Một chén nước mắm tỏi ớt hay mắm chua ngọt là gia vị gần như không thể thiếu trong các mâm cơm gia đình Việt. Đây không chỉ là thói quen mà còn như một nét truyền thống lâu đời. Để pha được một chén nước mắm chua ngọt ngon không phải điều quá khó, bạn cần nắm chắc và thực hiện theo các công thức chuẩn sau đó có thể điều chỉnh lại cho phù hợp với khẩu vị của gia đình. Hãy cùng tham khảo những cách pha nước mắm chua ngọt không chỉ ngon, chuẩn vị mà còn đơn giản ai cũng có thể làm được trong bài viết sau đây.
Nội Dung Chính
1. Cách pha nước mắm chua ngọt chuẩn vị theo từng món ăn
Nước mắm chua ngọt được ăn kèm với rất nhiều món ăn. Nhưng để tăng thêm độ hấp dẫn của các món ăn này thì cách pha nước chấm sẽ hoàn toàn khác nhau. Dưới đây sẽ là những cách pha nước mắm chua ngọt đơn giản ngay tại nhà:
1.1. Cách làm nước mắm chua ngọt chấm thịt luộc
Nguyên liệu
- Nước mắm nguyên chất
- Đường
- Nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội
- Nước cốt chanh hoặc giấm ăn
- Ớt, tỏi xay hoặc giã nhuyễn (tùy theo khẩu vị)
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đầu tiên, bạn cho hết phần tỏi, ớt đã xay hoặc giã nhuyễn cùng với 4 muỗng đường vào bát rồi trộn đều.
- Bước 2: Tiếp theo, bạn cho 6 muỗng nước vào khuấy đều cho đến khi đường tan hết.
- Bước 3: Cho 5 muỗng nước mắm và 1 muỗng nước cốt chanh hoặc giấm ăn vào và khuấy đều.
Như vậy với công thức trên bạn đã có ngay một chén nước mắm chua ngọt chấm thịt luộc chuẩn vị. Nếu bạn muốn nước chấm ngon hơn thì nên để ớt, tỏi giã nhuyễn thay vì xay.
1.2. Cách pha nước mắm chua ngọt ăn cùng cơm tấm, bánh ướt
Cơm tấm hay bánh ướt là món ăn quen thuộc mà hầu như ai cũng biết. Đặc biệt, nước chấm ăn kèm sẽ quyết định rất lớn đến độ thơm ngon của các món ăn này. Nếu chưa có công thức riêng của mình, bạn có thể pha nước chấm ăn kèm cơm tấm, bánh ướt theo hướng dẫn sau:
Nguyên liệu
- Nước mắm nguyên chất
- Một quả chanh
- Nước ấm
- Đường cát trắng
- Tỏi, ớt băm nhuyễn (tùy theo khẩu vị)
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đầu tiên cho ớt, tỏi đã băm và 3 muỗng canh đường vào bát rồi trộn đều lên.
- Bước 2: Cắt trái làm đôi rồi vắt nước cốt chanh vào bát đã chuẩn bị ở bước 1 rồi khuấy đều. Lưu ý, nước cốt chanh khi vắt bạn nhớ cho thêm phần tép chanh vào đồng thời không nên để cả hạt chanh vì như vậy sẽ khiến bát nước chấm sẽ bị đắng.
- Bước 3: Cho 1 muỗng canh nước ấm vào chén rồi tiếp tục khuấy đều đến khi đường tan và hỗn hợp bắt đầu sệt lại.
- Bước 4: Cuối cùng là cho 2 muỗng canh nước mắm vào bát và khuấy đều.
Với cách pha này thì phần tỏi, ớt băm sẽ luôn nổi trên mặt nước mắm dù bạn có để trong thời gian lâu từ 9-10 tiếng.
1.3. Cách pha nước mắm chấm chả giò cực ngon
Nước mắm chua ngọt chấm chả giò
Đối với các món chiên như chả giò, bạn cần một chén nước chấm chua chua ngọt ngọt theo công thức sau:
Nguyên liệu:
- Nước mắm nguyên chất
- Nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội
- Đường
- Một quả chanh
- Tỏi, ớt băm nhuyễn (tùy theo khẩu vị)
Cách thực hiện:
- Bước 1: Cắt chanh làm đôi sau đó vắt chanh ra bát chỉ lấy phần nước, bỏ vỏ và hạt chanh.
- Bước 2: Cho 1 muỗng canh đường, 4 muỗng canh nước, 3 muỗng canh nước mắm, cho vào bát nước cốt chanh và đảo đều cho tan đường.
- Bước 3: Thêm tỏi, ớt băm vào nhẹ nhàng khuấy đều là bạn đã hoàn tất.
1.4. Cách pha nước mắm chấm bánh xèo đơn giản cho 4 người ăn
Để thưởng thức món bánh xèo nóng hổi, giòn rụm và trọn vị nhất bạn cần pha nước mắm chấm chua chua cay cay theo cách sau đây:
Nguyên liệu:
- Nước mắm
- Nước dừa tươi
- Nước cốt chanh
- Ớt, tỏi băm (tùy theo khẩu vị)
- Đường, bột ngọt
Cách thực hiện:
- Bước 1: Bắc nồi lên bếp mở lửa vừa rồi thêm vào nồi 400g đường, 200ml nước mắm, 400ml nước dừa tươi rồi khuấy nhẹ cho đến khi đường tan hết.
