Nhà hay

Ý nghĩa của 12 màu sắc trong phong thủy và cách chọn màu mang lại tài lộc

CẬP NHẬT 17/02/2022 | BỞI Tôn Vân

Nếu màu đỏ biểu tượng cho sự may mắn thì màu xanh lục lại là màu của sự sống sinh sôi nảy nở. Chọn đúng màu theo phong thủy không những phù hợp với từng hoàn cảnh mà còn có thể mang lại may mắn cho bạn. 

Hãy cùng Vua Nệm khám phá ý nghĩa của 12 màu sắc trong phong thủy nhé. 

màu sắc theo phong thủy
Theo quan niệm phong thủy, mỗi màu sắc lại tượng trưng cho một ý nghĩa khác nhau.

1. Ý nghĩa của 12 màu sắc trong phong thủy

1.1 Màu đỏ

Trong phong thủy, màu đỏ là màu của mệnh Hỏa, tượng trưng cho lửa, sức mạnh, quyền lực, sự nhiệt huyết. Đây cũng là màu của tình yêu và sự may mắn. Màu đỏ cũng có nhiều sắc độ khác nhau với những ý nghĩa khác nhau:

  • Màu đỏ tươi: là màu của may mắn, đam mê và nhiệt huyết
  • Màu đỏ tím/đỏ hồng: là biểu tượng của tình yêu, sự lãng mạn và nữ tính
  • Màu đỏ đậm: là biểu tượng của quyền lực, sự mạnh mẽ

Trong cuộc sống, người ta thường sử dụng màu đỏ để bày trí những không gian sang trọng (phòng hội nghị, thảm đỏ …) và làm màu chủ đạo của những ngày lễ (Giáng sinh, Tết, Valentine …)

Màu đỏ
Màu đỏ là màu đặc trưng của lễ hội trong các nền văn hóa

Trang phục có sắc đỏ sẽ giúp người mặc thêm sang trọng, nổi bật và tự tin. Một số đồ trang trí có sắc đỏ làm điểm nhấn cũng làm cho không gian thêm bừng sáng. Tuy nhiên, màu sắc này nên được sử dụng tiết chế để đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. 

1.2 Màu cam

Theo ý nghĩa của 12 màu sắc trong phong thủy thì màu cam là màu của sự sôi động, tươi vui và đầy năng lượng. Màu cam được biểu tượng cho tuổi trẻ và sự sáng tạo. 

Theo một số nghiên cứu, khi ta nhìn những vật màu cam thì cơ thể sẽ kích thích khả năng tăng cường oxy lên não. Từ đó não hoạt động tốt hơn và đem lại nhiều ý tưởng sáng tạo hơn. 

  • Màu cam đậm: tượng trưng cho nguồn năng lượng dồi dào, sự sáng tạo và tuổi trẻ
  • Màu cam nhạt: mang ý nghĩa thịnh vượng, quý phái và thông thái
Màu cam
Màu cam cũng được nhiều nhà hàng, quán cafe chọn để trang trí bởi mang lại cảm giác ấm cúng

Màu cam mang trong mình năng lượng dồi dào nên được các công ty, doanh nghiệp trẻ chọn làm màu biểu tượng. Những bảng biểu, biểu ngữ văn phòng cũng được sử dụng màu sắc này để kích thích tinh thần, gợi cảm hứng sáng tạo hơn. Ngoài ra màu cam cũng được nhiều nhà hàng, quán cafe chọn để trang trí bởi mang lại cảm giác ấm cúng, ngon miệng. 

1.3 Màu vàng

Trong 12 màu sắc phong thủy thì màu vàng là màu có sắc độ tươi sáng nhất. Màu vàng tượng trưng cho sự cao quý, hạnh phúc, lạc quan và giác ngộ. Trong các nền tôn giáo, màu vàng thường tượng trưng cho vua chúa hoặc các chức vị cao.

Màu vàng
Màu vàng mang tới sự ấm áp, tươi vui và hạnh phúc
  • Màu vàng tươi: là màu của mặt trời, sự ấm áp, tươi vui và hạnh phúc
  • Màu vàng ánh kim (vàng gold): tượng trưng cho sự cao quý, sang trọng, giàu có

Người ta thường sử dụng màu vàng cho những không gian tươi sáng như trường học, nhà trẻ, quán ăn, khu vui chơi công cộng … Màu vàng kim được sử dụng rất nhiều để làm cúp vàng, huy chương thể hiện cho đỉnh cao, sự chiến thắng. 

1.4 Màu xanh lá cây

Màu xanh lá cây còn được gọi là xanh lục. Theo ý nghĩa của 12 màu sắc trong phong thủy thì màu xanh lá cây là màu mang tính tích cực. Màu xanh lá là biểu tượng của thiên nhiên, sự sống và sự an toàn. 

Màu xanh lá
Màu xanh lá là biểu tượng của thiên nhiên, sự sống và sự an toàn.

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, khi nhìn vào màu xanh lá cây mắt chúng ta sẽ được thư giãn và tâm trạng cảm thấy thoải mái hơn. 

Màu xanh lá cây được chọn làm màu tượng trưng cho sự an toàn. Người ta ứng dụng màu xanh lá để làm đèn báo giao thông, biển báo an toàn, các biểu tượng của lối sống xanh gần gũi với thiên nhiên, huy hiệu chứng nhận chất lượng … 

1.5 Màu xanh dương

Màu xanh dương còn có rất nhiều tên gọi khác với những sắc độ khác nhau như xanh nước biển, xanh da trời, xanh lam … Màu xanh dương mang ý nghĩa biểu tượng cho hòa bình, sự tin tưởng và trí tuệ. 

Màu xanh dương
Màu xanh dương mang ý nghĩa biểu tượng cho hòa bình
  • Xanh dương đậm: mang ý nghĩa là sự tin tưởng, trí tuệ
  • Xanh dương sáng:  thể hiện sự thanh lịch, cảm giác tin tưởng và an toàn
  • Xanh da trời: đại diện cho hòa bình, sự thư thái

Màu xanh dương là màu được yêu thích bậc nhất trong dải màu với nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau: thời trang, thương hiệu, biểu tượng, nội thất … 

1.6 Màu hồng

Nhắc đến hồng là nhắc đến sự nữ tính, mềm mại mà màu sắc này mang lại. Màu hồng thường gợi cảm giác mềm mại, dễ chịu nên được coi là màu sắc của tình yêu trong sáng và sự lãng mạn. 

Màu hồng
Màu hồng thường gợi cảm giác mềm mại, dễ chịu

Màu hồng còn mang tới cảm giác trẻ trung, dễ thương nên thường được sử dụng trong làm tông màu chính của các thương hiệu mỹ phẩm, thời trang cho nữ, khu vui chơi cho trẻ em … 

1.7 Màu trắng

Theo ý nghĩa của 12 màu sắc trong phong thủy, màu trắng là màu tượng trưng cho sự tinh khôi và thuần khiết. Chính vì thế màu trắng gắn liền với những biểu tượng như: nhà thờ, váy cưới cô dâu, chim bồ câu hòa bình. 

Màu trắng
Màu trắng là màu tượng trưng cho sự tinh khôi và thuần khiết

Ngoài ra màu trắng cũng rất được ưa chuộng sử dụng trong kiến trúc xây dựng, nội thất, ngoại thất – làm màu sơn tường – bởi nó mang lại cảm giác sang trọng và khiến không gian trông rộng hơn. 

1.8 Màu đen

Màu đen là màu mang trong mình sự huyền bí. Màu đen tượng trưng cho bóng tối, sự bí ẩn, sức mạnh và quyền lực. Trong công việc và cuộc sống, người ta thường sử dụng màu đen cho những trang phục trang trọng như vest, phòng làm việc của quản lý … Trong lĩnh vực thời trang thì màu đen được sử dụng vô cùng rộng rãi bởi tính chất lịch sự, dễ mặc, dễ phối màu cùng với những trang phục khác. 

Màu đen
Màu đen đem lại cảm giác sang trọng và quyền lực

1.9 Màu xám

Màu xám là sự kết hợp giữa màu trắng và màu đen. Màu xám là màu trung tính, màu của sự cân bằng. Trong các lĩnh vực thời trang, kiến trúc … màu xám là màu trung tính nên thường được sử dụng. Tuy nhiên nếu không biết cách phối màu, gam màu này sẽ mang lại cảm giác tẻ nhạt. 

Màu xám
Màu xám là màu trung tính, màu của sự cân bằng.

1.10 Màu tím

Màu tím là biểu tượng cho sự thủy chung, uy tín, tính độc đáo. Màu tím nhạt thường mang lại cho người ta cảm giác dễ chịu, màu tím đậm lại thể hiện sự cá tính và nổi bật. Trong cuộc sống, màu tím thường không được sử dụng làm màu chủ đạo. Người ta thường dùng màu tím để nhấn nhá các chi tiết, và màu tím nhạt được dùng phổ biến hơn màu tím đậm. 

Màu tím
Màu tím là biểu tượng cho sự thủy chung, uy tín, tính độc đáo

1.11 Màu nâu

Màu nâu là một màu trầm ấm, chính vì thế nó gợi đến cảm giác yên bình và an toàn. Màu nâu là gam màu của đất, của gỗ và lá khô, được coi là gam màu đặc trưng của mùa thu. Theo phong thủy thì màu nâu mang sức mạnh của nền tảng, nuôi dưỡng nguồn năng lượng dồi dào. 

Trong thời trang cũng như kiến trúc nội thất, màu nâu cùng các sắc độ khác của nó (nâu trầm, nâu be, beige … ) rất được ưa chuộng bởi vẻ đẹp trầm ấm, trung tính và đa dạng cách phối. 

 Màu nâu
Màu nâu là gam màu của đất, của gỗ và lá khô

1.12 Màu xanh tím than

Màu xanh tím than là sự kết hợp giữa xanh dương và đen, biểu tượng cho sự lịch lãm, sâu sắc thông minh và đáng tin cậy. Vì vậy màu sắc này thường được sử dụng trong ngành thời trang với những trang phục trang trọng như vest, màu đồng phục học sinh, áo cử nhân … 

Màu xanh tím than
Màu xanh tím than là sự kết hợp giữa xanh dương và đen

2. Màu bản mệnh và màu tương sinh

Theo quan niệm của Phương Đông, phong thủy đóng vai trò vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới tài lộc, vận khí của con người. Và màu sắc là yếu tố giúp cân bằng âm dương trong ngũ hành. Để chọn ra màu phù hợp, người ta sẽ dựa theo màu bản mệnh và màu tương sinh

2.1 Màu bản mệnh:

Màu bản mệnh theo quan niệm phong thủy là màu sắc gắn với từng người theo quy luật ngũ hành. Vào năm sinh mà ta ra đời sẽ có bản mệnh được định theo nó. Năm bản mệnh trong ngũ hành sẽ tương ứng với 5 nguyên tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với những màu sắc tượng trưng như sau:

Màu bản mệnh theo phong thủy
Màu bản mệnh theo phong thủy là màu sắc gắn với từng người theo quy luật ngũ hành
  • Mệnh Kim – tượng trưng cho kim loại: màu trắng, màu ánh kim.
  • Mệnh Mộc – tượng trưng cho cây cối: màu xanh lá cây
  • Mệnh Thủy – tượng trưng cho nước: màu xanh dương
  • Mệnh Hỏa – tượng trưng cho lửa: màu đỏ
  • Mệnh Thổ – tượng trưng cho đất: màu vàng, nâu

Theo quan niệm dân gian, vận dụng đúng màu sắc của bản mệnh sẽ giúp gia tăng may mắn, thuận lợi trong cuộc sống. 

2.2 Màu tương sinh:

Dựa theo quy luật tự nhiên, các yếu tố trong ngũ hành tương trợ lẫn nhau để phát triển được gọi là tương sinh. Cách tính tương sinh như sau: 

Kim sinh Thuỷ > Thuỷ sinh Mộc > Mộc sinh Hoả > Hoả sinh Thổ > Thổ sinh Kim

Cũng tương tự như vậy, màu tương sinh sẽ dựa vào quy luật tương sinh ở trên để đem lại tài lộc, hạnh phúc và may mắn cho con người. 

Màu tương sinh
Màu tương sinh sẽ dựa vào quy luật tương sinh ở trên để đem lại tài lộc, hạnh phúc
  • Màu tương sinh với mệnh Kim: bên cạnh màu bản mệnh là màu trắng và ánh kim thì người mệnh Kim có thể kết hợp thêm màu sắc của mệnh Thổ như màu vàng hoặc nâu
  • Màu tương sinh với mệnh Mộc: người mệnh Mộc có thể kết hợp thêm màu sắc của mệnh Thủy như xanh dương, xanh biển
  • Màu tương sinh Với mệnh Thủy: người mệnh Thủy có thể kết hợp thêm màu sắc của mệnh Kim như trắng, ánh kim
  • Màu tương sinh Với mệnh Hỏa: người mệnh Hỏa có thể kết hợp thêm màu sắc của mệnh Mộc như xanh lá, xanh rêu
  • Màu tương sinh Với mệnh Thổ: người mệnh Thổ có thể kết hợp thêm màu sắc của mệnh Hỏa như đỏ, hồng, tím

Việc kết hợp giữa màu bản mệnh và màu tương sinh sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chọn màu sắc may mắn, đem lại tinh thần thoải mái và nâng cao tài vận. Tuy nhiên dù là sử dụng màu sắc nào bạn cũng cần có sự phối màu và tiết chế phù hợp để đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao nhất nhé. 

Bài viết liên quan:

Tôn Vân
Tôn Vân