Mặc cảm là gì? Phân loại và cách vượt qua mặc cảm hiệu quả nhất

CẬP NHẬT 15/09/2024 | Bài viết bởi: Dương Ly
Banner Black Friday

Có thể nói, hầu như tất cả chúng ta đều phải trải qua cảm giác thất vọng, yếu đuối và chán nản nhiều lần trong đời. Tuy nhiên, khi những tâm lý tiêu cực này bị tích trữ hoặc dồn nén lại, chúng có thể sẽ dẫn đến trạng trái mặc cảm cá nhân, gây tổn hại đáng kể về mọi mặt đời sống. Vậy mặc cảm là gì? Đâu là cách vượt qua mặc cảm hiệu quả nhất? Bài viết của Vua Nệm sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc nói trên.

1. Vài nét về mặc cảm

1.1 Mặc cảm là gì?

Theo từ điển mở Wiktionary, mặc cảm được hiểu là trạng thái buồn tủi, tự ti khi nhận thấy bản thân thua kém những người xung quanh. Khi rơi vào tình huống này, chủ thể thường cảm thấy khó chịu, bức bối và không có cách nào để thoát ra. Mặt khác, một người cũng có thể trở nên mặc cảm vì không quên được những lỗi lầm trong quá khứ hoặc cho rằng cuộc sống này không diễn biến theo ý muốn của mình. 

mặc cảm là gì
Mặc cảm là trạng thái tự ti khi nhận thấy mình thua kém người khác

Nhìn chung, đây là một vấn đề tâm lý phức tạp, khó giải quyết tức thời và khiến cho người ta trở nên uể oải, chán chường, sống khép kín. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học, việc chủ động tìm hiểu và nắm được ‘mặc cảm là gì’ chính là bước đầu tiên cần thực hiện trong tiến trình chữa lành, đưa bản thân thoát ra khỏi ‘cánh cung’ luôn kìm kèm bản ngã bấy lâu nay.

1.2 Vai trò của mặc cảm

Tương tự như những cơ chế phản ứng tâm lý khác, mặc cảm cũng nên được nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Cụ thể:

– Tích cực: mặc cảm giúp con người nhìn ra những thiếu sót và khuyết điểm của bản thân, từ đó có động lực để cố gắng khắc phục

– Tiêu cực: nếu là người yếu tâm lý, chứng tâm lý này có thể khiến chúng ta chìm sâu vào cảm giác thua kém, tuyệt vọng và dễ buông xuôi tất cả. Trong một vài trường hợp, tâm lý mặc cảm còn làm cho con người trở nên dễ nóng giận, bốc đồng, tự tôn quá mức và dễ tự ái

mặc cảm có tác động tích cực và tiêu cực
Chúng ta nên nhìn nhận mặc cảm từ những góc độ khác nhau

1.3 Cơ chế tự vệ của mặc cảm

Thông thường, khi cảm thấy bản thân thiếu thốn thứ gì, con người sẽ càng tìm cách chứng tỏ rằng bản thân tràn đầy những điều ấy. Đây là một phản ứng phòng vệ mang tính bản năng, tuy nhiên lại ít khi được chúng ta để ý đến. Tương tự như thành ngữ ‘thùng rỗng kêu to’, những người mang tâm lý mặc cảm thường sử dụng các cơ chế tự vệ như sau:

– Thu mình: ban đầu, trạng thái này sẽ tồn tại dưới vỏ bọc là sự nhút nhát, luôn sợ mắc phải sai lầm và không dám nhận trách nhiệm hay trải nghiệm bất cứ điều gì mới. Về lâu dài, điều này sẽ khiến cho họ trở nên ngại tiếp xúc, sống thu mình để không phải kết nối với bất kỳ ai

cơ chế tự vệ của mặc cảm
Người mặc cảm về bản thân thường sống khép kín

– Trở thành một người khó hòa đồng hay gần gũi: để không bị động chạm đến sự mặc cảm bên trong, nhiều người chọn giấu bản thân dưới vỏ bọc lạnh lùng, bất cần, thậm chí là tỏ ra tàn nhẫn. Cách ‘ngụy trang’ này sẽ khiến người khác tránh xa họ, đồng thời không thể phát hiện ra những lo lắng và mâu thuẫn bên trong

