Sức khỏe giấc ngủ

Hội chứng Kleine-Levin – Hội chứng người đẹp ngủ là gì?

CẬP NHẬT 09/10/2023 | BỞI Ngọc Hân

Hội chứng Kleine-Levin là một tình trạng bệnh lý khiến người bệnh liên tục cảm thấy buồn ngủ. Căn bệnh này thường kéo dài và lặp đi lặp lại các triệu chứng trong vòng 10 năm hoặc hơn. Đã từng có trường hợp 1 người đang học rất giỏi bỗng nhiên không thể làm được ngay cả 1 phép tính đơn giản vì mắc chứng Kleine-Levin. Để tìm hiểu rõ hơn về hội chứng Kleine-Levin, hãy ở lại và đọc đến cuối bài viết này nhé!

1. Hội chứng Kleine-Levin là gì?

Hội chứng Kleine-Levin khiến bạn luôn cảm thấy cực kỳ buồn ngủ. Trong một vài trường hợp, có người còn ngủ trên 20 tiếng mỗi ngày. Do thời gian ngủ dường như là cả ngày nên hội chứng này còn được ví von với hình tượng người đẹp ngủ trong rừng. 

Hội chứng này không diễn ra trong thời gian ngắn, thậm chí có những người phải sống chung với nó đến hơn 10 năm. Khi mắc phải tình trạng này, người bệnh rất khó để duy trì việc học cũng như tham gia những hoạt động khác trong đời sống thường ngày.

Trong y khoa, các chuyên gia đánh giá rằng hội chứng Kleine-Levin là tình trạng rối loạn hiếm gặp. Mọi người đều có khả năng mắc phải hội chứng này, nhưng nó thường gây khó khăn nhất cho nam giới ở độ tuổi dậy thì. 

hội chứng kleine-levin là gì
Hội chứng người đẹp ngủ là tên gọi của một căn bệnh hiếm gặp

2. Hội chứng Kleine-Levin có triệu chứng gì?

Các triệu chứng của hội chứng Kleine-Levin không diễn ra liên tục mỗi ngày. Trong quá trình nghiên cứu, người ta quan sát và thấy rằng căn bệnh này không có bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng giữa các lần buồn ngủ. Tuy nhiên, một khi đã xuất hiện thì triệu chứng của Kleine-Levin sẽ kéo dài từ vài ngày đến hàng tháng.

Một trong những triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng người đẹp ngủ là buồn ngủ cực độ. Dù đang làm bất cứ việc gì, bạn cũng chỉ có một mong muốn mãnh liệt duy nhất là được ngủ. Khi đã ngủ rồi thì lại rất khó để thức dậy, nhất là vào buổi sáng. Trong khi phát bệnh, người ta có thể ngủ đến 20 giờ mỗi ngày mà chẳng có cảm nhận gì về điều đó. 

triệu chứng của hội chứng kleine-levin
Khi bị Kleine-Levin người ta thường có xu hướng ngủ mọi lúc mọi nơi

Khi thường xuyên có những giấc ngủ dài mỗi ngày như vậy, bạn chắc chắn phải từ bỏ công việc của mình. Ngay cả những người thân kề cạnh bạn cũng không có cơ hội nói chuyện và gặp gỡ vì phần lớn thời gian bạn chỉ ngủ, ăn và đi vệ sinh. Nguy hiểm hơn, việc ngủ trong thời gian dài như vậy lại là yếu tố kích hoạt nhiều triệu chứng khác như ảo giác, mất phương hướng, có xu hướng biến thành trẻ con, ăn không ngon,…

Trong thực tế, chẳng một ai có thể đoán trước được khi nào hội chứng Kleine-Levin diễn ra vì nó không có dấu hiệu rõ ràng. Đa số mọi người đều sẽ sống và làm việc bình thường sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, họ sẽ không còn bất cứ ký ức nào về khoảng thời gian chịu đựng hội chứng này. 

3. Tại sao mắc hội chứng Kleine-Levin

Cho đến nay, vẫn chưa ai có thể giải thích được nguyên nhân dẫn đến hội chứng Kleine-Levin. Mặt khác, các nhà nghiên cứu tin rằng yếu tố di truyền sẽ khiến một cá nhân rơi vào tình trạng người đẹp ngủ. Một giả thuyết khác cũng được đặt ra liên quan đến bộ não. Trong não người có một khu vực chịu trách nhiệm điều hoà các hoạt động gồm ăn, ngủ và nhiệt độ cơ thể. Nếu phần não này không làm việc, bạn có thể rơi vào tình trạng Kleine-Levin.

nguyên nhân hội chứng kleine-levin
Vẫn chưa có bất cứ nguyên nhân nào được đưa ra cho hội chứng Kleine-Levin

4. Phương pháp hội chẩn hội chứng Kleine-Levin

Vì không có dấu hiệu rõ ràng nên hội chứng Kleine-Levin rất khó để chẩn đoán. Đã có trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm là chỉ đang gặp một số vấn đề về tâm thần. Do vậy, quá trình chẩn đoán bệnh người đẹp ngủ thường tốn nhiều thời gian hơn, khoảng 4 năm.

