Trên thị trường hiện nay có bán rất nhiều loại thuốc nhuộm vải khác nhau. Nhưng đâu mới là loại thuốc nhuộm vải tốt và được sử dụng phổ biến nhất. Với những ai chưa biết thuốc nhuộm vải là gì, cũng như làm thế nào chọn được loại thuốc nhuộm vải phù hợp với từng loại trang phục, thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Vua Nệm nhé!
Nội Dung Chính
1. Thông tin chung về thuốc nhuộm vải
1.1. Thuốc nhuộm vải là gì?
Thuốc nhuộm vải là một tổ hợp bao gồm nhiều màu sắc khác nhau, có công dụng tạo nên màu sắc cho các vật liệu, đồ dùng, theo từng nhu cầu, nhất là quần áo. Trên thị trường hiện nay, ngoài các loại trang phục màu sắc cơ bản thì những loại trang phục với màu sắc bắt mắt, ấn tượng, ngày càng được đón nhận và sử dụng phổ biến.
Thuốc nhuộm vải hay phẩm nhuộm màu là những hợp chất có nguồn gốc từ vô cơ hoặc hữu cơ. Thuốc nhuộm vô cơ là những loại thuốc nhuộm có nguồn gốc từ tự nhiên như cây cỏ, hoa lá,… Còn thuốc nhuộm hữu cơ hay thuốc nhuộm tổng hợp thì sẽ do con người tạo ra.
Hiện nay, thuốc nhuộm vải được sản xuất với rất nhiều màu sắc và chủng loại. Trong đó, mỗi loại thuốc nhuộm vải sẽ có đặc điểm, tính năng khác nhau để phù hợp với từng chất liệu.
1.2. Nguồn gốc của thuốc nhuộm vải
Không phải là đến tận bây giờ con người mới biết sử dụng thuốc nhuộm vải để nhuộm màu cho quần áo. Trên thực tế, từ thời xa xưa, con người đã biết sử dụng những loại thực vật như rau củ, hoa quả, để tạo ra các loại nhuộm màu. Điển hình là ở Gruzia người ta đã tìm thấy sợi lanh nhuộm. Và theo các nhà khảo cổ thì nguyên liệu này tồn tại ở khoảng 36.000 năm trước.
Ngoài Gruzia thì Phoenicia hay Ấn Độ cũng là những quốc gia mà trang phục nhuộm màu phổ biến. Ở Trung Quốc, từ 2000 năm trước, con người đã biết dùng cây cỏ tím để tạo màu cho quần áo. Tuy nhiên, loại cỏ này khá hiếm nên loại thuốc nhuộm được sản xuất từ loại cây này có giá thành tương đối đắt đỏ. Ngoài cây cỏ tím, người Phoenicia còn biết tạo ra 1 kg thuốc nhuộm màu tím từ 8000 con ốc.
Thuốc nhuộm hữu cơ được tổng hợp lần đầu tiên bởi William Henry Perkin. Tuy nhiên, loại thuốc nhuộm này được ra đời trong quá trình tạo ra thuốc trị sốt rét, với tên gọi thuốc nhuộm tím anilin. Tiếp đó, thuốc nhuộm màu chàm cũng được con người tạo ra. Chính sự phổ biến của loại thuốc nhuộm này mà vào năm 1897, cây chàm được trồng khá phổ biến ở Ấn Độ. Theo ước tính, có đến 65.000 ha đất được sử dụng để trồng cây chàm vào thời điểm này.
Ngày nay, thuốc nhuộm hóa học ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó, thuốc nhuộm azo với đa dạng màu sắc như đỏ, vàng, cam, xanh,… luôn là sự lựa chọn số 1, được đông đảo khách hàng quan tâm.
Ngoài thuốc nhuộm vải azo thì Anthraquinon cũng là loại thuốc nhuộm được sử dụng rộng rãi hiện nay. Với loại thuốc nhuộm này thì hợp chất alizarin, với khả năng phát quang lấp lánh, màu đỏ cam là quan trọng nhất. Năm 1871, một loại thuốc nhuộm màu xanh tên gọi là xanh sĩ lâm được tổng hợp. Năm 1901, loại thuốc nhuộm này được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống nhờ vào khả năng bám màu và độ bền cao.
Từ những nền móng trên mà ngày nay, có rất nhiều loại thuốc nhuộm được sản xuất, nhằm phục vụ nhu cầu của con người. Dẫu vậy, các loại thuốc nhuộm tổng hợp khá độc hại, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường. Do đó, mặc dù thuốc nhuộm tự nhiên có giá thành khá cao, nhưng con người vẫn chú trọng sử dụng, nhằm hướng đến một thời trang bền vững.
2. Những loại thuốc nhuộm vải nào được sử dụng phổ biến hiện nay?
2.1. Thuốc nhuộm Pigment
Thuốc nhuộm Pigment là một hợp chất không tan trong nước dùng để nhuộm vải. Nó được sản xuất dựa trên sự kết hợp giữa chất hữu cơ và chất vô cơ, do đó bền với tia UV và cho cảm giác mịn hơn những loại thuốc nhuộm vải thông thường. Thuốc nhuộm Pigment ngày nay được ứng dụng nhiều trong dệt may công nghiệp và khi nhuộm, bạn không cần phải nhuộm trước vải.
Khi sử dụng thuốc nhuộm Pigment, bạn cần phải sử dụng đến chất kết dính cation. Hợp chất này tạo sự liên kết cho màu nhuộm giúp bám màu thành công hơn. Nhiều loại trang phục phổ biến ngày nay như áo sơ mi, áo hoodie, áo thun,… đều được nhuộm bằng thuốc Pigment.
