Khi xã hội ngày càng tiến bộ và cởi mở, giới trẻ không chỉ có cơ hội thể hiện mình nhiều hơn mà còn được phép tự do quyết định cũng lựa chọn mọi thứ trong cuộc sống. Điều này đã dẫn đến nhiều xu hướng thịnh hành, trong đó có sống thử trước hôn nhân. Tuy nhiên, trào lưu này hiện vẫn đang là một đề tài bàn luận vô cùng sôi nổi – không chỉ vì nó đi ngược lại với truyền thống Á Đông mà còn bởi những ưu – nhược điểm mà chúng ta cần xem xét lại. Mời bạn cùng Vua Nệm tìm hiểu về vấn đề ‘nổi cộm’ này thông qua bài viết dưới đây.
Nội Dung Chính
1. Vài nét về sống thử trước hôn nhân
1.1 Sống thử trước hôn nhân là gì?
Theo Wikipedia, sống thử trước hôn nhân (hay sống thử) là hiện tượng xã hội mà trong đó, các cặp đôi có mối quan hệ tình cảm chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa tổ chức hôn lễ cũng như đăng ký kết hôn. Họ đều là những người độc thân, ‘góp gạo thổi cơm chung’ dựa trên tinh thần tự nguyện và không có bất cứ ràng buộc pháp lý nào với nhau. Mục đích của việc này là dành thời gian tìm hiểu đối phương, cùng nhau tạo dựng một ‘mô hình’ gia đình nhỏ trước khi đi đến quyết định gắn bó lâu dài bằng hôn thú.
Dù đang ngày càng trở nên phổ biến đối với giới trẻ song trên thực tế, sống thử trước hôn nhân vẫn là một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi. Nhất là tại một đất nước đề cao giá trị truyền thống và phẩm giá của người phụ nữ như Việt Nam, điều này lại càng vấp phải sự phản đối gay gắt từ các thế hệ lớn tuổi trong gia đình.
1.2 Sống thử trước hôn nhân có vi phạm pháp luật hay không?
Đối với những cặp vợ chồng, đăng ký kết hôn được xem là một thủ tục bắt buộc và cần thiết. Thông qua đó, mối quan hệ của họ sẽ được pháp luật chính thức công nhận, đồng thời gắn liền với những quyền lợi, nghĩa vụ cũng như ràng buộc pháp lý khác. Nói cách khác, điều này sẽ giúp hai bên có cơ sở để giải quyết những tranh chấp (nếu có) phát sinh trong tương lai.
Tính đến thời điểm hiện tại, việc sống thử trước hôn nhân vẫn chưa được quy định chính thức trong các điều khoản của Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên, theo điều 14 của bộ luật này, các cặp đôi chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật bảo vệ bất cứ quyền và nghĩa vụ nào. Dù vậy, nhà nước ta không hề nghiêm cấm hay có quy định, chế tài xử phạt nào đối với các cặp đôi sống thử tự nguyện – với điều kiện cả hai bên phải còn độc thân.
2. Những ưu điểm và lợi ích của việc sống thử trước hôn nhân
2.1 Tạo điều kiện để hai bên tìm hiểu về mức độ ‘hòa hợp’
Những buổi hẹn hò lãng mạn hay một mối tình hạnh phúc có thể khiến bạn ‘phát cuồng’ lên vì người ấy. Thế nhưng, chừng đó vẫn là không đủ để xác định được rằng cả hai liệu có thể hòa hợp với nhau hay không. Bạn sẽ khó mà hiểu tường tận những thói quen cũng như cách hành xử của người kia nếu chưa sống chung đủ lâu.
Đối với vấn đề này, sống thử trước hôn nhân cho phép bạn xem xét toàn bộ những mặt xấu – tốt của đối phương trong sinh hoạt hàng ngày, từ đó cân đối những điểm không tương đồng đang tồn tại. Bạn và đối phương có thể quyết định thỏa hiệp, hạ thấp cái tôi cá nhân và hành động vì nhau nếu thực sự muốn tiến đến kết hôn.
2.2 Cho phép các cặp đôi thảo luận về quan điểm và cách giải quyết mâu thuẫn
Có rất nhiều thứ mà các cặp đôi phải thảo luận và thống nhất trước khi điền tên vào giấy đăng ký kết hôn. Quan trong hơn cả là những quyết định về trách nhiệm tài chính, quan điểm về vai trò của chồng – vợ trong gia đình, nghĩa vụ đối với hai bên cha mẹ và con cái, công việc,… Đây cũng chính là thời điểm mà việc sống thử có thể phát huy tác dụng: giúp hai bên có thời gian để đồng hành, chia sẻ cũng như bàn bạc với nhau.
Ở một phương diện khác, mâu thuẫn là điều mà không một mối quan hệ nào có thể tránh khỏi, đặc biệt là đối với đời sống vợ chồng. Nhìn nhận một cách tích cực, bất đồng quan điểm không phải lúc nào cũng gây ra mệt mỏi hay đổ vỡ, bởi lẽ nó cũng là một phương thức hiệu quả giúp hai bên thấu hiểu lẫn nhau. Quá trình sống thử trước hôn nhân sẽ tạo điều kiện để các cặp đôi học cách tôn trọng, nhường nhịn và hòa giải khi gặp vấn đề.
2.3 Giảm bớt sự lo lắng và căng thẳng tiền hôn nhân
Quyết định ‘thu nhỏ’ tự do cá nhân và cam kết gắn bó với một ai đó chưa bao giờ là một điều đơn giản, nhất là khi bạn liên tục phải đối diện với những áp lực với những luồng thông tin không mấy tích cực về hôn nhân. Điều này đã gây nên tâm lý ‘sợ kết hôn’ ở nhiều người, khiến họ chỉ muốn yêu chứ không muốn cưới.
Để giải quyết phần nào tình trạng này, sống thử có thể được xem là một giải pháp hiệu quả. Một khi dọn về ở cùng nhau, bạn vừa có thể đồng hành cùng đối phương, vừa tìm cách để để dung hòa lối sống độc thân và thích nghi dần với nhịp sống vợ chồng. Cách thức này hứa hẹn giúp cả hai phần nào giảm thiểu được những lo lắng và căng thẳng tiền hôn nhân hiệu quả.
2.4 Tiết kiệm chi phí sinh hoạt
Sống thử không chỉ mang đến sự an ủi, hỗ trợ về mặt tinh thần đáng kể mà còn có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí sinh hoạt đáng kể. Thay vì chi trả các khoản phí riêng lẻ, khi dọn về ở chung, hai người có thể cùng nhau san sẻ tiền nhà, tiền điện nước hay ăn uống,… Đây được xem là lợi ích ‘dễ thấy’ nhất của sống thử, hỗ trợ song phương trong việc giải quyết những vấn đề về tài chính.
3. Những nhược điểm của việc sống thử trước hôn nhân
3.1 Sự phản đối và định kiến từ gia đình, xã hội
Như đã nói ở trên, những cặp đôi quyết định sống thử trước hôn nhân thường phải đối diện với sự phản ứng gay gắt từ phía gia đình, đặc biệt là ông bà, cha mẹ. Nguyên nhân dẫn đến sự phản đối này chính là những định kiến xã hội đã ăn sâu vào tư duy thế hệ, liên quan đến đức hạnh cũng như phẩm chất bắt buộc ở người phụ nữ. Điều này đã dẫn đến những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng – trong đó nữ giới thường là phía chịu tổn thất nhiều hơn.
3.2 Tổn thương tâm lý nếu mối quan hệ gặp trục trặc hoặc đổ vỡ
Một khi mối quan hệ rơi vào trục trặc hay đổ vỡ, những cá nhân đã từng sống thử – đặc biệt là phái nữ sẽ phải hứng chịu những sự đánh giá, chỉ trích và coi thường từ nhiều phía, bao gồm cả bạn bè, người thân và xã hội. Họ sẽ bị xem là lăng loàn, trắc nết, không có giá trị hoặc không biết giữ mình. Lúc đó, bản thân họ không những phải hứng chịu những tổn thương phát sinh từ mối quan hệ mà còn rơi vào tình trạng căng thẳng, tổn thương tâm lý vì sự cô lập, phán xét bên ngoài.
