Những năm gần đây, nhu cầu làm tủ bếp của người Việt ngày một tăng cao. Thậm chí, có thể nói rằng tủ bếp là một phần không thể thiếu trong căn bếp của các gia đình Việt. Và điều mọi người quan tâm nhất khi làm tủ bếp chính là chọn kích thước tủ bếp thế nào cho phù hợp với không gian bếp. Vì thế, trong bài Viết này Vua Nệm sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này nhé!
Nội Dung Chính
1. Tại sao tủ bếp lại được ưa chuộng?
Trước khi tìm hiểu về các kích thước tủ bếp hiện nay, hãy để Vua Nệm giúp bạn lý giải lý do tại sao tủ bếp lại được ưa chuộng trong thời gian gần đây nhé:
- Giúp phòng bếp trở nên gọn gàng, ngăn nắp hơn: khi sử dụng tủ bếp, toàn bộ bát đĩa, đồ dùng nhà bếp đều được phân chia, cất gọn vào các ngăn tủ nên không gian bếp sẽ trở nên gọn gàng, ngăn nắp hơn nhiều so với việc úp bát đĩa ngoài rổ, giá,…
- Tránh được bụi bẩn cho bát đũa: Khi để bát đũa và các dụng cụ nhà bếp vào tủ bếp sẽ giúp ngăn được bụi bẩn từ không khí bám lên bát đũa. Nhờ vậy mà bát đũa luôn sạch sẽ, vệ sinh.
- Tăng tính thẩm mỹ cho không gian bếp: những chiếc tủ bếp hiện nay được thiết kế rất hiện đại và thời thượng từ kiểu dáng, chất liệu, cho tới màu sắc. Do đó, lắp đặt tủ bếp cũng là một trong những cách giúp tăng tính thẩm mỹ cho không gian bếp của gia đình bạn.
- Tiết kiệm diện tích cho bếp: các mẫu tủ bếp hiện tại đều được thiết kế sát với tường và gắn lên tường nên sẽ tiết kiệm được khá nhiều diện tích cho không gian bếp trở nên rộng rãi và thoáng đãng hơn.
2. Tại sao cần xác định kích thước tủ bếp?
Khi quyết định lắp tủ bếp, điều đầu tiên bạn cần làm chính là xác định kích thước của tủ. Bởi:
- Thứ 1: mỗi diện tích bếp lại phù hợp với một kích thước và kiểu dáng khác nhau, nên cần đo đạc số liệu chính xác trước khi làm để hạn chế tối đa việc tủ bếp bị thiếu hoặc thừa so với kích thước phòng bếp. Vì nếu để xảy ra tình trạng này, việc chỉnh sửa lại sẽ tốn thêm nhiều thời gian và chi phí.
- Thứ 2: là cần đo để xác định chiều cao của tủ bếp để thiết kế cho phù hợp với độ cao của trần nhà, tránh gây mất thẩm mỹ.
- Thứ 3: chiều cao của tủ bếp cũng cần phù hợp với chiều cao của các thành viên trong gia đình để khi sử dụng sẽ thuận tiện hơn.
3. Cách xác định kích thước tủ bếp phù hợp
Hiện tại, phần lớn các tủ bếp đều được thiết kế thành 2 phần riêng biệt là: phần trên và phần dưới. Trong đó, kích thước của mỗi phần lại có sự khác biệt nhất định, cụ thể như sau:
- Để tính toán kích thước tủ bếp, bạn cần nắm được chiều cao tối đa của tủ bếp chỉ nên ở khoảng 2,2m – 2,4m và tầm với ở khoảng 1,8m – 1,9m so với mặt sàn nhà. Đây là khoảng cách đã được các chuyên gia tính toán để phù hợp với chiều cao cũng như thể trạng của đại đa số người Việt hiện nay.
- Về chiều dài của tủ bếp thì phần lớn sẽ được thiết kế linh hoạt dựa vào kích thước phần tường của phòng bếp. Chiều dài thông thường là từ 2-4m.
- Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý thêm về chiều cao của trần nhà có sử dụng thêm trần thạch cao hay không để tính toán cho phù hợp.
3.1. Kích thước tủ bếp phía trên
Đây là phần tủ bếp treo tường, thường được đặt sát với phía trần nhà.
- Chiều cao của phần tủ bếp phía trên sẽ dao động trong khoảng 45cm – 75cm, chưa tính phần phào tủ. (Phào tủ chính là vị trí sử dụng các mảnh gỗ trang trí để che đi các khớp nối giữa các ô tủ, đầu gỗ). Phần phào tủ này này thường rơi vào khoảng 5-7cm.
- Chiều sâu của tủ bếp phía trên sẽ dao động từ 30 – 35cm. Kích thước này hoàn toàn phù hợp với các thiết bị máy móc nhà bếp như máy hút mùi, máy sấy bát, ống khói,… Ngoài ra, độ sâu này cũng là vừa phải để người dùng có thể nhìn thấy các vật dụng đặt phía trong ngăn tủ.