Trước khi tiến hành nhuộm Pigment, trang phục cần đảm bảo đường may chỉn chu, hoàn thiện. Màu sắc nhuộm lúc này sẽ mang tông màu cổ điển, ở cạp quần hay đường chỉ sẽ có sự nhạt dần. Nhuộm trang phục theo cách này giúp tạo ra những nét đặc trưng độc đáo, do đó nó được giới trẻ hiện nay cực kỳ săn đón.
Một ưu điểm khác của thuốc nhuộm vải Pigment là khả năng bám dính cao ngay cả trên những chất vải khó bám màu nhất. Điều này giúp cho trang phục luôn bền màu như mới mà chi phí lại không quá tốn kém, ít gây hại cho môi trường.
Sở dĩ thuốc nhuộm Pigment được ưa chuộng đến vậy là vì nó có cấu trúc phân tử nhỏ, khó hòa tan trong nước hoặc dung môi. Lúc này, những phân tử bám vào lõi sợi vải dễ dàng, màu nhuộm theo đó cũng nhanh chóng bám vào vải và gắn kết bền chặt. Mặt khác, trong Pigment có chứa Auxochrome đảm bảo cho chất nhuộm không cháy, an toàn cho người dùng.
2.2. Thuốc nhuộm hoạt tính
Một loại thuốc nhuộm vải khác cũng phổ biến hiện nay là thuốc nhuộm hoạt tính. Thuốc nhuộm này khi xảy ra phản ứng hóa học sẽ tạo nên liên kết cộng hóa trị với xơ vải từ đó tạo nên màu sắc cho vải. Loại thuốc nhuộm này được công ty Imperial Chemical Industries sản xuất thành công vào năm 1950 dựa trên chlorotriazines và những nhóm mang màu.
Trong số những loại thuốc nhuộm hoạt tính, Trichloro Triazine được sử dụng phổ biến nhất. Cụ thể, nó được ứng dụng nhiều cho vải cotton, giúp vải đạt độ bền màu cao và có bề mặt mềm mại, thoáng mát, không gây độc hại. Sở dĩ vải cotton có độ bám màu kém, cần sử dụng những thuốc nhuộm độc tính cao như thuốc nhuộm băng, lưu huỳnh,… Lúc này, thuốc nhuộm hoạt tính là giải pháp thay thế cho những dòng thuốc độc hại kể trên.
Bên cạnh đó, thuốc nhuộm hoạt tính còn dùng cho sợi protein, cellulose và polyamide. Nó tồn tại ở 3 dạng khác nhau là lỏng, bột và nhão. Liên kết cộng hóa trị của thuốc nhuộm hoạt tính giúp vải trở nên bền màu. Tuy nhiên một nhược điểm là thuốc nhuộm tan trong nước nên việc bám màu khá khó khăn.
Mặt khác, thuốc nhuộm vải hoạt tính bền bỉ trước ánh sáng, vải nhuộm vì thế khó bị phai màu hơn khi tiếp xúc với ánh mặt trời. Tuy nhiên, độ bền này chỉ ở mức trung bình trước sự ma sát hay tác động của mồ hôi. Nhuộm vải bằng thuốc nhuộm hoạt tính giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian mà vẫn đảm bảo được màu sắc của vải.
2.3. Thuốc nhuộm axit
Thuốc nhuộm axit hòa tan được trong nước, nhóm axit ở đây là muối natri sulfonat. Ngoài ra, nó còn chứa các thành phần như pyridazine, triarylmethane, quinoline, oxanthene, phthalocyanine,… Trong những loại thuốc nhuộm vải axit, azo là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất. Nó có màu sắc chủ đạo là đỏ, đen, vàng,…
Trong khi đó, anthraquinones – một loại thuốc nhuộm đem đến gam màu tươi sáng – lại bền hơn trước ánh nắng mặt trời. So với Triarylmethane – loại thuốc nhuộm sản xuất với màu xanh dương, đỏ, tím,… thì anthraquinones vẫn có độ bền cao hơn trước ánh sáng.
Chức năng của thuốc nhuộm vải axit là đem đến màu sắc tươi sáng cho trang phục. Nó được ứng dụng nhiều ở những chất liệu vải làm từ polyamide. Ngoài ra, loại thuốc nhuộm này còn phát huy công dụng nhuộm màu cho da, làm mực in,… Mặc dù đem lại hiệu quả cao hơn trên các loại vải len, nylon, lụa,… nhưng thuốc nhuộm axit lại chưa đảm bảo độ bền xử lý ướt giữa các chất liệu.
2.4. Thuốc nhuộm phân tán
Thuốc nhuộm phân tán có độ hòa tan thấp, thành phần không chứa những nhóm ion hóa. Nó cực kỳ thích hợp với những loại vải kỵ nước hay các xơ ester cellulose nhân tạo. Bên cạnh đó, nó còn được ứng dụng nhiều trên những sợi tổng hợp như polyester, nylon, acrylic,…
Một số thử nghiệm cho thấy thuốc nhuộm vải phân tán khi tiếp xúc với ánh sáng có độ bền đạt mức 4 và 5 – một ngưỡng rất cao, do đó nó hầu như không phai màu. Tuy nhiên, một điểm trừ của thuốc nhuộm phân tán là nó gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
>> Xem thêm: Cleandye: công nghệ nhuộm vải không nước giúp tiết kiệm đến 95% năng lượng
Trên đây là những thông tin xoay quanh thuốc nhuộm vải cũng như những loại thuốc nhuộm cho vải được sử dụng phổ biến hiện nay. Qua bài viết, Vua Nệm hy vọng độc giả sẽ tích lũy thêm cho mình những kiến thức hữu ích!