Lễ cưới là sự kiện trọng đại trong cuộc đời của bất kỳ ai, thế nên người ta thường chuẩn bị rất kỹ càng về trang phục, bàn tiệc, quan khách,… và đặc biệt là sính lễ cưới. Tuy vậy, vì văn hóa mỗi miền mỗi khác, thế nên nhiều người vẫn chưa hiểu rõ sính lễ cưới là gì, ý nghĩa ra sao? bao gồm những gì? Nếu đang tìm hiểu thông tin này thì đừng bỏ qua bài viết sau đây của Vua Nệm nhé!
Nội Dung Chính
1. Sính lễ cưới có ý nghĩa gì?
Ông bà ta từ xa xưa đã quan niệm cưới hỏi là một trong ba việc lớn nhất đời người (bên cạnh sự nghiệp và xây nhà). Theo phong tục, khi nhà trai đến xin cưới, nếu nhà gái đồng ý thì sẽ đưa ra yêu cầu “thách cưới”. Thách cưới ở đây có nghĩa là nhà gái sẽ yêu cầu nhà trai chuẩn bị sính lễ như: Bánh trái, trà rượu, trầu cau, heo gà, trang sức cho cô dâu, trang phục và tiền mặt.
Theo quan niệm của người xưa, những lễ vật này có ý nghĩa xác nhận việc kết hôn và kết nối hai họ trai gái. Cũng có một số địa phương quan niệm đây là lễ vật “mua dâu”. Bởi sau khi kết hôn, người con gái sẽ toàn tâm toàn ý chăm sóc nhà chồng mà không có nhiều thời gian để chăm lo cho bố mẹ đẻ. Mặc khác, sính lễ cưới cũng có ý nghĩa là lời cảm ơn dành cho nhà gái vì đã sinh ra con dâu cho nhà trai.
Sính lễ cưới thường được chuẩn bị trong lễ ăn hỏi. Trước đây, lễ hỏi sẽ được tổ chức trước ngày cưới từ 1 – 3 tháng. Ngày nay, lễ ăn hỏi có thể tổ chức trước ngày cưới của đôi uyên ương 1 tuần hoặc 1 ngày trước lễ cưới.
2. Mâm quả sính lễ cưới gồm những gì?
Tùy theo điều kiện kinh tế mỗi nhà và văn hóa của mỗi miền, sính lễ cưới sẽ được lựa chọn như sau:
- Phong tục sính lễ cưới miền Bắc gồm 3 – 5 – 7 – 9 – 11 mâm quả
- Phong tục sính lễ cưới miền Nam gồm 4 – 6 – 8 – 10 mâm quả
- Phong tục sính lễ cưới miền Trung gồm 5 – 7 – 9 – 11 mâm quả
Thông thường, một mâm quả sính lễ cưới đầy đủ sẽ bao gồm:
- Trầu cau
- Trà, rượu, nến
- Mâm bánh ăn hỏi
- Trái cây
- Mâm xôi gấc
- Mâm gà hoặc heo quay
- Tiền đen (còn gọi là tiền nạp tài)
- Vàng cưới
- Tùy điều kiện mà nhà trai còn có thể chuẩn bị trang sức, trang phục cho cô dâu,…
3. Bộ 8 món sính lễ cưới nhà trai cần chuẩn bị cho lễ cưới hoàn hảo
Như đã nói ở phần trước, có rất nhiều món sính lễ cưới nhà trai cần chuẩn bị. Dưới đây là 8 món sính lễ quan trọng nhất không thể thiếu cho một lễ cưới hoàn hảo.
3.1. Tiền đen
Tiền đen hay còn được gọi là phong bì tiền hay lễ đen, lễ nạp tài. Đây là món sính lễ cưới tượng trưng cho việc thách cưới của nhà gái dành cho nhà trai. Mặt khác, tiền đen còn mang ý nghĩa như lời cảm ơn của nhà trai dành cho nhà gái vì nhà gái đã nuôi dưỡng cô dâu nên người.
Thông thường, tiền đen thường đặt riêng trong một mâm khác hoặc đặt chung với mâm trầu cau để nhà trai mang sang nhà gái. Tùy vào điều kiện mỗi nhà, số tiền nạp tài sẽ khác nhau. Thông thường có thể từ 5, 10, 20 hoặc vài chục triệu đồng.
