Bánh chưng là món ăn truyền thống gắn liền với ngày Tết cổ truyền của người Việt. Bạn muốn tìm hướng dẫn cách làm bánh chưng thơm ngon và chuẩn vị nhất? Cách làm bánh chưng không quá phức tạp, nguyên liệu làm bánh cũng rất quen thuộc. Tuy nhiên, để làm ra được những chiếc bánh chưng xanh tươi đẹp mắt; hương vị thơm ngon đậm đà thì cũng cần có bí quyết. Mời bạn xem hướng dẫn cách làm bánh chưng truyền thống trong bài viết này nhé!
Nội Dung Chính
1. Chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ làm bánh chưng
Nguyên liệu là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng của chiếc bánh chưng. Tùy vào số lượng bánh mà bạn chuẩn bị lượng nguyên liệu phù hợp. Dưới đây là các nguyên liệu, dụng cụ cần chuẩn bị khi muốn làm 5 chiếc bánh chưng hình vuông truyền thống.
- Gạo nếp: 650gram. Bạn nên chọn gạo nếp loại ngon, hạt gạo chắc và không bị mối mọt. Ví dụ: gạo nếp mùa, gạo nếp cái hoa vàng, gạo nếp lứt.
- Đậu xanh không vỏ: 400gram. Chọn loại đậu xanh đã được tách vỏ, hạt đậu xanh vàng tươi, không bị mốc.
- Thịt heo ba chỉ: 300gram. Lưu ý chọn thịt heo sạch, tươi ngon, không nhiễm bệnh.
- Các loại gia vị: Muối, đường, hạt tiêu.
- Lá ngâm gạo: Lá nếp hoặc lá giềng nếu bạn muốn bánh màu xanh.
- Lá gói bánh: Lá dong hoặc lá chuối.
- Dụng cụ làm bánh: Khay vuông để tạo hình, dây lạt buộc bánh, nồi luộc.
2. Cách làm bánh chưng chi tiết theo từng bước
Quy trình làm bánh chưng tuy có nhiều bước nhưng đều rất đơn giản. Hãy cùng thực hiện cách làm bánh chưng theo hướng dẫn này nhé!
2.1. Ngâm gạo nếp và đậu xanh làm bánh chưng
- Bỏ gạo nếp vào ngâm với nước sạch trong vòng 4-6 tiếng, hoặc có thể ngâm qua đêm. Nếu muốn gói bánh chưng xanh, bạn giã nát lá giềng hoặc lá nếp, lọc lấy nước ngâm cùng gạo.
- Ngâm đậu xanh với nước sạch từ 4-6 tiếng hoặc ngâm qua đêm.
2.2. Sơ chế nguyên liệu gói bánh chưng
- Rửa sạch và lau khô lá gói bánh chưng.
- Vớt gạo và đậu xanh đã ngâm ra, đựng riêng mỗi loại vào một rổ để ráo nước. Cho thêm muối vào gạo và đậu xanh, trộn đều để tạo vị đậm đà.
- Thịt heo rửa sạch, thái miếng. Ướp thịt với muối, đường, hạt tiêu.
2.3. Cách làm bánh chưng: công đoạn gói bánh
- Gấp 4 lá dong theo cách gấp mép dưới của lá lên, gấp tiếp mép bên trái lá. Xếp 4 lá này vào trong khuôn.
- Cho gạo nếp vào trong khuôn, dàn đều ra 4 góc và ở giữa để hơi lõm. Cho đậu xanh vào giữa, đặt thêm vài miếng thịt, phủ tiếp đậu xanh sau đó phủ gạo và dàn đều.
- Lần lượt xếp các lá để phủ bên ngoài, gói bánh lại và dùng dây lạt buộc xung quanh. Bạn buộc 2 dây lạt song song nhau, sau đó buộc tiếp 2 dây lạt vuông góc với 2 dây trước.
Lưu ý khi gói bánh: Dàn đều các nguyên liệu để cân đối gạo, đậu xanh ở hai phần tương đương nhau. Chỉnh cho bánh vuông vắn, đẹp mắt. Không nên buộc quá chặt vì cần để không gian cho gạo nở ra khi luộc.
2.4. Cách làm bánh chưng: công đoạn luộc bánh
- Đặt bánh chưng vào trong chiếc nồi phù hợp với số lượng bánh. Đổ nước ngập bánh và luộc bằng bếp củi hoặc bếp ga, bếp điện. Khi nước sôi thì để lửa nhỏ lại, hoặc điều chỉnh chế độ thấp với bếp điện.
- Thời gian luộc bánh chưng với bếp củi tối thiểu 5 tiếng, nếu gói bánh to thì cần lâu hơn. Thời gian luộc bánh với nồi điện áp suất khoảng 1 tiếng.
- Trong quá trình luộc, bạn nên kiểm tra thường xuyên; đổ thêm nước sôi nếu nước trong nồi cạn dưới mặt bánh.
- Luộc bánh được 1 nửa thời gian kể trên thì bạn mở nồi ra, lật lại mặt bánh và thay nước mới. Cách làm bánh chưng này giúp bánh chín đều.
- Sau khi đủ thời gian luộc, bạn chuẩn bị một nồi nước lạnh. Tiến hành vớt bánh ra và để ngay vào trong nồi nước lạnh, ngâm trong 20 phút.
- Vớt bánh chưng ra, để ráo nước; dùng vật nặng đặt lên bánh để ép cho nước còn lại chảy ra. Cách làm này giúp bánh chưng đanh chắc, không bị nhão và cũng giúp bảo quản lâu hơn. Thời gian ép từ 5 đến 8 tiếng.
2.5. Thưởng thức và bảo quản bánh chưng đúng cách
Bánh chưng sau khi luộc nên để nguội hẳn cho bánh đanh lại, khi ăn sẽ ngon hơn. Để thưởng thức thì bạn bóc lớp vỏ bên ngoài, cắt bánh thành miếng. Cắt bánh theo cách truyền thống là bạn xé nhỏ dây lạt thành sợi; lần lượt nhấn chặt xuống miếng bánh để chia miếng. Sau đó lật bánh lại, túm hai đầu dây để kéo ra theo đúng thứ tự; dùng đũa chọc vào miếng bánh để lấy.
Bánh chưng có độ dẻo và thơm của gạo nếp, hương đậu xanh thanh dịu; thịt heo béo ngậy và đậm đà cùng các gia vị. Mỗi dịp Tết đến Xuân về hoặc vào ngày lễ, bánh chưng lại trở thành món ăn đặc trưng không thể thiếu. Miếng bánh chưng sẽ ăn cùng với hành muối, miếng giò tạo nên sự kết hợp thơm ngon, hấp dẫn.
Nếu ăn không hết, bạn bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh; khi ăn thì cho vào lò vi sóng làm nóng lại. Bên cạnh cách ăn bánh chưng thông thường, bạn có thể rán bánh lên ăn cũng rất ngon. Nếu thích ăn ngọt, bạn có thể chấm bánh chưng với đường trắng.
3. Các cách làm bánh chưng có màu xanh tự nhiên
Chiếc bánh chưng màu xanh lá cây nhìn ngon mắt hơn bánh màu nhạt thông thường. Để làm bánh chưng màu xanh, bạn tham khảo các cách này nhé!
- Luộc bánh chưng bằng nồi tole. Chất liệu tole có môi trường kiềm giúp giữ được màu xanh tự nhiên của lá dong.
- Ngâm gạo nếp với nước tro. Bạn có thể mua nước tro tàu ngoài chợ; hoặc lọc và ngâm lấy nước tro bằng bột tro mịn của than củi, tro lò than.
- Giã nhỏ lá giềng hoặc lá nếp, lọc lấy nước và ngâm gạo nếp. Nước lá này giúp gạo có màu xanh tự nhiên mà vẫn giữ nguyên hương vị.
- Cho thêm chút bột baking soda vào nồi nước luộc bánh chưng. Với cách làm bánh chưng này thì lá bánh xanh tươi, luộc nhanh chín hơn.
- Chần lá gói bánh qua nước sôi để giúp lá giữ được màu xanh khi luộc. Việc chần lá cũng giúp lá mềm dễ gói hơn, loại bỏ nấm mốc trên lá.
- Đặt những chiếc lá còn dư thừa khi gói bánh xuống đáy nồi và xung quanh nồi. Việc này giúp bánh không bị cháy, lá luộc cũng xanh hơn.
4. Vì sao bạn nên học cách làm bánh chưng?
Bánh chưng là món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết. Biết làm bánh chưng thể hiện bạn là một người khéo tay, đảm đang. Tự tay chuẩn bị, gói bánh, luộc bánh nên khi thưởng thức cũng có cảm nhận thích thú hơn. Học cách làm bánh chưng mang tới rất nhiều ý nghĩa đặc biệt.
- Hiểu thêm về nét văn hóa của người Việt Nam trong ngày Tết.
- Có thể tự tay chuẩn bị bánh chưng thơm ngon thắp hương ngày Tết.
- Tự mình làm bánh chưng bất cứ khi nào muốn ăn trong năm.
- Trải nghiệm thú vị với việc làm bánh chưng cùng người thân.
- Tùy chọn nguyên liệu sạch, làm bánh chưng sạch.
- Hạn chế mua bánh chưng bên ngoài thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Học cách làm bánh chưng để làm bánh ngon mang biếu tặng.
- Bạn cũng có thể làm bánh chưng để bán trong ngày lễ, ngày Tết.
Cách làm bánh chưng không quá khó phải không nào! Thật tuyệt nếu trên mâm cỗ ngày Tết có chiếc bánh chưng do chính tay bạn làm ra. Nguyên liệu làm bánh chưng mùa nào cũng có, bạn có thể trổ tài làm bánh chưng bất cứ khi nào.