Ngò rí là loại thường được dùng làm gia vị (rau nêm) có mặt trong nhiều món ăn của người Việt Nam, làm tăng vị thơm với mùi đặc trưng. Chỉ cần vài lá ngò rí đã đủ sức làm cho món ăn thêm thơm ngon. Cách trồng ngò rí cũng không quá khó, nếu biết cách bạn hoàn toàn có thể duy trì một góc vườn trồng ngò rí để sẵn sàng nguyên liệu cho bữa cơm gia đình. Bài viết bên dưới sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về cách trồng ngò rí.
Nội Dung Chính
1. Nguồn gốc và công dụng cây ngò rí
Ngò rí có tên khoa học là Coriandrum Sativum L., ở Việt Nam còn được gọi với các tên như: ràu mùi, hương quy, nguyên tuy, ngổ thơm, có nguồn gốc từ các nước Tây Nam Á. Và ngày nay, ngò rí hầu như được trồng trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, Bạc Liêu là tỉnh được biết đến với việc trồng ngò rí quy mô lớn đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, ngò rí được phân biệt thành 2 loại chính dựa trên kiểu hình là nhóm ngò chỉ và nhóm ngò bụi. Nhóm ngò chỉ có đặc điểm cây nhỏ, lá nhỏ sinh trưởng từ 80-100 ngày, mùi rất thơm. Nhóm ngò bụi có thân lớn, lá lớn, chậm ra hoa hơn so với nhóm ngò chỉ.
Tinh dầu từ ngò rí có thể dùng làm nước hoa. Còn trong đông y, rễ, quả, là được dùng để chữa nhiều bệnh. Với nhiều thành phần dưỡng chất có trong cây, cây ngò rí được truyền tai có hơn 30 công dụng với sức khỏe. Điển hình trong các công dụng mà ngò rí mang lại có thể kể đến: Bảo vệ tim mạch, ngừa ung thư, chống viêm, rối loạn kinh nguyệt, giảm ho, chữa hôi miệng,…
Cách dùng ngò rí cũng đa dạng từ dùng làm rau gia vị, ăn sống, làm nước ép, hãm trà.
Tuy có nhiều công dụng nhưng việc dùng quá nhiều ngò rí có thể dẫn đến tác dụng không mong muốn. Phụ nữ mang thai và người bệnh gan không nên ăn quá nhiều rau ngò rí. Do có tác dụng với đường huyết nên người có bệnh liên quan cũng cần kiểm soát khi dùng loại rau này. Bên cạnh đó việc ăn quá nhiều có thể gây ra các hiện tượng như: đau bụng, chóng mặt, buồn nôn.
Lượng dùng tham khảo cho mỗi người là 10-20g cho phần thân, lá và 4-10g cho phần quả của ngò rí.
>>>Đọc ngay: Cách bảo quản ngò rí tươi xanh, không bị dập úng đơn giản
2. Đặc tính cây ngò rí
2.1 Đặc điểm của cây
- Rễ: Rễ cọc có chiều dài trung bình 10 cm
- Thân có thể cao 40 cm và tán từ 20-40 cm
2.2 Điều kiện sinh trưởng
Là loại cây trồng cạn nhưng ngò rí cần nước và cần ẩm, vì vậy cần cung cấp đủ nước và duy trì độ ẩm tốt. Cây không chịu được úng nên đất trồng cần đảm bảo thông thoáng, thoát nước tốt nhất là vào mùa mưa. Với người trồng có ý định lấy hạt cần lưu ý thời tiết nóng khô có thể làm hoa ngò rí dễ rụng.
2.3 Thời gian sinh trưởng
Các tỉnh phía Nam có điều kiện thích hợp để trồng ngò rí quanh năm. Thuận lợi nhất là trồng từ tháng 10, 11 đến tháng 1,2 năm sau. Cây có tuổi thọ trung bình từ 80-100 ngày.
3. Cách trồng ngò rí đúng kỹ thuật, cây mọc tươi tốt
3.1 Dụng cụ trồng
Dụng cụ trồng ngò rí khá đơn giản, bạn chỉ cần tận dụng khay nhựa, các loại can nhựa lớn cắt ra hoặc thùng xốp có đục lỗ thoát nước là có thể trồng.
3.2 Đất trồng
Do đặc tính là cây dễ úng, nên đất trồng phải đảm bảo được độ thông thoáng.
Cây ngò rí khá dễ chịu về đất nhưng cần tránh đất phèn, mặn nhiều. Đất trồng ngò rí có thể dùng loại được trộn sẵn hoặc đất sạch có trộn các thành phần hữu cơ như: phân gà, phân trùn quế, mùn hữu cơ,… bón lót với vôi từ 7-10 ngày.
Lưu ý đất có nhiều chất đạm hoặc bón nhiều chất đạm có thể làm giảm mùi của ngò rí.
>>>Đừng bỏ lỡ:
3.3 Phân bón
Tùy theo tính chất đất trồng, bạn có thể tham khảo các cách sử dụng phân như sau:
- Giai đoạn trước khi trồng có thể trộn vào đất phân chuồng hoai mục, Supe lân.
