Rước dâu 1 lần, rước dâu 2 lần là gì? Hướng dẫn thủ tục rước dâu đầy đủ nhất

CẬP NHẬT 16/09/2024 | Bài viết bởi: Dương Dương

Trong lễ cưới truyền thống, để đón được cô dâu về dinh chú rể phải thực hiện rất nhiều công đoạn khác nhau theo đúng trình tự của buổi lễ rước dâu. Lễ rước dâu là phần nghi thức quan trọng nhất trước khi tổ chức lễ cưới của các cặp đôi. Bên cạnh lễ rước dâu trong ngày cưới còn có thủ tục rước dâu 2 lần. 

Vậy rước dâu 1 lần và rước dâu 2 lần có gì khác nhau? Cùng tìm hiểu cụ thể thông qua bài viết này nhé. 

rước dâu hai lần
Lễ cưới có thủ tục rước dâu một lần và rước dâu hai lần

Gợi ý các sản phẩm bán chạy tại Vua Nệm

1. Trình tự thủ tục rước dâu truyền thống (Rước dâu 1 lần)

1.1 Lễ xin dâu

Ngày cưới và đón dâu được diễn ra sau ngày ăn hỏi. Thông thường theo thủ tục rước dâu truyền thống cần có lễ xin dâu trước khi đón dâu. Tuy nhiên một số gia đình hiện nay lại gộp lễ xin dâu và lễ rước dâu vào chung một lần. 

Trước khi làm lễ đón dâu chính thức, mẹ chú rể hoặc đại diện nhà trai cùng một người họ hàng thân thiết sẽ mang cơi trầu đến nhà gái trước để làm lễ xin dâu. Mẹ cô dâu là người đứng ra nhận cơi trầu lễ và đặt lên thắp hương trên bàn thờ gia tiên. Ý nghĩa của lễ xin dâu là lời chấp nhận chính thức của gia đình nhà gái về việc gả cô dâu về nhà chồng. 

lễ xin dâu và thủ tục rước dâu
Ngày nay, lễ xin dâu và thủ tục rước dâu thường được gộp làm một

Tuy nhiên vào thời nay, nhiều gia đình để tiết kiệm thời gian sẽ gộp hai lễ này vào làm một. Mẹ chú rể hoặc đại diện nhà trai sẽ không cần đến nhà gái hai lần nữa. 

Nếu gia đình cùng thống nhất nhập lễ xin dâu và đón dâu trong một ngày thì nhà trai vẫn chuẩn bị một cơi trầu để làm thủ tục như bình thường. Vào giờ đẹp, lễ xin dâu sẽ diễn ra nhanh chóng để thủ tục rước dâu được bắt đầu. 

1.2 Màn chào hỏi, tuyên bố lý do

Sau khi diễn ra lễ xin dâu, nhà gái mời nhà trai vào nhà, sắp xếp chỗ ngồi cho các bậc vai vế và quan khách. Đại diện nhà trai (thường là nam giới hoặc chú bác lớn tuổi trong gia đình) sẽ giới thiệu các thành viên trong gia đình và trình bày mong muốn được làm thủ tục rước dâu, đưa cô dâu mới về gia đình nhà chồng. Đại diện nhà gái sẽ đứng dậy đáp lời, cảm ơn gia đình nhà trai và đồng ý cho chú rể được đón cô dâu. 

Màn chào hỏi
Màn chào hỏi, tuyên bố lý do

1.3 Cô dâu ra mắt hai bên gia đình

Trong lúc lễ xin dâu và màn chào hỏi hai bên gia đình diễn ra, cô dâu sẽ không được xuất hiện cho đến khi chú rể vào phòng đón. Sau khi hai nhà phát biểu xong, chú rể sẽ được nhà gái đưa lên phòng đón cô dâu. Chú rể sau khi vào phòng sẽ trao cho cô dâu hoa cưới theo đúng thủ tục rước dâu và cặp đôi sẽ cùng chụp những bức ảnh kỷ niệm. 

1.4 Cô dâu chú rể ra mắt họ hàng và thắp hương gia tiên

Chú rể đón cô dâu từ phòng riêng ra phòng khách để cùng nhau ra mắt họ hàng, rót nước trà mời các thành viên trong gia đình hai họ. Tiếp đó, bố mẹ cô dâu sẽ châm sẵn nén hương, hướng dẫn đôi vợ chồng trẻ thắp hương trên bàn thờ gia tiên nhà gái. 

Đôi vợ chồng trẻ thắp hương
Đôi vợ chồng trẻ thắp hương trên bàn thờ gia tiên nhà gái

Riêng thủ tục rước dâu ở miền Nam, người ta có tục lệ thắp thêm đèn cầy khi thực hiện nghi lễ này. Đó là nhà trai sẽ chuẩn bị một đôi đèn cầy (nến) trạm trổ đẹp đẽ, nhà gái chuẩn bị chân nên cùng kích cỡ. Khi thắp hương xong thì cô dâu chú rể sẽ cùng thắp sáng thêm đèn cầy. 

1.5 Kết thúc thủ tục rước dâu tại nhà gái

Khi hoàn thành các lễ nghi cần có, hai gia đình sẽ có khoảng thời gian cùng chụp những bức hình kỷ niệm. Trong lúc này, mẹ cô dâu sẽ tặng quà hồi môn cho con gái (thường là kiềng vàng, nhẫn vàng), chỉ bảo con gái một số điều trước khi về nhà chồng. 

Để chuẩn bị cẩn thận và chu đáo hơn cho con gái, mẹ cô dâu có thể kiểm tra lại lần cuối những vật dụng cô dâu cần mang theo về nhà chồng như túi quần áo, trang sức, những đồ dùng cơ bản … Phù dâu sẽ là người ở bên cạnh giúp đỡ cô dâu trong ngày cưới, quán xuyến giúp cô dâu mọi thứ từ việc xách đồ lẫn hỗ trợ về trang phục, make up. 

 tiến hành thủ tục rước dâu
Đại diện nhà trai sẽ có lời xin phép tiến hành thủ tục rước dâu.

Đến giờ đẹp (quan niệm dân gian đi hơn về kém), đại diện nhà trai sẽ có lời xin phép tiến hành thủ tục rước dâu. Khi cô dâu bước ra cửa không nên ngoái đầu lại nhìn vì để tránh những điều xui xẻo. Gia đình nhà trai cùng một số thành viên bên nhà gái sẽ theo xe đưa cô dâu về nhà mới. Ở miền Bắc và miền Trung thì mẹ cô dâu sẽ không cùng mọi người đưa cô dâu về nhà chồng. 

1.6 Làm lễ ra mắt cô dâu mới và tiến hành lễ thành hôn tại nhà trai

Theo đúng thủ tục rước dâu truyền thống thì sau khi đón dâu cặp đôi sẽ tổ chức lễ thành hôn ở nhà trai. Tuy nhiên thời hiện đại một số gia đình tổ chức tiệc cưới chung tại nhà hàng thì lễ thành hôn sẽ được tiến hành ở nhà hàng. 

Nếu tiến hành nghi lễ ở nhà trai, thì khi về nhà chú rể cặp tân lang tân nương cũng thắp hương trên bàn thờ gia tiên nhà trai giống như ở nhà gái. Bố mẹ chú rể cũng tặng quà cưới cho đôi vợ chồng. 

Sau đó các khách mời sẽ được theo chân cô dâu chú rể xem phòng tân hôn. Việc này có ý nghĩa là nhà trai cho nhà gái thấy điều kiện gia đình, cuộc sống mà cô dâu sẽ gắn bó từ nay về sau. 

Một quan niệm dân gian nhỏ liên quan tới thủ tục rước dâu là việc trải giường cưới sẽ do một người phụ nữ trong họ nhà trai thực hiện. Đây phải là người lớn tuổi có cuộc sống gia đình yên ấm hạnh phúc. Người này trải giường cưới để lấy may, giúp cô dâu chú rể ‘’xin vía’’ cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. 

1.7 Trao nhẫn cưới tại tiệc cưới

trao nhấn cưới
Sau khi thủ tục rước dâu kết thúc, cô dâu chú rể sẽ thực hiện các nghi lễ trong tiệc cưới

Dù tiệc đãi quan khách được tổ chức ở nhà hàng hay nhà chú rể thì cũng cần những nghi lễ của đám cưới chính thức. Dưới sự dẫn dắt của MC, chú rể và cô dâu sẽ tiến hành trao nhẫn cưới cho nhau trước khi chứng kiến của toàn bộ khách mời tham gia trong buổi tiệc. Nghi lễ này thể hiện sự gắn kết bền chặt giữa chú rể và cô dâu. 

