Lễ Phục Sinh vốn là một trong những ngày lễ lớn đặc biệt ý nghĩa với người theo đạo Thiên chúa. Vào dịp trọng đại này, tất cả mọi người sẽ cùng bên nhau và thưởng thức những bữa cơm ấm cúng. Cùng Vua Nệm khám phá danh sách các món ăn truyền thống trong lễ Phục Sinh phổ biến trên khắp thế giới nhé!
Nội Dung Chính
1. Bánh Simnel – Món ăn truyền thống trong lễ Phục Sinh
Bánh Simnel là món ăn thơm ngon được làm từ nguyên liệu gồm bột hạnh nhân, bột mì, bơ, đường, sữa, trứng, bột nở và và trái cây khô như chanh, cam, nho khô, phúc bồn tử, mứt, anh đào, việt quất…
Người Anh sẽ ăn bánh Simnel đều đặn vào mỗi mùa chay bắt đầu trước lễ Phục Sinh khoảng 40 ngày. Điểm đặc biệt của chiếc bánh Simnel là ở phần trang trí. Bề mặt bánh sẽ được tô điểm bởi rất nhiều viên bánh hạnh nhân (thường là 12 chiếc) tạo thành một hình tròn lớn đại diện cho những tông đồ của chúa Giêsu.
2. Bánh Hot Cross Bun
Bánh Hot Cross Bun còn gọi là bánh mì chữ thập cũng là một món ăn phổ biến mỗi dịp lễ Phục Sinh của người Anh. Loại bánh này có vị ngọt thơm hấp dẫn được làm từ hoa quả khô.
Biểu tượng hình chữ thập trên mặt bánh đại diện cho hình ảnh chúa Giêsu bị đóng đinh vào cây thánh giá mang ý nghĩa xua đuổi những điều bất hạnh và ma quỷ. Loại bánh này thường được ăn vào ngày lễ thứ sáu (Good Friday) diễn ra trước lễ Phục Sinh và biểu hiện cho sự kết thúc mùa chay.
3. Magiritsa
Magiritsa là món súp của người Hy Lạp được làm từ nội tạng cừu, rau thơm, gạo và hành tây. Ở một số nơi, món ăn sẽ được biến tấu bằng cách thay thế gạo bằng thật nhiều rau. Người dân Hy Lạp thường sử dụng Magiritsa ngay sau lễ Anastasia nhằm thể hiện sự chấm dứt mùa chay và ăn mừng lễ Phục Sinh. Món ăn còn là tượng trưng cho sự quay trở lại nhịp sống bình thường sau khi Chúa Giêsu tái sinh.
4. Kulich
Kulich là món ăn truyền thống của Nga gắn liền với ngày lễ Phục Sinh. Đây là một loại bánh mì nướng có hình trụ phủ bột đường phía bên trên mặt bánh. Điểm nhấn là chúng có rất nhiều màu sắc và nhân được làm từ các loại hoa quả khô hoặc mứt.
Với tín ngưỡng của người Nga, bánh Kulich đại diện cho ý nghĩa tưởng nhớ Chúa Giêsu thiết đãi môn đệ bằng bánh mì và đại diện cho đức tin, lòng trung thành của tín đồ dành cho sự hồi sinh của Chúa.
5. Thịt nguội nướng
Có thể nói, thịt nguội nướng là món ăn có nguồn gốc lâu đời của Mỹ vào các dịp lễ Phục Sinh. Thời xa xưa, khi chưa có tủ lạnh để bảo quản thức ăn, người Mỹ đã có sự sáng tạo thông minh bằng cách sấy khô, xông khói và sau đó ướp muối để dùng dần.
Để cân bằng hương vị cho món thịt nguội nướng, người ta sẽ thêm vị ngọt bằng cách ướp thịt với hỗn hợp men nấu từ mật ong, đường nâu và thơm.
6. Pashka
Pashka là món tráng miệng gắn liền với mỗi dịp lễ Phục Sinh của Nga được làm từ trái cây khô, các loại hạt và kem phô mai. Hình dáng của bánh cũng rất đặc biệt với hình kim tự tháp bị cắt đỉnh mang ý nghĩa tượng trưng ngôi mộ của Chúa cùng dòng ký hiệu XB (Христосъ Воскресe) mang ý nghĩa Chúa đã sống lại.
7. Flaouna
Flaouna là loại bánh mì có nhân làm từ nho khô phô mai cực hấp dẫn với hương vị thơm béo. Trên mặt bánh được trang trí bởi rất nhiều hạt mè trắng nổi bật giữa màu bánh vàng nâu đẹp mắt. Ở Cộng hòa Síp, Flaouna được sử dụng vào trước mùa lễ Phục Sinh nhằm mục đích kết thúc mùa chay và chào đón niềm vui hân hoan ngày Chúa tái sinh.
8. Torta Pascualina
Trong tiếng Tây Ban Nha thì Torta Pascualina có nghĩa là bánh tart phục sinh. Đúng như tên gọi, món ăn này được người dân xứ sở bò tót Tây Ban Nha và Argentina sử dụng vào mỗi dịp lễ Phục Sinh.
