Nhà hay

Cách chống ẩm mốc cho phòng ngủ hiệu quả 

CẬP NHẬT 30/07/2022 | BỞI Tôn Vân

Phòng ngủ là nơi để chúng ta thư giãn, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi và bước vào trạng thái nghỉ ngơi sau mỗi ngày dài làm việc mệt mỏi. Sẽ thật khó để tưởng tượng, sau một ngày vất vả và muốn được thả lỏng cơ thể nhưng khi bước vào căn phòng yêu thích với mùi hôi và ẩm mốc thì tâm tình chúng ta sẽ như thế nào. Chắc chắn là sự khó chịu, gia tăng sự mệt nhọc, không được ngủ nghỉ thoải mái, giấc ngủ bị ảnh hưởng trầm trọng. Điều này gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể lực của con người.

Phải làm sao để phòng ngủ không bị ẩm mốc và gây mùi khó chịu, nhất là trong những ngày trời mưa ẩm ướt? Tham khảo những cách chống ẩm mốc cho phòng ngủ trong bài viết này của Vua Nệm để áp dụng thực hiện chống ẩm mốc cho phòng ngủ gia đình bạn.

góc phòng ngủ ẩm và nấm mốc
Các góc phòng ngủ là nơi dễ hình thành ẩm và nấm mốc

1. Tác hại của nấm mốc tới sức khỏe con người

Mọi người thường bàng quan với tình trạng ẩm mốc của căn phòng vì cho rằng nó không hề nguy hiểm. Đôi khi sẽ bỏ qua và không xử lý ẩm mốc trong phòng và dẫn tới xuất hiện các vết nấm mốc bám trên tường, hình thành trên các tủ đồ, các góc phòng. 

Vì không ở vị trí “mặt tiền” dễ quan sát như phòng khách nên nấm mốc trong phòng ngủ thường sẽ không được chú ý quá nhiều và đôi lúc xử lý sơ sài. Thế nhưng, có một vấn đề rất đáng lo ngại chính là nấm mốc gây hại rất lớn tới sức khỏe con người. 

1.1. Nấm mốc trong phòng ngủ là nguyên nhân gây bệnh hô hấp

Theo GS Connie Katelaris thuộc ngành Miễn dịch học và Dị ứng tại ĐH Western Sydney thì nấm mốc chính là nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp. Cụ thể là gây bệnh hen suyễn ở những người có hệ miễn dịch và đề kháng suy yếu do di truyền.

Một ví dụ rất dễ hiểu để giải thích cho vấn đề này là sự di truyền từ bố mẹ sang con. Bố mẹ bị dị ứng với một loại nấm nào đó, dẫn tới hen suyễn khi tiếp xúc thì con cái cũng có thể bị hen suyễn khi có sự xuất hiện của loại nấm mốc này trong nhà.

Những người có sức đề kháng kém như trẻ em, người già sẽ là đối tượng dễ mắc các bệnh nguy hiểm, phổ biến là các bệnh hô hấp khi tiếp xúc với nấm mốc. Bên cạnh đó, những người mắc một số bệnh như xơ nang hoặc viêm phổi mãn tính có thể nhiễm trùng hệ miễn dịch nếu hít phải một số loại nấm mốc.

1.2. Nấm mốc gây dị ứng và tăng sự trầm trọng của các bệnh hô hấp

 bệnh về đường hô hấp
Nấm mốc gây dị ứng và các bệnh về đường hô hấp

Nhiều người không biết rằng nấm mốc có thể là tác nhân gây dị ứng. Triệu chứng khi dị ứng có thể thấy rất rõ là hắt hơi, đau nhức và ngứa mắt, nhức đầu, mệt mỏi, đau xương khớp, nổi mề đay, hen, buồn nôn, tức ngực khó thở. 