Tất nhiên, con số này sẽ khiến người bệnh và gia đình khó chấp nhận. Tuy nhiên, các chuyên gia cần thời gian để thực hiện phương pháp chẩn đoán loại trừ. Hiện nay, chưa có bất cứ loại xét nghiệm nào có thể áp dụng để chẩn đoán người mắc chứng Kleine-Levin. Dường như chỉ có phương pháp loại trừ là lời giải duy nhất trong trường hợp này mà thôi.

Trong quá trình loại trừ, bác sĩ sẽ thực hiện những xét nghiệm cũng như nhiều thủ thuật y khoa khác. Hoạt động này giúp bác sĩ nhanh chóng loại trừ khả năng người bệnh mắc một số căn bệnh như tiểu đường, suy tuyến giáp, ung thư, nhiễm trùng, rối loạn giấc ngủ, đa xơ cứng,…

Như đã nhắc đến ở phần 3, người mắc hội chứng Kleine-Levin thường đắm chìm vào những giấc ngủ bất kể ngày đêm. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng xảy ra với những người bị trầm cảm. Do đó, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu đánh giá về sức khỏe tâm thần của bệnh nhân. Từ đây tiếp tục thực hiện những phép loại trừ dựa trên kết quả thu được.

hội chẩn hội chứng kleine-levin
Hiện nay chỉ có phương pháp loại trừ là khả thi khi hội chẩn bệnh Kleine-Levin

5. Phương pháp điều trị hội chứng Kleine-Levin

Để kiểm soát các triệu chứng của bệnh Kleine-Levin, các bác sĩ sẽ kê cho bạn một số loại thuốc. Sau khi uống thuốc, độ dài của cơn bệnh sẽ ngắn lại, đồng thời những cơn bệnh trong tương lai cũng được ngăn chặn. 

Hiện nay có 2 loại thuốc chính chuyên dùng để điều trị hội chứng Kleine-Levin:

  • Những loại thuốc kích thích như methylphenidate và modafinil có khả năng làm tăng độ tỉnh táo và giúp giảm buồn ngủ. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu.
  • Những loại thuốc như lithium và carbamazepine được dùng để điều trị chứng rối loạn lưỡng cực nên hiệu quả cho việc ức chế các triệu chứng của Kleine-Levin.

Trong một báo cáo y học gần đây, người ta tìm thấy sự đáp ứng của người bệnh Kleine-Levin với kháng sinh clarithromycin. Tuy nhiên, vẫn chưa có gì chắc chắn và loại thuốc này vẫn cần phải được nghiên cứu thêm trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi.

điều trị hội chứng kleine-levin
Hiện nay chưa có quá nhiều thuốc đặc trị Kleine-Levin

6. Thói quen sinh hoạt để tránh hội chứng Kleine-Levin

Sống chung với hội chứng Kleine-Levin là một điều hết sức khó khăn. Triệu chứng của bệnh này thường kéo dài hơn 10 năm, do đó bạn sẽ không thể làm việc, đi học hoặc tham gia bất cứ hoạt động nào như những người bình thường. Trong khoảng thời gian mắc bệnh, bạn thực chất vẫn đang sống nhưng mọi người sẽ quên lãng bạn vì chẳng mấy khi được tiếp xúc. 

Ngoài ra, hội chứng người đẹp ngủ này không chỉ dai dẳng mà còn bất chợt tìm đến. Đây chính là yếu tố khiến cho người bệnh bị trầm cảm và thường xuyên rơi vào tình trạng lo lắng, bồn chồn. Cảm giác không biết khi nào căn bệnh sẽ quay lại làm phiền cuộc sống khiến bạn chẳng còn tí tự tin nào để làm việc và tìm ai đó để yêu thương. Chưa hết, bạn còn có thể bị tăng cân mất kiểm soát do cảm giác đói liên tục trong khi phải chịu đựng căn bệnh.

Việc xác định khi nào căn bệnh tái phát có thể sẽ dễ dàng và chính xác hơn nếu bạn trao đổi với bác sĩ thường xuyên. Nếu không duy trì thói quen này, có thể một ngày nào đó bạn sẽ gây hại cho người khác khi ngủ gật trong lúc lái xe hoặc điều khiển máy móc. Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra những sự việc trên, hãy luôn để ý bản thân, viết nhật ký về tình trạng sức khoẻ mỗi ngày và báo cáo cho bác sĩ đều đặn.

thói quen hội chứng kleine-levin
Thường xuyên trao đổi với bác sĩ là cách hạn chế tác hại của Kleine-Levin

>> Xem thêm:

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về chủ đề “Hội chứng Kleine-Levin – Hội chứng người đẹp ngủ là gì?”. Như đã chia sẻ, đây là một tình trạng hiếm gặp nên không có nhiều người biết đến nó. Tuy nhiên, bạn vẫn nên lưu lại một số thông tin quan trọng trong bài để đề phòng mọi trường hợp xảy ra. Bên cạnh đó, nếu bạn có quen biết ai bị mắc hội chứng này, hãy thông cảm và giúp đỡ họ khi các triệu chứng bắt đầu tìm đến.

Bài viết liên quan:

Avatar
Ngọc Hân