Bánh được chế biến khá công phu với nguyên liệu gồm rau chân vịt, rau mùi tây, phô mai ricotta, atiso và trứng luộc mang ý nghĩa Chúa tái sinh.
9. Mämmi
Mämmi là món tráng miệng không thể thiếu của người dân Phần Lan vào mỗi dịp lễ Phục Sinh. Bánh được chế biến kỳ công với nguyên liệu từ bột lúa mạch đen, nước, vỏ cam Seville khô. Sau khi nướng, bánh sẽ được giữ lạnh khoảng 3-4 ngày trong tủ lạnh nhằm tạo hương vị thơm mát, ngọt tự nhiên ngon khó cưỡng.
Khi thưởng thức, bạn có thể dùng bánh kèm với kem hoặc, sữa tươi để nhấn mạnh thêm độ thơm béo.
10. Chân cừu nướng
Chân cừu nướng còn được gọi là le gigot d’agneau Pascal (nguyên văn tiếng Pháp) là món ăn dành riêng cho ngày lễ Phục Sinh của người Pháp. Quy trình thực hiện món ăn cũng rất đơn giản với nguyên liệu chính là chân cừu kết hợp cùng với các loại gia vị như muối, tiêu, tỏi, dầu ô liu và một vài loại thảo mộc.
Theo tín ngưỡng văn hóa, người dân Pháp tin rằng ăn thịt cừu nướng vào mùa lễ Phục Sinh sẽ đem lại nhiều may mắn, tài lộc.
11. Colomba Di Pasqua
Bánh Colomba Di Pasqua còn được biết đến với cái tên Easter Dove (chim bồ câu Phục Sinh) bởi có hình dáng tương tự như một chú chim bồ câu. Đây là món ăn nổi tiếng ở Ý có nguyên liệu từ bột mì, đường, trứng, nấm tươi, bơ, kẹo vụn… mang ý nghĩ ca ngợi Chúa đồng thời hướng về sự tự do, hòa bình.
Người dân Ý sử dụng bánh Colomba Di Pasqua để đánh dấu khép lại mùa chay ngay trước lễ Phục Sinh 40 ngày.
12. Fanesca
Fanesca là món súp truyền thống của người Ecuador dùng vào tuần lễ Thánh trước lễ Phục Sinh khoảng 1 tuần. Nguyên liệu chế biến món súp từ cá tuyết muối khô, bầu, bí ngô, ngũ cốc và các loại đậu tạo nên hương vị đậm đà. Cùng với đó là rau mùi, thảo mộc, trứng luộc, chuối chiên trang trí phía bên trên rất đẹp mắt.
Điểm đặc biệt là món súp Fanesca cũng được trang trí 12 hạt đậu đại diện cho 12 tông đồ của Chúa Giêsu nhằm thể hiện sự tôn kính của người Ecuador với Chúa và tôn giáo của mình.
13. Tsoureki
Thêm một món ăn phổ biến vào dịp lễ Phục Sinh của người Hy Lạp là Tsoureki được làm từ sữa, bơ, bột mì và đường. Đây là loại bánh mì được làm từ loại men có hương cam cùng một gia vị đặc trưng có tên là mahlab. Điểm thú vị là ở đầu bánh sẽ được tạo vài cái hố nhỏ và đặt trong đó những quả trứng bị nhuộm đỏ rất lạ mặt tượng trưng cho dòng máu đỏ của Chúa Giêsu.
14. Zurek
Zurek hay còn được gọi là súp White Borscht được dùng phổ biến tại nhiều dịp lễ quan trọng của người Ba Lan, trong đó có lễ Phục Sinh. Món súp thơm ngon này là sự tổng hòa của các nguyên liệu như bột lúa mạch đen, trứng luộc, xúc xích, khoai tây cùng nhiều loại gia vị quen thuộc.
Điểm hay khi chế biến là Zurek không có công thức nhất định, các bà nội trợ sẽ nêm nếm gia vị và sáng tạo để phù hợp với khẩu vị của các thành viên trong gia đình.
15. Súp Chervil
Nhắc tới súp Chervil, người ta sẽ nghĩ ngay tới dịp lễ Phục Sinh của Đức. Ngoài tên gọi Chervil, loại súp này còn được người Đức gọi với cái tên thân thương là kerbelsuppe – có nghĩa là cây thảo mộc chervil nguyên liệu chính của món ăn. Súp Chervil có màu xanh rất bắt mắt và sẽ thường được ăn vào ngày thứ 5 trước lễ Phục Sinh (Green Thursday).
Như vậy, Vua Nệm đã giới thiệu tới quý bạn đọc Top 15 món ăn truyền thống trong lễ Phục Sinh của nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu bạn muốn thử thưởng thức những món bánh thơm ngon và trực tiếp trải nghiệm không khí lễ Phục Sinh của đạo Thiên chúa thì hãy lên kế hoạch du lịch ngay nhé!