Với những người mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, hen suyễn, viêm phế quản… khi tiếp xúc với nấm mốc sẽ càng gia tăng sự trầm trọng của bệnh. Khi nấm mốc xuất hiện trong phòng ngủ sẽ làm tăng các triệu chứng của bệnh. Người bệnh sẽ ho nhiều vào ban đêm, khó hít thở dẫn tới ngủ không ngon, thường xuyên thức giấc do các cơn hen.

Bác sĩ Susan Jamieson từ Trung tâm Thực hành Y khoa Tích hợp Hong Kong cho biết đã điều trị nhiều bệnh nhân bị dị ứng hoặc bệnh hô hấp có liên quan đến nấm mốc. Cũng theo giáo sư Katelaris, ĐH Western Sydney nói: “Bạn hít phải nấm mốc và chúng gây dị ứng do nấm mốc mà chúng ta hít phải sẽ kích thích một số kháng thể nhất định, các kháng thể này gây nên một chuỗi các biểu hiện dị ứng giống với phản ứng của cơ thể khi mắc chứng cảm sốt hoặc hen suyễn”.

1.3. Gây ảnh hưởng tới thần kinh, thậm chí là tử vong ở người

Chắc chắn bạn sẽ không còn thờ ơ được với nấm mốc khi biết rằng nó có thể gây ảnh hưởng tới thần kinh và thậm chí là gây tử vong ở người. Nấm mốc có thể chứa chất độc trong thành phần cơ thể của nó hoặc có khả năng sản sinh ra độc tố gây nguy hại đến sức khỏe, giáo sư Katelaris cho biết thêm. Ước tính có khoảng gần 40% số loài nấm mốc được biết đến có thể sản sinh độc tố gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, một số loại nấm mốc sản sinh ra độc tố mycotoxin – gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người và động vật. Tiếp xúc với độc tố mycotoxin với nồng độ cao có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh, thậm chí gây tử vong.

Nếu như không may tích lũy vi nấm trong cơ thể với thời gian dài, các loại nấm mốc độc hại có thể gây ra một số bệnh lý nguy hiểm như suy thận do ochratoxin, ung thư gan do aflatoxin, ung thư buồng trứng do fumonisins…

Nấm mốc xuất hiện rất nhiều
Nấm mốc xuất hiện rất nhiều trong ngôi nhà, ở trên tường, trong phòng tắm, nhà bếp và cả trong phòng ngủ.

Có thể nói, nấm mốc xuất hiện rất nhiều trong ngôi nhà, ở trên tường, trong phòng tắm, nhà bếp và cả trong phòng ngủ. Cũng theo nghiên cứu của GS Katelaris phát hiện có rất nhiều nấm mốc chúng ta không thể nhìn thấy. Chính vì vậy, việc phòng chống nấm mốc là điều kiện hàng đầu để phòng chống bệnh tật và ngăn chặn các tác động gây hại của nấm mốc tới sức khỏe con người.

1.4. Ẩm mốc gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của con người

Không chỉ gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe, tình trạng phòng ngủ bị nấm và ẩm mốc còn tác động đến giấc ngủ của con người. Trong không khí ẩm ướt, nấm mốc sẽ không tránh khỏi mùi hôi hám. Điều này khiến mọi người cảm thấy như bị ngộp thở khi bước vào phòng. Hít thở khó khăn kèm theo sự khó chịu về mặt tâm lý sẽ làm con người khó ngủ và ngủ không ngon giấc.

Chất lượng giấc ngủ bị giảm sút là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác như cơ thể căng thẳng, mệt mỏi, nhức đầu, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ,…Từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống.

2. Cách chống ẩm mốc cho phòng ngủ hiệu quả

2.1. Đóng kín cửa vào những ngày trời mưa, nồm ẩm và mở cửa thông thoáng vào ngày nắng ráo

Đóng kín cửa tưởng chừng là một biện pháp phi thực tế và đi ngược lại các biện pháp chống ẩm cho căn phòng, thế nhưng trên thực tế nó lại hoàn toàn hợp lý. Cách làm này được áp dụng trong những ngày trời mưa ẩm ướt, tiết trời nồm. 

