Chuyên gia nệm

Tìm hiểu vải cotton, phân biệt các loại vải cotton hiện nay

CẬP NHẬT 30/12/2021 | BỞI Vua Nệm Team

Chất lượng vải là một trong những yếu tố hàng đầu để người tiêu dùng lựa chọn bộ sản phẩm chăn ga gối nệm. Trong ngành may mặc hiện có rất nhiều chất liệu vải khác nhau, trong đó không thể không nhắc tới vải cotton – loại chất liệu được yêu thích hiện nay. 

Vải cotton là sợi vải được tổng hợp từ nguyên liệu chính là sợi cây bông vải, cùng nhiều nguyên liệu thiên nhiên và các chất hóa học khác kết hợp với nhau. Đây được xem là chất liệu phù hợp nhất trong may mặc do giá cả phù hợp, thoáng mát, co giãn tốt, thấm hút mồ hôi nhanh, màu sắc đa dạng. Trong bài viết này, Vua Nệm gửi tới bạn đọc tất tần tật thông tin về vải cotton cũng như kinh nghiệm phân biệt loại vải này. Cùng bắt đầu nhé! 

1. Lịch sử vải cotton 

1.1. Nguồn gốc của sợi bông trong vải cotton 

Vì vải cotton có nguyên liệu chính là sợi bông nên trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc của sợi bông. Bông là một loại xơ mềm, mịn, mọc trên cây bông. Nó phát triển và mọc quấn quanh hạt của cây. Chất xơ của bông hầu như đều là cellulose nguyên chất.

Bông
Bông là một loại xơ mềm, mịn, mọc trên cây bông.

Theo nghiên cứu, bông đã xuất hiện trong đời sống của con người cổ đại từ ít nhất 5000 năm trước Công Nguyên. Bằng chứng về việc sử dụng bông đã được tìm thấy tại thành phố Mehrgarh, trên đồng bằng Kacchi của Balochistan (Pakistan ngày nay).

Tại đây, người ta tìm thấy những sợi bông lâu đời nhất được bảo quản trong các viên đồng. Một số búp bông lâu đời nhất còn được phát hiện trong một hang động ở thung lũng Tehuacán, Mexico với niên đại khoảng 3600 năm trước Công Nguyên. Bằng chứng về việc sử dụng bông cũng được tìm thấy ở Peru với niên đại khoảng 4500 năm trước Công Nguyên.

1.2. Nguồn gốc vải cotton 

Từ xa xưa, sợi bông đã được các nền văn minh lớn trên thế giới sử dụng để làm vải. Điều kỳ lạ là dường như mỗi nền văn minh đều nghĩ rằng phương pháp dệt vải cotton của họ là duy nhất nhưng hóa ra, phương pháp dệt vải từ sợi bông này cũng được phát hiện và áp dụng song song tại một quốc gia nào đó cách cả nửa bán cầu.

vải cotton
Sợi bông đã được các nền văn minh lớn trên thế giới sử dụng để làm vải

Các nhà khảo cổ phỏng đoán rằng cotton đã xuất hiện cách đây ít nhất 7.000 năm sau khi tìm thấy một vài mảnh vải cotton trong những hang động tại Mexico. Khoảng 3000 năm trước Công Nguyên là thời điểm phương pháp dệt vải cotton bằng sợi bông dần trở nên phổ biến ở các nền văn minh lớn như thung lũng sông Idus (Pakistan ngày nay), thung lũng sông Nin (Ai Cập ngày nay), thung lũng sông Hằng (Trung Quốc ngày nay),…

Nhưng có một điều chắc chắn rằng mãi đến sau này, vải cotton mới được người Châu Âu đưa vào sử dụng, ít nhất là sau những cuộc viễn chinh xâm lược các nền văn minh trên. Một số tài liệu ghi chép lại, khi quân đội của Alexander Đại Đế xâm chiếm Ấn Độ họ mới bắt đầu biết đến và mặc quần áo làm từ vải cotton. Mãi vào thế kỷ thứ 8, sau cuộc chinh phục người Hồi Giáo của đế quốc Tây Ban Nha, vải cotton mới chính thức được phổ biến rộng rãi đến phần còn lại của lục địa Âu Châu. 

