốc từ than đá hoặc dầu mỏ. Trong đó, đốt nhựa than đá là một trong những cách đơn giản nhất để tạo ra chất nhuộm màu có đặc điểm là tùy chỉnh màu dựa trên nhiệt độ và thời gian nấu. Tartrazine và erythrosine là 2 loại chất tạo màu từ dầu mỏ đặc trưng và được sử dụng phổ biến.
Một số thực phẩm sau đây được cả EFSA (cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu và FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận sử dụng:
- Màu đỏ số 3 (Erythrosine): Màu đỏ anh đào thường được sử dụng trong kẹo, kem que và gel trang trí bánh.
- Màu đỏ số 40 (Allura Red): Chất nhuộm màu đỏ sẫm được sử dụng trong đồ uống thể thao, kẹo, gia vị và ngũ cốc .
- Màu vàng số 5 (Tartrazine): Chất tạo màu vàng chanh có trong kẹo, nước ngọt, khoai tây chiên, bỏng ngô và ngũ cốc.
- Màu vàng số 6 (Sunset Yellow): Màu vàng cam được sử dụng trong kẹo, nước sốt, bánh nướng và trái cây bảo quản.
- Màu xanh số 1 (Brilliant Blue): Chất tạo màu xanh lục được sử dụng trong kem, đậu Hà Lan đóng hộp, súp đóng gói, kem que và kem.
- Màu xanh số 2 (Indigo Carmine): Một loại chất tạo màu xanh khác được tìm thấy trong kẹo, kem, ngũ cốc và đồ ăn nhẹ.
Hầu hết màu thực phẩm được đóng gói dưới dạng bột hoặc chất lỏng. Bột thường là sự kết hợp của các tinh thể tạo màu và các chất bảo quản khác để ngăn bị vón cục và kéo dài thời hạn sử dụng. Chúng có thể được thêm trực tiếp vào thực phẩm khi chúng đang được chế biến, nhưng thường cần một chút nước để kích thích sự tạo màu.
Với những chất tạo màu dạng chất lỏng cũng có thể pha thêm nước trước khi cho vào thực phẩm, thức ăn. Cả hai dạng của chất tạo màu đều khá cô đặc. Người dùng thường cần phải thử nghiệm xem cần thêm bao nhiêu để có được màu sắc phù hợp.
3. Những tác hại của chất tạo màu với sức khỏe con người
3.1. Màu thực phẩm có thể gây ra chứng tăng động ở trẻ em nhạy cảm
Từ năm 1973, đã có chuyên gia về dị ứng học nhi khoa đưa ra ý kiến rằng chất tạo màu thực phẩm nhân tạo và chất bảo quản trong thực phẩm đã gây ra các vấn đề hiếu động và học tập ở trẻ em.
Sau đó, ông đưa ra chế độ ăn kiêng như một phương pháp điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Chế độ ăn kiêng loại bỏ tất cả các chất tạo màu thực phẩm nhân tạo, cùng với một vài thành phần nhân tạo khác.
Một nghiên cứu lâm sàng khác cũng cho thấy rằng, loại bỏ chất tạo màu nhân tạo và một chất bảo quản được gọi là natri benzoat khỏi thực phẩm, làm giảm đáng kể các triệu chứng hiếu động. Một nghiên cứu nhỏ khác cho thấy 73% trẻ em bị ADHD giảm các triệu chứng khi không sử dụng chất tạo màu và chất bảo quản thực phẩm nhân tạo.
Đồng thời, một nghiên cứu khác cho thấy rằng chất nhuộm màu cho thực phẩm và natri benzoat làm tăng sự hiếu động ở cả trẻ 3 tuổi và nhóm trẻ 8, 9 tuổi. Các nhà khoa học cũng xác định được rằng, Tartrazine (màu Yellow 5) có thể gây khó chịu, bồn chồn, trầm cảm và khó ngủ.
Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em đều có những phản ứng giống nhau khi sử dụng chất tạo màu thực phẩm. Một số trẻ em (cả trẻ em mắc hoặc không mắc chứng ADHD) có thể nhạy cảm với chất tạo màu hơn nhiều so với những trẻ khác.
3.2. Màu thực phẩm có thể gây ung thư
Một nghiên cứu trên động vật khi sử dụng màu xanh số 2 ở mức độ cao có thể làm tăng nguy cơ hình thành khối u não cao hơn so với nhóm động vật ít sử dụng chất tạo màu này.
Một nghiên cứu được thực hiện trên những con chuột đực khi cho uống Erythrosine (màu đỏ số 3) cho kết quả tăng nguy cơ mắc các khối u tuyến giáp.
Tuy vẫn chưa có những bằng chứng xác thực khẳng định rằng nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư, nhưng có một số lo ngại về các chất có thể có trong chất tạo màu và có khả năng gây ung thư.
Màu đỏ số 40, màu vàng 5 và màu vàng 6 có thể chứa một số chất được biết là chất gây ung thư, ví dụ như: Benzidine, 4-aminobiphenyl và 4-aminoazobenzene. Đây là những chất có khả năng gây ung thư đã được tìm thấy trong thuốc nhuộm thực phẩm. Chúng vẫn được sử dụng trong chất tạo màu cho thực phẩm vì có mức độ thấp, không gây nguy hiểm.
3.3. Chất tạo màu thực phẩm gây dị ứng
Một số chất tạo màu sắc thực phẩm nhân tạo có thể gây ra phản ứng dị ứng. Trong nhiều nghiên cứu, màu vàng số 5 – còn được gọi là tartrazine – đã được chứng minh là gây phát ban và các triệu chứng hen suyễn. Những người bị dị ứng với aspirin dường như cũng có nhiều khả năng bị dị ứng với chất tạo màu này.
Trong một nghiên cứu được thực hiện ở những người bị nổi mề đay hoặc sưng phù, có tới 52% người dùng có phản ứng dị ứng với các chất tạo màu nhân tạo.
Hầu hết các phản ứng dị ứng không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng dị ứng, bạn nên ngừng sử dụng các chất nhuộm màu thực phẩm này.
Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đều hạn chế các loại chất tạo màu thực phẩm. Loại bỏ màu thực phẩm khỏi chế độ ăn uống của bạn và sử dụng thực phẩm với thành phần lành mạnh sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể tốt hơn. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ có cái nhìn tổng quát về chất tạo màu trong thực phẩm và sử dụng chúng một cách hợp lý nhất.