Chủ nghĩa khắc kỷ được nhiều diễn giả nhắc đến khi nói về một người biết kiểm soát cảm xúc. Chủ nghĩa khắc kỷ cũng thường bị hiểu lầm tưởng với những tôn giáo khác. Nhiều người còn cho rằng khắc kỷ chính là ích kỷ. Vậy đâu mới là sự thật về chủ nghĩa này? Đọc bài viết bên dưới để có câu trả lời chính xác nhé!
Nội Dung Chính
1. Khái niệm chủ nghĩa khắc kỷ là gì?
Chủ nghĩa khắc kỷ có tên tiếng Anh là Stoicism, là một trường phái triết học bắt nguồn từ Athens vào thế kỷ thứ 3 TCN. Chủ nghĩa khắc kỷ ra đời với sứ mệnh giúp con người rèn luyện tinh thần thép để dễ dàng đối mặt và vượt qua những nỗi đau trong cuộc sống.
Theo quan điểm của chủ nghĩa khắc kỷ, mọi sự buồn đau trên cõi đời đều đến từ việc nhìn nhận sai cách. Cụm từ khắc kỷ ở đây không mang nghĩa nghiêm khắc hay khổ hạnh. Ngược lại, chủ nghĩa này khuyến khích con người sống hòa hợp với những điều tự nhiên nhất để chạm đến hạnh phúc.
Đối với chủ nghĩa khắc kỷ, cuộc sống gồm 3 phần chính:
- Những điều mà ta có thể kiểm soát gồm hành động và suy nghĩ của chính ta.
- Những điều mà ta không thể kiểm soát gồm các yếu tố khách quan và hành động của người khác.
- Những điều mà ta có thể tham gia kiểm soát như những việc mà ta có góp công sức vào.
Dựa vào 3 phần này, chủ nghĩa Stoicism khuyên rằng mỗi người chỉ nên tập trung vào nhóm 1, không cần quá quan tâm vào nhóm 2 và thiết lập kế hoạch chi tiết cho nhóm 3.
Một trong những triết lý cơ bản đại diện cho chủ nghĩa khắc kỷ chính là đừng bao giờ cố gắng kiểm soát những điều xảy ra với bạn. Nó chỉ xảy ra vì nó phải như vậy và việc của bạn không phải là điều khiển nó mà là kiểm soát phản ứng của bản thân khi nó xảy đến.
2. Tác dụng của chủ nghĩa khắc kỷ
2.1. Tăng khả năng đối mặt với sự thay đổi
Thế giới ngày nay biến đổi không ngừng nghỉ qua từng giây nhờ sự phát triển ngoạn mục của công nghệ thông tin. Những gì bạn biết được ngày hôm nay có thể sẽ trở thành lạc hậu sau một đêm. Sống trong bối cảnh xã hội như vậy đòi hỏi con người phải có khả năng thích nghi cao. Chủ nghĩa khắc kỷ sẽ giúp bạn rèn luyện tốt phẩm chất này.
Dưới góc nhìn của chủ nghĩa khắc kỷ, mọi sự thay đổi đều có lý do riêng của nó. Việc chúng ta cần làm không phải là chống lại mà hãy học cách chấp nhận. Nếu sự thay đổi đó là tiêu cực (ví dụ như ai đó bạn yêu thương qua đời) và làm bạn đau khổ thì đó chỉ là vì bạn vẫn chưa chấp nhận sự thật.
Thay vì buồn bã, hãy phấn chấn lên, người còn sống thì vẫn phải hoàn thành sứ mệnh của bản thân trên cõi đời. Bên cạnh đó, hãy sống thật tốt để người ra đi được an lòng.
2.2. Dự đoán tương lai để chuẩn bị
Các triết gia theo trường phái khắc kỷ luôn dự đoán về những điều xấu xa mỗi ngày. Đây được xem là một dạng bài tập và mục đích của việc làm này là để hình dung trước những điều không tốt sẽ xảy ra. Từ đó lên kế hoạch để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Trong cuốn “A Guide to the Good Life”, William B Irvine đã viết rằng hãy nghĩ về những điều mà bạn cho là quan trọng trong cuộc sống này, sau đó hãy tưởng tượng khoảnh khắc bạn đánh mất những điều ấy. Qua ý văn này, tác giả muốn gửi gắm rằng nên quý trọng những gì đang có và luôn chuẩn bị tinh thần cho sự mất mát.
2.3. Quản lý tốt quỹ thời gian bản thân
Trong lý luận của chủ nghĩa khắc kỷ, thời gian chính là thứ quan trọng nhất. Vì vậy, chúng ta nên quản lý thời gian một cách hợp lý và nhất là không nên lãng phí.
Theo chủ nghĩa khắc kỷ, không nên chia đều thời gian cho mọi việc. Chúng ta nên dành nhiều thời gian cho những điều quan trọng hơn. Trong công việc, hãy hoàn thành những việc khó trước rồi mới giải quyết những việc dễ hơn.
2.4. Tăng cường EQ
Từ trước đến giờ, IQ mới là thứ mà nhiều người quan tâm phát triển. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, EQ mới chính là chìa khóa thành công và chinh phục lòng người. Người theo chủ nghĩa khắc kỷ là người có chỉ số EQ cao và biết kiểm soát dòng suy nghĩ của mình.
Họ sẽ chỉ lo lắng về những chuyện mà bản thân có thể giải quyết được mà thôi. Nhờ vậy mà họ rèn luyện được tính tập trung vào những điều quan trọng và ít mắc sai lầm cho các vấn đề ngoài lề.
3. 5 hiểu lầm về chủ nghĩa khắc kỷ
3.1. Khiến con người rời xa thực tại
Chính xác thì chủ nghĩa khắc kỷ khuyên chúng ta chỉ nên tập trung vào những điều mà mình có khả năng kiểm soát và giải quyết. Tuy nhiên, nhiều người lại hiểu lầm rằng chủ nghĩa này truyền bá sự vô cảm và thờ ơ với mọi chuyện xung quanh.
Trong khi đó, cái cốt lõi của việc sống khắc kỷ lại là sống hòa hợp với xã hội. Điển hình, hoàng đế La Mã Marcus Aurelius và nhà triết học Seneca là những người đi theo trường phái khắc kỷ. Họ đã dành cả cuộc đời chỉ để sống và cống hiến.
3.2. Khiến con người nghiêm khắc quá mức
Chúng ta thường nghe tới cụm từ kiểm soát cảm xúc khi nói về chủ nghĩa khắc kỷ. Đây chính là điều khiến nhiều người hiểu lầm rằng chủ nghĩa này quá cứng nhắc và nghiêm khắc.
Tuy nhiên, kiểm soát ở đây có nghĩa là sự điều độ. Niềm khoái lạc sẽ chỉ là nhất thời nếu chúng ta không biết cách duy trì. Vì vậy nên chủ nghĩa khắc kỷ khuyên rằng không nên bày tỏ sự vui sướng quá mức mà chỉ cần chậm rãi tận hưởng thôi.
3.3. Khắc kỷ dễ dẫn đến ích kỷ
Khắc kỷ hay ích kỷ luôn là câu hỏi tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người. Bởi trong lý thuyết khắc kỷ có nhắc đến việc chỉ tập trung vào chuyện mà mình liên quan. Còn những chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát thì có cố gắng đến mấy cũng khó mà thành công. Nhiều người cho rằng đây là lối sống lãnh đạm và ích kỷ.
Người theo chủ nghĩa không bàn quan trước nỗi đau khổ của người khác. Họ vẫn là con người và làm những việc có đạo hạnh. Tuy nhiên, họ sẽ cố gắng không để cảm xúc tiêu cực ngấu nghiến tâm hồn. Bạn phải là một người vững vàng thì mới có thể an ủi được người đau khổ. Hoặc ít nhất, nếu bạn khắc kỷ, thế giới sẽ bớt đi một nguồn năng lượng tiêu cực.
3.4. Đạo khắc kỷ
Khắc kỷ chỉ là một chủ nghĩa, một tư duy sống, nó không phải và chưa bao giờ vinh danh tôn giáo. Nói đúng hơn, chủ nghĩa khắc kỷ là một triết học mang tính tôn giáo. Nó truyền bá lối sống tốt đời đẹp đạo, khuyên con người phải luôn kiểm soát dục vọng và làm theo những điều đúng đắn.
3.5. Chủ nghĩa khắc kỷ là kim chỉ nam
Chủ nghĩa khắc kỷ có nhiều triết lý và lời khuyên nhưng tuyệt nhiên không phải là một cuốn cẩm nang sống. Khi tìm hiểu về chủ nghĩa khắc kỷ, bạn chỉ có thể chọn lọc một số luận điểm để áp dụng vào cuộc sống nhằm giúp bản thân tốt hơn, nhất là về mặt phát triển trí tuệ cảm xúc.
>> Xem thêm:
- Lithromantic là gì? Bạn có đang là một Lithromantic?
- Si tình là gì? 8 biểu hiện của một người si tình điển hình nhất
Chủ nghĩa khắc kỷ là một trong những trường phái nếu biết cách áp dụng sẽ giúp bạn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hy vọng rằng bài viết trên đã phần nào giải đáp nhiều thắc mắc của bạn về chủ nghĩa này. Đồng thời nếu có thể hãy thử làm theo một vài lời khuyên để có hạnh phúc bền lâu hơn nhé!