– Thường xuyên tìm cách chọc ngoáy, soi mói và phê bình người khác: đây là cách thức ‘chống phá’ hữu hiệu thường gặp ở những người có xu hướng có tâm lý này. Dù vô tình hay cố ý, hành động của họ đều nhằm mục đích kéo những người khác xuống, để họ rơi vào tình cảnh giống mình và thoát khỏi cảm giác tự ti hiện tại

2. Phân loại các dạng mặc cảm thường gặp

2.1 Mặc cảm tội lỗi

Đúng như tên gọi, mặc cảm tội lỗi là trạng thái mà trong đó, chủ thể hành động bị ám ảnh liên tục bởi cảm giác có lỗi. Họ luôn thấy mình có trách nhiệm, liên đới hoặc ân hận về một hành động hay vấn đề nào đó từng xảy ra trong quá khứ. Điều này thường xảy ra khi người ta làm một việc gì đó mà theo họ là xung đột với những giá trị, nguyên tắc sống của bản thân cũng như chuẩn mực mà xã hội quy định. Mặc cảm tội lỗi có thể kéo dài trong vài ngày, vài tháng, thậm chí là ảnh hưởng suốt cả đời.

mặc cảm tội lỗi
Mặc cảm tội lỗi khiến người ta bị ám ảnh quá mức vì sai sót và lỗi lầm của mình

2.2 Mặc cảm tự ti

Theo Hiệp Hội Tâm lý học Hoa Kỳ, mặc cảm tự ti là cảm giác bất an, thiếu chắc chắn về bản thân, hình thành từ những khiếm khuyết đáng kể về tâm lý hoặc thể chất. Người sống với loại mặc cảm này thường xuyên cảm thấy tự ti, kém cỏi. Họ sống với những ám ảnh cũng như suy nghĩ tiêu cực về chính mình và rất dễ bị ‘cuốn theo’ nó. 

mặc cảm tự ti
Mặc cảm tự ti là cảm giác bất an và thiếu chắc chắn về bản thân

Tự ti thường xuất phát từ các trải nghiệm và tình huống thực tế. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nó cũng có thể bắt nguồn từ những tưởng tượng của con người. Một số biểu hiện của mặc cảm tự ti bao gồm:

– Cảm giác bản thân không đủ giỏi, không đủ tốt, không có khả năng thành công và phát triển

– Khó kiên trì và dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn

– Suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề, dẫn đến lo lắng và u buồn, chán nản

– Nhạy cảm trước những lời nhận xét, phê bình

– Cầu toàn quá mức  

2.3 Mặc cảm tự tôn

Để che giấu cảm giác thua kém và tầm thường, nhiều người lại chọn cách tỏ ra kiêu ngạo, phóng đại những suy nghĩ về năng lực cũng như tính cách của bản thân. Tâm lý ‘bù đắp’ này được gọi chung là mặc cảm tự tôn, chủ yếu gặp ở những cá nhân tự ti thái quá. Một trong những nguyên nhân chủ yếu cấu thành nên trạng thái này chính là kỳ vọng quá mức đến từ cá nhân, gia đình và xã hội. 

Một người có mặc cảm tự tôn thường:

– Tự tin quá mức và luôn cho rằng mình nói đúng

– Bị ám ảnh quá mức bởi vẻ ngoài, luôn chải chuốt và đầu tư vào những món đồ xa xỉ

– Sống tách biệt, hạn chế tối đa các mối quan hệ gần gũi, thân thiết

– Thích được khen ngợi, tán dương

mặc cảm tự tôn
Mặc cảm tự ti và tự tôn là hai mặt của đồng xu

Mặc dù bộc lộ như hai thái cực có phần đối lập song trên thực tế, mặc cảm tự ti và tự tôn tồn tại giống như hai mặt của một đồng xu. Điểm chung của chúng là những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại, bao gồm những hình ảnh phiến diện và gây suy giảm giá trị cá nhân.

3. Cách vượt qua mặc cảm hiệu quả nhất

3.1 Vượt qua mặc cảm tội lỗi

Để bước ra khỏi tội lỗi, việc đầu tiên bạn cần làm chính là chấp nhận những gì đã xảy ra và biết rằng chúng ta không thể nào sửa chữa hay thay đổi quá khứ. Tiếp theo, hãy thử lùi lại một bước, đặt bản thân vào vị trí của một người ngoài cuộc để nhìn nhận lại toàn bộ sự việc bằng góc nhìn trung lập nhất. 

cách vượt qua mặc cảm
Chấp nhận những gì đã xảy ra là bước đầu tiên để vượt qua mặc cảm tội lỗi

Sau khi hoàn tất việc ‘hợp lý hóa vấn đề’, đừng quên nhắc nhở bản thân nguyên nhân và lý do khiến bạn hành xử như vậy, từ đó rút ra bài học cụ thể cần ghi nhớ. Tất cả chúng ta đều có vài lần lầm lỡ, tuy nhiên điều quan trọng là biết cách thay đổi và bước tiếp mà không mắc phải những chuyện tương tự nữa.

>>Đọc thêm:

3.2 Cách vượt qua mặc cảm tự ti

Tưởng chừng đơn giản song sự tự ti có thể phát triển thành các vấn đề tâm lý nguy hiểm nếu không được nhìn nhận và xử lý đúng cách. Để thoát khỏi cái bẫy nói trên, bạn có thể:

– Thực hành liệu pháp ‘tự đối thoại nội tâm’, từ từ loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực về bản thân và thay thế chúng bằng những ‘tiếng nói’ lạc quan, tích cực

– Thay đổi góc nhìn và cách nhận thức: đừng quên rằng mỗi người đều có những ưu điểm và cá tính riêng, do đó bạn hoàn toàn có thể thực hiện mọi thứ theo cách của chính mình

Thay đổi góc nhìn giúp bạn xóa bỏ mặc cảm tự ti
Thay đổi góc nhìn giúp bạn xóa bỏ mặc cảm tự ti

– Tập trung ‘gia cố’ những ưu điểm thay vì xoáy sâu vào khuyết điểm. Cách làm này sẽ giúp bạn khôi phục lại sự tự tin, lòng tự tôn và không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi những khía cạnh chưa toàn vẹn ở bản thân

– Học cách thử và sai

– Chọn lọc và xây dựng những mối quan hệ lành mạnh

>>>Tìm hiểu thêm: Sống giản dị là gì? Lợi ích, biểu hiện của người sống giản dị

3.3 Cách vượt qua mặc cảm tự tôn

Vì không được chẩn đoán chính thức nên mặc cảm tự tôn chỉ dừng lại ở một biểu hiện tâm lý bất thường, gây khó khăn và cản trở mọi người tận hưởng cuộc sống. Nếu cảm thấy bản thân hoặc những người xung quanh có bất cứ biểu hiện nào của trạng thái này, đừng ngần ngại chia sẻ với nhau hoặc tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chủ động tìm hiểu để ‘đọc vị’ được nguyên nhân, từ đó tìm ra giải pháp thích hợp nhất để xử lý chúng.

Vượt qua mặc cảm tự tôn bằng cách chia sẻ với người thân thiết hoặc chuyên gia tâm lý
Vượt qua mặc cảm tự tôn bằng cách chia sẻ với người thân thiết hoặc chuyên gia tâm lý

Trong cuộc sống hiện đại, con người phải đối diện với rất nhiều áp lực và ganh đua, do đó việc nảy sinh tâm lý mặc cảm là một điều rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, thay vì chìm trong cảm giác thua kém, bạn hãy thử đứng dậy để tìm cách khôi phục lại giá trị của bản thân. Hi vọng rằng bài viết của Vua Nệm về chủ đề ‘mặc cảm là gì’ sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức hay ho và bổ ích.

>>>Đọc thêm: Tư duy tích cực là gì? Cách rèn luyện tư duy tích cực hiệu quả

Đánh giá post

TÁC GIẢ: Dương Ly

Xin chào! Mình là Dương Ly, chuyên viên Digital Marketing tại Vua Nệm. Với niềm đam mê viết lách, sự trải nghiệm cùng 3 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển nội dung đa lĩnh vực. Mình hy vọng có thể đem đến cho quý độc giả những bài viết hay ho, đầy hữu ích về mọi lĩnh vực trong đời sống.

Không có bài viết liên quan.