Chuyện quanh ta

Cá Neon là gì? Đặc điểm cá Neon, phân loại, bảng giá và cách nuôi cá Neon

CẬP NHẬT 16/06/2023 | BỞI Ngọc Hân

Cá Neon là loài cá rất được yêu thích tại Việt Nam. Loài cá này sở hữu thân hình nhỏ bé nhưng lại thu hút mọi ánh nhìn nhờ màu sắc rực rỡ, có thể phát sáng như những bóng đèn neon. Tuy nhiên, cá Neon lại rất yếu ớt, sau một thời gian nuôi, cá có xu hướng yếu và chết dần nên có nhiều người phân vân không biết có nên nuôi loại cá này không. Bài viết sau đây sẽ cùng bạn khám phá về loài cá Neon cùng với cách nuôi sao cho cá khỏe mạnh, sống lâu. Mời bạn đọc cùng theo dõi!

1. Cá Neon là gì? Đặc điểm của cá Neon

Cá Neon hay còn gọi là cá Huỳnh Quang, có tên khoa học là Paracheirodon innesi. Đây là loài cá nước ngọt thuộc họ Characidae, thường phân bố chủ yếu ở Nam Mỹ tại lưu vực sông Negro và Orinoco. Hiện cá Neon được rất nhiều gia đình lựa chọn làm cá cảnh, và được chọn nuôi phổ biến nhất trong các bể thủy sinh. 

    ca neonCá Neon sống ở đâu? Có đặc điểm gì?

Bạn có thể nhận biết dòng cá Neon qua một số đặc điểm sau:

  • Cá dài khoảng từ 3 – 4cm.
  • Đa số các loại cá Neon đều sống theo bầy đàn, khi bơi chúng có thể tạo thành các vệt sáng huỳnh quang long lanh. 
  • Loài cá này có màu sáng, sặc sỡ với 3 màu phổ biến là màu xanh, đỏ, trắng, trong suốt.
  • Cá Neon có tính tình hiền lành.
  • Thức ăn của cá Neon là thức ăn tạp từ mùn bã thực vật, giáp xác, côn trùng, thức ăn cám viên nhỏ…
  • Neon rất khó sinh sản và thường đẻ theo nhóm hoặc từng cặp. Loài cá này đẻ trứng phân tán, trứng có tính dính với giá thể là cây thủy sinh. Tuy nhiên, để tránh tình trạng cá ăn trứng, bạn nên tách trứng ra xa cá bố mẹ.

2. Những loại cá Neon phổ biến nhất hiện nay

Trong thực tế, cá Neon vô cùng đa dạng, Vua Nệm sẽ điểm lại những loại cá Neon điển hình, phổ biến nhất hiện:

  • Cá Neon thường hay còn gọi là cá Neon xanh: Đây là loại cá được bán nhiều ở các cửa hàng thủy sinh, nhưng sức hút của dòng này lại không bằng so với các dòng cá khác. Cá Neon xanh sở hữu một sọc xanh nhạt kéo dài từ mắt cho đến gần đuôi. Phần đuôi cá thường có màu đỏ, cho nên nhìn cá như được ghép lại bởi 2 phần hoàn toàn khác nhau.
  • Cá Neon vua: Dòng neon này được nuôi và bán tại các cửa hàng thủy sinh nhiều nhất hiện nay và cũng là dòng Neon có ánh dạ quang đẹp nhất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn luôn nhầm lẫn giữa Neon thường Neon vua, vì 2 dòng này đều có màu đỏ xanh tương tự nhau, nhưng Neon vua sẽ có phần màu xanh lớn hơn và kéo dài từ mắt cho đến hết đuôi.
  • Cá Neon kim cương: Đây có loại cá khó mua và giá thành cao. Tương tự như 2 loại cá Neon ở trên, loại cá này cũng có màu đỏ đặc trưng ở phần đuôi. Điểm khác biệt của dòng kim cương nằm ở mảng màu xanh. Mảng này có màu xanh lơ nhạt và óng ánh tựa như những viên kim cương.
các loại cá neon
Cá Neon kim cương có màu óng ánh, cực kỳ thu hút
  • Cá Neon hoàng đế: Neon hoàng đế là loại cá khá hiếm nên ít khi xuất hiện trên thị trường. Loài cá này có một đường màu đen kéo dài từ miệng cho đến hết phần đuôi, phần bên trên sẽ là một sọc có màu xanh lam và tím, phần vây lưng và vây ngực, vây hậu môn sẽ có màu vàng.
  • Cá Neon đen: Neon đen sở hữu thân hình màu đen cùng với một sọc trắng bạc chạy dọc trên sống lưng. Vì không có nhiều đặc điểm thu hút nên loại cá này không được nhiều người ưa chuộng.
  • Ngoài các loại trên, Neon còn có những loại khác như: Neon vàng, Neon bạch kim, neon albino, neon ngọc bích…

