Vải Jacquard là gì? Tìm hiểu ưu, nhược điểm và ứng dụng

CẬP NHẬT 10/10/2024 | Bài viết bởi: Vua Nệm
Banner Black Friday

Ngày nay, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều chủng loại vải vóc khác nhau khiến nhiều người gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu và lựa chọn. Nhận thấy nhu cầu tìm hiểu về vải Jacquard của người tiêu dùng ngày càng cao, Vua Nệm xin được  gửi đến bạn đọc “tất tần tật” thông tin về nguồn gốc, ứng dụng của vải Jacquard. Nếu bạn quan tâm đến dòng vải này, nhất định không được bỏ qua bài viết này nhé. 

1. Tổng quan vải Jacquard 

1.1. Vải Jacquard là gì? 

Vải Jacquard
Vải Jacquard là loại vải có hoa văn được dệt trực tiếp lên bề mặt mà không qua công nghệ in hoặc thêu

Vải Jacquard là loại vải có hoa văn được dệt trực tiếp lên bề mặt mà không qua công nghệ in hoặc thêu như các loại vải có họa tiết khác. Đặc trưng của vải Jacquard là ở mặt phải của tấm vải, họa tiết hoa văn sẽ nổi rõ lên còn mặt trái thì chìm vào trong. Vải Jacquard suông phẳng, mang lại cảm giác mềm mại khi sờ vào. 

Nhiều người thường hiểu lầm rằng “Jacquard” là danh từ dùng để chỉ chất liệu vải. Thực tế, cụm từ “Jacquard” dùng để chỉ công nghệ dệt tạo ra những hoa văn trên bề mặt vải với đặc trưng là một mặt vải được dệt với họa tiết rõ nét và một mặt mờ hơn.

Thời xưa, vải Jacquard chỉ có thể được dệt trên vải tơ lụa. Ngày nay, vải jacquard có thể được làm từ nhiều loại sợi khác nhau, từ bông tự nhiên (cotton) đến polyester nhân tạo. Vải Jacquard được dệt bằng chất liệu Polyester sẽ có thêm đặc tính là khả năng chống nước rất tốt. Điều tạo ra điểm chung giữa các loại vải Jacquard là phương pháp dệt thành chúng. 

1.2. Phân loại vải Jacquard

Đây là một số biến thể khác của vải Jacquard, bên cạnh vải Jacquard dệt chính bằng lụa: 

1.2.1. Vải thổ cẩm 

Thổ cẩm
Thổ cẩm là loại vải khá được yêu thích trên thị trường hiện nay.

Thổ cẩm là loại vải khá được yêu thích trên thị trường hiện nay.  Vải thổ cẩm tại Việt Nam chủ yếu được làm thủ công bởi các dân tộc thiểu số như Mường, Mông,… Bên cạnh một số mặt hàng lưu niệm, vải thổ cẩm thường được sử dụng để may trang phục truyền thống, bọc đồ nội thất, thảm, ví đựng tiền,…  So với các biến thể Jacquard khác, vải thổ cẩm có trọng lượng nặng hơn và cảm giác dày dặn, thô ráp hơn khi sờ vào.  

1.2.2. Vải Jacquard Cotton 

Cotton Jacquard mang đầy đủ ưu điểm của vải cotton là thoáng mát, độ bền tốt, không nhăn. Cotton Jacquard không gây dị ứng da do cotton có nguồn gốc thiên nhiên 100% (từ cây bông gòn). Đặc trưng của vải cotton jacquard là một mặt vải có hoa văn gồ lên, mặt còn lại thì lõm vào trong. Đây cũng là cách nhận biết vải cotton jacquard bằng mắt thường mà bạn có thể áp dụng. 

1.2.3. Vải Damask

Vải Damask
Vải Damask được dệt từ sợi len, tơ tằm, sợi lanh hoặc các loại vải sợi tổng hợp khác

Vải Damask được dệt từ sợi len, tơ tằm, sợi lanh hoặc các loại vải sợi tổng hợp khác như Polyester. Đặc trưng của vải Damask là độ bền tốt và thoáng mát. Vẻ ngoài óng ánh của vải cũng tạo cảm giác sang trọng cho người mặc. Nhiều người nhận xét rằng vải Damask có chất lượng tốt hơn vải thổ cẩm và tuổi thọ cũng lâu hơn.

Khi dệt vải Damask, người thợ sẽ dệt vải theo chiều dọc trong khi hoa văn được dệt theo chiều ngang hoặc dệt chéo. Vải Damask thường được ứng dụng trong ngành nội thất để sản xuất các sản phẩm như: khăn trải bàn, bọc sofa, bọc đèn hoặc sản xuất nệm ga gối,…

1.2.4. Vải Matelassé

Matelassé là loại vải được dệt theo công nghệ Jacquard từ các chất liệu như sợi bông, sợi tơ lụa. Đặc trưng của vải Matelassé là độ co giãn cực kỳ tốt, tuy nhiên, bề mặt vải khá dễ xù lông. 

Matelassé
Matelassé là loại vải được dệt theo công nghệ Jacquard từ các chất liệu như sợi bông

1.2.5. Vải lụa Jacquard

Đặc trưng của vải lụa Jacquard là cảm giác mềm mại, mát và mịn khi sờ vào do chất liệu dệt vải là sợi tơ tằm. Lụa Jacquard chủ yếu được ứng dụng trong ngành thời trang cao cấp. Khăn dệt Jacquard là một sản phẩm được khá nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

1.3. Nguồn gốc vải Jacquard

Vải jacquard có cùng nguồn gốc và thời điểm phát triển với vải gấm là vào thế kỷ thứ 6 tại thành phố Byzantium (Hy Lạp hiện nay). Đây là thời kỳ thương mại giữa các quốc Viễn Đông và Châu Âu phát triển cực thịnh. Nhờ sự thông thương của con đường tơ lụa, vải tơ tằm trở nên phổ biến và được ưa chuộng tại thành Byzantine. Tại đây, các thợ thủ công thành Byzantine bắt đầu dùng lụa để dệt thành vải gấm, vải damask,… với các họa văn tinh xảo. Vải chỉ được dùng để may trang phục, thảm, rèm,… trong cung Vua và gia thất của giới quan lại, quý tộc.

Vải jacquard
Vải jacquard có cùng nguồn gốc và thời điểm phát triển với vải gấm là vào thế kỷ thứ 6

Vào thời trung cổ, vải gấm đắt đỏ đến mức chúng chỉ dành cho giới quý tộc thượng lưu và những người rất giàu có. Những loại vải xa xỉ này còn được đính thêm các kim loại quý và đá quý. Vải gấm sớm trở thành một biểu tượng của sự giàu có và quyền lực, và được các vị vua trên khắp thế giới ưa chuộng vào thời trung cổ. 

“Mối tình” của giới quý tộc và vải gấm vẫn tiếp tục duy trì vào thời kỳ Phục hưng, đặc biệt là ở Ý. Vào khoảng thế kỷ 15, người Ý bắt đầu tự gọi mình là nhà sản xuất các loại vải tốt nhất châu Âu do sự phức tạp của hoa văn và chất lượng tuyệt hảo của vải gấm có nguồn gốc từ quốc gia này.

Trong những thế kỷ tiếp theo, vải gấm được dệt bằng tay trên khung dệt lớn gọi là khung hoa. Những khung hoa này yêu cầu hai người thợ phải phối hợp nhịp với nhàng với nhau, một người ngồi ở phía trên với nhiệm vụ kéo hoa, một người ở phía dưới dệt vải và hoa văn. Quá trình này tốn cực kỳ nhiều công sức và thời gian. Vào thời đó, một đội thợ dệt và vẽ giỏi lắm cũng chỉ có thể hoàn thành tối đa khoảng hai inch vuông vải lụa có hoa văn tinh xảo.

Vải Jacquard
Vải Jacquard được đặt tên theo Joseph Marie Jacquard – người phát minh ra máy dệt Jacquard

Vào cuối những năm 1700, Joseph Marie Jacquard đã phát triển phương pháp dệt đơn giản và năng suất hơn để vẽ các họa tiết trên vải gấm bằng cách sử dụng một máy dệt với các thẻ đục lỗ có thể tự động hóa quy trình dệt vải . Năm 1801, phát minh của ông đã thu hút được sự chú ý của Vua Napoleon. Jacquard được chính phủ Pháp tài trợ để tiếp tục hoàn thiện công trình của mình. Vải Jacquard được đặt tên theo Joseph Marie Jacquard để tri ân công lao to lớn của ông đến ngành công nghiệp dệt vải ở Pháp thời bấy giờ.

Cho đến ngày nay, máy dệt Jacquard vẫn được sử dụng. Nhưng theo tiến trình phát triển của xã hội, máy dệt Jacquard dần được thay thế bằng các phần mềm lập trình máy tính hiện đại, cho phép sản xuất hàng loạt các thiết kế phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, các loại vải được sản xuất theo công nghệ hiện đại hơn này vẫn mang tên vải Jacquard như một sự tôn kính đối với những cống hiến tuyệt vời mà Joseph Marie Jacquard đã để lại cho thế giới từ nhiều thế kỷ trước.

3. Phân tích ưu, nhược điểm vải Jacquard 

3.1. Ưu điểm vải Jacquard 

Jacquard là một trong những loại vải có độ bền cao
Jacquard là một trong những loại vải có độ bền cao nhất trên thị trường

Jacquard là một trong những loại vải có độ bền cao nhất trên thị trường, đặc biệt là vải thun Jacquard. Bên cạnh độ bền, vải dệt theo công nghệ Jacquard còn có ưu điểm là độ co giãn tốt. Sau một thời gian mặc, vải không có hiện tượng phai màu, nhàu nát hay mất dáng như một số chất liệu khác như vải chiffon hay vải lanh. Chính bởi ưu điểm không bị mài mòn, sờn bạc khi bị cọ sát nên vải jacquard rất được ưa chuộng để sản xuất vỏ bọc nệm, chăn, ga, gối, ghế sofa,… 

Những hoa tiết tinh tế trên vải dệt theo công nghệ Jacquard đem lại tính thẩm mỹ cao. Do hoa văn được dệt trực tiếp trên vải nên chúng rất bền và khó mờ, vượt xa các phương pháp in hay thêu trên vải. Một ưu điểm nữa là vải có màu sắc đa dạng, bạn có thể thoải mái lựa chọn tùy theo thị hiếu cá nhân. 

3.2. Nhược điểm vải Jacquard 

Nhược điểm lớn nhất của vải Jacquard là khó bảo quản. Vải sẽ bị giảm tuổi thọ nhanh chóng nếu bạn liên tục sử dụng các chất tẩy rửa mạnh trên bề mặt vải. Ngoài ra, bạn cũng không nên phơi vải trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời và hạn chế dùng bàn ủi nhiệt độ cao trên 30 độ C. Một số biến thể của vải Jacquard như vải cotton jacquard, vải CVC jacquard,… dễ bị xù lông sau một thời gian sử dụng.

 vải Jacquard khó bảo quản.
Nhược điểm lớn nhất của vải Jacquard là khó bảo quản.

4. Ứng dụng vải Jacquard

4.1. May mặc 

Vải Jacquard được ứng dụng rộng rãi trong ngành may mặc do có tính thẩm mỹ cao, độ bền tốt. Jacquard được nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới ưa chuộng. Bạn sẽ thường xuyên bắt gặp vải Jacquard trên các sàn diễn thời trang đẳng cấp nhất, chẳng hạn như Haute Contour. Vải Jacquard phục vụ cho các show thời trang này có mẫu họa tiết vô cùng nghệ thuật và độc đáo, được thiết kể bởi những con người tài năng nhất trong địa hạt nghệ thuật sáng tạo này.

4.2. Nội thất

Với những đặc trưng như độ bóng tự nhiên, bền, họa tiết tinh tế, vải Jacquard cũng được ưa chuộng trong ngành sản xuất nội thất. Chúng được dùng để bọc các vật dụng như ghế sofa, đèn ngủ, rèm cửa, thảm trang trí,… 

Vải Jacquard trong nội thất
Vải Jacquard cũng được ưa chuộng trong ngành sản xuất nội thất

4.3. Chăn ga gối 

Vải Jacquard còn được ứng dụng để may các bộ chăn ga gối. Bên cạnh họa tiết bắt mắt, độ bền cao, vải Jacquard khá thoáng khí, thấm hút mồ hôi tốt nên không gây hầm lưng, bí bách cho người nằm. Ngoài ra, vải có khả năng kháng khuẩn hiệu quả, lại khó bám bụi do bề mặt vải trơn bóng nên rất an toàn cho sức khỏe của người sử dụng. 

Đọc thêm: Top 20 ga giường mùa hè lý tưởng nhất cho năm 2022

KẾT LUẬN

Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích liên quan đến vải Jacquard và thôi không lăn tăn về dòng vải này nữa nhé!

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Vua Nệm

Mang sứ mệnh "Nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua trải nghiệm giấc ngủ tuyệt vời, được cá nhân hoá cho riêng bạn", Vua Nệm nỗ lực cải thiện sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng có những nhu cầu khác nhau. Chúng tôi mong rằng bạn sẽ được trải nghiệm giấc ngủ không chỉ “ngon” mà còn là cảm giác thư giãn, tràn đầy năng lượng để tận hưởng cuộc sống.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM