Trong dân gian từ lâu đã có câu “Cả năm chỉ có rằm tháng bảy, cả thảy chỉ có rằm tháng Giêng”, khẳng định rằng ngày rằm tháng 7 và rằm tháng giêng là những ngày vô cùng quan trọng trong năm. Do đó, cúng rằm tháng 7 đã trở thành phong tục không thể thiếu đối với đa số gia đình Việt.
Đặc biệt, không chỉ tại nhà ở, cúng rằm tháng 7 còn được thực hiện tại các cửa hàng, công ty, cơ quan với mong muốn mọi việc suôn sẻ, tài lộc dồi dào. Vậy, cách chuẩn bị và văn khấn rằm tháng 7 tại cửa hàng, công ty như thế nào? Hãy cùng Vua Nệm tìm hiểu tất cả trong bài viết sau!
Nội Dung Chính
1. Cúng rằm tháng 7 tại cửa hàng vào ngày nào?
Ngày rằm tháng 7 là ngày 15 tháng 7 (âm lịch) hằng năm. Tùy theo quan niệm của mỗi địa phương, gia đình thì ngày cúng rằm có thể khác nhau. Nhiều người thường cúng rằm tháng bảy tại cửa hàng vào ngày 14 hoặc ngày 15. Bên cạnh đó, theo dân gian thì quỷ môn quan sẽ mở cửa từ ngày 2 tháng 7 (âm lịch) và đóng vào ngày rằm tháng 7, các vong hồn được trở lại dương thế để thăm người thân bạn bè, mong sớm siêu sinh. Cho nên, các gia đình thường tổ chức lễ cúng từ ngày 2/7 (âm lịch) đến 12 trưa ngày 15/7 (âm lịch).
Như vậy, cúng rằm tháng 7 tại cửa hàng chúng ta có thể thực hiện từ 2/7 – 15/7 (âm lịch) và không nhất thiết phải coi giờ lành, chỉ cần thành tâm là được.
2. Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 7 tại cửa hàng
Với lễ cúng rằm tháng 7 tại cửa hàng chúng ta cần thực hiện 2 nghi lễ là cúng Thần Tài và cúng chúng sinh. Vì vậy, người cúng cần chuẩn bị 2 mâm cúng như sau:
2.1. Mâm cúng Thần Tài
Mâm lễ cúng Thần Tài cơ bản bạn cần chuẩn bị những lễ vật sau:
- Một ít gạo tẻ và muối hạt
- Tiền vàng mã, tiền lẻ, thuốc lá, nến, nhang
- Hoa tươi
- Trái cây với 5 loại khác nhau (ngũ quả)
- 1 lá trầu, 1 quả cau
- Bánh kẹo
- Thịt lợn ba chỉ luộc, xôi (đỗ xanh hoặc gấc), 3 quả trứng luộc và 3 con tôm luộc
- 3 chén nước lọc, 3 chén rượu
2.2. Mâm cúng chúng sinh
Đối với mâm cúng này, bạn cần chuẩn bị như sau:
- Mâm ngũ quả cùng với cóc, mía, ổi, khoai luộc
- Hoa tươi
- Đĩa bánh kẹo nhiều màu, nhiều loại
- Một ít gạo tẻ và muối hạt
- 1 tô cháo trắng nấu loãng
- Xôi (gấc hoặc đỗ xanh), chè ngọt
- Tiền vàng mã (ít nhất là 5 lễ) trở lên, quần áo mũ ngựa thần linh màu đỏ, quần áo chúng sinh (ít nhất 100 bộ), nến, nhang.
- Nước lọc, rượu
Lưu ý: Trên đây chỉ là mâm lễ phổ biến, tùy theo điều kiện và truyền thống của mỗi nơi mà trong mâm cúng Thần Tài, mâm cúng chúng sinh tại cửa hàng sẽ có thể thay đổi khác nhau.
