Bếp chữ L là một trong những kiểu bếp thông dụng nhất hiện nay. Kiểu bếp này thích hợp với mọi không gian, nhất là những căn bếp có diện tích nhỏ và vừa. Trước khi thi công bếp chữ L, vấn đề quan trọng mà bạn cần quan tâm là xác định kích thước bếp chữ L sao cho phù hợp. Cách xác định kích thước như thế nào sẽ được Vua Nệm giải thích trong bài viết dưới đây.
Nội Dung Chính
1. Bếp chữ L là gì?
Bếp chữ L là tủ bếp được thiết kế theo hình chữ L với hai chiều vuông góc với nhau bo sát vào tường. Trong hai chiều bếp này, có một bên sẽ có chiều dài dài hơn, một bên ngắn hơn, nhìn tổng thể tương tự như hình chữ L viết hoa. Tủ bếp L còn được gọi là tủ bếp dạng góc vì chúng thường được bố trí vào góc của ngôi nhà để tiết kiệm không gian.
Hiện nay, tủ bếp chữ L là một trong những mẫu tủ bếp được ưa chuộng hàng đầu, phổ biến ở nhiều căn bếp Việt, đó là nhờ những ưu điểm dưới đây:
- Thiết kế kiểu chữ L phù hợp với mọi không gian bếp, nhất là những không gian bếp có diện tích khiêm tốn.
- Tủ bếp L giúp làm giảm khoảng cách di chuyển trong quá trình sơ chế thực phẩm và nấu ăn cho các bà nội trợ.
- Thiết kế bếp theo góc vuông mở ra hai cạnh có tác dụng tận dụng các góc chết, góc cột của căn bếp.
- Bếp L mang lại nhiều không gian lưu trữ, giúp căn bếp trở nên gọn gàng hơn.
- Tủ bếp mở ra khoảng trống, nhờ vậy mà giúp cho khu vực bếp trở nên rộng và thông thoáng hơn.
- Bếp chữ L tạo nên một tam giác bếp với bếp nấu – chậu x rửa – tủ lạnh, tạo sự linh hoạt trong việc di chuyển từ điểm dự trữ thực phẩm đến điểm sơ chế và điểm nấu.
- Tủ bếp chữ L tạo ra một không gian trống ở giữa, bạn có thể tận dụng để đặt một chiếc bàn đảo, giúp phòng bếp hiện đại và tiện nghi hơn.
Nhìn chung, với những ưu điểm vừa nêu trên đây thì tủ bếp chữ L là mẫu tủ bếp vừa có tính thẩm mỹ cao vừa đảm bảo sự tiện nghi, hỗ trợ hiệu quả cho việc nấu nướng trong gia đình.
2. Tại sao cần xác định đúng kích thước bếp chữ L?
Hiện nay, trước khi thi công bếp chữ L, đơn vị thi công còn phải tiến hành đo đạc, khảo sát thực tế rồi mới tiến hành. Điều này nhằm đảm bảo bếp sau khi làm có kích thước hợp lý, không phải chỉnh sửa nhiều lần. Có thể nhiều người chưa biết nhưng việc xác định kích thước bếp chữ L có những vai trò quan trọng dưới đây:
- Giúp tạo nên một chiếc tủ bếp có kích thước vừa phải, tạo thuận lợi cho việc di chuyển, nấu nướng và lấy đồ đạc. Kích thước bếp cần đảm bảo có đủ không gian để thực hiện các công việc khi vào bếp.
- Xác định kích thước bếp chữ L giúp bạn có đủ không gian để lưu trữ đồ đạc, bố trí các thiết bị cần thiết như: tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng…
- Tủ bếp L có kích thước phù hợp sẽ đảm bảo tính thẩm mỹ và sự hài hòa cho toàn bộ không gian.
- Xác định kích thước tủ bếp chữ L hợp lý sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí thiết kế, thi công bếp một cách hiệu quả. Hiện nay, giá của các loại bếp nói chung đều được tính theo mét dài, nếu chọn tủ có chiều dài quá lớn, vượt quá nhu cầu sử dụng sẽ gây lãng phí chi phí làm tủ.
- Kích thước hợp lý tạo điều kiện để bố trí tam giác bếp gồm bếp – bồn rửa – tủ lạnh một cách hợp lý, đảm bảo sự tiện lợi khi nấu ăn.
3. Kích thước bếp chữ L đúng tiêu chuẩn của người Việt
Kích thước bếp chữ L không cố định mà có thể điều chỉnh sao cho hợp lý. Các yếu tố ảnh hưởng đến kích thước bếp có thể kể đến như: diện tích không gian bếp, nhu cầu lưu trữ đồ đạc, số lượng thiết bị nhà bếp, tổng diện tích tổng thể của căn nhà, chiều cao trần nhà, chiều cao của người sử dụng…
Chiều dài của tủ bếp có thể thiết kế linh hoạt dựa trên những yếu tố vừa nêu trên, tuy nhiên, một số kích thước như chiều cao bếp, chiều rộng, chiều sâu, cách phân chia ô tủ thì nên dựa theo kích thước tiêu chuẩn để giữ được tính thẩm mỹ cho căn bếp.
Bên cạnh đó, các kích thước này đã được tính toán kĩ lưỡng để có thể chứa vừa các loại thiết bị bếp như: lò nướng, lò vi sóng, máy rửa bát âm tủ, bếp âm, chậu rửa..
Kích thước thông dụng của tủ bếp L như sau:
Tủ bếp dưới
- Chiều sâu: từ 45 – 50 cm
- Chiều cao: từ 80 – 90 cm
- Kích thước mặt bàn bếp: 60cm
Tủ bếp trên
- Chiều cao tủ bếp trên: 70 – 80cm
- Chiều sâu: 35cm
- Tổng chiều cao từ mặt đất đến mặt tủ bếp trên: 220 – 225cm
- Khoảng cách giữa tủ bếp trên và dưới: 60 – 65cm
Nếu dùng thêm bàn đảo thì chiều cao của bàn phải bằng với chiều cao tủ bếp dưới, chiều rộng khoảng 50cm, chiều dài thì tùy theo kích thước tủ bếp chữ L. Hai chiều của chữ L của bếp có kích thước tối thiểu là: 240cm đối với chiều dài hơn và 90cm đối với chiều ngắn hơn.
4. Kích thước bếp chữ L theo phong thủy
Ngoài lựa chọn kích thước tủ bếp theo những kích thước vừa nêu ở phần trên thì cách lựa chọn kích thước theo phong thủy cũng được ưa chuộng. Vậy kích thước tủ bếp theo phong thủy là gì, cách xác định như thế nào?
Kích thước bếp chữ L theo phong thủy là kích thước được xác định bằng thước Lỗ Ban. Đây là loại thước được dùng phổ biến trong xây dựng nhà cửa, mộ phần, đồ nội thất của người Việt Nam. Thước được tạo ra nhờ sự đúc rút kinh nghiệm của ông cha ta kết hợp với các kiến thức ý luận Chu Kinh Dịch.
Thước Lỗ Ban sẽ có kích thước như thước đo thông thường. Điểm khác biệt của loại thước này là mỗi kích thước sẽ tương ứng với với các cung giúp phân biệt tốt – xấu để lựa chọn được kích thước phù hợp nhất, tránh chọn sai kích thước dẫn đến vận xui cho sức khỏe, tài lộc.
Khi đo đạc bằng thước lỗ ban, bạn nên chọn kích thước rơi vào các cung đỏ sẽ mang lại điều tốt đẹp, nên tránh chọn kích thước rơi vào cung đen sẽ mang đến tai họa cho các thành viên trong gia đình.
Vậy kích thước bếp chữ L bao nhiêu là phù hợp khi đo bằng thước lỗ Ban? Theo đo đạc thực tế, một số kích thước của tủ bếp được xác định cụ thể như sau:
- Chiều cao tủ bếp dưới: 81 – 86cm
- Chiều rộng mặt bàn bếp: 60cm
- Đáy của tủ bếp trên cách mặt bàn của tủ bếp dưới: 60 – 65cm
- Chiều cao tủ bếp trên: 80cm
- Chiều sâu tủ bếp trên: 35cm
- Chiều cao từ sàn nhà lên đến mặt trên tủ bếp trên: 225cm
- Chiều rộng lối đi của bếp: Tối thiểu 75cm
5. Một số mẫu tủ bếp chữ L được ưa chuộng hiện nay
Hiện nay, thị trường bếp chữ L rất sôi động, có sự đa dạng về sản phẩm, giúp khách hàng có những lựa chọn phù hợp nhất với căn bếp của mình. Dưới đây là một số mẫu bếp L được ưa chuộng hàng đầu, bạn có thể tham khảo để tìm được mẫu bếp ưng ý nhất nhé.