Sau đó cặp đôi sẽ cùng thực hiện những nghi thức khác như rót tháp rượu và cắt bánh. Bố mẹ của chú rể và cô dâu có thể tặng quà cho cặp đôi trẻ ngay trong tiệc cưới này. 

1.8 Tiệc mừng

nâng ly khai tiệc
Cô dâu chú rể sẽ cùng các khách mời nâng ly khai tiệc

Sau khi các thủ tục rước dâu kết thúc, cô dâu chú rể sẽ cùng các khách mời nâng ly khai tiệc. Cô dâu chú rể cùng bố mẹ sẽ đi từng bàn cảm ơn và chúc rượu các khách mời. Các khách mời cũng sẽ tặng quà cưới thường là phong bì tiền mặt để chia vui cùng cô dâu chú rể.

Kết thúc tiệc cưới, cô dâu chú rể cùng về phòng tân hôn. 

2. Trình tự tổ chức lễ ăn hỏi và thủ tục rước dâu cùng ngày (Rước dâu 2 lần)

Lễ ăn hỏi và rước dâu cùng một ngày được diễn ra trong 2 trường hợp 

2.1 Rước dâu 2 lần

Người ta làm thủ tục rước dâu 2 lần khi cô dâu phạm năm tuổi (năm kim lâu), hoặc năm tuổi của cô dâu cần rước dâu 2 lần để hóa giải vận xui theo quan niệm xem tướng số của dân gian.

thủ tục rước dâu 2 lần

Với thủ tục rước dâu 2 lần thì trong ngày lễ ăn hỏi, thay vì nhà trai thực hiện nghi lễ ăn hỏi xong đi về thì sẽ thêm nghi lễ đón dâu luôn trong ngày hôm đó. 

Các thủ tục trong lễ ăn hỏi vẫn diễn ra bình thường, cuối buổi ăn hỏi nhà trai sẽ xin đón dâu cùng đi về nhà, thắp hương gia tiên. Tuy nhiên cô dâu sau buổi đón dâu đó sẽ không ở lại nhà chú rể lâu mà hôm sau sẽ tự đi về nhà mẹ đẻ một mình. 

Đến ngày cưới, các nghi lễ cưới hỏi vẫn diễn ra theo đúng thủ tục rước dâu truyền thống ở trên. Lúc này cô dâu được coi như xuất giá hai lần, hóa giải được vận xui, đem lại may mắn. 

2.2 Gộp lễ ăn hỏi và lễ rước dâu thành lễ rước dâu 1 lần

Trường hợp này chỉ thực hiện khi gia đình nhà trai và nhà gái ở quá xa nhau, không tiện trong việc đi lại. Lúc này nhà trai vẫn tổ chức lễ ăn hỏi như bình thường, sau đó đón dâu giống các thủ tục rước dâu truyền thống đã nói ở trên. 

 gộp lễ ăn hỏi và lễ rước dâu trong cùng một ngày
Với những gia đình có khoảng cách địa lý quá xa sẽ gộp lễ ăn hỏi và lễ rước dâu trong cùng một ngày

Vì hai gia đình ở xa nhau nên việc tổ chức tiệc mừng cưới cũng sẽ diễn ra theo điều kiện thực tế của hai bên. Gia đình cô dâu sẽ mở tiệc đãi quan khách bên nhà gái trước. Sau đó chú rể cùng gia đình nhà trai tới làm lễ ăn hỏi và thủ tục rước dâu, đưa cô dâu về nhà chồng và tiếp tục làm tiệc đãi khách bên nhà trai. 

Ưu điểm của việc tổ chức lễ ăn hỏi và thủ tục rước dâu cùng ngày là giúp hai gia đình dỡ bỏ lo lắng về khoảng cách địa lý. Chỉ cần chuẩn bị đám cưới trong một lần, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian di chuyển. 

Dù tổ chức chung trong trong một ngày, nhưng những nghi thức cưới vẫn cần đảm bảo sự trang trọng. Cô dâu và gia đình cũng nên chuẩn bị hai lễ phục cưới (áo dài truyền thống và váy cưới) tươm tất cho ngày trọng đại.

Bài viết này đã tổng hợp lại trình tự rước dâu và những trường hợp làm thủ tục rước dâu vô cùng chi tiết. Mong rằng bạn sẽ có một ngày cưới trọn vẹn nhất, đừng quên sắm những mẫu chăn ga cưới đẹp cho ngày trọng đại tại Vua Nệm nhé. 

Đánh giá post

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM