Sống khỏe

‘Bắt mạch’ Bed Rotting – Nằm dài cả ngày: liệu pháp chữa lành hay hủy hoại cơ thể?

CẬP NHẬT 29/11/2023 | BỞI Minh Anh

Sau khi ‘phủ sóng’ ngập tràn trên mạng xã hội, Bed Rotting hiện đang là trào lưu chữa lành được giới trẻ quan tâm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, dù mang đến cảm giác dễ chịu tức thì song việc áp dụng Bed Rotting sai cách lại có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng ngại. Bài viết sau đây của Vua Nệm sẽ phân tích những ưu – nhược điểm đằng sau liệu pháp Bed Rotting – nằm dài cả ngày và gợi ý thay thế phù hợp nhất.

1. Bed Rotting – Nằm dài cả ngày là gì?

Bed Rotting – nằm dài cả ngày được định nghĩa là hành vi nằm cố định trên giường trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, mục đích của việc này không phải là để ngủ. Thay vào đó là thực hiện những hoạt động mang tính giải trí thụ động như xem phim, lướt điện thoại, ăn vặt, tám chuyện,… và mặc kệ tất cả mọi thứ đang diễn ra xung quanh.

bed rotting là gì
Bed Rotting – nằm dài cả ngày là hoạt động nghỉ ngơi phổ biến với thế hệ trẻ

Trên thực tế, trào lưu Bed Rotting chủ yếu xảy ra ở các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z. Họ thường là những người dễ rơi vào tình trạng burn out (kiệt sức) do quá tải chuyện gia đình, học tập, công việc cũng như các mối quan hệ xã hội khác. Nói cách khác, đời sống hiện đại buộc con người phải dần thích nghi với việc ‘đa nhiệm’ chính là nguyên nhân khiến Bed Rotting bắt đầu khởi phát và dần lan nhanh với tốc độ chóng mặt.

2. Bed Rotting có lợi hay có hại?

Đứng trước những quan điểm cho rằng Bed Rotting – nằm dài cả ngày là biểu hiện của sự chây ì và lười biếng, một bộ phận giới trẻ đã đưa ra những ý kiến phản bác khá hợp lý. Cụ thể, họ cho rằng đây chính là phương pháp nghỉ ngơi hoàn hảo giúp hồi phục cả thể chất và tinh thần sau một ngày bận rộn. Từ góc nhìn đó, có thể xem Bed Rotting như khoảng thời gian hoàn toàn dành riêng cho bản thân, chỉ làm những việc yêu thích và chậm rãi lắng nghe cơ thể.

nằm dài cả ngày
Bed Rotting sẽ trở nên tiêu cực nếu bị lạm dụng quá đà

Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì luận điểm này không hẳn là sai. Bởi lẽ, bất cứ ai trong số chúng ta cũng có lúc cần đến những khoảng nghỉ nhất định. Khi đó, ta sẽ được tạm thời tách khỏi những áp lực cuộc sống bộn bề, đồng thời khôi phục và nạp lại nguồn năng đã bị hao hụt. Tuy nhiên, trạng thái ‘mọc rễ’ trên giường vẫn không được khuyến khích nếu xảy ra trong thời gian dài hoặc với tần suất quá thường xuyên.

3. Một số tác động tiêu cực của Bed Rotting

Như đã nói ở trên, mặc dù có thể mang lại một số tác động nhất định – cụ thể là cải thiện tình trạng thể chất và tinh thần – song hiệu quả của Bed Rotting thường chỉ mang tính chất tức thời, khó kéo dài lâu. Trái lại, tình trạng này còn có thể gây nên một số tác động tiêu cực đối với chủ thể thực hiện hành động. Tiêu biểu nhất là:

3.1 Phá vỡ và đánh mất các liên kết xã hội

Việc lặp đi lặp lại các hành động mang tính hưởng thụ trong vô thức (ví dụ như lướt web, xem phim, ăn vặt,…) có thể làm gián đoạn, thậm chí là chặn đứng các kết nối xã hội ngoài đời thực. Điều này rất dễ xảy ra khi quá trình giao tiếp bỗng nhiên bị hạn chế và thu hẹp lại. Đặc biệt, cơ thể ít tiếp xúc với nguồn ánh sáng tự nhiên trong một thời gian dài còn tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh cảm giác cô đơn, lo lắng hoặc trầm cảm.

bed rotting có lợi hay hại
Bed Rotting có thể ‘chặn đứng’ các kết nối xã hội

3.2 Các vấn đề liên quan đến lưu thông máu

Theo các chuyên gia y tế, việc nằm ì trên giường quá lâu mà không vận động sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ tuần hoàn, đồng thời cản trở quá trình lưu thông máu đến các bộ phận khác trên cơ thể. Đây cũng chính là tác nhân gây nên các chứng sưng tấy, phù nề cũng như sự hình thành của các cục máu đông nguy hiểm,….

3.3 Thiếu vắng các hoạt động thể chất

Khi đã quen với Bed Rotting, chúng ta sẽ nhanh chóng lãng quên đi các hoạt động mang tính rèn luyện thể chất như tập thể dục, giãn cơ, vận động nhẹ,… Điều này không chỉ tác động xấu đến hệ tim mạch mà còn cản trở sự phát triển của các nhóm cơ bắp, đồng thời kéo theo nguy cơ thừa cân, béo phì và một số bệnh lý như đái tháo đường, đột quỵ,…

Bed Rotting là nguyên nhân gây nên các bệnh lý nguy hiểm như thừa cân, béo phì
Bed Rotting là nguyên nhân gây nên các bệnh lý nguy hiểm như thừa cân, béo phì

3.4 Rối loạn giấc ngủ

Nếu bận rộn trên giường cả ngày với các hoạt động khác thay vì ngủ, khả năng cao là giấc ngủ của bạn sẽ bị đảo lộn hoặc rối loạn ít nhiều. Một vài biểu hiện thường gặp là mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn, ngủ không sâu giấc, khó thức dậy vào buổi sáng,…

3.5 Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần

Không chỉ ảnh hưởng đến khía cạnh thể chất, việc lạm dụng Bed Rotting – nằm dài cả ngày có thể để lại những hậu quả to lớn đối với sức khỏe tinh thần của mỗi người. Nhiều nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra rằng hành vi này sẽ góp phần thúc đẩy chứng trầm cảm diễn biến nhanh và phức tạp hơn. Do đó, giới chuyên môn thường ‘dán nhãn’ xu hướng này là không lành mạnh. Mặt khác, đây cũng chính là những triệu chứng điển hình nhất của trầm cảm mà ít người thực sự xem trọng.

Lạm dụng Bed Rotting có thể để lại những hậu quả to lớn đối với sức khỏe tinh thần
Lạm dụng Bed Rotting có thể để lại những hậu quả to lớn đối với sức khỏe tinh thần

Ở một góc nhìn khác, những người có tiền sử hoặc đang mắc trầm cảm sẽ có xu hướng bị thu hút và ‘sa lầy’ vào hoạt động này cao hơn. Điều này đáng biệt nguy hiểm khi họ sở hữu mức năng lượng tinh thần thấp, thường xuyên thiếu hụt cảm hứng cũng như không mấy hứng thú với cuộc sống. Nói cách khác, nếu không được kiểm soát cẩn thận, Bed Rotting có thể nhanh chóng phát triển từ một hình thức healing (chữa lành) thành hoạt động thư giãn không lành mạnh.

4. Làm thế nào để Bed Rotting an toàn?

Nếu đang rơi vào trạng thái kiệt sức, bạn có thể áp dụng phương pháp Bed Rotting để khôi phục lại năng lượng, cho phép bản thân được tĩnh lặng trong một không gian riêng tư. Tuy nhiên, hãy tỉnh táo xác định nhu cầu thực sự của mình, đồng thời ý thức được việc đặt ra giới hạn về mặt thời gian để không trì trệ quá lâu. 

hướng dẫn Bed rotting đúng cách
Không nên biến Bed Rotting trở thành thói quen để đối phó với căng thẳng

Bên cạnh đó, đừng biến Bed Rotting trở thành thói quen mà chỉ tìm đến nó khi thực sự cần thiết. Về lâu dài, việc lạm dụng Bed Rotting có thể dẫn đến thói quen trốn tránh khó khăn và từ chối đối diện với những vấn đề gặp phải. Thay vào đó, hãy chủ động lên tiếng để tìm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè xung quanh hoặc các chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp.

5. Một số thói quen lành mạnh có thể thay thế Bed Rotting

Nếu đang gặp rắc rối với Bed Rotting, bạn có thể bắt đầu ‘làm quen lại’ với đời sống thường nhật thông qua các thói quen lành mạnh sau:

  • Rời khỏi giường mà không đụng vào điện thoại
  • Xây dựng các mối quan hệ tử tế, chân thành và tăng cường giao tiếp với người khác
  • Tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng và thiên nhiên
  • Uống đủ nước, vận động thường xuyên
  • Xây dựng các thói quen thư giãn tại nhà như đọc sách, vẽ tranh, viết nhật ký, trồng cây, nấu ăn, chăm sóc cây cối,…
một số thói quen thay thế cho Bed rotting
Vận động nhẹ và tiếp xúc với thiên nhiên là biện pháp thay thế Bed Rotting lành mạnh

Trên đây là toàn bộ bài viết của Vua Nệm về Bed Rotting – nằm dài cả ngày đang được rất nhiều người quan tâm. Hi vọng rằng những thông tin này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất, qua đó nhận diện được ưu – nhược điểm cũng như cách ‘tận dụng’ liệu pháp này. Cảm ơn bạn đã quan tâm và đón đọc!

>>>Xem thêm: 

Bài viết liên quan:

Avatar
Minh Anh