3. Các bài văn khấn rằm tháng 7 tại cửa hàng
Ngoài việc chuẩn bị lễ vật thật tươm tất, thì để hoàn tất lễ cúng bạn cần chuẩn bị thêm bài văn khấn. Bạn có thể tham khảo những bài văn khấn rằm tháng 7 tại cửa hàng theo văn khấn cổ truyền Việt Nam sau đây:
3.1. Văn khấn rằm tháng 7 cúng Thần Tài tại cửa hàng
Nam mô a di Đà Phật! (đọc 3 lần)
Con lạy chín phương Trời, lạy mười phương Đất, lạy Chư Phật mười phương.
Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Con kính lạy Thần tài vị tiền.
Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản chốn này.
Tín chủ con là…
Ngụ tại…
Hôm nay là ngày … tháng … năm …
Tín chủ thành sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ kính dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị. Thành tâm kính xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù hộ độ trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được các vị phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật! (đọc 3 lần và lạy 3 lạy).
3.2. Văn khấn rằm tháng 7 cúng chúng sinh tại cửa hàng
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần)
Kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, lạy ngài Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả, lạy ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, lạy ngài Bản Gia Táo quân và tất cả các vị Thần linh cai quản chốn này.
Hôm nay là ngày … tháng … năm…
Tín chủ con là…
Ngụ tại…
Thành tâm kính xin nhân ngày xá tội vong nhân, âm cung mở cửa ngục ra cho phép vong linh các cô hồn không nơi nương tựa, không mồ không mả, lẩn khuất ở gốc cây, bụi cỏ, xó chợ, đầu đường, không manh áo mỏng, đêm ngày lang thang, quanh năm đói rét cơ hàn, dù rằng chết vì lý do gì đều được tụ họp về đây thụ hưởng lễ vật của tín chủ thỉnh mời cơm canh, cháo lỏng, trầu cau, gạo muối, quả thực hoa đăng tiền vàng, quần áo đủ màu đủ bộ.
Phù hộ độ trì cho tín chủ và toàn gia người người khỏe mạnh, lộc tài vượng tiến, sở cầu tất ứng, sở đạo tòng tâm, điều lành đưa tới, điều dữ đưa đi.
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và lạy 3 lạy).
4. Lưu ý khi cúng rằm tháng 7 tại cửa hàng
Ngoài văn khấn rằm tháng 7 tại cửa hàng, công ty, để thể hiện được lòng thành kính bạn cần lưu ý những điều sau:
- Mâm cúng rằm có thể đơn giản, nhưng không thể thiếu nhang, nến, muối hạt, gạo tẻ, vàng mã.
- Cúng Thần Tài thực hiện trong nhà, cúng chúng sinh thì cúng trước sân hoặc hiên nhà.
- Đối với cúng chúng sinh, khi rải gạo muối phải rải ở bên ngoài cửa hàng, tuyệt đối không rải từ bên ngoài vào vì điều này có thể rước các vong hồn vào cửa hàng.
- Bàn thờ cúng cần lau dọn sạch sẽ trước khi cúng.
- Mâm cúng chúng sinh, không nên chuẩn bị đồ mặn, tránh khơi dậy sự tham lam và sân si của cô hồn.
- Người cúng cần mặc trang phục lịch sự, chỉnh tề.
- Nội dung văn khấn cần đọc to, rõ ràng.
- Khu vực hóa vàng phải sạch sẽ, đợi nhang tàn hết mới được hóa vàng.
- Khi đốt vàng mã, bạn hãy đốt một cách từ từ, nhẹ nhàng, phải để vàng mã cháy hết và tuyệt đối không dùng gây, que nhấn mạnh vào phần vàng mã đang cháy.
>> Xem thêm:
- 5 bài cúng Rằm tháng 7 và những lưu ý khi cúng rằm
- Chuẩn bị mâm lễ cúng rằm tháng 7 cần lưu ý điều gì?
Như vậy, nội dung trên đã hướng dẫn bạn cách chuẩn bị lễ cúng rằm tháng bảy cùng với các bài văn khấn rằm tháng 7 tại cửa hàng theo văn khấn cổ truyền Việt Nam. Hy vọng rằng, Vua Nệm đã giúp bạn chuẩn bị lễ cúng một cách đơn giản và tươm tất hơn.