Sách Dưỡng sinh Tam Yếu đã viết rằng giấc ngủ là niềm vui lớn nhất của đời người, ngủ ngon, đủ giấc là cách dưỡng sinh tốt nhất và tốt hơn bất kì phương pháp chăm sóc sức khỏe nào. Giấc ngủ dưỡng sinh giúp cơ thể thay thế các tế bào già, hư hại và phục hồi cơ quan nội tạng.
Dưới sức ép của nhịp sống hiện đại, giấc ngủ dưỡng sinh càng nên chú trọng. Để học hỏi kinh nghiệm sống khỏe sống thọ của người xưa, mời bạn đọc tham khảo ngay 9 nguyên tắc ngủ dưỡng sinh được đúc kết từ cổ nhân trong bài viết dưới đây nhé!
Nội Dung Chính
- 1. Giấc ngủ theo quan niệm Đông Y
- 1.1. Nguyên tắc 1: Ngủ không trùm đầu
- 1.2. Nguyên tắc 2: Ngủ không quay về hướng Bắc
- 1.3. Nguyên tắc 3: Không nên thường xuyên nằm ngửa khi ngủ
- 1.4. Nguyên tắc 4: Không tức giận trước khi ngủ
- 1.5. Nguyên tắc 5: Không nên ăn no trước khi đi ngủ
- 1.6. Nguyên tắc 6: Nằm ngủ không nên đối diện với đèn
- 1.7. Nguyên tắc 7: Chỗ ngủ không nên thông gió
- 1.8. Nguyên tắc 8: Đầu không nên quay vào bếp lửa khi ngủ
- 1.9. Nguyên tắc 9: Ngủ trước giờ Tý
- 2. Kết luận
1. Giấc ngủ theo quan niệm Đông Y
Người xưa tin rằng giấc ngủ lấy sự vận hành của doanh khí và vệ khí làm cơ sở. Mọi sự xáo trộn của 2 dòng khí này đều gây ra các vấn đề về sức khỏe. Đây là 2 thứ vật chất cùng nguồn mà khác dòng. Trong đó:
- Doanh khí là tinh khí của các loại thực phẩm mà cơ thể nạp vào, bắt nguồn từ tỳ vị mà ra. Nó thuộc tính âm, tính nhu thuận nên đi trong lòng mạch
- Vệ khí thuộc dương, tính cương cường lưu lợi, đi ngoài lòng mạch.
Bộ sách Nội kinh linh khu thiên Vệ khí hành viết : “Dương chủ ngày, âm chủ đêm. Sự vận hành của vệ khí một ngày một đêm là 50 vòng, ban ngày vận hành 25 vòng ở dương, ban đêm vận hành 25 vòng ở âm. Cho nên, hết âm thì dương xuất hiện ở mắt, mắt mở thì khí chạy lên đầu, vì thế người ta ngủ thức có lúc sớm lúc muộn là vậy”.
Cho thấy sự vận hành hài hòa giữa 2 dòng khí ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người như thế nào, đồng thời nhấn mạnh sự quan trọng của việc ngủ đủ, thức dậy đúng giờ.
Giấc ngủ giúp thúc đẩy sự phục hồi sức khỏe, loại bỏ tình trạng suy nhược về thể chất lẫn tinh thần. Khi con người trong trạng thái nghỉ ngơi, tất cả các công năng cảm giác như khứu giác, thính giác, thị giác, xúc giác đều giảm đến mức tối thiểu. Chúng ta gần như rơi vào trạng thái mất nhận thức, mất liên hệ với thực tại.
Ở trạng thái này, cơ thể mới có thể sản sinh ra các tế bào khỏe mạnh thay thế cho các tế bào đã hư hại, đặc biệt là tế bào da. Giấc ngủ càng bị gián đoạn thì quá trình này càng bị ứ tắc.
Để dễ hiểu hơn, hãy giả sử rằng cứ 1 ngày trôi qua, chúng ta lại mất đi 1 triệu tế bào, thì việc ngủ thiếu giấc, mất ngủ sẽ ức chế quá trình sản sinh chỉ còn 500 ngàn tế bào mới mỗi ngày, như vậy cơ thể bạn sẽ rơi vào tình trạng thiếu tế bào mới, lâu dần sức khỏe sẽ bị hụt rỗng giống như củ cải bị xốp.
Nhắc đến giấc ngủ dưỡng sinh, thì không thể không nhắc đến một câu nói nổi tiếng của danh y Văn Chí sống ở thời Chiến Quốc như sau: “Đạo dưỡng sinh của tôi đặt giấc ngủ ở vị trí cao nhất, người và động vật chỉ có ngủ mới lớn lên, bởi nó giúp tỳ vị tiêu hóa thức ăn, đây là thứ bổ nhất trong dưỡng sinh, một người nếu không ngủ 1 buổi tối thì mất 100 ngày cũng không thể hồi phục sức khỏe bị tổn hại”.
1.1. Nguyên tắc 1: Ngủ không trùm đầu
Cổ nhân nói rằng đầu là bộ phận quan trọng nhất cần được bảo vệ trên cơ thể, đây là nơi hội tụ của những kinh mạch chính của toàn thân, giúp khí huyết vận hành lưu thông khắp cơ thể.
Xuất từ bộ sách “Thiên Kim Yếu Phương” của danh y Tôn Tư Mạc đời Đường, việc che kín đầu khi ngủ có thể dẫn tới đổ mồ hôi đầu, khiến các các bệnh ngoại tà thừa cơ làm xáo trộn sự vận hành của khí huyết.
1.2. Nguyên tắc 2: Ngủ không quay về hướng Bắc
Nguyên tắc này được đúc kết từ bộ sách “Lão lão hằng ngôn” vì khi nằm ngủ quay đầu về hướng Bắc, cơ thể con người dễ bị âm khí quấy nhiễu, khiến cho bộ não bị tiêu hao năng lượng. Người ngủ dậy dễ sinh cảm giác chán nản, mệt mỏi.
Hướng ngủ này cực kỳ nguy hiểm nhất là khi Đông Và Thu sang, tà khí phong hàn từ phương Bắc thổi đến dễ ảnh hưởng đến lưu thông khí huyết toàn thân, gây đau nhức xương khớp và giấc ngủ không liền mạch.
1.3. Nguyên tắc 3: Không nên thường xuyên nằm ngửa khi ngủ
Mặc dù có nhiều sách báo đề cập đến lợi ích của việc ngủ nằm ngửa so với các tư thế ngủ khác (nằm nghiêng, nằm sấp) tuy vậy không nên thường xuyên nằm ngửa khi ngủ. Nguyên do vì sao? Cổ nhân nói“Thụy bất yếm xúc, giác bất yếm thư” , tức khi ngủ thân cong gập gối để sinh khí không tản đi, còn khi thức nên thư giãn hoạt động để khí huyết lưu thông.
Mặc dù vậy, không có tài liệu nào cho thấy việc ngủ ngửa là nên tránh tuyệt đối. Thực tế, tư thế này mang đến khá nhiều lợi ích và cả mặt bất lợi. Lời khuyên là bạn nên ngủ ở tư thế này lâu dài, nên thường xuyên thay đổi tư thế nằm.
Lợi ích của ngủ ngửa:
- Giữ cho cột sống luôn thẳng hàng
- Hạn chế hiện tượng trào ngược acid, ợ chua
- Tránh gây chèn ép, hằn sâu nếp nhăn ở khu vực tiếp xúc như da mặt, ngực
Một số bất lợi của việc nằm ngửa gồm:
- Gây áp khiến cơ bắp không thể thả lỏng
- Người ngủ ngửa tay thường đặt trên lồng ngực dễ ảnh hưởng thường đến nhịp thở và nhịp tim
- Dễ sinh ác mộng
- Gây hiện tượng ngủ ngáy do cổ họng, lưỡi bị kéo xuống, ngăn cản lượng không khí vào cơ thể qua cổ họng.
Một số lời khuyên dành cho những ai có thói quen ngủ ngửa:
- Bạn nên bố trí thêm gối mềm mại để nâng phần chân
- Nên nằm gối có độ cao vừa phải, không nên quá thấp để tạo điều thuận lợi cho đường thở.
- Nên nằm ngửa trong trạng thái hai tay thả lỏng đặt qua đầu, điều này giúp cột sống và cổ được thư giãn, ngăn ngừa đau nhức vai gáy.
1.4. Nguyên tắc 4: Không tức giận trước khi ngủ
Sách Y học cổ truyền kinh điển Tố Vấn, Thiên ba mươi chín CỬ THỐNG LUẬN đã đề cập tới nguyên tắc này, cụ thể “Nộ tắc khí thượng, hỉ tắc khí hoãn, bi tắc khí tiêu, khủng tắc khí hạ, kinh tắc khí loạn, ưu tắc khí kết”.
Ngụ chỉ mọi bệnh tật của chúng ta đều bắt nguồn từ khí, phẫn nộ thì khí thăng, mừng vui thì khoá hoà hoãn, khổ đau thì khí tiêu tán, kinh hãi thì khí hạ, kinh sợ thì khí loạn.
Chính vì thế, cảm xúc có tác động rất lớn sức khoẻ của con người, mọi sự biến đổi trong cảm xúc đều dẫn tới sự thay đổi của khí. Chính từ sự am hiểu đó, cổ nhân cho rằng việc tức giận trước khi đi ngủ hay có bất kỳ các cảm xúc thái quá nào sẽ gây rối loạn giấc ngủ và bệnh tật.