3. Bảng giá cá Neon cập nhật mới nhất

Dưới đây là bảng giá những loại cá Neon phổ biến bậc nhất hiện nay, bạn có thể tham khảo lựa chọn:

Loại cá Mức giá
Cá Neon vua 6.000 – 15.000 đồng/con
Cá Neon thường 7.000 – 15.000 đồng/con
Cá Neon đen 7.000 – 10.000 đồng/con
Cá Neon vàng 4.000 – 10.000 đồng/con
Cá Neon kim cương 15.000 – 17.000 đồng/con
Cá Neon ngọc bích 40.000 – 50.000 đồng/con
Cá Neon Hoàng Đế 17.000 – 25.000 đồng/con

Lưu ý: Đây chỉ là mức giá tham khảo, bạn vui lòng liên hệ các cửa hàng bán cá cảnh để được báo giá chính xác nhất.

4. Hướng dẫn cách nuôi cá Neon

Nếu bạn muốn nuôi cá Neon khỏe mạnh, sống lâu thì nhất định phải biết môi trường sống lý tưởng, chế độ ăn, cách chăm sóc cá sau đây:

4.1. Môi trường sống

Cá Neon sống chủ yếu ở những môi trường nước sạch, giàu oxi hòa tan và rộng rãi. Nếu môi trường sống không đáp ứng đủ những tiêu chí này thì cá sẽ có màu sắc nhợt nhạt, ít sinh sản, hơn nữa là dễ chết. Cụ thể, điều kiện sống lý tưởng của cá Neon sẽ như sau:

cách nuôi cá neon
Cá Neon ưa thích môi trường nước sạch, rộng rãi
  • Nhiệt độ nước: 20 – 26 độ C
  • Độ cứng của nước (dH): 5 – 20
  • Độ pH: 5.0 – 7.0
  • Thể tích bể nuôi cá: 70 lít (20 gallon aquarium)
  • Chiều dài bể nuôi cá: 0.6 cm
  • Yêu cầu ánh sáng: Vừa phải
  • Yêu cầu lọc nước: Nhiều
  • Yêu cầu sục khí: Trung bình

4.2. Cách xử lý khi mới mua cá về

  • Bước 1: Chuẩn bị một thùng xốp chứa nước, sau đó bạn thả các loại rong rêu dư thừa vào thùng (bạn có thể tận dụng các thùng xốp ươm cây).
  • Bước 2: Cho vào thùng xốp 3 lá bàng khô đã rửa sạch và ngâm trong khoảng 3 – 4 ngày đến khi thùng xốp ngả màu vàng khá đậm, đợi đến khi lá bàng này đã quá mục bạn hãy thay bằng lá bàng khác vào. Bước này giúp bạn tạo nên một môi trường lý tưởng cho sự phát triển của cá, vì nước lá bàng có thể làm giảm độ pH và sát khuẩn rất tốt.
  • Bước 3: Mua cá Neon và thả cá vào trong thùng xốp đã chuẩn bị và nuôi trong khoảng 1 tháng hơn, 2 ngày cho cá ăn 1 lần. Đến khi cá đã ổn định và khỏe mạnh, bạn cho cá vào bể thủy sinh và nuôi bình thường. Bước thực hiện này giúp cá thích nghi với môi trường sống, trở nên lì lợm hơn, không dễ bị chết.

4.3. Thức ăn và khẩu phần ăn

Loài cá này thích ăn tạp, nên thức ăn của chúng sẽ là mùn bã của thực vật, côn trùng, giáp xác, bobo trùng chỉ hay những loại thức ăn viên có cỡ nhỏ.

Để cá Neon sinh trưởng tốt, luôn có màu sắc đẹp thì bạn nên bổ sung thêm những loại thức ăn có đầy đủ vitamin. Vì thế, bạn nên chia khẩu phần ăn của chúng thành 3/4 là thức ăn khô dạng mảnh, dạng viên. 

thức ăn cá neon
Cá Neon là loài cá ăn tạp với đa dạng thức ăn khác nhau

Về thời gian cho ăn, bạn có thể chia theo 2 cách sau:

  • Cho cá ăn 2 lần trong 1 ngày thì mỗi bữa cho ăn khoảng 5 phút.
  • Cho cá ăn nhiều lần trong 1 ngày, bạn hãy chia lượng thức ăn thành những phần nhỏ và cho ăn không kéo dài quá 3 phút.

4.4. Cách chăm sóc cá Neon khi chúng sinh sản

Giữa các đợt cá sinh sản, bạn cần phải tách cá đực và cá cái ra riêng để thực hiện chế độ nuôi vỗ. 

Vì trong tự nhiên, cá Neon bố mẹ sẽ thường ẩn nấp ở những nơi có thực vật nổi và ít ánh sáng. Do đó, bạn cần chuẩn bị những bể nuôi khoảng 20 đến 30 lít nước, sau đó căng một tấm lưới sao cho cách phần đáy bể khoảng vài cm. Làm như vậy sẽ hạn chế tình trạng cá bố mẹ ăn trứng. Cùng với đó, bạn nên đặt vào bể một ít rong, các loài thực vật thủy sinh để tạo nên một chỗ trú ẩn thật tự nhiên, hơn nữa bạn nên che hoặc giảm ánh sáng bên ngoài bể xuống một chút.

Hãy dùng thêm máy lọc nước tuần hoàn để giúp loại bớt các tinh dịch gây ô nhiễm. Khi cá Neon bố mẹ đã được tách ra chờ đẻ vào buổi sáng hôm sau thì bạn không cho cá ăn. Nhưng sau ba ngày theo dõi, bạn thấy cá vẫn chưa đẻ thì nên nuôi vỗ lại.

Khi đẻ trứng, cá bố dùng miệng thúc vào cá Neon mẹ và bơi ngang trước cá mẹ, đồng thời rung rung các vảy, rồi bơi vào các lùm thực vật. Cá Neon mẹ sẽ bơi theo cá bố và dùng vây ngực giữ chặt nhau, ép sát vào nhau. Cá Neon bố dùng các vây ở hậu môn để móc vào vây của cá Neon mẹ. Sau đó, cặp cá bố mẹ sẽ xoay tròn theo trục thân và phóng tinh cùng với trứng ra.

Trứng cá sẽ rớt xuống đáy hoặc sẽ đọng lại vào lá. Sau 24 đến 36 giờ trứng cá sẽ nở và khoảng 5 – 6 ngày sau đó cá Neon con sẽ bắt đầu bơi và kiếm thức ăn. Mỗi mùa sinh sản, loài cá này sẽ có khoảng 4 – 6 lần đẻ trứng, trong mỗi lần sẽ đẻ khoảng 100 – 300 trứng.

Lưu ý: Trứng cá Neon rất dễ bị bệnh nấm, thế nên bạn hãy dùng chất chống nấm trong bể. 

5. Những bệnh cá Neon thường gặp

Nếu cá Neon được chăm sóc tốt, sống trong môi trường có chất lượng nước ổn định, thì sẽ khó bị bệnh, và ngược lại.

Trong quá trình nuôi cá Neon bạn cần lưu ý một số bệnh phổ biến như: 

  • Bệnh ký sinh trùng, bị nấm, thối vây. Để ngăn ngừa những bệnh này bạn cần vệ sinh định kỳ bể cá, đảm bảo hệ thống lọc đang hoạt động tốt. Như vậy, sẽ giúp ngăn chặn mức amoniac và nitrat tăng cao. 
  • Khi cá Neon bị sình bụng, xù vảy bạn cần giảm lượng thức ăn của cá xuống và bổ sung thêm vi sinh vào bể, vì nguyên nhân gây bệnh này là do chúng ăn nhiều, không tiêu.
  • Bên cạnh đó, cá Neon còn có thể mắc một căn bệnh đặc biệt đó là bệnh Neon Tetra. Căn bệnh này rất dễ lây lan nhưng không rõ nguyên nhân mắc bệnh và hiện nay vẫn chưa thể chữa khỏi. Bệnh Neon Tetra khiến cá Neon gặp vấn đề về cột sống, u nang cùng với các vấn đề sức khỏe khác.
cá neon nuôi như thế nào
Những bệnh cá Neon thường gặp

6. Nên nuôi cá Neon chung với những loài cá nào?

Bản tính cá Neon khá hiền lành nên bạn cần tránh nuôi loài cá này với những loài cá hung dữ, hoặc có kích thước lớn vì nó có thể tấn công cá Neon. Bạn có thể nuôi loài cá này cùng với những loài cá có tính khí ôn hòa, hiền lành sau:

  • Cá cánh buồm ngũ sắc
  • Cá Tetra Hoàng Đế
  • Cá molly
  • Cá Tam Giác 
  • Cá ngựa vằn
  • Các loại cá dọn bể có kích cỡ nhỏ.
  • Cá sặc gấm
  • Cá bảy màu
  • Cá trâm
  • Cá tetra ember

>> Xem thêm:

Trên đây, Vua Nệm đã tổng hợp mọi thông tin về cá Neon từ đặc điểm, giá bán cho đến cách nuôi cá Neon sao cho chúng sống khỏe mạnh, sinh sản tốt. Hy vọng rằng, bài viết trên sẽ giúp bạn chọn mua đúng loại cá và có thể nuôi chúng một cách thuận lợi nhất.

Bài viết liên quan:

Avatar
Ngọc Hân