- Khi hạt nảy mầm tiến hành bón thúc với Supe lân hòa tan vào nước.
- Cách lần lần thúc đầu tiên 15 ngày ta sử dụng Urê trộn đều với DAP theo tỉ lệ 1:1, rãi đều luống trồng và tưới nước để phân tan và ngấm dần vào đất.
- Sau khoảng 7-10 ngày ta tiếp tục bón phân bổ sung cho cây như lần thứ 2.
3.4 Cây giống
Trồng từ gốc:
Chọn cây tránh bị dập, trầy xước sau đó tiến hành tỉa bớt lá và phần thân trên. Giữ lại phần gốc, rẽ, độ dài gốc cần để lại khoảng 5-6 cm.
Cho phần cây đã tỉa vào lọ nước sạch, mực nước cao khoảng ⅔ gốc. Đặt ngò rí tại nơi có ánh sáng nhẹ để cây phát triển. Có thể đặt cây cạnh cửa sổ.
Cần thay nước thường xuyên để giữ nước ngâm cây luôn sạch. Tùy vào điều kiện cụ thể, khoảng 1 tuần rễ ngò rí sẽ dài thêm khoảng 5 cm. Khi rễ đạt đến độ dài trên thì mang cây trồng vào đất.
Sau khi trồng ngò rí vào đất, bạn chỉ cần tưới cây mỗi ngày một lần. Nên tưới cây vào buổi sáng để đảm tránh úng cho cây.
Khoảng 20-30 sau khi trồng cây vào đất, bạn đã có thể tỉa lá để sử dụng.
Trồng từ hạt:
Đầu tiên bạn ngâm hạt vào nước ấm khoảng 35-37 độ C trong thời gian từ 24-30 tiếng để hạt ngậm đủ nước.
Hoàn thành bước trên, bạn có tiến hành gieo hạt vào nơi trồng. Cần gieo đều hạt trên mặt đất trồng để cây có đủ không gian phát triển về sau. Có thể dùng cào xới nhẹ lớp đất mặt sau khi gieo để hạt phân bố đều hơn. Phủ thêm ít rơm mỏng để giữ ẩm.
Bạn cần giữ ẩm tốt để cây nhanh phát triển. Có thể tưới nước 2 lần trong ngày vào buổi sáng và chiều mát. Khoảng 4 ngày cây sẽ ra lá, lưu ý tránh nắng gắt vì lúc này cây còn non.
Lưu ý cần tỉa bớt cây nếu thấy mật độ quá dày và thường xuyên kiểm tra nhỏ cỏ nhằm đảm bảo cây phát triển tốt.
3.5. Phòng trừ sâu bệnh
Nếu trồng với diện tích lớn cần sử dụng thuốc người trồng cần hết sức chú ý lựa chọn loại thuốc phù hợp đảm bảo an toàn vì đây là loại cây trồng ngắn ngày. Phải tuân thủ tốt về thời gian cách ly của thuốc theo như hướng dẫn.
Dưới đây là một số loại sâu bệnh hại phổ biến trên cây ngò rí:
- Bệnh thối cây thường xuất hiện ở cây non đặc biệt trong thời tiết ẩm cao, quá nhiều nước. Khi bệnh phần thân mềm nhũn ra dù lá vẫn xanh.
- Bệnh héo rũ. Biểu hiện bệnh cây khô từ đọt và chết thành đám.
- Về sâu bệnh, cây ngò rí hay mắc các loại như: rầy nhớt, sâu xanh, sâu xám, sâu ăn tạp.
Để đảm bảo cây không sâu bệnh, người trồng ngò rí cần lưu ý kỹ quy trình xử lý đất. Nên trộn vôi bột vào công đoạn xử lý.
4. Thu hoạch ngò rí
Sau khi thực hiện cách trồng ngò rí như đã hướng dẫn phía trên, khoảng 30-40 bạn đã có thể thu hoạch.
Nếu muốn tự tạo hạt bạn có thể tiến hành tỉa thưa với mật độ 15-20cm/cây. Và bón thúc bằng phân NPK, khoảng 3 tháng từ khi trồng có thể thu hoạch được hạt giống. Chọn cành giống bó lại và ủ qua đêm, phơi dưới nắng nhẹ đến khi cành khô thì đập nhẹ để thu được hạt. Việc thu hoạch nên chọn thời điểm sáng sớm để tránh hạt bung ra.
>>Đọc thêm:
Với các thông tin về cách trồng ngò rí đưa ra trong bài có thể thấy đây là loại rau khá dễ trồng và chăm sóc lại mang đến nhiều công dụng tuyệt vời cho ẩm thực, sức khỏe. Nếu có ý định trồng rau tại nhà thì ngò rí là một lựa chọn khá hay vì ngoài dễ chăm sóc cây còn khá dễ chịu về đất trồng cũng như khá tích hợp với khí hậu Việt Nam.