>>>Xem ngay: Yêu đơn phương là gì? Biểu hiện của một tình yêu đơn phương
3.3 Phá vỡ viễn cảnh hôn nhân trong tưởng tượng
‘Vỡ mộng’ là trạng thái thường gặp khi ai đó gặp phải những trở ngại trong quá trình sống thử mà không thể nào dung hòa được. Khi phải đối diện với nhược điểm của người mình yêu thương cùng những vấn đề, cảm xúc tiêu cực mà hai bên không xử lý được, chúng ta thường dễ thất vọng hoặc lâm vào chán nản. Nếu đến cuối cùng mà mọi thứ vẫn chẳng như mong đợi thì điều đó có thể gây nên những rào cản về tâm lý, khiến bạn cảm thấy mất niềm tin vào tình yêu lẫn hôn nhân.
3.4 Mang thai ngoài ý muốn
Theo các nghiên cứu khoa học, chuyện chăn gối (sex) là một yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định đến 70% khả năng hạnh phúc của một mối quan hệ hay một gia đình. Sự ăn ý và hòa hợp trong tình dục được xem như ‘liệu pháp’ gắn kết hiệu quả, gia tăng sự mặn nồng cũng như kết nối hai nửa tình yêu lại với nhau.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể đưa đến những hậu quả khó lường, đặc biệt là việc quan hệ tình dục không an toàn và có thai ngoài ý muốn. Nếu sống chung giúp mối quan hệ giữa hai người bền chặt hơn, cộng với điều kiện tài chính ổn định thì sự hiện diện của đứa con sẽ hoàn thiện một gia đình đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, nếu đôi bên không có công ăn việc làm ổn định hoặc chưa muốn tiến tới hôn nhân thì đây quả thực là một vấn đề hết sức đau đầu.
>>>Đừng bỏ lỡ: True love là gì? 6 dấu hiệu giúp bạn nhận biết True love
4. Có nên sống thử trước hôn nhân hay không?
Các cặp đôi có thể sống thử trước hôn nhân nếu:
– Cả hai bên đều tự nguyện sống chung, sẵn sàng chia sẻ và giải quyết những vấn đề có khả năng phát sinh
– Cả hai đều có ý định kết hôn và muốn sử dụng khoảng thời gian này để đón nhận, hòa hợp với nhau
– Cả hai có công việc và thu nhập ổn định
– Cả hai đều đã chuẩn bị tâm lý vững vàng, đồng thuận được một số nguyên tắc về nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như tiền bạc khi sống chung
– Cả hai được trang bị đầy đủ kiến thức về tránh thai cũng như phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục
Ngược lại, các cặp đôi không (chưa) nên sống thử khi:
– Chưa có ý định kết hôn hoặc chưa sẵn sàng cam kết lâu dài với nhau
– Một trong hai (hoặc cả hai) chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật, không có công việc và thu nhập ổn định
– Chưa được trang bị các kiến thức cần thiết về bệnh lây qua đường tình dục và tránh thai
– Tâm lý yếu hoặc chưa có sự chuẩn bị, thường xuyên bị tác động bởi các định kiến, phán xét từ gia đình, cộng đồng hay xã hội
– Đứng trước sự phản đối và cấm cản nghiêm trọng từ gia đình
– Sống thử với nhau vì nhu cầu tình dục
Có thể nói, sống thử trước hôn nhân cũng giống như một ‘lớp học vỡ lòng’, nơi bạn được làm quen về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của người vợ và người chồng thật sự. Mặc dù đây vốn là vấn đề thuộc về quyền quyết định của mỗi cá nhân, tuy nhiên bạn vẫn nên cân nhắc thật kỹ vì tương lai của cả hai phía. Cảm ơn bạn đã quan tâm và đón đọc bài viết của Vua Nệm.
>>>Đọc thêm: