Một biểu hiện thường xuyên gặp ở trẻ sau khi ngủ dậy là mắt bị đổ ghèn. Hiện tượng này xảy ra với tần suất cũng như lượng ghèn nhiều hơn ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mọi việc sẽ không còn đơn giản nếu ghèn có màu vàng và kèm theo một số triệu chứng như chảy nước mắt liên tục. Vậy trong những trường hợp như vậy, bố mẹ cần làm gì? Trước hết hãy cùng đọc bài viết bên dưới để hiểu rõ mắt bé bị đổ ghèn khi ngủ dậy là như thế nào và cách vệ sinh hiệu quả.
Nội Dung Chính
1. Mắt bé bị đổ ghèn khi ngủ dậy là gì?
Mắt em bé bị đổ ghèn sau mỗi sáng thức giấc là một hiện tượng vô cùng bình thường. Ghèn chính là chất dịch kết hợp giữa dầu và chất nhờn mà mắt tiết ra để giữ ẩm cũng như bảo vệ mắt. Chất dịch này trong suốt, có màu trắng ngà hoặc đôi khi là màu vàng. Nó sẽ ở dạng ướt dính khi quá nhiều và cũng có lúc đóng thành vảy. Cũng có trường hợp mà dịch này loãng giống nước mắt.
Buổi sáng khi bé tỉnh giấc, mắt sẽ có cơ chế chớp liên tục nhằm đẩy dịch này ra ngoài. Vì khi ngủ, mắt nhắm lại nên chất dịch này thường tụ lại ở khóe mắt hay lông mi và được gọi là ghèn. Trên thực tế, không chỉ có các bé mà người lớn cũng bị đổ ghèn sau khi ngủ dậy.
Mặc dù nói đổ ghèn là hiện tượng bình thường nhưng đôi khi nó cũng là dấu hiệu cho thấy tình trạng sức khỏe chưa được tốt của bé. Điều này xảy ra khi bố mẹ nhận thấy mặt bé bị đổ ghèn quá nhiều và ghèn có màu sắc khác lạ so với thường ngày. Ngoài ra, hãy để ý đến những chi tiết khác như:
- Ghèn làm mi bị dính lại với nhau và bé rất khó để mở mắt.
- Dịch ghèn có màu vàng đậm hoặc màu xanh lá.
- Mắt bé bị sưng đỏ và nhạy cảm với ánh sáng.
Nếu gặp tình trạng này, đừng chần chừ mà hãy mau đưa bé đến gặp bác sĩ. Trước đó, phụ huynh phải chủ động để vệ sinh mắt cho bé bằng nước muối sinh lý và thường xuyên theo dõi tình hình.
2. Mắt bé đổ ghèn vàng là bị bệnh gì?
2.1. Tắc tuyến lệ
Ở độ tuổi sơ sinh, bé nhà bạn rất dễ bị tắc tuyến lệ. Tuyến lệ hay ống lệ hiểu nôm na là bộ phận để dẫn nước mắt khi chúng ta khóc. Nếu tuyến lệ bị tắc, nước mắt sẽ bị ứ đọng lại trong túi lệ khiến bé vô cùng khó chịu. Đây chính là lý do khiến mắt bị mờ và ghèn vàng bắt đầu xuất hiện.
Hiện nay, theo thống kê của nhiều bác sĩ nhi khoa, trẻ sơ sinh có tỉ lệ tắc tuyến lệ rất cao. Thường thì sau một năm tuổi bệnh lý này sẽ nhanh chóng mất đi. Tuy nhiên, trong suốt một năm ấy, phụ huynh không nên chủ quan mà hãy theo dõi để chủ động hơn trong việc thăm khám.
Cũng nói thêm là nếu tắc tuyến lệ xảy ra ở người trưởng thành, có lẽ nguyên nhân sẽ đến từ nhiễm trùng, dị ứng, chấn thương hoặc thậm chí là có khối u ở mắt. Đây là những trường hợp hết sức nguy hiểm và bạn cần phải đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị kịp thời.
2.2. Viêm kết mạc
Một trong những nguyên nhân khiến trong mắt bé đổ ghèn là do bị viêm kết mạc hoặc mắc chứng đau mắt đỏ. Bệnh này được giải thích theo y khoa là một bệnh lý nhiễm trùng hoặc viêm màng bao phủ trong lòng trắng của mắt. Khi bị viêm kết mạc, bé thường có biểu hiện cộm ngứa và mắt xuất hiện vệt màu đỏ lớn.
Mỗi khi bị đau mắt đỏ, ghèn mắt thường tích tụ rất nhiều và có màu vàng. Bên cạnh đó, ghèn còn tích tụ ở dọc hai bờ mi mỗi sáng thức giấc.
Bệnh viêm kết mạc thường gồm 3 dạng:
- Do bị dị ứng với bụi phấn hoa hoặc thuốc nhỏ mắt.
- Nếu ghèn đổ ra giống mủ và có màu vàng hoặc xanh lá thì có thể là do vi khuẩn đau mắt đỏ.
- Nếu ghèn ở thể lỏng, trong và có dịch nhầy màu vàng là do virus.
2.3. Viêm bờ mi
Tình trạng viêm bờ mi thường xảy ra khi dịch trong mắt tiết ra nhiều bất thường. Bệnh lý này khiến mắt bé bị đổ ghèn vàng và khó mở mắt khi thức giấc. Để làm giảm tình trạng này, bố mẹ cần phải thường xuyên vệ sinh mí mắt cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ.
2.4. Dị vật trong mắt
Mắt bé bị đổ nhiều ghèn sau khi ngủ dậy cũng có thể là do dị vật nằm trong mắt. Khi phát hiện dị vật này, mắt sẽ khởi động cơ chế phòng vệ bằng cách tiết ra thật nhiều dịch và ghèn mắt nhằm đẩy dị vật ra ngoài. Do vậy, nếu thấy mắt bé nhà mình bị đổ ghèn nhiều hơn bình thường, hãy quan sát xem mắt bé có đang chứa dị vật gì không nhé!
3. Làm gì khi mắt bé bị đổ ghèn?
Không gì có thể tốt hơn cho bé bị đổ ghèn ngoài sự quan tâm của bố mẹ. Hãy luôn để ý và theo sát từng diễn biến, ghi nhớ lại để khi đưa con đến gặp bác sĩ có thể tường thuật chính xác. Nhờ vậy mà bác sĩ sẽ có cái nhìn tổng quan và cho kết quả chẩn đoán chuẩn hơn.
Nếu mắt bé chỉ đổ ghèn ở mức độ nhẹ, bạn hãy sử dụng chiếc khăn mỏng, nhẹ, ví dụ như khăn sữa để lau thật sạch vùng khóe mắt và bờ mi cho bé mỗi sáng.
Trong trường hợp mắt bé bị đổ ghèn vàng kèm theo nước mắt chảy liên tục, hãy sơ cứu trước bằng cách vệ sinh với khăn sạch. Sau đó hãy đưa bé đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt để được bác sĩ hỗ trợ kịp thời.
Khi mắt bé bị đổ ghèn vàng, bạn có thể dùng một số loại thuốc như thuốc nhỏ mắt, kháng sinh, kháng nấm, kháng virus,… Trong trường hợp bé bị tắc tuyến lệ thì có thể sẽ phải tiến hành thủ thuật nhỏ là thông tuyến lệ cho bé.
4. Cách phòng ngừa mắt bé bị đổ ghèn
Mắt bé bị đổ ghèn có thể do bị nhiễm khuẩn hoặc gặp một số vấn đề. Vì vậy, phụ huynh cần phải tích cực theo dõi và phòng ngừa cho bằng những phương pháp sau:
- Không cho bé dụi mắt.
- Luôn làm vệ sinh ở vùng mắt cho bé bằng khăn mặt.
- Dùng khăn riêng, sạch khuẩn và mềm để rửa mặt,
- Thường xuyên làm vệ sinh cho các đồ dùng trong phòng ngủ cũng như vật dụng hằng ngày.
5. Các bước vệ sinh cho mắt bé bị đổ ghèn
Loại bỏ ghèn trong mắt bé sao cho đúng kỹ thuật cũng là điều mà bố mẹ cần biết. Sau đây là hướng dẫn chi tiết nhất:
- Luôn đảm bảo tay bạn đã sạch khuẩn bằng cách rửa tay với xà phòng trước khi vệ sinh mắt cho bé.
- Sử dụng một miếng băng gạc mới để lau mắt cho bé và không tái sử dụng.
- Làm ướt miếng băng gạc bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý. Tuyệt đối không dùng bông gòn để tránh trường hợp sợi bông dính vào mắt bé.
- Lau thật nhẹ nhàng từ khóe mắt ra đuôi mắt. Mỗi lần lau như vậy sẽ dùng một miếng bông gạc hoàn toàn mới.
- Không chạm trực tiếp tay bạn vào mắt, không làm sạch bên trong mí mắt khiến nó bị tổn thương.
- Vứt rác đúng nơi quy định và rửa tay thật sạch sau khi hoàn thành.
>>> Mời bạn đọc:
Những bài tập giúp ích cho giấc ngủ của bé
Cha mẹ cần làm gì khi bé ngủ ít không sâu giấc
Hiện tượng mắt bé bị đổ ghèn khi ngủ dậy sẽ bình thường nếu nó không khiến bé khó chịu. Nhưng nếu bố mẹ phát hiện thấy bất cứ điều gì kỳ lạ thì hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nhé!