Bởi vì khi mở cửa trời mưa sẽ khiến cho sự ẩm ướt càng gia tăng trong phòng và len lỏi vào những món đồ nội thất trong phòng ngủ như giường ngủ, tủ đầu giường, tủ quần áo, bàn ghế…

đóng kín cửa mùa mưa
Việc đóng kín cửa sẽ khiến cho bên trong phòng và bên ngoài được tách biệt với nhau

Việc đóng kín cửa sẽ khiến cho bên trong phòng và bên ngoài được tách biệt với nhau, ngăn chặn sự xâm nhập của không khí ẩm đi vào phòng, bảo vệ phòng ngủ khỏi sự ẩm thấp. Nếu như nên đóng kín cửa vào ngày trời mưa thì khi trời nắng ráo nên mở cửa ra để phòng được khô ráo, thông thoáng và thoát hơi ẩm ra ngoài.

2.2. Sử dụng các vật liệu hút ẩm và diệt nấm mốc

Để ngừa nấm mốc và diệt nấm mốc các bạn có thể tận dụng một số nguyên vật liệu có sẵn tại nhà, vừa có hiệu quả cao vừa tiết kiệm chi phí. Theo đó, một số nguyên liệu dễ tìm và có sẵn được sử dụng nhiều nhất như:

  • Than củi, than hoạt tính: Đặt các túi vải bọc có chứa các nguyên liệu này trong các góc phòng, trong các tủ đồ, chúng sẽ giúp hút ẩm cho phòng. Từ đó ngăn chặn tình trạng ẩm mốc, chống hình thành rêu, nấm mốc. 

Than củi hay than hoạt tính đều có tính háo nước rất mạnh nên có thể hút nước và ẩm trong phòng nhanh và tối ưu. Sau một thời gian, các bạn nên bỏ túi than cũ đã bị ẩm đi và thay bằng túi than mới.

Sử dụng than củi, than hoạt tính
Sử dụng than củi, than hoạt tính để chống ẩm mốc phòng ngủ
  • Bã cafe, bột vôi, muối hột: Cũng giống như than, bã cafe và vôi cũng có khả năng hút ẩm rất tốt. Bọc bã cafe đã phơi khô hoặc vôi trắng vào những túi vải, đặt trong các góc phòng, chân giường, tủ – những nơi dễ bị ẩm mốc, rêu nấm để chúng hút ẩm và làm khô phòng.
  • Dùng giấm để khử mùi hôi ẩm mốc và diệt nấm mốc: Nấm mốc và căn phòng ẩm ướt thường gây ra mùi hôi khó chịu. Để khử mùi ẩm mốc và diệt nấm bám trên tường, các bạn có thể sử dụng giấm trắng. 

Dùng khăn sạch thấm ướt giấm trắng và đặt vào những nơi bị ẩm ướt để làm bay mùi ẩm mốc. Để diệt nấm thì dùng khăn ướt nhúng giấm để chà sạch nấm mốc và diệt khuẩn, ngăn nấm hình thành trở lại. Sau khi chà sạch bằng giấm để khoảng 10 – 15 phút thì lau sạch lại bằng khăn mềm khô.

2.3. Sử dụng túi thơm, tinh dầu chống ẩm mốc

Túi thơm và tinh dầu là hai trong số những sản phẩm được sử dụng rất nhiều để chống ẩm mốc cho không khí trong phòng ngủ. Để căn phòng không bị ẩm, nấm mốc thì trước tiên không khí cần phải khô ráo, thoáng đãng. Các loại túi thơm và tinh dầu sẽ giúp cho căn phòng thơm tho, khử khuẩn tốt tạo không khí trong lành, loại bỏ mùi ẩm mốc khó chịu.

Hầu hết các túi thơm và tinh dầu đều được làm từ các nguyên liệu có trong tự nhiên nên rất an toàn với sức khỏe con người. Ví dụ như tinh dầu chanh sả, tinh dầu hoa oải hương, hoa nhài…Hương thơm thoang thoảng của tinh dầu, túi thơm sẽ giúp cơ thể con người được thư giãn, thả lỏng thoải mái và dễ ngủ, ngủ ngon hơn.

Túi thơm và tinh dầu
Túi thơm và tinh dầu là hai trong số những sản phẩm được sử dụng rất nhiều để chống ẩm mốc cho không khí trong phòng ngủ

2.4. Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ

Bụi bẩn là yếu tố hàng đầu gây ra tình trạng nấm mốc, ẩm ướt cho căn phòng. Bụi bẩn tích tụ nhiều gây hôi hám, ẩm mốc và sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Để phòng chống ẩm tốt thì cần phải thường xuyên vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ.

Sử dụng máy hút bụi để hút sạch bụi bẩn trên nền nhà, các ngóc ngách trong phòng. Nếu không có máy hút bụi có thể lau dọn bằng các vật dụng thông thường. Lau sạch phòng bằng khăn khô, nhất là nền nhà và các góc phòng, chỗ dễ bị ẩm thấp, tích tụ hơi ẩm. Khăn khô sẽ giúp thấm hút nước, hơi ẩm ướt trong phòng.

Bên cạnh việc vệ sinh phòng thì cần vệ sinh các vật dụng, đồ nội thất trong phòng như tủ đồ, tủ quần áo, bàn ghế, khung tranh ảnh, rèm cửa, cửa sổ, giường nằm. Riêng với giường nằm thì các phụ kiện như chăn, ga, gối, nệm cũng cần được làm sạch thường xuyên. 

Những ngày trời nắng ráo thì nên phơi chăn, gối, nệm ra ngoài trời để giúp loại bỏ vi khuẩn và chống ẩm mốc. Các tấm thảm trải sàn cần được thường xuyên giặt giũ phơi khô, giữ sự sạch sẽ và khô ráo. 

thường xuyên vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ.
Để phòng chống ẩm tốt thì cần phải thường xuyên vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ.

2.5. Sử dụng giấy dán tường để chống ẩm mốc, rêu nấm trên tường phòng ngủ

Nhiều gia đình không sử dụng sơn chống thấm cho tường phòng ngủ nên rất dễ bị nếm, rêu mốc gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Thay vì sử dụng sơn tường chống ẩm thì các bạn cũng có thể lựa chọn giấy dán tường.

Các loại giấy dán tường có thiết kế hoa văn, họa tiết rất bắt mắt và vừa có tác dụng trang trí phòng ngủ, tạo sự hiện đại, mới lạ vừa tiết kiệm chi phí hơn so với sử dụng sơn. Mặt khác, chất liệu giấy dán là những loại cao cấp,có khả năng chống ẩm mốc tốt. 

Hiện nay, nhiều gia đình có xu hướng chọn giấy dán tường như một cách để làm đẹp và tạo sự khác biệt cho phòng ngủ. Đồng thời, đây cũng là phương pháp chống ẩm hiệu quả, chi phí rẻ cho phòng ngủ.

Nấm mốc hay mùi ẩm mốc trong phòng ngủ có nhiều tác hại với sức khỏe con người. Không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ mà còn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm nếu tiếp xúc trực tiếp và lâu dài. 

Xem thêm: Top tấm bảo vệ nệm chống ẩm mốc hiệu quả

Để tránh được những tác hại đó thì cần phải phòng chống ẩm mốc và rêu nấm trong phòng ngủ mọi lúc. Hãy áp dụng những cách chống ẩm mốc cho phòng ngủ mà chúng tôi vừa chia sẻ ở trên để đảm bảo tính thẩm mỹ cho căn phòng cũng như sức khỏe của chính bản thân và gia đình. 

Nguồn tham khảo:

Bài viết liên quan:

Tôn Vân
Tôn Vân