5.1. Tủ bếp L gỗ xoan đào
Ưu điểm của tủ bếp L gỗ xoan đào là có độ cứng chắc, chịu lực tốt, độ bền cao. Tủ bếp xoan đào chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Việt Nam, chịu nước và ẩm tốt, do đó rất thích hớp với môi trường nhà bếp ẩm thấp, nhiều dầu mỡ.
Nhìn bề ngoài, tủ bếp L gỗ xoan đào có màu cánh gián đẹp mắt. Màu sắc này mang đến cảm giác ấm cúng cho khu vực bếp. Bên cạnh đó, tủ gỗ cũng mang lại tính thẩm mỹ cao, tạo sự sang trọng cho không gian bếp nói riêng và cả căn nhà nói chung.
5.2. Tủ bếp L gỗ sồi Mỹ
Tủ bếp gỗ sồi Mỹ có khả năng chịu lực tốt, chất gỗ ổn định theo thời gian nên tủ bếp có độ bền cao. Bên cạnh đó, gỗ sồi Mỹ chịu nhiệt, chịu ẩm và chống nước tốt, thích hợp với khu vực bếp ẩm thấp. Tủ còn có khả năng chống mối mọt tốt, ít bị co ngót hay cong vênh do sự thay đổi đột ngột của thời tiết.
Tủ bếp gỗ sồi Mỹ có màu vàng nhạt đẹp mắt, vân gỗ dạng sọc thẳng và dài. Tổng thể của tủ bếp gỗ sồi Mỹ mang đến vẻ đẹp sang trọng nhưng thanh lịch cho không gian. Nếu không ưa thích màu sắc nguyên bản của tủ gỗ sồi Mỹ, bạn có thể sơn bóng hoặc sơn màu tùy theo sở thích.
5.3. Tủ bếp L gỗ Acrylic bóng gương
Đây là một mẫu tủ bếp gỗ công nghiệp cao cấp được ưa chuộng hàng đầu hiện nay. Tủ được làm từ gỗ acrylic, trong đó cốt gỗ được làm từ gỗ công nghiệp MDF, phần bề mặt của cốt gỗ được phủ bằng acrylic.
Acrylic còn được gọi là mica, có độ bóng nhất định, bảng màu đa dạng với nhiều màu sắc khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Tủ bếp Acrylic có khả năng chịu tác động tốt, chịu nhiệt hiệu quả, chống nước rất tốt.
Tủ bếp chữ L Acrylic là mẫu tủ cao cấp, mang lại tính thẩm mỹ cao nhờ màu sắc đa dạng, không bị bay màu theo thời gian. Với những căn hộ chung cư cao cấp hoặc những ngôi nhà phố sang trọng thì tủ bếp Acrylic là lựa chọn phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, hạn chế của loại tủ này là dễ bị xước, nếu vết xước lớn thì rất khó để làm mờ.
5.4. Tủ bếp L gỗ MDF Laminate
Đây là mẫu tủ bếp được làm từ chất liệu gỗ công nghiệp MDF phủ Laminate trên bề mặt. Thông thường cốt gỗ MDF sử dụng là loại gỗ MDF lõi xanh chống ẩm với độ bền cao, chịu lực tốt.
Laminate phủ trên bề mặt của gỗ MDF là chất liệu có khả năng chịu va đập tốt, chịu nước và chịu lửa giỏi. Đây là một trong những chất liệu phủ bề mặt có khả năng chống trầy xước tốt nhất.
Nhờ phủ Laminate bên trên nên tủ bếp chữ L có màu sắc phong phú, bao gồm màu trơn và hoạt tiết giả vân gỗ, giả kim loại, màu ánh nhũ, màu 3D… Nhìn chung, tủ bếp MDF Laminate đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng về cả tính thẩm mỹ lẫn độ bền.
XEM THÊM:
- Chọn kích thước phòng bếp phong thuỷ như thế nào để mang về nhiều vận may, tài lộc?
- Kích thước phòng ngủ tiêu chuẩn và phong thủy trong bài trí phòng ngủ
- Gợi ý: Những kích thước nhà tắm hợp phong thuỷ
Trên đây là tổng hợp những thông tin cần thiết về kích thước bếp chữ L mà Vua Nệm gửi đến bạn. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết cách xác định kích thước bếp chữ L như thế nào là phù hợp, đảm bảo tính thẩm mỹ và sự tiện nghi.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều đơn vị chuyên thiết kế, thi công tủ bếp, bạn nên tìm hiểu và lựa chọn những đơn vị uy tín để sở hữu những chiếc tủ bếp chất lượng nhất nhé.