- Bước 2: Thêm 2 muỗng cà phê bột ngọt vào nồi. Bạn có thể nêm nếm lại sao cho vừa ăn rồi tắt bếp rồi để nguội.
- Bước 3: Đến khi nước mắm đã nguội, bạn thêm 100ml nước cốt chanh, ớt băm, tỏi băm vào là xong.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thêm vào nước mắm chấm một ít đồ chua ăn kèm tùy theo sở thích của mình.
2. Cách làm nước mắm chua ngọt truyền thống, bảo quản lâu
Nước mắm chua ngọt thường có thời gian sử dụng rất ngắn, nếu để ở nhiệt độ bình thường bạn chỉ có thể bảo quản được từ 2-3 ngày mà thôi. Để bảo quản được nước chấm lâu hơn, bạn có thể thực hiện cách pha nước mắm chua ngọt theo hướng dẫn sau:
Nguyên liệu:
- Nước mắm nguyên chất: 1 muỗng canh
- Đường cát trắng: 1 muỗng canh
- Nước lọc: 2 muỗng canh
- Muối: 1-2 muỗng cà phê
- Một trái thơm cắt lát: 1 trái
- Một khúc mía nhỏ: 1 khúc nhỏ
- Nước cốt chanh: 3 muỗng cà phê
- Tỏi, ớt băm nhuyễn (tùy theo khẩu vị)
Cách thực hiện:
- Bước 1: Cho 2 muỗng canh nước lọc vào nồi nhỏ rồi đun sôi. Đến khi nước sôi thì hạ lửa nhỏ lại.
- Bước 2: Cho 1 muỗng canh nước mắm, thơm cắt lát và mía vào nồi và tiếp tục đun cho đến khi sôi.
- Bước 3: Cho vào nồi 1-2 muỗng cà phê muối rồi khuấy đều. Sau đó đậy nắp lại đun sôi với lửa nhỏ từ 5-6 phút thì tắt bếp, để nguội.
- Bước 4: Khi hỗn hợp nước mắm đã nguội hẳn thì bạn cho tỏi, ớt băm nhuyễn vào trộn đều và cho nước cốt chanh vào rồi khuấy đều là xong.
Nếu bạn muốn kéo dài thời gian sử dụng thì hãy cho nước mắm đã pha xong vào lọ thủy tinh sạch, đậy kín nắp rồi mang đi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Với cách làm này, bạn có thể kéo dài thời gian bảo quản lên đến 1 tháng.
Chỉ với vài bước thực hiện đơn giản, bạn đã tạo ra nước mắm với hương vị chua chua, ngọt ngọt cùng vị cay the the đậm đà, hấp dẫn. Ưu điểm của cách pha này là không chỉ có thể sử dụng được lâu mà còn thích hợp khi ăn cùng với nhiều món như cơm tấm, bún thịt nướng, gỏi cuốn hoặc bánh hỏi…
3. Lưu ý khi pha nước mắm chua ngọt
Ngoài việc thực hiện theo đúng công thức, thì để pha nước mắm chua ngọt ngon, bạn cần phải lưu ý một số điều sau:
- Khi lấy nước cốt chanh, bạn cần phải lọc hết hạt chanh. Vì phần hạt này sẽ làm cho bát nước chấm bị đắng.
- Băm thật nhỏ hoặc thật nhuyễn tỏi, ớt. Nếu không ăn cay được thì bạn nên bỏ hạt ớt đi.
- Trên đây chỉ là các công thức pha nước mắm chuẩn vị, nên khi thực hiện bạn có thể điều chỉnh lại theo sở thích, khẩu vị của gia đình.
Ngoài ra, để bảo quản mắm được lâu bạn nên chọn những loại nước mắm nguyên chất có độ đạm cao từ 40 độ.
Nước mắm chua ngọt thường sử dụng các nguyên liệu tươi, chính vì vậy rất dễ bị hỏng. Do đó, khi nhận thấy nước mắm có hiện tượng lên men, đóng mốc hoặc có mùi hôi thì có thể là nước mắm đã bị oxy hóa, bạn nên bỏ ngay không nên tiếp tục sử dụng.
>> Xem thêm:
- Cách pha mắm nêm chấm thịt luộc, gỏi cuốn siêu ngon
- Cách pha mắm tôm ngon, chuẩn vị mà các đầu bếp không muốn bạn biết
Trên đây là những cách pha nước mắm chua ngọt cùng với các lưu ý để có những bát nước chấm chuẩn vị, thơm ngon. Cách thực hiện và nguyên liệu cũng vô cùng đơn giản. Vì vậy, chần chừ gì nữa mà không tạo ra những bát nước chấm đậm đà để bữa cơm nhà thêm hấp dẫn. Chúc bạn thành công!