Ẩm thực ngày Tết cổ truyền tại Việt Nam luôn phong phú với nhiều món ăn ngon như bánh chưng, bánh tét, gỏi gà, thịt kho, canh khổ qua… Đặc biệt không thể thiếu dưa món – Món ăn kèm đơn giản chống ngán rất hiệu quả. Sự béo ngậy của bánh chưng, bánh tét khi hoà quyện với vị chua ngọt, giòn dai của dưa món sẽ tạo nên hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn vào đâu được. Chính vì vậy, bài viết này sẽ tiết lộ đến bạn cách làm dưa món thập cẩm giòn dai chuẩn vị Tết, bạn đọc đừng bỏ lỡ nhé!
Nội Dung Chính
1. Nguyên liệu làm dưa món thập cẩm cho 4 người
Dưa món là món ăn bình dị, dân dã, chỉ đơn giản là những loại rau củ thôi nhưng món ăn lại rất được lòng nhiều người. Đặc biệt, món ăn này rất được yêu thích vào dịp Tết. Vị chia chua ngọt ngọt, từng miếng rau củ giòn sần sật sẽ giúp cho bữa ăn nhiều đạm, nhiều món chiên xào đỡ ngán hơn rất nhiều.
Để làm món dưa thập cẩm, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- Cà rốt: 2 củ
- Dưa leo: 2 trái
- Đu đủ xanh: 1 trái
- Su hào: 2 củ
- Củ kiệu: 200 gr
- Ớt: 5 trái
- Tỏi: 1 củ
- Nước mắm: 375 ml
- Giấm trắng: 125 ml
- Đường: 375 gr
- Muối: 1 ít
Dụng cụ thực hiện:
Nồi chiên không dầu, nồi, muỗng, thau, hũ thủy tinh,…
Để mua được nguyên liệu tươi ngon, bạn cần lưu ý:
Với su hào nên chọn những củ có kích thước vừa phải, màu xanh nhạt tươi, thân trên không bị sâu hoặc dập nát. Trái su hào không quá to, không quá nhỏ. Khi cầm sẽ cảm thấy nặng tay và chắc chắn, ngửi không thấy mùi hôi hay hoá chất. Bên cạnh đó, bạn không nên lựa chọn su hào có vỏ láng bóng, xanh đậm kỳ lạ hay đã được gọt sẵn vì chúng đã bị ngâm hoá chất, thuốc kích thích tăng trưởng để giữ độ tươi lâu hơn.
Đối với cà rốt, bạn nên chọn những củ dáng thẳng, có màu vàng cam sáng, vỏ trơn láng, bóng loáng, nhẵn mịn và không sần sùi, cuống còn tươi là cà rốt ngon. Khi cầm, củ cà rốt sẽ nặng tay, chắc chắn, không bị mềm nhũn là cà rốt tươi ngon, giòn.
Để dưa món được ngon, bạn nên chọn mua những quả đu đủ to, vẫn còn xanh và khi sờ vào cảm nhận độ cứng nhất định. Đồng thời, hãy chọn những quả có cảm giác nặng tay, cuốn còn dính nhựa, bởi đây là đu đủ có ít hạt, thịt dày và nhiều. Đặc biệt, bạn nên chọn đu đủ mỏ vịt mới hái vì thịt sẽ giòn, không bị mềm, món ăn cũng ngon miệng hơn. Tránh chọn mua đu đủ nếu trời mưa cách đó vài ngày, vì đu đủ sẽ bị nhạt vị, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.
2. Cách chế biến dưa món thập cẩm
Bước 1: Sơ chế rau củ
Bào sạch vỏ và rửa sạch phần cà rốt, củ cải trắng, đu đủ xanh và su hào. Bên cạnh đó, đu đủ xanh bỏ phần hạt.
Tỏi lột bỏ và rửa sạch, ớt cắt thành miếng to.
Củ kiệu hãy ngâm trong nước muối pha loãng qua đêm, sau đó mang đi cắt gốc, cắt ngọn và bóc vỏ lụa.
Cà rốt cắt thành lát dày khoảng đồng xu. Những nguyên liệu củ cải, su hào, đu đủ xanh và cà rốt, cắt sợi dày khoảng 1 ngón tay út.
Bước 2: Ngâm rau củ
Trong thau, bạn hãy pha 1 lít nước lọc cùng 2 muỗng cà phê muối ăn, sau đó khuấy đều để muối tan.
Cho phần cà rốt, đu đủ xanh, dưa leo, tỏi và ớt vào ngâm khoảng 20 phút. Bên cạnh đó, củ cải trắng có mùi hăng hơn, bạn ngâm củ cải trong chậu nước muối pha loãng riêng trong khoảng 30 phút.
Rau củ sau khi ngâm đủ thời gian, vớt ra, rửa sạch lại với nước và để ráo.
Bước 3: Phơi khô rau củ
Rau củ sau khi ráo nước, hãy trải đều ra khay (hoặc rổ) và phơi dưới ánh nắng mặt trời khoảng 1 ngày đến khi rau củ săn lại còn khoảng 70% khối lượng ban đầu.
Để khử trùng sau khi phơi xong, bạn ngâm rau củ trong 1 lít nước pha với muỗng cà phê muối, đảo đều khoảng 30 giây rồi vớt ra để thật ráo nước.
Bước 4: Pha nước mắm ngâm
Bắc nồi lên bếp, sau đó cho 375ml nước mắm, 375gr đường, 125ml giấm trắng cùng 125ml nước lọc vào khuấy đều. Sau đó, đun sôi hỗn hợp cho đường tan hết thì tắt bếp, để nguội hoàn toàn.
Bước 5: Ngâm dưa món
Trong hũ thuỷ tinh, bạn sẽ cho vào 1 lớp rau củ phơi khô xen kẽ với 1 lớp tỏi, ớt và củ kiệu. Lặp lại các lớp cho tới khi dùng hết phần nguyên liệu.
Cho nước mắm để nguội vào vừa đủ để xâm xấp phần nguyên liệu. Dùng miếng nhựa để nén phần rau củ xuống. Ngâm rau củ trong khoảng 3 ngày ở nơi thoáng mát là có thể sử dụng được.
3. Thành phẩm
Với cách làm dưa món trên đây, thành phẩm dưa món khi hoàn thành sẽ có màu sắc tươi đẹp mắt, rau củ phơi đúng cách không bị thâm hay héo và vẫn giữ được độ giòn. Gia vị nước ngâm được pha đúng tỷ lệ sẽ giúp dưa món thấm đều vị và ngon miệng.
Dưa món là thức ăn kèm tuyệt vời cho các món bánh chưng, bánh tét, giúp cân bằng khẩu vị và chống ngán hiệu quả trong những ngày Tết đấy.
4. Cách bảo quản và thời gian bảo quản dưa món
Đầu tiên, sử dụng hũ thuỷ tinh thay vì hũ nhựa sẽ giúp dưa món giữ được hương vị tươi ngon và bảo quản lâu hơn. Sau khi hoàn thành, bạn hãy bảo quản dưa món ở ngăn mát tủ lạnh, món ăn này có thể bảo quản được 1 tháng đấy.
Nếu không cất ở trong tủ lạnh, bạn có thể giữ món ăn này ở nơi thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp mặt trời thì có thể giữ được 2 tuần.
Bên cạnh đó, bạn không nên làm nước ngâm vị quá nhạt rất dễ làm dưa món bị nhớt và nổi váng trắng. Khi dùng, bạn nên sử dụng đũa sạch, khô ráo để gắp dưa món trong hũ nhằm hạn chế vi khuẩn làm hư món ăn, đồng thời nhớ đậy kín nắp.
5. Các loại dưa muối khác chống ngán ngày Tết rất hiệu
Bên cạnh cách làm dưa món, bạn cũng có thể làm thêm món ăn dưa muối khác để làm đa dạng thực đơn ngày Tết.
5.1. Dưa cải chua
Dưa cải chua rất phổ biến trong bữa ăn hàng ngày, không những thế, bạn có thể sử dụng chúng để kho thịt, cá hay nấu canh, ăn kèm với cơm trắng, thịt kho tàu, thịt quay kho cũng rất ngon.
Nguyên liệu:
- 1kg cải xanh
- 1 lít nước đun sôi để nguội
- 20g đường
- 60g muối hột
- 3 muỗng cà phê giấm
Cách thực hiện
Cải xanh sau khi mua về rửa sạch và phơi nắng một chút để cải hơi héo, sau đó cắt khúc vừa ăn.
Hãy đun hỗn hợp nước, đường, muối hột giấm rồi để nguội. Xếp dưa vào hũ thuỷ tinh rồi cho nước vừa nấu vào ngâm trong khoảng 2, 3 ngày là ăn được.
5.2. Cà rốt và củ cải trắng chua ngọt
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp cà rốt và củ cải trắng chua ngọt trong những bữa cơm gia đình, hay cả những món ăn vặt đường phố như bánh mì, gỏi cuốn…
Nguyên liệu
- 500g củ cải trắng và cà rốt thái sợi
- 250ml giấm
- 250ml nước ấm
- 50g đường
- 1 muỗng cà phê muối
Bạn chỉ cần ngâm cà rốt và củ cải trắng thái sợ vào hỗn hợp giấm, nước ấm, muối, đường đã được đun sôi để nguội. Bảo quản trong hũ thuỷ tinh kín, sau 2 3 ngày đã có thể thưởng thức.
Cà rốt và củ cải trắng chua ngọt khi dùng chung với cơm tấm, bánh chưng, bánh tét… đều cực kỳ ngon và hấp dẫn.
5.3. Kim chi cải thảo
Không chỉ là món ăn truyền thống của Hàn Quốc, kim chi cải thảo cũng rất phổ biến tại Việt Nam. Bạn có thể dễ dàng tìm mua kim chi tại cửa hàng siêu thị lớn. Với món kim chi cải thảo, nếu thích vị chua, bạn có thể đặt ở nhiệt độ phòng 1 ngày, hoặc bạn cũng có thể ăn ngay nếu thích cải thảo còn vị hăng nhẹ.
Với kim chi cải thảo, chúng ta có thể dùng để nấu canh, ăn kèm các món thịt nướng hay cơm trắng đều rất ngon.
Đọc thêm: Cách làm bánh chưng xanh ngon, đậm đà chuẩn vị truyền thống
Hy vọng với những bài hướng dẫn cách làm dưa món này sẽ giúp bạn có thể chuẩn bị cho gia đình mình những phần dưa ngon, giòn, đúng vị cho bữa cơm gia đình. Chúc bạn thành công!