Nhắc đến cưới hỏi, người ta sẽ nghĩ ngay đến trầu cau, trà, rượu, vàng cưới… Ngoài ra, còn một lễ vật không thể thiếu, đặc biệt đối với người xứ Kinh Bắc, đó là bánh phu thê. Chỉ riêng cái tên thôi cũng thấy đầy ắp sự ngọt ngào và nghĩa vợ chồng. Bài viết này hãy cùng Vua Nệm tìm hiểu rõ hơn về loại bánh này nhé.
Nội Dung Chính
1. Bánh phu thê là gì?
Bánh phu thê (một số nơi gọi với cái tên khác là bánh su sê) là một loại bánh cổ truyền đã có từ rất lâu ở Việt Nam. Bánh là lễ vật trong ngày ăn hỏi của đôi lứa, được đựng cẩn thận trong tráp. Một số nơi còn dùng bánh làm món tráng miệng trong buổi tiệc cưới.
Bánh phu thê có nguồn gốc tại phường Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh và gắn với giai thoại về vua Lý Anh Tông. Theo người dân địa phương, thuở ấy ngoại bang xâm lấn, vua Lý Anh Tông đích thân xuất binh chinh phạt. Hoàng hậu ở nhà đã kỳ công làm món bánh này gửi ra trận.
Nhà vua ăn thấy ngon, bèn đặt tên là bánh phu thê để nhớ đến nghĩa vợ chồng son sắt. Kể từ đó, người dân làng Đình Bảng truyền tai nhau cách làm món này và giữ gìn nó như một làng nghề truyền thống.
2. Hướng dẫn cách làm bánh phu thê truyền thống
Cho đến nay, bánh phu thê đã trở nên phổ biến khắp cả nước. Mỗi địa phương sẽ có sự thay đổi đôi chút về cách làm. Mặc dù bánh có vẻ ngoài không quá nổi bật nhưng được chế biến rất kỳ công, từ khâu chọn lọc nguyên liệu cho đến thành phẩm.
2.1. Các nguyên liệu cần chuẩn bị
Để làm nên một mẻ bánh phu thê thơm ngon, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên vật liệu sau:
- Bột năng
- Nước cốt lá dứa
- Đậu xanh không vỏ
- Cùi dừa non cắt sợi
- Dừa nạo
- Mạch nha, mè
- Gia vị: Dầu ăn, đường, muối
- Dụng cụ: Nồi chảo, muỗng, cây đánh trứng, khuôn bánh flan, màng bọc thực phẩm, lá dong
2.2. Quy trình thực hiện
Nhìn chung, cách làm bánh phu thê không quá phức tạp, chỉ cần thực hiện tuần tự theo các bước dưới đây là sẽ có ngay một mẻ bánh ưng ý.
2.2.1 Sơ chế đậu xanh
Đầu tiên, bạn tiến hành ngâm đậu xanh trong khoảng từ 2 đến 3 tiếng để đậu nở. Sau đó, bắc một nồi nước lên bếp, cho đậu đã ngâm và 1/2 thìa cà phê muối vào, nấu từ 20 đến 25 phút. Lưu ý giữ lửa vừa, không quá lớn để đậu chín vừa.
2.2.2 Làm nhân đậu xanh
Cho đậu xanh vừa nấu lên chảo, thêm vào 45g đường, 60g mạch nha, dừa nạo, một chút dầu ăn và trộn đều cho đến khi hỗn hợp sệt lại thì tắt bếp. Đợi một chút cho nhân đậu xanh nguội, bạn vo tròn chúng thành từng viên nhỏ.
2.2.3 Làm bột bánh
Cho vào nồi bột năng, nước cốt lá dứa và 500ml nước lọc, trộn đều. Sau đó, cho thêm cùi dừa non cắt sợi, 100gr đường và một thìa cà phê muối, khuấy thêm lần nữa. Tiếp đến, bắc nồi bột lên bếp, nấu lửa nhỏ, liên tục khuấy đều cho tới khi bột sệt lại thì tắt bếp.
2.2.4 Hấp bánh
Đầu tiên, bạn phết một lớp dầu ăn mỏng vào khuôn, múc bột bánh vào tầm ½ khuôn. Kế đến đặt một nhân đậu xanh vào giữa và múc tiếp phần bột bánh phủ đều lên nhân đậu. Sau đó, bạn cho bánh vào xửng, hấp trong khoảng 12 – 20 cho đến khi thấy bột bánh trở nên trong (có thể nhìn thấy nhân). Lúc này là bánh đã chín, lấy bánh ra và để nguội.
2.2.5 Gói bánh
Bạn trải màng bọc thực phẩm ra bàn, cho một ít mè ra vào giữa, sau đó đặt bánh phu thê vừa hấp lên. Sau đó gói chặt bánh theo hình vuông là hoàn tất. Sau cùng gói thêm một lớp lá dong xanh và buộc lại bằng dây đỏ.
Một chiếc bánh phu thê đạt tiêu chuẩn là phần bột trong suốt, có thể nhìn thấy nhân bánh với màu vàng đẹp mắt. Bánh có vị dẻo của bột nếp, ngọt nhẹ của đường, giòn của dừa, vị bùi của đậu xanh.
3. Ý nghĩa bánh phu thê
Như câu chuyện về nguồn gốc của bánh, bánh phu thê được vua Lý Anh Tông đặt để gợi nhớ đến tình cảm vợ chồng son sắt, thủy chung. Bởi ý nghĩa như vậy mà bánh được sử dụng làm lễ vật trong ngày cưới hỏi với hy vọng cô dâu, chú rể sẽ có một tình yêu bền chặt.
Chiếc bánh còn có sự kết hợp rất hài hòa về màu sắc, gồm màu trắng của bột năng, cơm dừa, màu vàng của nhân đậu xanh, màu xanh của lá dừa, màu đỏ của dây buộc. Sự hài hòa này dựa trên triết lý Âm Dương ngũ hành của người phương Đông, thể hiện sự hòa hợp giữa thiên nhiên với con người, giữa con người với con người.
Bánh phu thê dẻo, có độ kết dính, gợi nhắc sự gắn bó keo sơn, bền lâu của mỗi cặp vợ chồng. Ngoài ra, bánh được tạo hình vuông có ý nghĩa vuông tròn, gợi nhắc sự viên mãn, hạnh phúc trăm năm của đôi lứa.
4. Bánh phu thê để được bao lâu?
Bánh phu thê không chỉ giàu ý nghĩa mà còn rất ngon. Chính vì vậy mà nhiều người thỉnh thoảng vẫn làm bánh ăn chứ không nhất định phải đợi đến dịp cưới hỏi. Để tiện lợi, bạn có thể làm một mẻ bánh đủ để ăn trong vài ngày mà không phải quá lo ngại về thời hạn bảo quản.
Nếu bánh được làm hoàn toàn bằng các nguyên liệu tự nhiên thì ở môi trường bên ngoài, bánh có thể giữ được từ 2 – 3 ngày. Hoặc bạn cũng có thể bảo quản trong ngăn lạnh của tủ lạnh, lúc này có thể giữ bánh từ 4 – 5 ngày.
5. Bánh phu thê ăn có béo không?
Nhiều người rất thích ăn bánh phu thê nhưng lo ngại về hàm lượng calo trong bánh sẽ ảnh hưởng đến cân nặng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một chiếc bánh (trọng lượng 60gr) chỉ chứa khoảng 110 calo và một số hàm lượng nhỏ các chất dinh dưỡng khác như đạm, lipid,… Tùy vào nguyên liệu và công thức nấu mà hàm lượng calo trong bánh có thể khác nhau đôi chút.
Với hàm lượng calo như trên, một vài chiếc bánh phu thê sẽ không ảnh hưởng đến cân nặng của bạn. Bởi lượng calo đủ và cần thiết cho cơ thể hoạt động trong một ngày lên đến 2000 calo.
Ngoài ra, để giữ dáng đẹp, eo thon, bạn chỉ cần đảm bảo không ăn quá nhiều bánh liên tục trong vài ngày, không ăn vào buổi tối trước khi ngủ.
6. Xếp bánh phu thê như thế nào lên tráp cưới?
Như đã nói, bánh phu thê là một trong những lễ vật không thể thiếu trong đám cưới của người Kinh Bắc. Bánh sẽ được gói cẩn thận và sắp xếp chỉn chu trong tráp cưới. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà số bánh trong tráp dao động từ 80 đến 100 cái. Tuy nhiên, lưu ý rằng số lượng bánh trong tráp phải luôn là số chẵn.
Không chỉ mang ý nghĩa là lễ vật nhà trai mang đến nhà gái, một tráp bánh phu thê còn có tính thẩm mỹ rất cao. Với những thước phim về cưới hỏi, hình ảnh tráp bánh thường xuất hiện rất bắt mắt, thể hiện được một đám cưới đủ đầy, ngọt ngào dành cho cả hai bên gia đình.
Trên đây là những thông tin chi tiết về bánh phu thê, lễ vật ngọt ngào không thể thiếu trong cưới hỏi. Nếu bạn đang chuẩn bị “rước nàng về dinh”, hãy chuẩn bị ngay một tráp bánh thật chỉn chu, nàng dâu sẽ hạnh phúc lắm đó.