- Chiều rộng của từng ngăn tủ thường từ 30cm – 100cm. Tùy vào vị trí và chức năng của từng ô tủ, để thiết kế chiều rộng và các cánh cửa tủ bếp cho phù hợp.
>>>Tìm hiểu ngay: Tủ bếp tân cổ điển: Xu hướng trang trí nhà bếp hot nhất năm 2023
3.2. Kích thước tủ bếp phía dưới
Tủ bếp phía dưới là phần tủ bếp đặt trên mặt sàn nhà, sát vào tường. Đa số phần tủ bếp dưới này sẽ được sử dụng để đựng xoong, nồi, bếp ăn, lò nướng, lò vi sóng, nồi chiên không dầu,…
- Chiều cao của phần tủ bếp phía dưới này thường nằm trong khoảng 85cm – 95cm, chưa kể phần chân tủ. Riêng phần chân tủ thường cao từ 8 – 10cm.
- Chiều sâu của tủ bếp dưới thường là từ 56cm – 60cm, rộng hơn so với phần tủ bếp phía trên.
- Về chiều rộng của các ngăn tủ sẽ tùy thuộc vào mục đích sử dụng và thiết kế của tủ trên để đưa ra kích thước phù hợp nhất.
3.3. Khoảng cách giữa tủ bếp phía trên và tủ bếp phía dưới
Nói về kích thước tủ bếp thì chắc chắn không thể thiếu phần khoảng cách giữa tủ bếp phía trên và phía dưới. Kích thước tiêu chuẩn cho khoảng cách này là 60-65cm, tối đa là 70cm. Đây là khoảng cách hoàn toàn phù hợp để bạn thao tác nấu nướng trên bàn bếp, cũng như lắp đặt máy hút mùi hiệu quả.
Với những khoang có chậu rửa chén bát thì khoảng cách 40 – 60cm là hợp lý nhất.
Ngoài ra, phần tường nằm ở giữa tủ bếp phía trên và phía dưới thường được lát đá hoa hoặc kính màu laminate để dễ dàng vệ sinh các vết bẩn do dầu mỡ gây ra khi nấu nướng.
4. Những thiết kế tủ bếp phổ biến hiện nay
Dựa vào thiết kế mà những mẫu tủ bếp hiện nay sẽ có các tên gọi như:
4.1. Tủ bếp hình chữ I
Đây là mẫu tủ bếp được thiết kế chỉ chạy dọc theo 1 cạnh tường bếp, có chiều dài linh hoạt tùy thuộc vào chiều dài của tường. Loại tủ bếp này thường dùng cho những căn bếp có diện tích nhỏ, giúp tiết kiệm khá nhiều diện tích.
4.2. Tủ bếp hình chữ L
Tủ bếp hình chữ L là tủ bếp được thiết kế chạy dọc theo 2 cạnh tường bếp, có hình dạng tương tự chữ L. Về kích thước thì sẽ phụ thuộc vào các cạnh của tường bếp.
Thiết kế này được dùng nhiều trong các phòng bếp có diện tích vừa phải, cần nhiều không gian lưu trữ đồ đạc, bát đũa.
>>>Tìm hiểu: Kích thước bếp chữ L đúng tiêu chuẩn là bao nhiêu?
4.3. Tủ bếp hình chữ U
Tủ bếp hình chữ U là tủ bếp được thiết kế chạy dọc theo 3 cạnh tường bếp, có hình dáng tương tự như chữ U. Kích thước của mẫu tủ bếp này sẽ phụ thuộc vào độ dài các cạnh tường bếp.
5. Một số lưu ý khi lắp đặt và sử dụng tủ bếp
Trong quá trình lắp đặt và sử dụng tủ bếp, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Chọn chất liệu làm tủ cho phù hợp: có thể là gỗ công nghiệp hoặc gỗ thịt. Tuy nhiên, nên chọn loại tốt để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Vì phần trên tủ bếp được treo trên tường có trọng lượng khá lớn.
- Nên chọn đơn vị thi công uy tín để lắp đặt cho chắc chắn và an toàn.
- Cần thường xuyên vệ sinh tủ bếp để đảm bảo tủ luôn sạch sẽ và khô thoáng. Riêng về bát đũa và xoong nồi sau khi rửa sạch, hãy phơi khô trước khi úp vào tủ bếp.
6. Kết luận
Với những gợi ý này của Vua Nệm về kích thước tủ bếp, chúng tôi tin rằng bạn sẽ sớm chọn được những thiết kế phù hợp với kích thước căn bếp của gia đình bạn.
>>>Đọc thêm: Top 30+ mẫu tủ bếp gỗ tự nhiên chất lượng không nên bỏ qua