Trong thời kỳ Phục hưng, các cuộc thám hiểm và viễn chinh của người Châu Âu đã mở ra một kỷ nguyên rạng rỡ hơn cho vải cotton. Lúc này, công nghệ xử lý bông tại các nước Viễn Đông đã bị “rò rỉ” sang phía tây. Một số thợ thủ công Ấn Độ đã cố gắng bảo vệ bí mật về cách tạo ra các hoa văn sặc sỡ trên vải cotton nhưng một số “con sâu làm rầu nồi canh” khác đã tiết lộ bí mật này cho linh mục Công giáo người Pháp. Như một hệ quả tất yếu, những công thức bí mật này nhanh chóng truyền đến tai người Pháp và họ tiến hành áp dụng nó trong ngành dệt Châu Âu.

bánh xe quay sợi bông
Năm 1350, bánh xe quay mới được giới thiệu tới châu Âu và công nghệ dệt này giúp cải thiện tốc độ kéo sợi bông

Ban đầu, cotton được dệt bằng tay trên khung dệt. Mãi cho đến năm 1350, bánh xe quay mới được giới thiệu tới châu Âu và công nghệ dệt này giúp cải thiện tốc độ kéo sợi bông. Ngày nay, ngành công nghiệp sản xuất vải cotton chủ yếu tập trung ở các nước châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc và Mỹ Latinh. 

2. Quy trình sản xuất vải cotton 

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

Để có nguyên liệu bông đầu vào chất lượng nhất, xơ bông sẽ được thu hoạch theo từng đợt và loạt bỏ các phần kém chất lượng. Bụi bẩn, vỏ thân cây và lá khô dính trên sợi bông được loại bỏ từ bước này.

Việc thu hoạch sẽ diễn ra khoảng tháng 11 – 12, chia ra làm 3 đợt:

Đợt 1: Thu hoạch quả bông ở gốc cây 

Đợt 2: Thu hoạch quả bông ở thân cây (sau khoảng 10 – 15 ngày)

Đợt 3: Thu hoạch quả bông ở ngọn cây (sau 10 – 15 ngày) 

Sau đó, quả bông sẽ được di chuyển qua máy sấy và máy làm sạch để loại bỏ các chất như bụi, vỏ thân cây và lá khô. Sau khi làm sạch hoàn toàn, xơ bông sẽ được tách ra khỏi quả bông. Tiếp theo, các nhà máy sẽ chuyển đến công đoạn xé xơ để tạo độ tơi và mềm mại cho xơ. Xơ bông xé được đưa vào các lò hơi và lọc sạch thêm nhiều lần nữa để loại bỏ các chất bẩn cũng như tạp chất. Lúc này,  bông đã sẵn sàng để được xử lý thành hàng dệt.

thu hoạch bông gòn

Bông gòn khi được thu hoạch 

Bước 2: Kéo sợi

Sau bước 1, xơ bông sẽ được trộn với một hỗn hợp dung dịch đặc biệt và đưa vào máy kéo sợi. Trên các khung kéo sợi này, sợi bông được ép ra từ các lỗ nhỏ ở phần cuối.

Bước 3: Dệt

Trong khâu này, các sợi ngang và sợi dọc sẽ được dệt lại để tạo thành những tấm vải cotton. Khi dệt, các tấm vải cotton sẽ liên tục được phết bóng bằng dầu mỡ để sợi bông trương nở và bắt màu sợi nhuộm. Sau đó, vải cotton sẽ được tẩy trắng để bỏ đi lớp màu tự nhiên, làm sạch vết dầu mỡ. Lúc này, vải cotton đã sẵn sàng cho quy trình nhuộm màu.   

đan các sợi ngang và sợi dọc
Trong khâu này, các sợi ngang và sợi dọc sẽ được dệt lại để tạo thành những tấm vải cotton.

Bước 4: Nhuộm màu 

Nhuộm màu là quy trình cuối cùng để tạo thành vải cotton hoàn chỉnh. Một số hóa chất như thuốc nhuộm hoặc chất phụ gia sẽ được thêm vào để giúp sợi vải dễ bắt màu. Sau mỗi lần nhuộm, vải sẽ được mang đi giặt nhiều lần để loại bỏ các vết bẩn và sợi vải vụn còn sót lại. Cuối cùng là đến công đoạn wash vải để làm mềm vải, tăng độ bền. Sau bước này, chúng ta đã có thành phẩm cuối cùng là những tấm vải cotton chất lượng. 

Quy trình sản xuất vải cotton 

3. Phân loại vải cotton 

3.1. Vải cotton Ai Cập (Egyptian cotton)

Đây là loại cotton được dệt từ sợi cotton dài từ 33-44mm có nguồn gốc từ Ai Cập và được dệt theo tiêu chuẩn dệt satin nên dù dày dặn nhưng vẫn mềm mượt và óng ả hơn rất nhiều so với dòng cotton khác. Vải cotton Ai Cập có ưu điểm là không co vải, không phai màu, độ bám màu cực tốt.

 cotton ai cập
Bộ chăn ga phủ canada cotton ai cập

3.2. Vải cotton Satin

Cotton Satin là loại cotton sử dụng những sợi vải được se nhỏ hơn, có mật độ 300 sợi/inch vuông nhờ vậy mặt vải mỏng và mềm nhưng vẫn có độ bền và thấm hút ẩm tốt.

3.3. Vải cotton gấm (Cotton jacquart – Cotton giắc cát)

Đây là loại cotton được dệt họa tiết lên bề mặt vải. Cotton gấm chỉ sử dụng một lớp vải cotton duy nhất và các họa tiết được tạo nên bằng cách thay đổi kiểu dệt tại một số điểm nhất định trên mặt vải để làm nên hoa văn chìm nổi trên bề mặt vải.

3.4. Vải cotton lụa (Cotton silk)

Cotton lụa
Cotton lụa là sự kết hợp hoàn hảo giữa chất liệu cotton thiên nhiên và sợi tơ tằm

Cotton lụa là sự kết hợp hoàn hảo giữa chất liệu cotton thiên nhiên và sợi tơ tằm thượng hạng. Thay vì kết hợp với chất liệu Polyester như thông thường, cotton được pha với chất liệu cao cấp hơn là tơ tằm nhằm tăng sự thoải mái cho người tiêu dùng, đồng thời tăng độ bền cho chất liệu tơ tằm 100% với mức giá phải chăng hơn.

3.5. Vải cotton 65/35 

Cái tên nói lên tất cả, loại vải cotton 65/35 (hay còn gọi là CVC) là loại vải được pha trộn giữa hai loại sợi Polyester (PE) và vải cotton theo tỷ lệ 65:35. Nhờ tỷ lệ này mà vải CVC có tuổi thọ khá cao, độ đàn hồi và thấm hút mồ hôi tốt. 

3.6. Vải cotton 35/65

Vải cotton 35/65
Vải cotton 35/65 (hay còn gọi là tixi) là loại vải có tỉ lệ kết hợp giữa hai loại sợi Polyester

Ngược lại với CVC, vải cotton 35/65 (hay còn gọi là tixi) là loại vải có tỉ lệ kết hợp giữa hai loại sợi Polyester và vải cotton là 35:65. Với tỉ lệ này, điểm nổi bật của vải nằm ở sự mềm mại, co giãn, thoáng mát, rất thích hợp để sản xuất áo thể thao và áo thun mùa hè

3.7. Vải cotton 100%

Vải cotton 100% chỉ bao gồm chất liệu cotton được xử lý nhuộm màu, chống nấm bọ và vi khuẩn gây hại cùng các chất hóa học kết hợp khác mà không có thêm tỉ lệ loại vải nào khác. Cotton 100% có đặc điểm là cứng nhưng độ thông thoáng, độ bền và độ thấm hút mồ hôi vô cùng lợi hại, phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Tuy vậy, giá thành của sản phẩm này khá “đau túi”.

3.8. Vải cotton borip 

Cotton borip
Cotton borip được sản xuất bằng 100% chất liệu cotton.

Cotton borip được sản xuất bằng 100% chất liệu cotton. Điểm khác biệt của cotton Borip nằm ở phương pháp dệt loại vải này. Cotton borip được dệt giống như phương pháp đan len, nên thường có hoa văn và họa sắc phong phú. Vải có khả năng thấm hút mồ hôi tốt và khá mềm mại khi tiếp xúc với da. Chính vì thế, cotton borip được ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất quần áo cho trẻ em và trẻ sơ sinh.

3.9. Vải cotton 4 chiều (Cotton Spandex)

Vải cotton Spandex là loại vải kết hợp giữa cotton và chất liệu spandex. Người ta pha chất liệu Spandex để tạo ra khả năng co giãn cho sản phẩm. Điểm nổi bật của vải cotton pha spandex là độ co giãn, độ thoáng và khả năng kháng khuẩn cao. Khi tiếp xúc với da, vải đem lại cảm giác mềm mượt như lụa nhưng giá thành lại vô cùng phải chăng.  

Khi dệt vải, sợi cotton và sợi spandex được dệt xen kẽ với nhau tùy theo mức độ để tạo ra vải cotton 2 chiều hay 4 chiều. Cotton spandex được gọi là vải cotton 4 chiều là bởi vải có tỉ lệ pha 95% cotton, 5% spandex và có thể co giãn được theo 4 chiều, ôm lấy cơ thể người mặc theo nhiều hướng, không tạo ra sự gò bó. Vải cotton 4 chiều thường được ưa chuộng bởi những người chơi thể thao, vận động mạnh.

Vải cotton Spandex
Vải cotton Spandex là loại vải kết hợp giữa cotton và chất liệu spandex.

Cotton 2 chiều bị hạn chế hơn với số chiều co giãn so với cotton 4 chiều. Tuy nhiên cotton 4 chiều có giá thành cao hơn cotton 2 chiều do sợi Spandex có giá thành mắc hơn rất nhiều so với sợi cotton và vải cotton 4 chiều có tỉ lệ sợi spandex cao hơn cotton 2 chiều. 

3.10. Bio cotton nhập khẩu  

Bio cotton nhập khẩu sử dụng vải Bio Cotton nhập khẩu sang trọng với tính năng chống vi khuẩn nấm mốc. Người dùng sẽ không phải lo lắng về các vấn đề ngứa ngáy, khó chịu khi sử dụng loại vải này. Đặc biệt, loại vải có tính thẩm mỹ rất cao góp phần khẳng định đẳng cấp của người dùng. 

4. Phân tích ưu nhược điểm vải cotton

Mặc dù vải cotton có nhiều loại khác nhau nhưng xét về tổng thể các loại vải này đều có nguồn gốc từ sợi bông và có những ưu, nhược điểm chung như sau:  

4.1. Ưu điểm vải cotton 

vải cotton
Điểm nổi bật của vải cotton là khả năng đem lại độ thoáng mát tuyệt vời cho người mặc.

Điểm nổi bật của vải cotton là khả năng đem lại độ thoáng mát tuyệt vời cho người mặc. Vải cotton thấm hút mồ hôi rất tốt, lại có độ bền cao nên chất liệu này thường các hãng sản xuất đồ thể thao ưa chuộng.

Vải cotton có độ hiển thị màu sắc và hoa văn sắc nét làm tăng tính thẩm mỹ của những bộ trang phục được may bằng loại vải này. Bên cạnh đó, giá thành của vải cotton cũng khá phải chăng so với chất lượng đem lại. Khâu giặt giũ và phơi phóng cũng tương đối đối dễ dàng, bạn có thể giặt bằng tay hoặc dùng máy giặt đều được.

4.2. Nhược điểm vải cotton 

Vải được làm từ 100% cotton đem lại cảm giác khá thô ráp khi sờ vào. Tuy nhiên, các dòng vải cotton có pha thêm spandex sẽ có cảm giác mềm mại hơn. 

Vải cotton nhìn chung đều gặp tình trạng co rút và nhăn nhúm khi giặt, quả thực chẳng lý tưởng chút nào với những ai có cuộc sống bận rộn và không thể dành thời gian mỗi sáng để ủi quần áo phải không? Ngày nay, một số chất liệu như cotton pha lụa, cotton pha satin đã khắc phục được tình trạng này và bạn có thể tìm mua chúng nếu vẫn yêu thích chất liệu cotton. 

Vải được làm từ 100% cotton
Vải được làm từ 100% cotton đem lại cảm giác khá thô ráp khi sờ vào.

5. Ứng dụng của vải cotton 

5.1. Ngành may mặc 

Có thể thấy, một trong những ứng dụng rộng rãi nhất của vải cotton chính là quần áo và đồ lót. Hầu hết các mẫu quần lót hiện nay đều sử dụng chất liệu cotton pha vì cotton thoáng khí, thấm nước và mềm mại, rất lý tưởng để sử dụng trong các sản phẩm may mặc lót gần với cơ thể.

Các sản phẩm áo, quần thể thao dành cho vận động viên cũng chủ yếu sử dụng vải cotton pha spandex bởi vì chúng có khả năng ôm sát hình thể người mặc và thấm hút mồ tốt. Các ông lớn trong ngành kinh doanh đồ thể thao như Nike, Adidas,… đều là fan trung thành của loại vải này. 

5.2. Ngành Chăn Ga Gối 

Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá liệu một sản phẩm chăn ga gối có chất lượng không chính là khả năng thấm hút mồ hôi. Và với tiêu chí này, có lẽ ít có dòng vải nào có thể qua mặt được vải cotton và có giá thành tốt như vải cotton. Bên cạnh khả năng thấm hút mồ hôi, sự mềm mịn của các dòng vải cotton pha cũng là điểm cộng lớn giúp cotton được ưa chuộng trong ngành chăn ga gối. 

Các dòng vải cotton pha
Các dòng vải cotton pha cũng là điểm cộng lớn giúp cotton được ưa chuộng trong ngành chăn ga gối

Trên thị trường hiện nay, hầu hết các sản phẩm như khăn mặt, khăn tắm,… đều được làm từ vải cotton. Đây cũng là chất liệu tốt nhất để sử dụng trong nhà tắm và nhà bếp.

6. Kinh nghiệm phân biệt vải cotton và vải cotton pha

6.1. Cảm nhận sợi vải

Vải chuẩn 100% cotton sẽ đem lại cảm giác mịn, mát khi sờ vào. Nếu bạn muốn kiểm tra kỹ hơn, bạn có thể vò mạnh miếng vải, nếu mặt vải bị nhàu thì đây chính là cotton chuẩn. Đối với các dòng cotton thun pha khác, vải thường không bị nhàu khi vò. 

6.2.  Đốt vải 

Với mẹo kiểm tra này, bạn có thể cắt một mảnh vải nhỏ và đốt đi. Vải cotton 100% tự nhiên khi cháy thường không có mùi khét như nhựa. Nhiều người miêu tả rằng nếu bạn ngửi thấy mùi gỗ thoát ra từ khói vải thì đây chính là vải xịn. 

kiểm tra vải cotton thật giả

                  Bảng nhận biết vải cotton 100%

6.3. Độ thấm nước

Nếu là vải 100% cotton, vải thấm nước nhanh và đều hết bề mặt do nguyên liệu chính là sợi bông. Đối với các dòng vải pha như vải cotton spandex, vải cotton PE,…  bề mặt vải thấm nước không đều và thấm rất chậm. 

KẾT LUẬN

Có thể thấy, chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn chất liệu vải cotton tùy thuộc vào nhu cầu, sở thích và điều kiện tài chính. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích liên quan đến vải cotton và cách nhận biết vải cotton chuẩn. Chúc bạn sớm tìm được chất liệu vải ưng ý nhất cho bản thân nhé!

Bài viết liên quan:

Vua Nệm Team
Vua Nệm Team