“Cưới hỏi, xây nhà, tậu trâu” là 3 việc trọng đại của đời người mà ông bà đúc kết truyền lại. Cho thấy cưới hỏi là việc quan trọng không thể chủ quan, đặc biệt là nhà trai. Trước ngày cưới chính thức, hai gia đình sẽ có một buổi lễ gặp mặt gọi là dạm ngõ, đây là phong tục quan trọng, có thể không cần cầu kỳ nhưng bắt buộc phải có.
Tuỳ vào từng vùng miền sẽ có những buổi lễ dạm ngõ với phong cách khác nhau. Đặc biệt là miền Trung và miền Bắc, các nghi lễ có phần chỉn chu và kỹ lưỡng hơn. Vì vậy, hãy cùng tìm hiểu chi tiết về lễ dạm ngõ miền Trung, để các cặp đôi có thêm kinh nghiệm, tránh những sai sót trong ngày quan trọng của đời mình nhé!
Nội Dung Chính
1. Lễ dạm ngõ là gì? Ý nghĩa của lễ dạm ngõ?
Dạm ngõ còn có tên gọi là chạm ngõ, nghi lễ khởi đầu cho một cuộc hôn nhân, là buổi gặp mặt nghiêm túc giữa hai gia đình để bắt đầu bàn tính đến chuyện trăm năm của con cái trong nhà. Đây là một việc làm mang ý nghĩa sâu sắc trong phong tục của người Việt nói chung và trong dạm ngõ miền Trung nói riêng.
Lễ dạm ngõ miền Trung luôn được biết đến là “trọng lễ nghi, khi (khinh) tài vật” thể hiện rõ ràng về sự đơn giản không cầu vật chất nhưng nghi lễ phải chỉn chu và nghiêm túc. Vì vậy lễ dạm ngõ như là một biểu tượng không thể thiếu và cần được chuẩn bị chu đáo của người miền Trung.
2. Lễ dạm ngõ miền Trung cần chuẩn bị những gì?
Thủ tục về lễ dạm ngõ miền Trung ngày nay đã được lược bỏ bớt để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Việc đơn giản hoá nhưng vẫn không làm mất đi giá trị vốn có của buổi lễ dạm ngõ, vì vậy việc chuẩn bị chu toàn và đầy đủ lễ vật được xem là “đầu xuôi đuôi lọt” cho chặng đường hôn nhân về sau.
2.1. Nhà trai cần chuẩn bị chi lễ dạm ngõ miền Trung
Theo truyền thống người Việt, việc chuẩn bị lễ vật đúng và đầy đủ là điều quan trọng trong buổi lễ dạm ngõ. Đây không chỉ thể hiện tình yêu và sự trân trọng của chàng trai đối với cô gái mình muốn lấy làm vợ mà còn là cách mà nhà trai tạo được ấn tượng tốt với nhà gái, gắn kết tình thông gia về sau. Cùng tìm hiểu chi tiết về nhà trai cần chuẩn bị các lễ vật gì cho đúng phong tục vào ngày dạm ngõ miền Trung:
- Tráp dạm ngõ: Là lễ vật nhà trai mang đến nhà gái trong buổi lễ. Ngày nay, việc dạm ngõ không còn cần quá cầu kỳ, chỉ cần đúng và đủ lễ vật bao gồm: cơi trầu cau, cây thuốc lá, chè, rượu, ít bánh kẹo, hoa quả loại ngon và một cặp chả, tất cả đều được phủ vải đỏ.
- Trang phục phù hợp: Việc đi qua nhà gái thưa chuyện cưới hỏi thì trang phục chỉn chu, gọn gàng được xem là việc làm tôn trọng nhà gái. Đàn ông nên mặc sơ mi quần âu đóng thùng, phụ nữ có thể váy hoặc áo dài. Không nên chọn các trang phục có màu sắc loè loẹt hoặc thiếu tôn trọng.
- Thành viên tham dự: Lễ dạm ngõ miền Trung không cần quá linh đình vì vậy chỉ cần những thành viên trong gia đình cùng các bậc trưởng bối có tiếng nói trong nội ngoại sẽ đại diện đi cùng cha mẹ chú rể. Tại lễ dạm ngõ miền Trung thường sẽ đi theo số chẵn, thể hiện có đôi có cặp.
2.2. Nhà gái cần chuẩn bị cho lễ dạm ngõ miền Trung
Nhà gái không cần chuẩn bị các lễ vật như nhà trai, nhưng nhà gái cũng cần chuẩn bị chu đáo để tiếp đón nhà trai trong lễ dạm ngõ:
- Dọn dẹp nhà cửa: Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ gọn gàng và tươm tất nhất có thể. Đặc biệt là bàn thờ gia tiên, bày trí hoa, bánh, trái đầy đủ để thông báo ông bà về dự lễ dạm ngõ của con cháu trong nhà.
- Chuẩn bị trà nước, bánh kẹo, hoa quả: Đây là những món ăn nhẹ nên có trong buổi nói chuyện giữa hai gia đình.
- Mâm cỗ để mời nhà trai sau buổi dạm ngõ: Sau khi bàn xong về hôn sự của con cái, nhà gái sẽ mời nhà trai bữa cơm thân mật trước khi ra về. Mâm cỗ thường là bữa cơm ngon, tươm tất, đầy đủ để thể hiện lòng hiếu khách và tôn trọng nhà trai.
3. Thời gian tổ chức lễ dạm ngõ
Thời gian tổ chức lễ dạm ngõ không bị gò bó hay bắt bắt buộc. Thông thường nhà trai sẽ chọn ngày lành, tháng tốt sau đó báo cho nhà gái, với mục đích để nhà gái xem xét công việc ngày hôm đó có bận hay không. Việc này cũng thể hiện sự tôn trọng nhà gái từ phía nhà trai. Tuy xem ngày không phải là điều bắt buộc trong buổi dạm ngõ miền Trung, nhưng việc thống nhất thời gian sẽ giúp hai gia đình có thể chuẩn bị chu đáo và tránh phát sinh những sự cố không mong muốn.
4. Quy trình chính trong lễ dạm ngõ miền Trung
Thủ tục lễ dạm ngõ miền Trung được diễn ra như thế nào? Đây là điều mà cả hai gia đình đều cần nắm vững để có một buổi lễ dạm ngõ thành công tốt đẹp. Các thủ tục đã được các bậc trưởng bối bàn bạc và đi đến thống nhất, buổi dạm ngõ sẽ được diễn ra như sau:
- Cần đi đúng ngày giờ đã chọn, tránh trễ giờ vào dạm ngõ. Nếu nhà trai quá xa nhà gái, có thể đến trước và thuê khách sạn nghỉ ngơi, tránh làm mất giờ lành cũng như lỡ dở chuyện tương lai sau này.
- Kiểm tra lại lễ vật đầy đủ lần nữa rồi nhà trai bắt đầu vào nhà gái, đại diện nhà trai sẽ mở lời trước, xin phép nhà gái bắt đầu nói chuyện.
- Nhà trai đại diện gửi lời thăm hỏi, giới thiệu tên tuổi, các thành viên đi cùng, trình lễ vật để thể hiện thành ý của mình. Sau đó ngỏ ý xin phép gia đình nhà gái cho cặp đôi chính thức tiến đến hôn nhân.
- Đại diện nhà gái cũng sẽ có những phát biểu đáp lại, gửi lời cảm ơn và chấp thuận buổi lễ dạm ngõ. Cũng như thể hiện niềm vui và mong muốn hạnh phúc sau này của con cái hai gia đình.
- Trước sự đồng thuận vui vẻ, hai bên gia đình dâng lễ vật lên bàn thờ gia tiên, thắp hương để báo cáo ngày vui, ngày quan trọng của gia đình với tổ tiên. Qua đó, mong muốn nhận được sự che chở của ơn trên, phù hộ đường hôn nhân của con cháu được hạnh phúc lâu dài.
- Trong buổi lễ dạm ngõ miền Trung nhà trai cũng sẽ xin phép bàn đến chuyện cưới hỏi, chọn ngày lành tháng tốt để xin ngày cưới, đi đến sự thống nhất với nhà gái để quyết định ngày tổ chức phù hợp. Việc này tránh đi những hủ tục phức tạp rườm rà, giảm chi phí cũng như công sức của hai gia đình.
- Cuối cùng, để thể hiện thành ý cũng như lòng hiếu khách, nhà gái sẽ là mời nhà trai dùng cơm thân mật, đây là lúc hai gia đình xây dựng thêm tình thân, gắn kết chặt chẽ hơn trong mối quan hệ thông gia. Cũng như gửi gắm nàng dâu chàng rể, giúp cặp đôi có thêm sự yêu thương về sau.
- Trước khi tiễn nhà trai ra về, nhà gái nên gửi lời thăm hỏi cũng như chúc đi đường bình an, kết thúc buổi dạm ngõ trong niềm vui và hạnh phúc.
Lễ dạm ngõ miền Trung là phong tục truyền thống, tuy khâu chuẩn bị đơn giản, không cần quá chăm chút và phô trương, nhưng lại mang ý nghĩa quan trọng cho sự khởi đầu của hôn nhân. Ngoài ra, còn là phương tiện để gắn kết tình cảm sâu sắc của hai bên gia đình. Qua bài viết trên, hy vọng những chia sẻ hữu ích có thể tiếp thêm những thông tin cần thiết về lễ dạm ngõ, để các cặp đôi có một buổi lễ thành công trọn vẹn.