1.5. Nguyên tắc 5: Không nên ăn no trước khi đi ngủ
Việc ăn no trước khi ngủ sẽ tăng áp lực lên dạ dày và đường tiêu hoá, đặc biệt là các thức ăn dầu mỡ, đồ cay. Người xưa thường cố gắng ăn ít vào buổi tối, thức ăn dùng ít muối ít đường và thường kết hợp rau quả xanh để hỗ trợ hệ tiêu hoá.
Không nên ngủ vội sau khi ăn xong, thay vào đó, có thể vận động nhẹ nhàng “chờ cờ hát kịch” để tinh thần thư thái. Cũng nên từ bỏ thói ngủ nướng, “nghe tiếng gà gáy, đừng cố nằm thêm”
1.6. Nguyên tắc 6: Nằm ngủ không nên đối diện với đèn
Kinh nghiệm dưỡng sinh này được đúc kết lại vì người xưa thấy rằng đèn ngủ sẽ làm cho tâm trí không ổn định, gây khó ngủ. Hiện nay, khoa học cũng đã chứng minh được điều này, cụ thể ánh sáng từ đèn (bao gồm cả các thiết bị điện tử) sẽ ức chế quá trình tiết Melatonin có vai trò tạo cảm giác buồn ngủ.
Bên cạnh đó, cổ nhân cũng tin rằng, nằm ngủ đối diện đèn còn gây ra các cơn buồn nôn, chóng mặt vào sáng hôm sau.
1.7. Nguyên tắc 7: Chỗ ngủ không nên thông gió
Phép dưỡng sinh Đông Ý cho rằng, chỗ ngủ không nên thông gió vì gió là nguyên nhân sinh ra bách bệnh. Khi ngủ, cơ thể con người hình thành một lớp bảo vệ dương khí, nếu nằm ở hướng thông gió, chúng sẽ thổi tan lớp này.
Kết quả là cơ thể rệu rã hơn, sắc mặt vàng vọt và đầu óc nặng nề. Đặc biệt là những ngày nhiệt độ giảm xuống, cơ thể dễ bị phong khí xâm nhập, gây trúng gió, đau mỏi xương khớp.
1.8. Nguyên tắc 8: Đầu không nên quay vào bếp lửa khi ngủ
Theo phong thuỷ nhà ở, hướng giường ngủ quay đầu vào bếp đun cực kỳ xấu, gây bất lợi về đường sức khỏe vì lửa bếp cháy hừng hực, làm nhiễu loạn năng lượng của giường ngủ, sản sinh ra chứng bệnh đau tim. Bên cạnh đó, cổ nhân cho rằng vị trí này còn có thể làm tổn thương não.
1.9. Nguyên tắc 9: Ngủ trước giờ Tý
Theo thuật dưỡng sinh cổ đại: “Giấc ngủ là quan trọng nhất trong dưỡng sinh, một đêm không ngủ, trăm ngày không bù hết”. Và nhịp sống hiện đại đã khiến cho cơ thể chúng mất đi cơ hội để sinh dưỡng và hồi phục. Người xưa thường tranh thủ làm xong các công việc để lên giường sớm trước giờ Tý (23:00).
Khác với con người thời nay, theo quan niệm xưa, thực ra 11 giờ đêm mới là giờ bắt đầu ngày mới. Đây là khung giờ kinh lạc của gan mật. Nếu như không ngủ, sẽ gây tổn hại cho khí huyết ở túi mật, dẫn đến sự xuống cấp chức năng hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể như khả năng chuyển hoá, khả năng miễn dịch,… Bên cạnh đó, còn có thể gây ra các loại tâm bệnh như trầm cảm, ác mộng, bồn chồn,…
2. Kết luận
Cuộc sống hiện đại càng hối hả, càng xô bồ bao nhiêu thì các vấn đề giấc ngủ lại càng dần trở nên phổ biến bấy nhiêu. Con người hiện đại sẵn sàng hy sinh giấc ngủ để theo đuổi những mục tiêu lớn của cuộc đời, làm giàu và hưởng thụ những cuộc vui bất tận về đêm.
Để rồi càng cao tuổi, ta càng khát khao có được giấc ngủ ngon trọn vẹn và làm mọi cách để có được nó. Đừng để quá muộn, hãy học cách trân trọng giấc ngủ từ bây giờ và luyện tập giấc ngủ dưỡng sinh của người xưa để ngủ ngon, sống trọn hơn mỗi ngày bạn nhé!
Đọc thêm: Lời dạy của thần y Hoa Đà giúp bạn có giấc ngủ ngon