3.2. Vàng
Thông thường, một bộ vàng cưới của hồi môn nhà trai cần chuẩn bị gồm 3 món:
- 1 chiếc kiềng hoặc 1 dây chuyền
- 1 lắc tay
- 1 bông tai
Bên cạnh đó, vàng chuẩn bị cho lễ cưới còn có nhẫn cặp. Cặp nhẫn này có thể là cả hai dùng tiền mua chung hoặc chú rể mua tặng cô dâu đều được.
3.3. Mâm trà, rượu và nến đỏ
Sính lễ cưới gồm mâm trà, rượu và nến đỏ sẽ được dâng lên ông bà tổ tiên. Điều này thể hiện sự biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Hơn thế nữa, theo quan niệm dân gian thì những món sính lễ này chính là cây cầu kết nối để ông bà có thể trở về nhân gian, chứng giám cho mối lương duyên của con cháu.
Khi trao sính lễ cưới, đầu tiên nến đỏ sẽ được thắp lên để bắt đầu nghi thức hỏi dâu. Khi trang trí phòng thờ, bạn cũng lưu ý nên chừa lại các khoảng trống thích hợp để đặt sính lễ cưới gửi đến ông bà tổ tiên.
3.4. Mâm trầu cau – sính lễ cưới không thể thiếu
Ông bà ta vẫn nói, miếng trầu là đầu câu chuyện và trầu cau chính là sính lễ cưới truyền thống không thể thiếu của người Việt Nam. Dây trầu quấn chặt thân cau, tựa như tình nghĩa vợ chồng keo sơn, gắn bó. Trầu xanh, cau trắng khi ăn sẽ hòa quyện với nhau tạo nên một màu đỏ thắm, vị cay nồng tượng trưng cho sự sắt son một lòng, mặn nồng hạnh phúc.
3.5. Mâm xôi gà
Trong các sính lễ cưới, xôi thường là xôi gấc và được nấu từ những hạt nếp thơm dẻo nhất. Người ta sẽ đặt một con gà luộc trên mâm, phía trên là phần xôi. Lễ vật này tượng trưng cho sự ấm no, đủ đầy và sung túc. Hơn thế nữa, màu đỏ tự nhiên của xôi gấc còn mang ý nghĩa mong muốn sự may mắn sẽ đến với cặp vợ chồng son.
3.6. Mâm trái cây
Khi chuẩn bị sính lễ cưới thì mâm trái cây là một phần không thể thiếu. Cùng với rượu và trà, lễ vật này thường được dâng hương cho ông bà tổ tiên để chứng giám cho tình cảm và sự chân thành của đôi uyên ương.
Mâm trái cây thường có cam, nho, táo, lê, xoài,… tất cả đều tươi ngon, không bị héo hay dập úng. Trái cây là món quà từ thiên thiên, kết tinh từ cây cối và đất mẹ. Vậy nên nhiều người cũng quan niệm lễ vật này thể hiện cho mong ước đôi vợ chồng trẻ sẽ luôn hạnh phúc và sớm tạo “trái ngọt”.
3.7. Mâm bánh
Trong các sính lễ cưới, mâm bánh mang ý nghĩa cho đôi vợ chồng son tình cảm luôn ngọt ngào. Các loại bánh thường được chuẩn bị đó là bánh su sê, một số nơi còn gọi là bánh phu thê. Một số nơi còn dùng bánh in, bánh pía hoặc bánh cốm đậu xanh để làm mâm bánh lễ vật.
3.8. Mâm heo quay
Thông thường thì sính lễ cưới hỏi chỉ cần khoảng 5 mâm, nếu gộp cả tiền đen vào trầu cau. Tuy vậy tùy vào điều kiện, nhà trai có thể làm phong phú phần sính lễ bằng cách chuẩn bị thêm phần heo sữa quay. Chúng ta có thể chọn heo sữa nguyên con hoặc đầu heo đều được.
Ông bà ta quan niệm, mâm heo quay mang ý nghĩa chúc phúc cho cô dâu và chú rể nhanh chóng phát tài, sớm sinh con. Vậy nên nếu có điều kiện thì nhà trai có thể bổ sung thêm lễ vật này vào sính lễ cưới.
Trên đây là những sính lễ cưới cần thiết trong lễ ăn hỏi. Trong thực tế, các món sính lễ thường là cách để nhà trai thể hiện sự tôn trọng đối với nhà gái. Dù nhiều hay ít đều không quan trọng mà nó phụ thuộc vào thỏa thuận của hai bên gia đình và hơn hết là tình cảm của đôi vợ chồng son. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn chuẩn bị lễ cưới thật trọn vẹn.